Yêu nước là gì thế?
(Xóa đi viết lại vài lần) Suy nghĩ mỏi mòn, quên ăn ngủ, hỏi: Thế nào là yêu nước? Tôi nghe nhiều người nói về tình yêu nước,...
(Xóa đi viết lại vài lần)
Suy nghĩ mỏi mòn, quên ăn ngủ, hỏi: Thế nào là yêu nước?
Tôi nghe nhiều người nói về tình yêu nước, được diễn giải qua các biểu hiện như: xây dựng quê hương, chiến đấu bảo vệ biên cương, hy sinh anh dũng,... Không hề sai, phải có lòng yêu, người ta mới dám dâng đi cả xương máu của mình. Có điều, cũng chưa hẳn là đúng.
Đúng theo một chiều, chiều ngược lại: người yêu nước không đồng nghĩa với việc phải chết vì một nền tự do. Bạn có đồng tình với tôi không?
Ông cha ta đã kinh qua chiến chinh, đến nỗi mặc định cho kha khá những quan điểm rút ra từ thời kỳ ấy. Đơn cử như thể hiện lòng yêu nước bằng việc tòng quân, bảo vệ những thứ lớn hơn bản thân mình, đặt cái tôi qua bên để hòa vào cái "ta" rộng lớn. Hồi 45-54, viết về tình yêu nam nữ mà không chen vào cổ vũ vệ quốc, là một điều cấm kỵ. So với đất nước, có phải những chuyện riêng tư như yêu đương, là tầm thường?
Đọc thêm:
Hồi bé, cho đến những năm trước đây, mình hay hứng thú với những câu chuyện kháng chiến. Nhưng rồi mình thấy người lớn kể lại nhiều quá, nhất là những người già. Đôi khi sự rung động hay khoảnh khắc hạnh phúc của ngày giải phóng đã mất rồi, chỉ còn lại kỷ niệm. Mình tin là có những người ám ảnh chiến tranh đối với họ chưa đủ lớn để họ xúc động đến tận ngày hôm nay, mà chỉ bởi họ không còn điều gì để thương tiếc nữa. Hoặc cũng có thể, họ cảm thấy chỉ có những câu chuyện ấy mới đáng để kể lại.
Rồi mình nghĩ, liệu cảm xúc của họ bao nhiêu phần là thật, của chính mình nữa. Mình có yêu nước không? Mình không kháng chiến, không tôn thờ đất nước, có thể sợ hãi bom đạn,... Mình chẳng giống gì các anh bộ đội dũng cảm, nhưng mình vẫn tự hào nói mình yêu đất nước này. Vì sao ư?
Vì tình yêu là một câu chuyện riêng, là những lăng kính muôn màu. Giữa 1000 người, chẳng có một tình yêu giống nhau. Hơn hết, nó là câu chuyện thật và đi ra từ sự tự nguyện của cá nhân mỗi người. Ai nói sinh ra nơi đâu là phải yêu nơi ấy? Không, quan trọng là bạn đã gắn bó với nơi đó đủ lâu hay chưa. Dù là người gốc Việt, nhưng anh ta sinh ra ở đất Mỹ, hay Nga, ai có thể ép anh ta phải yêu nước Việt. Hay kể cả, một người Việt, trên đất Việt, nhưng lớn dần lên anh ta nhận ra mình thuộc về một vùng đất khác và cảm mến vùng đất đó hơn, thậm chí định cư nơi đó. Kể cả anh ta nói anh ta không yêu nước Việt, cũng không sao hết. Đó là lựa chọn.
Những đứa trẻ con nghĩ mình yêu nước, chỉ là những ý niệm mơ hồ. Nhưng cũng có thể đám trẻ lại yêu nước thật lòng. Chúng trong trẻo và thẳng thắn. Chúng dành cho mọi người tình cảm đúng với suy nghĩ của chúng, không phủ bên ngoài những lớp mặt nạ. Người lớn thì hay cả nghĩ, bị đô thị hóa xâm nhập vào tâm hồn, yêu nước trở nên thực dụng như những công trình, những đóng góp, những dựng xây tầm cỡ,... Trẻ con chỉ nghĩ về yêu nước như một chiều thả diều, ngang qua một mặt sông nắng chiếu...
Tuy nhiên trẻ con lại chưa gọi tên cảm xúc của chúng là yêu nước, chúng chỉ làm những điều chúng muốn. Điều đó người lớn ta cần học hỏi. Bởi ta làm theo người khác muốn lại nhiều hơn, quyết định của ta nằm trong sự cân nhắc để hài hòa với đám đông. Có lẽ vì thế mà như một hiệu ứng dây chuyền, một người nói yêu nước vì những chiến sĩ cách mạng, yêu nước vì dân tộc Việt Nam đã đi qua bao nhiêu cuộc chiến vĩ đại mà vẫn đứng vững,... thì hàng ngàn hàng vạn người cũng đồng tình rằng mình yêu nước y như thế. Tôi đã từng, viết trong bài văn thời phổ thông của mình, về tình yêu nước đại trà và có phần khuôn sáo như thế đấy. Cốt chỉ để nhanh cho xong chuẩn 4 mặt giấy của bài viết 90 phút.
Đọc thêm:
Tôi còn nghĩ như thế này, nghe có vẻ lạ, nhưng: Yêu nước là không nói rằng mình yêu nước. Tôi thấy kệch cỡm, buồn cười khi đọc những người phát ngôn đầy táo bạo là yêu nước, tôi yêu Việt Nam các thứ, mà đăng dòng chữ ấy có đúng 1 lần/ năm ( vào ngày 2/9). Rồi có những người nói yêu nước, nhưng hành động thì trái ngược. Yêu nước trở thành một cái mác gắn trên cái bình rỗng, họ lấy ra để trưng diện, thể hiện, và đợi dịp để gây hấn, kích động cho các phong trào bạo động.
Hiềm khích của Việt Nam với Trung Quốc hay Mỹ xưa nay thì ai cũng biết. Nhưng bỏ qua quá khứ và sống với hiện tại mới là điều nên làm. Hay chí ít, là không đả động đến những vấn đề nặng tính chính trị như vậy trong các bài viết về nghệ thuật. Bộ phim Mulan (2020) mới đây bị tẩy chay chủ yếu vì Lưu Diệc Phi từng có những phát ngôn về chủ quyền Trung Quốc, người chê theo góc độ nghệ thuật chỉ chiếm phần thiểu số. Đáng sợ không phải kẻ ngoại xâm, mà là những kẻ giả vờ yêu nước, để mượn gió bẻ măng, gây ra bất hòa chia rẽ cho một thế giới đang cố gắng tiến về tương lai. Điều bọn chúng, những kẻ "yêu nước" đó muốn thực chất là thỏa mãn thói hiếu chiến, cơ hội, trông đợi những cuộc chiến để chúng là kẻ ngồi trong bóng tối và quan sát.
Tôi không muốn viết quá nhiều về chuyện yêu nước, vì dễ làm tầm thường hóa một tình cảm cao đẹp. Thêm nữa, tôi cũng không thực sự yêu đất nước này, vì tôi chẳng hứa trước điều gì cho đất nước. Tôi làm mọi chuyện để vì tôi đã, ngay cả chính những người gần gũi cũng chưa phải mục đích của tôi, đất nước càng không. Tôi yêu nước cũng không phải bởi đất nước đã cho tôi một quốc tịch, một nơi quay về nếu mai này tha phương,... chỉ bởi ở đất nước này, tôi gắn bó và hiểu được nhiều nhất. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén mà thôi, tôi đã dành hai mươi mấy năm đời ở đây, đất nước hiểu tôi và tôi cũng thế. Tôi không lớn tiếng "tôi yêu", vì cái áo đó quá rộng, tôi chưa chắc mặc vừa. Mai đây biết đâu lại yêu Nhật, yêu Mỹ, Mexico, Đức,... tình yêu mà, ai nói trước được gì.
Chỉ xin một điều thế này, với tất cả mọi người: Xin hãy công bằng và bao dung với nhau hơn. Vì một mai này là tận thế, chúng ta cũng là con người, cùng phải dựa vào nhau. Mà dù sao, đâu cần thiết có lý do gì, đúng không?
"Hãy yêu nhau đi, dòng nước đã trôi xa
Nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ
Ngày mai mong chờ, ngày sẽ thiên thu..."
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất