/Art: Ibuki Satsuki/
/Art: Ibuki Satsuki/
Khi tôi nhắm mắt, tôi cảm nhận được gió mơn man trên da thịt mình. Đó là cơn gió tháng Năm, đậm mùi thức quả vỏ cứng, ruột trơn và đầy hạt. Quả bị tách đôi, phần ruột trần trụi giữa không trung, vài hạt bắn lên tay tôi, một cảm giác tê tái vì kim châm dần lan ra trên lớp da mỏng.
“Mấy giờ rồi ạ?”, người em họ hỏi tôi. Cậu thấp hơn tôi gần hai tấc, khi nói chuyện đều phải ngước lên.
“Mười giờ hai mươi.”, tôi nhìn đồng hồ.
“Đồng hồ đó chạy đúng không anh?”
“Yeah, anh nghĩ là có.”
Em họ bám vào cánh tay tôi để xem đồng hồ rõ hơn. Những ngón tay mảnh, dài của cậu khỏe hơn tôi nghĩ. “Nó có mắc lắm không?”
“Không, khá là rẻ.”, tôi nói, mắt nhìn lên biển giờ xe thêm một lần nữa.
Không có hồi đáp.
Em họ trông có vẻ bối rối. Môi nó mấp máy, những cái răng trắng lấp ló khiến tôi liên tưởng đến những mảnh xương vỡ.
“Nó khá là rẻ.”, tôi chậm rãi lặp lại từng chữ, nhìn thẳng vào nó. “Nó khá là rẻ, và nó chạy giờ đúng.”
Em họ tôi gật đầu, nhưng vẫn không nói gì.
Em họ tôi không thể nghe rõ bên tai phải. Khi học tiểu học, nó bị một quả bóng chày đâm trúng, tổn thương thính giác. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến cuộc sống của nó lắm. Nó học ở một trường bình thường, sống một cuộc sống bình thường. Trong lớp, nó luôn ngồi hàng đầu, ở phía tay phải, để tai trái của nó nghe rõ lời giáo viên hơn. Điểm số của nó cũng không tệ. Chỉ có một vấn đề, nó thường phải chuyển giao những giai đoạn giữa nghe được và không nghe được, như theo chu kỳ của con sóng vậy. Và đôi khi, có khi hai lần trong năm, nó không thể nghe được ở cả hai tai, như thể sự thinh lặng ở tai phải của nó ngày một đậm đặc hơn, lấn át sang cả tai trái. Khi điều đó xảy ra, cuộc sống bình thường liền bị vứt ra ngoài cửa sổ, nó bắt buộc phải nghỉ học. Những bác sĩ khám cho nó cũng lắc đầu, họ chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này, thế nên chẳng giúp được gì nhiều.
“Không phải vì mắc tiền mà nó có thể chạy giờ tốt,”, em họ tôi nói như tự thuyết phục bản thân. “Em từng có một cái đồng hồ mắc tiền, nhưng nó luôn trong trạng thái sập nguồn. Em có nó khi vừa lên cấp hai, nhưng một năm sau nó đã không cánh mà bay. Từ lúc đó em không dùng đồng hồ nữa, không một ai mua cho em cả.”
“Chắc là khá khó chịu nếu không có một cái để xem giờ?”, tôi nói.
“Gì cơ ạ?”
“Không dùng đồng hồ em có thấy khó chịu không?”, tôi lặp lại, hai mắt nhìn thẳng vào nó.
“Không, không hẳn.”, nó vừa đáp vừa lắc đầu. “Đâu phải như em sống ở trên núi đâu, nếu muốn xem giờ, em có thể hỏi một ai đó.”
“Phải ha.”
Chúng tôi lại im lặng thêm một khoảng thời gian.
Tôi biết tôi nên nói thêm gì đó để giúp nó thấy thoải mái hơn trước khi đến bệnh viện. Thế nhưng đã năm năm rồi chúng tôi không gặp nhau, có nghĩa là nó đã từ 9 lên 14 tuổi, còn tôi từ 20 lên 25 tuổi. Khoảng trống ấy đã tạo ra một vách ngăn giữa cả hai khó mà vượt qua được. Ngay cả khi tôi muốn nói gì đó, tôi chẳng thể tìm được đúng từ để diễn đạt. Và cứ mỗi khi tôi lưỡng lự, mỗi khi tôi chững lại một lời nào đó, em họ sẽ quay sang nhìn tôi với đôi mắt đầy hoang mang. Tai trái của nó sẽ hơi nghiêng về phía tôi.
“Bây giờ là mấy giờ ạ?”, nó hỏi.
“Mười giờ hai mươi chín.”, tôi đáp.
Khi xe bus lăn bánh đến là mười giờ ba mươi hai.
Xe bus này thuộc loại mới, không phải loại tôi thường hay đi hồi trung học. Kính chắn gió trước tài xế to hơn, cả cái xe như một máy bay thả bom không cánh. Và xe bus đông người hơn tôi nghĩ. Không có ai đứng trên lối đi, nhưng chúng tôi cũng không thể ngồi cạnh nhau. Vì không đi xa lắm nên chúng tôi ngồi gần ở cửa ra phía sau. Xe đông trong thời điểm này trong ngày thật kì lạ. Xe bắt đầu ở một trạm xe tư nhân, chạy qua một khu dân cư trên đồi, vòng về lại trạm xe, trên đường đi không hề có điểm dừng chân nào của khách du lịch cả. Vào giờ đi học thì từ các trường học trên đường đi có thể đông, nhưng vào thời điểm này trong ngày thì không.
Tôi và em họ giữ chặt lấy dây an toàn và vịn tay vào cột. Xe bus còn mới coóng, vừa lấy từ nhà máy, tôi có thể nhìn thấy mặt mình phản chiếu trên mặt kim loại của thân xe. Ghế nào cũng có nệm mền, ngay cả từng cái ốc vít cũng mới tinh tươm.
Ngồi trên xe quá mới, lại còn đông người, khiến tôi khó chịu. Có lẽ lộ trình của xe đã thay đổi kể từ khi tôi đi lần cuối. Tôi lướt mắt từ từ toàn bộ xe rồi hướng ra bên ngoài, nhưng đó vẫn là những cảnh vật quen thuộc trong trí nhớ của tôi.
“Chúng ta lên đúng xe đúng không anh?”, em họ hỏi tôi trong lo lắng. Có lẽ ngay từ khi bước lên xe mặt tôi trông nghiêm trọng hơn bình thường.
“Đừng lo,”, tôi trấn an nó cũng như tự trấn an bản thân, “chỉ có một chuyến xe ở đây thôi, nên chắc chắn là đúng rồi.”
“Anh đi học cấp ba bằng xe này à?”, nó hỏi.
“Ừ, đúng vậy.”
“Anh có thích trường mình không?”
“Không hẳn.”, tôi đáp. “Nhưng anh có thể gặp bạn bè của mình, cũng không đến nỗi chán.”
Em họ tôi dừng lại suy nghĩ điều tôi vừa nói.
“Anh còn gặp họ không?”
“Không, cũng lâu rồi.”, tôi trả lời, lựa chọn từ ngữ cho phù hợp.
“Tại sao? Tại sao anh không gặp họ nữa?”
“Vì tụi anh sống xa nhau quá.” Đó không phải là lí do, nhưng tôi không nghĩ thêm được gì để giải thích.
Bên phải tôi là một nhóm người lớn tuổi, có khoảng gần 15 người tất cả. Tôi vừa nhận ra họ là lí do mà chuyến xe trở nên đông đúc. Họ đều có làn da rám nắng, ngay cả phía sau gáy. Tất cả đều rất gầy. Phần lớn những người đàn ông mặc áo leo núi dày cộm; đàn bà thì mặc áo khoác đơn giản. Ai cũng có một cái túi nhỏ trên đùi, loại thường dùng cho những chuyến leo núi ngắn. Ai cũng giống nhau đến kì lạ, như một cái ngăn kéo đựng mẫu vật xếp đều tăm tắp. Điều quái lạ hơn là ở gần đây chẳng có một ngọn núi nào. Vậy thì họ đã đi đâu nhỉ? Tôi nghĩ về điều đó khi tay bám vào dây an toàn, nhưng chẳng có gì nảy ra trong đầu.
“Em tự hỏi là nó có đau không? Buổi trị liệu này ấy?”, em họ hỏi tôi.
“Anh không biết nữa, anh chưa nghe gì chi tiết về nó.”, tôi đáp.
“Anh từng đi khám tai bao giờ chưa?”
Tôi lắc đầu.
“Lần trước đau lắm hả?”, tôi hỏi.
“Không hẳn ạ.”, em họ nói nhát gừng, giọng buồn buồn. “Nó không đau, tất nhiên rồi, nhưng đôi khi sẽ nhói một chút. Nhưng em thấy không có gì tệ lắm.”
“Có lẽ lần này cũng vậy. Mẹ em bảo họ vẫn làm như những lần trước thôi.”
“Nhưng làm như những lần trước thì có giúp ích gì chứ?”
“Chà, chẳng biết rõ được. Có những thứ ngoài mong đợi luôn xảy ra mà.”
“Giống kiểu từ trên trời rơi xuống hả anh?”
Tôi nhìn nó, nó không có vẻ gì là mỉa mai.
“Mỗi một bác sĩ khám sẽ có sự khác nhau. Và chỉ cần một thay đổi nho nhỏ trong liệu trình ấy sẽ tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Anh mà là em thì anh không bỏ cuộc sớm thế đâu.”
“Em không có bỏ cuộc.”
“Nhưng em đang có ý định đó. Trông em chán lắm rồi.”
“Em đoán vậy.”, nó nói rồi thở dài. “Nỗi sợ là thứ tồi tệ nhất. Nỗi sợ em tưởng tượng còn tệ hơn nhiều lần so với cái em trải qua. Anh hiểu ý em không?”
“Ừ, anh hiểu mà.”
Có nhiều thứ xảy ra vào mùa xuân năm ấy. Có chuyện ở chỗ làm khiến tôi phải bỏ việc và rời khỏi Tokyo. Cũng lúc đó tôi chia tay với bạn gái quen từ hồi đại học. Một tháng sau thì bà tôi mất vì ung thư ruột, tôi trở về quê sau năm năm biến mất dạng. Phòng tôi không hề thay đổi, sách cũ vẫn ở trên giá, giường kê ở chỗ cũ, bàn học, đĩa nhạc vẫn giữ y nguyên. Nhưng những gì tôi nhìn thấy đều nhuốm màu héo úa, già nua. Chỉ có thời gian là tươi mới.
Tôi dự định sẽ trở lại Tokyo một vài ngày sau đám tang của bà để tìm việc làm mới. Tôi cũng muốn ở một căn hộ mới, cần phải đổi không khí chứ. Ngày qua ngày, tôi lại ngại phải sắp xếp đồ đạc để lên đường. Để nói rõ hơn thì, dù muốn đi, tôi cũng không thể đi.
Tôi dành toàn bộ thời gian ở trong phòng, đọc lại toàn bộ những cuốn sách cũ, nghe lại những đĩa nhạc cũ, thỉnh thoảng thì ra vườn nhổ cỏ. Tôi chẳng gặp ai, những người duy nhất tôi nói chuyện là một vài thành viên trong gia đình.
Một ngày nọ dì của tôi ghé ngang qua và nhờ tôi chở em họ đến bệnh viện. Dì ấy có thể chở nó đi được nhưng công việc bỗng có sự cố. Bệnh viện nằm ngay bên cạnh trường cấp ba cũ của tôi, và vì tôi không có gì làm, tôi không thể từ chối được. Dì còn đưa cho tôi một phong bì đựng tiền mặt để cả hai có thể ăn trưa.
Sự thay đổi đến bệnh viện mới này xảy ra là vì bệnh viện cũ không chữa trị được gì. Thật ra thì cậu bé có nhiều vấn đề hơn họ tưởng. Khi dì tôi trách mắng các bác sĩ, họ còn bảo vấn đề là do môi trường sống của cậu bé chứ không phải do thuốc men. Không một ai nghĩ rằng việc thay đổi bệnh viện sẽ khởi sắc hơn cho đôi tai của cậu bé. Họ cũng không còn hi vọng gì nhiều.
Em họ tôi sống gần đây, chúng tôi cách nhau tận 10 tuổi nên không thân nhau lắm. Khi họ hàng gặp mặt nhau, tôi thường chở em họ đi chỗ này chỗ kia hoặc chơi với nó một chút, và chỉ như vậy thôi. Không hiểu tại sao mọi người trong nhà thường nghĩ chúng tôi thân thiết với nhau, dính nhau như hình với bóng, hẳn là nó thích tôi lắm. Thế nhưng bây giờ, khi nhìn thấy nó nghiêng đầu về phía tôi, tai trái hướng thẳng về tôi, tôi lại thấy xúc động lạ kì. Như tiếng mưa rơi vọng về từ những kí ức xưa cũ, vẻ vụng về của thằng bé khiến tim tôi trở nên nhẹ bẫng. Và tôi mơ hồ hiểu ra vì sao họ hàng thích nhìn chúng tôi ở bên cạnh nhau.
Xe bus đi qua bảy hoặc tám trạm xe khi em họ tôi lo lắng ngẩng đầu nhìn tôi thêm lần nữa.
“Còn xa không anh?”
“Ừ, còn khá xa. Bệnh viện ấy lớn lắm, chúng ta không lỡ được đâu.”
Tôi nhìn thấy gió lùa từ cửa sổ vào khoang xe và thổi vào những cái nón và khăn quàng cổ của ông bà lão. Họ là ai? Và họ đi đến đâu?
“Anh ơi, anh có làm trong công ty của bố em không?”, em họ tôi hỏi.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn nó. Chú tôi, là cha nó, điều hành một công ty in ấn ở Kobe. Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này, và cũng không một ai nói với tôi điều này.
“Không một ai nói gì cả. Tại sao em lại hỏi như vậy?”
Nó đỏ mặt. “Em chỉ vừa nghĩ như vậy thôi. Nhưng sao lại không chứ? Anh không cần phải đi đâu cả, ai cũng được hạnh phúc.”
Loa thông báo sắp đến trạm xe tiếp theo, nhưng không ai nhấn chuông để xuống. Và cũng không có ai đứng chờ dưới trạm xe.
“Nhưng anh có vài thứ phải làm ở Tokyo, vì vậy anh phải trở lại đó.”
Em họ tôi gật đầu và không nói gì.
Tôi không có gì thực sự phải làm. Nhưng tôi cũng thể ở đây không được.
Xe bus càng lên núi cao, nhà cửa càng thưa thớt. Những tán cây dày phủ dọc lối đi, vài cành còn đập lên cửa sổ xe. Xe đi ngang qua những ngôi nhà có kiến trúc châu Âu với những bức tường thấp phía trước. Gió mát lạnh dễ chịu. Khi xe đi qua những khúc cua, mặt biển phía xa lại hiện lên rồi biến mất. Chúng tôi lặng ngắm quang cảnh bên ngoài cho đến khi xe dừng hẳn.
“Em nghĩ là sẽ tốn kha khá thời gian để khám bệnh, em có thể đi một mình được. Anh đi đâu đó chờ em nhé?”, thằng bé nói với tôi.
Sau khi gửi lời chào đến bác sĩ, tôi rời khỏi phòng khám và xuống căn tin. Tôi đang đói và muốn ăn sáng, nhưng trên menu không có món gì làm tôi hứng thú. Thế nên tôi chỉ gọi một ly cà phê.
Hôm ấy là buổi sáng ngày thường, trong căn tin có tôi và một gia đình nhỏ. Người bố khoảng độ 40 tuổi, mặc một bộ pyjamas xanh sẫm và một đôi dép nhựa. Người mẹ và hai đứa con gái sinh đôi đến thăm bệnh. Hai đứa bé mặc áo đầm trắng giống nhau, hai gương mặt khi uống nước cam đều có vẻ khó chịu. Hình như bệnh tình của ông bố không có vẻ nghiêm trọng lắm nên trông ai cũng chán chường.
Ngoài cửa sổ là một bãi cỏ rộng với một vòi xoay tự động. Một cặp chim đuôi dài lanh lảnh hót bay ngang qua tầm mắt tôi. Phía trên một chút là một sân tennis không có lưới giăng. Phía trên nữa là một hàng cây du (zelkova) và biển thấp thoáng phía xa. Mặt nước lấp lánh những tia nắng sớm của mùa hè. Một cơn gió thoảng luồn qua đung đưa đám lá du, dường như tia nước bắn ra cũng uốn cong nhè nhẹ theo cơn gió.
Tôi có cảm giác mình đã thấy quang cảnh này ở đâu đó rồi. Một bãi cỏ rộng, hai bé gái sinh đôi uống nước cam, cặp chim đuôi dài bay về phương vô định, sân tennis không có lưới, mặt biển ở phía xa,... Nhưng chỉ là ảo giác. Một ảo giác sống động, nhưng không thể có thật. Đây là lần đầu tiên tôi đến bệnh viện này.
Tôi duỗi chân ra cái ghế đối diện, nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu. Trong bóng tối tôi nhìn thấy một vùng trắng. Nó nở ra, rồi thu lại, như kích cỡ của một con vi khuẩn dưới kính hiển vi. Cứ thế, nó to ra, nhỏ lại, rồi lặp lại từ đầu.
Tám năm trước tôi cũng đến một bệnh viện nhỏ bên bờ biển. Bên ngoài cửa sổ là một rừng trúc đào. Bệnh viện có mùi mưa. Người yêu của bạn tôi đang phẫu thuật ở đó nên chúng tôi đến thăm. Đó cũng là mùa hè cuối cùng của tôi ở thời trung học.
Cô gái chỉ làm một cuộc tiểu phẫu để nắn lại xương sườn bị uốn vào trong, không có gì nguy hiểm nhưng vẫn nên phải phép đến thăm một lần. Cuộc phẫu thuật rất nhanh, nhưng bác sĩ muốn cô gái ở lại để theo dõi nên cô phải ở lại thêm 10 ngày. Cậu bạn và tôi đến đó bằng con Yamaha 125 phân khối. Chúng tôi thay phiên chở nhau đi. Cậu ta nài nỉ tôi, “Tớ không muốn vào bệnh viện một mình đâu.”
Cậu dừng lại ở một hiệu bánh gần trạm xăng để mua một hộp chocolate. Tôi vòng một tay giữ hộp kẹo, một tay bám vào thắt lưng cậu. Ngày hôm ấy trời nóng hầm hập, mồ hôi trên lưng hai đứa cứ ướt rồi lại khô theo cơn gió trên đường. Cậu ấy vừa lái xe vừa nghêu ngao hát, giọng rất kinh khủng. Tôi vẫn còn nhớ mùi mồ hôi của cậu.
Chẳng bao lâu sau thì cậu mất.
[...]
/Cơm trắng chan cà phê dịch/