Nếu bạn gặp mình lúc mình 18 tuổi hẳn bạn sẽ không hình dung được là mình lại thay đổi nhiều như thế. Bạn bè mình thời cấp 3 gặp lại đều nói điều như nhau: Mày thay đổi nhiều quá. Nhưng tao thích cách mày thay đổi như thế này.

Năm 18 tuổi.

Mình là con bé nhút nhát, ít nói, ít trò, nói chung bằng một từ là khá “nhạt”. Bạn bè ít chơi với mình và mình cũng không có quá nhiều kỉ niệm cho thời đó. Hành trình chủ yếu là từ trường về nhà và ngược lại. Mình vẫn nhạt nhòa như thế khi bước chân vào đại học. Cái tư thế của một con bé ít bạn bè, nhà quê, không xinh đẹp, không tài lẻ, nói chuyện dở khiến mình co rúm lại. Có ai giống mình thời ấy không?
Năm đầu tiên đại học mình chăm chỉ cắp sách lên giảng đường, học thêm tiếng Anh, Tin, đọc sách thư viện, không bạn trai, không chơi bời. Mình vẫn dùng tông giọng trầm mỗi khi nói chuyện hay phát biểu. Rồi một ngày, trong lớp tiếng Anh của mình, thầy giáo gọi mình đứng dậy phát biểu, vẫn cách cũ, mình nói vừa đủ cho những người ngồi cách mình khoảng bán kính 1m đủ nghe. Nhưng thầy lại đứng xa ở góc phòng và liên tục nói: “Loudly! Loudly! No, Loudly”. Mình phải cố gắng nói để thầy nghe được.

Ngày nào đến lớp cũng điệp khúc đấy: Loudly!

Mình đã khá ghét việc phải nói to. Nhưng nửa tháng, rồi 1 tháng, 2 tháng, đến khi thi kết thúc chương trình tiếng Anh mình nhận ra mình đã chẳng còn lý nhí khi nói trước mọi người nữa. Mình nói to rõ, dõng dạc hơn hẳn. Và cũng dường như mình có nhiều bạn hơn, mình biết tám chuyện và cười rôm rả chứ không tủm tỉm như trước nữa. Có điều gì đó thật lạ. Dường như có một con người khác bên trong mình. Trong những buổi thảo luận ở lớp, mình đứng trước lớp nói nhiều hơn, thuyết trình, phát biểu và phản biện. 
Có một điều tuyệt vời là khi mình nói ra những suy nghĩ của mình thì đa số được thầy cô và bạn bè đánh giá tốt. Điều đó khiến mình tự tin hơn. Vì vậy, mình tập thói quen nghiên cứu nhiều hơn về những đề tài cần nói và tự tin nói ra quan điểm của mình. Điều đó dần dần trở thành phong cách riêng của mình lúc nào không hay: Tự tin và có tiếng nói riêng. Mình có thể bảo vệ luận điểm mình nêu ra một cách chặt chẽ, thuyết phục. 
Rồi ra trường, mình là giáo viên. Bạn biết không, học trò khá mê giọng giảng bài của mình, những thầy cô đồng nghiệp cũng khen âm giọng của mình rất hay (Mặc dù mình là giáo viên tỉnh lẻ dạy học ở thành phố). Mình luôn đạt giải trong các cuộc thi thuyết trình mà quận mình tổ chức. Bạn thấy điều đó tuyệt vời chứ! 
Nếu bạn im lặng hoặc không dám mở lời, mãi mãi bạn sẽ không biết được những điều bạn nói có giá trị như thế nào

Thật chẳng thể tưởng tượng được.

Một con bé nhút nhát, lúc nào cũng nói chuyện lí nhí như mình lại có lúc đứng trên sân khấu cả trăm người và nói chuyện một cách thu hút. Nếu không có câu thần chú mà thầy giáo dạy tiếng Anh của mình ngày đó không biết mọi thứ sẽ như thế nào. 
Khoảnh khắc mình nói to, nghe được tiếng nói của chính mình nó thật lạ. Có một điều gì đó bên trong được giải phóng. Có thể ai đó sẽ không thích tiếng nói đó của bạn. Nhưng khi bạn nói to suy nghĩ của mình, bạn sẽ biết được giọng nói của mình không tệ như mình nghĩ. Và quan điểm của mình nó có thể đúng theo một cách nào đó. Bạn cũng sẽ tìm được những người đồng cảm và yêu quý bạn. Nếu mãi im lặng hoặc không dám mở lời, mãi mãi bạn sẽ không tìm được những điều quý giá đó. 
Bài học đó, mình trân trọng mãi cho đến bây giờ. Đôi khi gặp những người bạn mới, hay đến những nơi mới, mình chọn cách mở đầu câu chuyện để kết nối chứ không chờ được ai đó bắt chuyện. Điều đó khiến những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ của mình trở nên thú vị hơn. 
Những bài viết hôm nay cũng là cách mình mở lời với thế giới. Mở lời với những người bạn chưa bao giờ gặp hoặc những người bạn đã quen mình từ rất lâu. Mở lời và đón nhận tất cả những phản hồi, những góp ý và cả những lời khích lệ nữa. Điều đó khiến mình thấy hạnh phúc hơn.
Bạn đã nói to tiếng nói bên trong của mình chưa? Nếu chưa thì hãy bắt đầu nhé! Loudly!!!! Bạn sẽ thấy điều kì diệu bên trong mình đấy!