Một câu hỏi kinh điển của loài người từ xưa đến nay, chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều tự hỏi bản thân mình câu hỏi đó, và không ai có thể trả lời cho bạn biết đáp án là gì. Vậy, hôm nay cùng mình bàn luận xem: Mục đích sống của ta là gì?
img_0

1.    Câu hỏi vừa mang tính trừu tượng lại vừa thực tế

  Sở dĩ nó trừu tượng là vì nó không có đáp án chung cho tất cả mọi người, 1 câu hỏi chung nhưng đáp án riêng. Vì mỗi người vốn sinh ra không ai giống ai, từ ngoại hình, tính cách, rồi điều kiện, trải nghiệm là khác nhau, nên nhân sinh quan của mỗi người là khác nhau, từ đó mỗi người phải tự trả lời mục đích sống của mình là gì. Nó tương tự như câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”, không ai có thể định nghĩa một cách chung chung được, câu hỏi chung nhưng đáp án riêng.
 Người có mục đích sống như có một kim chỉ nam cho các hành động của mình để đến được cái đích đó. Và thường thì lúc người ta lâm vào cảnh bế tắc, mất động lực, trống rỗng thì cũng chính là lúc mong mỏi tìm được đáp án nhất. Họ như người sắp đuối nước mong với được phao. Họ cần một lý do, bất kì lý do nào để có thể tiếp tục sống. Theo tôi, quan trọng nhất không phải là đáp án là gì, mà là lúc nào chúng ta tìm được đáp án đó, có người dành cả đời để đi tìm, để rồi nhận ra mục đích sống chính là trải nghiệm trong suốt khoảng thời gian đó. Hoặc nhận ra rằng, mỗi giai đoạn trong cuộc đời lại có đáp án khác nhau.

2.    Câu hỏi mang tính cá nhân và tập thể.

Tất cả giống loài đều có một mục đích chung là sinh tồn. Từ con kiến cho đến con voi đều muốn sống và thế hệ sau của nó được sống. Hay nói cách khác, chúng được sinh ra để sống và chuẩn bị cho sự sống. Ở những loài có tính xã hội cao thì chúng đều phân “role” cho mỗi cá thể, vì vậy mục đích sống của nó chính là hoàn thành tốt nhiệm vụ theo “role” đã được chọn sẵn, ví dụ ong chúa, ong thợ, ong đực chính là các “role” của mỗi con ong, khi mỗi con ong làm tốt vai trò của mình, thì tỷ lệ sinh tồn sẽ cao hơn (tất nhiên còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan khác).
 Nhưng với loài người thì phức tạp hơn nhiều. Chúng ta đứng đầu chuỗi thức ăn, nên chẳng cần phải định hình “role” ngay từ lúc sinh ra. Một cậu bé nghèo sống ở khu ổ chuột có thể thành tội phạm, nhưng cũng có thể thành ngôi sao bóng đá toàn cầu. Một người sinh ra trong gia đình truyền thống nghệ thuật thì lớn lên đi làm kinh doanh chứ không nối tiếp gia đình là chuyện bình thường. Chúng ta tự tìm đáp án của mục đích sống. Đó có thể là ước mơ cá nhân, cũng có thể là ước mơ chung của dân tộc. Một dân tộc bị đô hộ thì mục đích lớn lao nhất chính là độc lập tự do, và đó có thể là mục đích sống chung của đa số mọi người trong dân tộc đó.

3.    Không có đáp án đúng - sai.

Đi tìm đáp án cho câu hỏi mục đích sống vốn dĩ là để giúp bản thân có động lực sống, chứ không có đáp án nào đúng hay là sai. Nó như một gợi ý cho hành trình thám hiểm cuộc sống, chứ không phải là thu hoạch cuối cùng của đời người. Có thể đến lúc ta chết ta vẫn chưa hoàn thành mục đích sống của mình, nhưng vậy thì sao, vốn dĩ mọi hành động của ta đều hướng đến mục đích đó rồi, còn kết quả có được hay không lại là chuyện khác. Mục đích của một chiến binh là phe mình giành chiến thắng, nhưng có thể là cả trăm năm sau cái chết của anh ta vẫn chưa định thắng thua, thì anh ta vẫn được gọi là một người sống có mục đích.
Bạn có thể tìm hiểu cuộc đời của một ai đó, xem thành tựu họ đạt được là gì, nhưng chưa chắc bạn đã biết mục đích sống của họ. Và dù có biết thì đừng vội phán xét tính phải trái đúng sai.

4. Kết,

 Mục đích sống của ta là gì? Thật là một câu hỏi phức tạp. Vì vậy, cứ “sống” đi.