Trì hoãn ngay từ khởi đầu
Tôi phải thừa nhận một điều ngay khi mới bắt đầu, đó là luôn có một thế lực nào đó ngăn tôi viết những dòng này khi mà tôi vừa chớm nghĩ đến nó. Nào là "không có đủ thời gian làm mấy chuyện này đâu, còn một đống những thứ khác phải làm kia kìa"; "Viết cái tiêu đề như thế nào cho nó hợp lý nhỉ, viết này nhìn ngu quá => khó khăn nhỉ, đừng có viết nữa"...
Tôi là một người có máu cầu toàn, muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Và nó là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến tôi chậm trễ trong nhiều hoạt động. 
Photo by Pedro da Silva on Unsplash
Bài này cũng thế, tôi muốn viết một cái tiêu đề thật hay thật tinh tế, không quá khoa trương nhưng vẫn thể hiện ngầm rằng người viết bài là "một kẻ cũng có học thức", "cũng ra gì đấy"... tất cả cũng bởi cái tính thích sĩ diện ngầm của tôi.
Nhưng vấn đề là để làm nó hoàn hảo thì sẽ tốn thời gian và chất xám, nếu nghĩ về nó quá nhiều tôi sẽ muốn bỏ nó không viết nữa và bài viết của tôi sẽ chết ở phần tiêu đề như hàng đống tệp word lưu trong máy của tôi: "bàn về sai lầm" 0 kb, "ranh giới trong tự do ăn mặc" 0 kb, "con người làm việc theo cảm xúc như thế nào" 5 kb ... 
Bây giờ, tôi không muốn những khó khăn ban đầu làm chùn bước tôi tập tành trở thành một kẻ "biết viết lách" nữa. Lần này, tôi tự nhủ rằng: "hãy làm mọi thứ thật đơn giản để tránh những cảm xúc tiêu cực ngăn mình thực hiện nó". Sau đó tôi viết cái tiêu đề như trên và những suy nghĩ của tôi về bài viết cứ thế tuôn ra.

Khởi đầu mọi thứ thật đơn giản để tránh những cảm xúc tiêu cực ngăn mình thực hiện nó

Đây là phần 1
Sự tùy hứng 
Đời không như là mơ, khi mà tôi đã bắt đầu vào được guồng quay viết lách được một chút thì tôi nhận ra là sắp tới giờ tôi phải đi tập gym. Chả là sau Tết, tôi đang cố gắng thiết lập lại một lịch trình sinh hoạt hiệu quả và khoa học hơn và đương nhiên tôi không muốn phá vỡ  kế hoạch đó. Dù hơi tiếc nuối nhưng tôi cũng phải tạm dừng việc viết bài lại và thực hiện các kế hoạch khác của mình. Vốn dĩ tôi không có kế hoạch viết bài vào hôm nay, chỉ đơn giản là tôi chợt có hứng viết mà thôi. Cũng bởi thế cho nên cả buổi tối sau khi tập gym về, tôi cũng không có sắp xếp được thời gian để viết nó tiếp nữa, bởi tôi còn những công việc khác phải làm, và khi đã muộn tôi quyết định đi ngủ. 
Nghe thì có vẻ bình thường và chả có gì đáng nói. Nhưng với một người có thói quen viết theo hứng như tôi thì đây là một chuyện đáng lưu tâm. Chả là tôi đã quá quen với nó, cái việc mà tôi muốn viết (hay làm) một cái gì đấy bởi lúc ý rất có động lực và cảm xúc dạt dào, nhưng khi mà không thể làm nó liên tục thì cảm xúc sẽ không còn và sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Dường như đó là cái giá phải trả vì làm việc theo cảm xúc, cảm xúc còn thì việc còn, cảm xúc hết thì mọi thứ cũng hết.
Áp dụng phương pháp cũ
Lúc đó màn hình laptop vẫn để nguyên trình duyệt và trang soạn thảo bài viết dang dở trên spiderum. Trong đầu tôi lúc đó nghĩ rằng nên tắt đi hay không nhỉ vì tôi đã quyết định đi ngủ. Chính sự lưu tâm ở trên nhắc tôi rằng, nếu tôi tắt mọi thứ đi thì mọi thứ sẽ càng khó khăn hơn để tôi tiếp tục công việc vào ngày mai. Kinh nghiệm của tôi cho tôi biết, nếu tôi vẫn giữ nguyên màn hình máy tính như đang soạn thảo bài viết này cho đến sáng mai thì khả năng mai tôi tiếp tục làm nó sẽ cao hợn đáng kể so với việc khởi động lại máy từ đầu, mở các hệ thống soạn thảo lên và tiếp tục hoàn thành nó. Tôi đã lường trước rằng, ngày mai sẽ có một đống lý do khó khăn khác mà tôi viện ra để ngưng tiếp tục nó và trì hoãn nó vô thời hạn. Tôi không muốn khiến mọi thứ khó khăn hơn với chính mình vào ngày mai, tôi muốn chuẩn bị mọi thứ dễ dàng, thuận tiện nhất để làm việc. Ít nhất đó là những gì tôi đã đem ra áp dụng từ bài viết phần 1 hai năm trước.
Hoang mang
Sau một đêm và cả tối qua nữa, mọi thứ thực sự trở nên khó khăn hơn như tôi đã lường trước. Đầu tôi đã chứa rất nhiều những suy nghĩ khác nhau, không còn là chỉ về những thông tin về bài viết này như chiều hôm qua nữa, mà còn là vô số những chủ đề khác chả liên quan gì từ hôm trước đến những công việc phải hoàn thành trong ngày hôm nay, những áp lực khác, mối quan tâm khác... 
Photo by Magnet.me on Unsplash
Giọng nói đầu tiên tôi nghĩ về bài viết dang dở này, đó là : "chả có hứng mà viết, chán rồi". Và một câu nói khác còn tiêu cực hơn: "Mấy cái thứ hôm qua mày viết toàn những thứ vớ vẩn và nhảm nhí, dẹp mẹ đi". Rõ ràng là tôi còn chưa đọc kỹ lại nó mà tôi vẫn có thể có suy nghĩ như vậy. Bây giờ tôi đang gõ những dòng này, chắc chắn là tôi đã đọc kỹ lại những dòng mình viết hôm qua và thấy rằng nó thực sự không tệ đến như thế. Vậy tại sao tôi lại có suy nghĩ tiêu cực như vậy?
Khám phá tâm lý của chính mình
Tôi có một thói quen kỳ lạ khi call video với bạn gái của mình. Tôi sẽ luôn cầm một cái gì đấy để nghịch trong khi nói chuyện (thường là cái tai nghe của tôi), tôi sẽ mân mê đồ vật đó và làm những trò ngớ ngẩn mà bình thường tôi không bao giờ làm (Cầm một dây tai nghe và quay nó như chong chóng). Ánh mắt của tôi cũng sẽ nhìn ra bên ngoài màn hình khi chúng tôi nói chuyện hay bàn về một chủ đề gì đó, chứ không phải nhìn vào gương mặt em.
Photo by me
Tôi là một chàng trai nhạy cảm và khá hiểu về những cảm xúc của bản thân mình. Tuy nhiên không phải lúc nào tôi cũng hiểu những suy nghĩ của tôi. Tôi đặt câu hỏi với em rằng: "Tại sao anh lại làm như thế nhỉ?". Em trả lời: "Vì anh ngại ngùng, xấu hổ trước em đấy". Tôi chợt nghĩ rằng điều đí không đúng, vốn dĩ tôi luôn nghĩ rằng, tôi luôn tự tin bản thân mình trước không chỉ em mà với nhiều người khác, chắc em trêu tôi, em luôn thích thú khi làm như vậy mà. Nhưng suy nghĩ của tôi không dừng lại ở đó. Tôi luôn hiểu bản thân có những tính cách và cảm xúc như thế nào, một phần của nó khá là nữ tính, ngại ngùng, e dè, dễ xấu hổ. Hồi còn trẻ tôi là một chàng trai như vậy nên tôi biết mà. 
Trong thế giới quan của tôi, tâm lý con người chia thành hai phần, một phần bản năng vô thức và một phần là tự nhận thức. Tôi tự giải thích rằng khi nói chuyên với bạn gái tôi, cả 2 phần đó đều có những cách tiếp nhận và xử lý thông tin khác nhau. Phần nhận thức, tôi đã xây dựng nên bản thân mình là con người như thế nào suốt quãng đời trước đó, khi nói chuyện với em tôi sẽ hành xử ra sao, suy nghĩ tư duy như thế nào cho hợp lý chứ không phải thích gì làm nấy. Nhưng phần vô thức của tôi thì đơn giản hơn rất nhiều: ngại ngùng, nhút nhát, nhạy cảm kèm theo gì đó rất là trẻ con khi đứng trước tình yêu. Và bất chấp chuyện tôi quan niệm về bản thân mình là người như thế nào thì phần vô thức của tôi cũng sẽ có những mong muốn riêng của nó. Việc tôi nghịch một thứ gì đó hay tránh né nhìn vào màn hình khi nói chuyện với bạn gái một cách vô thức rất có thể là kết quả của mong muốn riêng này. 
Tôn trọng vô thức
Quay trở lại với câu hỏi ở trên, tại sao tôi lại có những suy nghĩ tiêu cực như vậy. Thật khó để trả lời một cách hoàn hảo vì tôi không phải nhà tâm lý học mặc dù có tự hào vì biết chút ít về nó. Lý giải tốt nhất mà tôi có thể nghĩ ra là với một người nhạy cảm, họ sẽ dễ dàng cảm thấy nhiều xúc cảm của bản thân một cách mạnh mẽ hơn người khác, và những xúc cảm đó sẽ hình thành những mong muốn thúc đẩy những hành động của cá nhân để đáp ứng những nhu cầu của xúc cảm hay là nhu cầu của phần vô thức đó. Phần vô thức của tôi khó chịu khi tôi làm những thứ như vậy, nó sẽ luôn nói thẳng cho tôi nó cảm thấy như nào, nó không suy nghĩ trước khi nói. Và nhiệm vụ mà tôi phải làm là giải thích và trấn an nó rằng, việc này không hề đáng sợ, việc này là an toàn. Nó sẽ luôn là một phần tồn tại của tôi, và tôi cần phải tôn trọng nó. 

Nó sẽ luôn là một phần tồn tại của tôi, và tôi cần phải tôn trọng nó. 

Tôi là một kiểu người mà phần vô thức không thích việc bản thân phơi bày cảm xúc quá nhiều trước người khác. Trong quá khứ, mỗi lần tôi không kiểm soát được cảm xúc của mình mà dẫn đến những lời nói hay hành động sai sót, sai lầm là điều khiến tôi rất khó chịu. Không chỉ khó chịu lúc đấy, mà nó còn kéo dài cho đến bây giờ, ngoài ra tôi còn thực sự bị ám ảnh bởi những sai lầm hay sự mất mặt. Tôi thề là tôi sẽ nhớ những thứ đó đến già. 
Đó có lẽ là lý do vì sao chúng ta chỉ có thể chia sẻ những cảm xúc sâu kín nhất với những người mà chúng ta thực sự tin tưởng. Chả ai muốn thể hiện phần yếu đuối của mình cho những người sẵn sàng vùi dập, phán xét nó cả. 
Phần vô thức trong tôi cảm nhận được khi tôi viết bài hôm qua, tôi đã thể hiện ra nhiều những cảm xúc của mình, những điều tôi thực sự cảm thấy, và nó sợ hãi khi cái vô thức đấy có khả năng bị tổn thương từ những người đọc xa lạ phán xét nó chăng?
Hiểu về bản thân giúp tôi lý giải được nhiều hơn những cảm xúc tiêu cực mà mình cảm thấy và từ việc thấu hiểu, trấn an nó giúp tôi tháo bỏ dần những ranh giới an toàn của chính mình.
Photo by Jared Rice on Unsplash

Hiểu về bản thân giúp tôi lý giải được nhiều hơn những cảm xúc tiêu cực mà mình cảm thấy và từ việc thấu hiểu, trấn an nó giúp tôi tháo bỏ dần những ranh giới an toàn của chính mình.


Chia công việc thành những phần không thể nhỏ hơn, dễ dàng hơn
Trở lại với thời điểm ngày mới khi tôi đặt câu hỏi :"Hứng để viết?", cảm xúc và mạch văn của tôi đang không liên quan gì đến chủ đề này. Để bắt đầu viết bài tôi sử dụng tiếp phương pháp cũ. 
"Viết mấy dòng thôi, dễ dàng mà phải không?"
Sau đó tôi bắt đầu có những suy nghĩ nhiều hơn về chủ đề trì hoãn, sự tư duy của tôi về nó mạnh hơn, nhiều hơn. Trước đây, tôi đã suy nghĩ nhiều, trăn trở để tìm cách hiểu nó, giải quyết sự trì hoãn nên việc chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về nó không gặp mấy khó khăn. Chia sẻ về những suy nghĩ, trải nghiệm, quan điểm của bản thân có lẽ sẽ dễ dàng, trôi chảy hơn rất nhiều là phải cố chứng tỏ với ai đó điều gì, quan điểm gì của bản thân là đúng. Hoặc ít nhất là sẽ cần ít thời gian và công sức hơn. 
Những thứ trước đây tôi từng định viết, nó rộng, bao hàm nhiều tri thức, nhiều câu hỏi khó để trả lời, phải tham khảo nhiều tài liệu. Và với cần đấy khó khăn thì sẽ là một cuộc chiến dài hơi hơn cần trang bị phương pháp làm việc tốt hơn nữa. 
Hoàn thành những mục tiêu nhỏ, làm tiền đề để hoàn thành những mục tiêu lớn hơn với tôi là một việc làm khôn ngoan. Và nó cũng là một phương pháp giúp đối mặt với trì hoãn ở phần 1: "chia công việc thành những phần không thể nhỏ hơn (vừa sức)."

Hoàn thành những mục tiêu nhỏ, làm tiền đề để hoàn thành những mục tiêu lớn hơn.

Mất tập trung
Trong lúc tôi hoàn thành bài viết của mình, có rất nhiều yếu tố tác động khiến tôi xao nhãng cho dù dòng suy nghĩ của tôi rất liền mạch và mạnh mẽ. Tôi đang ở nông thôn và âm thanh từ hệ thống loa phát thanh là vô cùng lớn và nhiều trong thời kỳ COVID hiện nay. Ngoài ra là âm thanh từ điện thoại, tin nhắn, hay một vài ký ức hấp dẫn còn sót lạ từ facebook, messenger, ist... ban nãy ta lướt còn dở dang làm phiền, những xúc cảm hấp dẫn đến từ những món ăn ưa thích, những ván game hấp dẫn cần phải tranh thủ, à còn chuyện yêu đương, mối quan hệ abc nữa chứ ...
Với kinh nghiệm của bản thân mình, tôi để ý và nắm rõ những thứ hay chen ngang vào cuộc đời, hay lấy đi thời gian của tôi. Nhiều người từng khuyên nên viết ra một list những thứ khiến bạn trì hoãn, và khi nó xảy ra, việc cần làm là xác nhận nó trong blacklist và bỏ qua nó. Còn tôi thì nghĩ quá nhiều về nó nên có sự nhạy cảm để phát hiện ra nó r. Những suy nghĩ hay xảy ra trong đầu tôi lúc đó : "lại là mày đấy à?", "Lại là mày đến làm phiền tao, cút đi", "tao cũng muốn lắm nhưng phải chịu thôi"...
Nhưng mọi thứ không dễ dàng đến thế nếu như tôi lỡ đắm chìm vào cái suy nghĩ đấy lâu hơn, dài hơn, tận hưởng hơn. Nếu tôi có quá nhiều sự để ý về nó thì tôi sẽ càng dễ mất sự tập trung của mình, bỏ qua nó sẽ dễ dàng nhất khi nó chỉ mới hiện lên ở dạng xác nhận danh tính. chứ nếu mà nghĩ về nó hấp dẫn hay thú vị như nào thì thật khó để dứt nó ra ngay được. 
Nhưng tôi tin rằng, dù tôi có lỡ mất tập trung vào việc gì và bỏ quên điều tôi đang phải làm thì đó cũng chính là sự thất bại mà tôi cần phải học từ nó. Khám phá ra từng chi tiết nhỏ có ảnh hưởng lớn lao như thế nào với chính mình là ngày một hiểu rõ hơn về bản thân, và phải chú ý đến nó hơn trong tương lai nếu gặp lại. Đó là cách tôi trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Khám phá ra từng chi tiết nhỏ có ảnh hưởng lớn lao như thế nào với chính mình là ngày một hiểu rõ hơn về bản thân và phải chú ý đến nó hơn trong tương lai nếu gặp lại.

Lên kế hoạch cho cuộc đời
Mọi phương pháp này có lẽ sẽ chả có ý nghĩa gì nếu như tôi không nhận ra tôi cần phải viết. Rằng cuộc đời tôi cần phải làm thứ đó chứ không phải là nó vô nghĩa, chả có ích gì. 
Tôi luôn nghĩ, tìm được thứ mình muốn làm sẽ quan trọng hơn là tìm được thứ mình giỏi. Bạn muốn trở thành ai sẽ quan trọng hơn bạn đang là ai. 

Tôi luôn nghĩ, tìm được thứ mình muốn làm sẽ quan trọng hơn là tìm được thứ mình giỏi. Bạn muốn trở thành ai sẽ quan trọng hơn bạn đang là ai.

Lời kết
Khởi đầu mọi thứ luôn là một câu chuyện khó khăn, đặc biệt với những người hay trì hoãn và lại còn nhạy cảm. Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ có ích với mọi người. Tôi tin rằng có nhiều người đã vượt qua nó có thể còn dễ dàng hơn và bằng những phương pháp khác với tôi. Mong rằng sẽ đọc được nhiều bài viết chia sẻ về chủ đề này của mọi người.
Hãy để lại ý kiến của các bạn nhé. 
Cảm ơn đã dành thời gian theo dõi <3

Hết