Mình nghĩ thế này, nếu mình không đủ kiến thức để viết cái gì đó nên hồn thì cách tốt nhất để chia sẻ điều gì đó hay ho là chia sẻ lại những gì mình thấy có ích :D 
Một post của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn về việc viết văn:
--------------------------------

Viết văn RẤT quan trọng trong sự nghiệp. Nhưng viết văn khó hơn nhiều so với nói. Lời nói có thể phát ra trong một giây phút suy nghĩ chưa tới, nhưng viết văn đòi hỏi phải có suy nghĩ trước sau. Mượn cách nói của Daniel Kahneman, viết văn là suy nghĩ chậm, còn nói là suy nghĩ nhanh. Cái note này chia sẻ cùng các bạn vài kinh nghiệm (qua 6 bài học) về viết văn như là một suy nghĩ chậm.
Bàn về viết văn, có một câu chuyện của Nhà văn E. L. Doctorow được kể trên nhựt báo New York Times rất đáng đọc. Chuyện kể rằng sáng hôm đó, trong buổi ăn điểm tâm, con gái của nhà văn tên là Caroline nhờ Ba mình viết một cái note giải thích rằng em ấy sẽ nghỉ học 1 ngày vì bị cảm lạnh. Doctorow bắt đầu cái note với câu:
"Con gái tôi tên là Caroline ..."
Ông ngưng viết. Ông tự nhủ rằng dĩ nhiên nó là con gái mình, chớ có ai khác viết cái note cho nó. Như vậy câu văn này thừa. Ông xoá câu văn đó và viết lại:  
"Please excuse Caroline Doctorow ...".
Nhưng ông ngưng nữa, và tự hỏi tại sao mình phải van xin cho con gái mình. Nó bị nhiễm virus và cảm lạnh, chớ có phạm tội gì đâu. Câu văn đó không đạt.
Thế rồi, ông lại xoá câu văn đó, và viết câu văn khác. Nhưng viết mãi đến câu văn thứ 6 mà ông vẫn không hài lòng. Đến lúc đó thì bà vợ ông, Helen, mất kiên nhẫn, bèn viết cái note một cách gọn gàng. Bài báo không cho biết cái note đó được viết như thế nào, nhưng bài học ở đây là viết văn rất khó, đặc biệt là viết một cách ngắn gọn.
Nếu bạn muốn viết một câu chuyện dài, bạn phải học cách viết ngắn gọn.

Hai khó khăn lớn

Câu chuyện trên của nhà văn Doctorow có lẽ cũng là một kinh nghiệm phổ biến ở nhiều người, và nó nói lên rằng viết văn không hề dễ. Viết văn, đặc biệt là văn chương khoa học, rất khó. Viết văn hay càng khó hơn. Có nhiều khi ngồi trước tờ giấy hay màn ảnh máy tính cả giờ đồng hồ mà không viết ra một câu văn. Nhiều khi nói ra thì rất dễ, nhưng viết xuống câu văn mình mới nói ra thì mình lại ... không hài lòng. Không hài lòng thì chỉnh sửa câu văn, nhưng có những tình huống càng chỉnh sửa thì càng rối, và ý tưởng càng mù mờ, khó hiểu. Do đó, có nhiều người họ phát biểu thì xem ra rất trôi chảy, thông thạo, nhưng khi họ viết thì chẳng ra đầu đuôi gì cả. Tiêu biểu là mấy người làm chánh trị [1-2].
Tôi nghiệm ra rằng cái khó khăn lớn nhứt trong viết văn là câu chuyện, là kịch bản. Bạn có thể nói linh tinh thì dễ, nhưng để cấu trúc thành một câu chuyện có đầu có đuôi thì không dễ. Có khi bạn đã có câu chuyện, nhưng không biết cách lên kịch bản sao cho logic, hay không biết bắt đầu từ đâu. Thậm chí khi đã đặt bút xuống viết một phần, nhưng sau đó thì thấy ... bí. Khi thấy bí, ý tưởng dường như cạn kiệt, và do đó không biết viết gì tiếp. Lên kịch bản với đầy đủ chi tiết và logic là khó khăn lớn nhứt trong viết văn mà tôi nghĩ bất cứ ai cũng từng gặp phải.
Tuy nhiên, có nhiều người giả bộ nói rằng họ bận quá nên viết ngắn gọn. Nhưng trong thực tế thì họ không có đủ cho tiết và chưa suy nghĩ kĩ về câu chuyện, nên họ không mô tả đầy đủ câu chuyện.
Khó khăn lớn thứ hai về viết văn là cách dùng chữ và cấu trúc đoạn văn. Nếu không là người bản xứ thì cách hành văn bằng tiếng Anh không hề đơn giản, bởi vì vốn ngữ vựng hạn chế, nên thỉnh thoảng chúng ta thấy ... bí chữ. Chẳng lẽ một chữ mà dùng đi dùng lại nhiều lần thì kì quá. Ngay cả khi có đủ chữ thì đến vấn đề viết câu văn cho hoàn chỉnh và hay là cả một thách thức lớn. Có những câu văn mô tả thì không quá khó, nhưng có những câu văn so sánh bóng bẩy thì đòi hỏi phải có trình độ kha khá để viết cho đạt. Tóm lại, cái khó khăn lớn thứ hai trong viết văn là vấn đề kĩ thuật.
Chúng ta biết rằng mỗi đoạn văn chỉ nói lên 1 ý tưởng, nhưng không ít tác giả quên cái nguyên lí đó, nên làm cho đoạn văn khó hiểu. Có người viết một đoạn văn rất dài nhưng đoạn văn chỉ có 1 câu văn [2].

6 bài học về việc viết văn

Vậy thì cần phải làm gì để khắc phục 2 khó khăn đó? Tôi xin mách các bạn 6 điều về viết văn sao cho dễ hiểu. Tôi dứt khoát không phải là một người viết hay, nhưng tôi nghĩ những bài học mà tôi chia sẻ dưới đây có thể giúp cho các bạn có vài ý tưởng để viết văn tốt hơn.

Bài học 1: Lên kịch bản câu chuyện
Mỗi bài viết, dù là original article hay review, thì vẫn phải nói lên một câu chuyện -- một story. Câu chuyện phải trong văn viết phải được phác hoạ bằng một kịch bản.  Kịch bản phải kèm theo những chi tiết. Phần kết của câu chuyện phải nói lên một thông điệp.
Chẳng hạn như có lần tôi bảo một em bác sĩ viết một bài review (tổng quan) mối liên hệ giữa vitamin D và loãng xương, nhưng 1 tuần sau em ấy đến với khuôn mặt rầu rĩ nói rằng không biết cấu trúc bài viết như thế nào. Tôi khuyên em ấy là nên lên kịch bản của câu chuyện thành 3 phần: vitamin D, loãng xương, và ý nghĩa lâm sàng.
• Phần đầu bàn về định nghĩa thế nào là vitamin D, có bao nhiêu loại vitamin D, nguồn gốc vitamin D, chức năng của vitamin D, cách đo lường vitamin D, phân nhóm dựa vào đo lường, và số người thiếu vitamin D trong cộng đồng.
• Phần 2 bàn về bệnh lí loãng xương như định nghĩa, vai trò của mật độ xương, số người bị loãng xương trong cộng đồng, hệ quả của loãng xương là gì, và yếu tố nguy cơ. Trong những yếu tố nguy cơ có thiếu vitamin D.
• Phần 3 là điểm qua những nghiên cứu về mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và loãng xương, và ý nghĩa của các nghiên cứu đến việc điều trị và phòng ngừa loãng xương.
Mỗi một chi tiết trong kịch bản trên có thể là một hay hơn 1 đoạn văn. Nếu viết đầy đủ và có đầu đuôi thì bài tổng quan dễ dàng lên đến 10 trang giấy. Nếu tập san muốn viết ngắn hơn thì có thể giảm xuống theo yêu cầu của họ.

Bài học 2: Mở đầu bằng một chi tiết hấp dẫn
Mỗi bài viết phải nói lên một câu chuyện, và câu chuyện nên hấp dẫn hay đáng nhớ. Một cách để đạt mục tiêu này là mở đầu bằng một tình tiết đi thẳng vào vấn đề nhưng có sức lôi cuốn độc giả. Độc giả ngày nay không có nhiều thì giờ. Theo một nghiên cứu khá lâu, nếu độc giả đọc một bài báo hay một cuốn sách, mà trong vòng 7 phút đầu họ không thấy thích thú thì họ sẽ bỏ cuộc. Nói cách khác, người viết có 7 phút để 'câu' độc giả ở lại với mình.
Chẳng hạn như cuốn hồi kí "The Happiest Refugee" (Người Tị Nạn Hạnh Phúc Nhứt) của Anh Do (Đỗ Anh, một kịch sĩ nổi tiếng ở Úc) có cách vào chuyện rất hay. Trong hồi kí, tác giả dùng đoạn văn đầu để mô tả cảm giác anh ấy gặp lại thân phụ trong một căn nhà nghèo nàn ở Sydney sau một thời gian dài cách biệt. Đỗ Anh mô tả khi anh nghe điện thoại của thân phụ rằng ông muốn gặp anh, anh anh lái xe như bay dọc theo [đại lộ] Hume Highway, mà trong đầu thì dự tính khi gặp ông, anh sẽ đấm vào mặt ông một phát ra máu cho bõ tức. Nhưng khi gặp ông cùng với một đứa em cùng cha khác mẹ mới 1 tuổi, anh thấy chùng lòng và hai cha con trùng phùng trong nước mắt và ... bia.
"I’m flying down the Hume Highway at 130 kilometres an hour. I’ve lost control a few times but the brrrrrr of those white guide things on the side of the road keeps me on track. A steering wheel wet from tears is a very slippery object. I am sobbing uncontrollably.
Will he even recognise me? If he doesn’t, I’m going to just turn around and walk the other way.
I haven’t seen my father in nine years. Since I was thirteen in fact. I watched him walk out the door one night and haven’t seen or heard from him since, except for one strange phone call late at night on my eighteenth birthday. He was drunk and I hung up. I hated him when he was drunk . . . I feared him even.
Now, here I am at the age of twenty-two rushing headlong to see him. I’m quite a lot taller than when he left. And, more importantly, stronger. I can take him now . . . easy. I’m torn between fantasies of a happy reunion with this guy and beating him up.
I’m considering the different ways I could headbutt the little Vietnamese prick. As soon as he opens the door—Bang! Try and get him before he has a chance to do anything. Blood would pour from his nose and he’d be sorry. I’d make him pay for everything. For pissing off. For forcing Mum to look after three kids on an illiterate Vietnamese migrant’s wages of less than ten bucks an hour. But I also miss him dearly.
I remember him as funny and charming, and he taught me that I could do anything. He used to tell me, 'If you find the right woman, don’t muck around and waste any time. Marry her. You’ll be happy for the rest of your life. Just look at me and your mum.'
That’s what he taught me. What a hypocrite."
Phải nói là cách vào câu chuyện đời của Đỗ Anh vô cùng hấp dẫn. Thoạt đầu đọc đến đoạn anh nói muốn đấm vào ba mình một phát, tôi tự hỏi tại sao trên đời này có một đứa con hỗn hào như vậy, nhưng hoá ra đó là một cách 'câu' độc giả rất tuyệt vời.

Bài học 3: Đàm thoại và hình tượng văn hóa
Theo nhà tâm lí học Steven Pinker, 1/3 bộ não con người được dành cho thị giác. Điều này cũng có nghĩa là khi viết văn, chúng ta nên làm cho độc giả "thấy" mục tiêu cụ thể của bài viết, và làm được điều này sẽ có hiệu ứng rất tích cực cho bài viết. Đối với con người, đi từ "Tôi nghĩ tôi hiểu" đến "Tôi hiểu", chúng ta cần phải thấy cảnh tượng và cảm nhận được động cơ. Nhiều thí nghiệm đã cho thấy rằng độc giả hiểu và nhớ các thông tin tốt hơn khi thông tin được diễn tả bằng một ngôn ngữ mà họ có thể thấy bằng hình ảnh.
Ngoài ra, người viết cần phải chọn cách viết đàm thoại. Như nói trên, mỗi bài viết là một câu chuyện, và cách viết kể chuyện giúp người đọc lãnh hội rất nhanh. Ngày nay, cách viết kể chuyện hay đàm thoại cũng được rất nhiều tập san khoa học khuyến cáo các tác giả nên viết.
Trong lời mở đầu của cuốn "The Notebook", nhà văn người Ý Umberto Eco viết như sau:
"I am writing this preface because I feel I have an experience in common with our friend Saramago, and this is of writing books on the one hand, and on the other of writing moral critiques in a weekly magazine. Since the second type of writing is clearer and more popular than the former, lots of people have asked me if I haven’t decanted into the little articles wider reflections from the bigger books. But no, I reply, experience teaches me… that it is the impulse of irritation, the satirical sting, the ruthless criticism written on the spur of the moment that will go on to supply material for an essayistic reflection or a more extended narrative. It is everyday writing that inspires the most committed works, not the other way round."
Một đoạn văn rất cô đọng và đọc lên cứ như là một loại văn đối thoại. Những chữ được dùng trong đoạn văn trên toàn là những chữ thông thường, không cần dùng đến các chữ có nguồn gốc Latin, nên ai cũng có thể hiểu. Cách viết cũng rất gần với cách nói (ví dụ như " I am writing this preface because I feel I have ..." hay "But no, I reply, experience teaches me ..."). Tôi rất thích cách viết này.

Bài học 4: Cung cấp chi tiết và kiến thức
Một trong những sai lầm căn bản nhất trong viết văn là giả định rằng người đọc đã biết qua câu chuyện người viết muốn đề cập. Đó là một giả định sai lầm nghiêm trọng. Trước khi đề cập đến câu chuyện, người viết phải nhắc đến bối cảnh hay tiến trình của câu chuyện. Nếu có một ý tưởng hay một chữ gì mới, người viết cần phải giải thích. Đừng nghĩ rằng "tôi viết thế, ai muốn hiểu sao thì hiểu"! Đó là một suy nghĩ ngu xuẩn.
Nhiều người thiếu kinh nghiệm thường phạm phải một lỗi lầm rất cơ bản trong khi viết là người viết muốn tỏ ra mình thông minh. Trong thực tế, khi người viết tỏ ra thông minh thì thật ra họ là người ... ngu xuẩn. Nên nghĩ đến người đọc khi viết văn. Người đọc và người viết bình đẳng. Nếu người viết cố gắng gây ấn tượng thì họ có thể làm cho người đọc cảm thấy mình ngu (và không ai muốn mình ngu), nên sẽ rất phản tác dụng. Do đó cách hay nhất là đưa bản thảo cho một người khác đọc và hỏi ý kiến của họ. Hỏi xem họ có hiểu những gì mình viết hay không. Hỏi xem họ có cảm nhận được cái thông điệp chính của bài viết.

Bài học 5: Câu văn chủ đề
Chúng ta phải học nhà báo, vì họ có cách viết rất trực tiếp. Chú ý nhà báo viết những dòng chữ chapeau rất ngắn và đi thẳng vào vấn đề. Chỉ cần đọc cái chapeau là chúng ta biết được nét chính của câu chuyện. Nói cách khác, người viết nên nói cho độc giả biết ý tưởng của mình là gì. Điều này cũng có nghĩa là bắt đầu mỗi đọan văn bằng một câu văn tuyên ngôn (còn gọi là "declarative sentence"). Đừng bao giờ viết "vòng vo" để độc giả phải chờ đến câu văn cuối mới biết ý tưởng của người viết là gì.

Một đoạn văn phải có 3 phần. Phần 1 là câu văn tuyên ngôn hay câu văn chủ đề, báo cho độc giả biết mình muốn nói lên điều gì trong đoạn văn này. Các câu văn sau là những câu văn dữ liệu, hiểu theo nghĩa cung cấp dữ liệu, chứng cớ để yểm trợ hay minh hoạ cho câu văn chủ đề. Câu văn sau cùng là câu văn kết luận, nhấn mạnh cái ý đặt ra trong câu văn đầu. Cấu trúc này đơn giản và vô cùng sơ đẳng, nhưng chẳng hiểu sao rất nhiều người không tuân theo!  
Hãy đọc thử một đoạn văn của Samuel Huntington dưới đây:
"Modernization, in short, does not necessarily mean Westernization. Non-Western societies can modernize and have modernized without abandoning their own cultures and adopting wholesale Western values, institutions, and practices. The latter, indeed, may be almost impossible: whatever obstacles non-Western cultures pose to modernization pale before those they pose to Westernization. It would, as Braudel observes, almost “be childish” to think that modernization or the “triumph of civilization in the singular would lead to the end of the plurality of historic cultures embodied for “centuries in the world’s great civilizations.48 Modernization, instead, strengthens those cultures and reduces the relative power of the West. In fundamental ways, the world is becoming more modern and less Western."
Vào đầu đoạn văn, tác giả tuyên bố chủ đề là sự khác biệt giữa hiện đại hoá và tây phương hoá. Những câu văn sau đó giải thích tại sao có sự khác biệt, và đưa ra vài ví dụ minh hoạ. Câu văn sau cùng ("In fundamental ways, the world is becoming more modern and less Western") quay lại cái ý chánh trong câu đầu như là một cách nhấn mạnh rằng thế giới càng ngày càng hiện đại hoá nhưng ít tây phương hoá hơn.

Bài học 6: Đọc, đọc, đọc
Ở trên, tôi nói rằng mỗi bài viết phải nói lên một câu chuyện, và một câu chuyện phải có kịch bản với những chi tiết. Nhưng để cho câu chuyện hấp dẫn và kịch bản có đầy đủ chi tiết, người viết phải tỏ ra là một người 'uyên bác', hiểu theo nghĩa am hiểu vấn đề, rành rọt câu chuyện mình muốn chuyển tải đến độc giả. Mà, để uyên bác, thì tác giả phải đọc nhiều. Đọc nhiều lắm. Đọc những nghiên cứu trước, đọc những bình luận và xã luận. Đọc cả sách ... văn học. Đọc cả sách chánh luận. Qua đọc sách, tác giả học được ngữ vựng, học cách viết và cách cấu trúc câu chuyện.
Pinker nói: "Tôi không nghĩ bạn có thể trở thành một cây viết tốt mà không bỏ ra nhiều thì giờ để ngâm mình trong những cuốn sách để ngấm hàng ngàn thành ngữ, những hình ảnh, nhưng chữ thú vị, và qua đó phát triển cảm nhận về viết văn. Trở thành một cây viết đòi hỏi thưởng thức và 'reverse-engineering' những câu văn hay, những đoạn văn, những đoản văn gây cảm hứng để giúp bạn cấu trúc một bài viết đẹp."
Sau cùng là chỉnh sửa. Viết văn không phải lúc nào cũng có những câu chữ 'xuất thần' như nhà thơ được. Lúc nào cũng phải chỉnh sửa và biên tập. Tập thói quen như sau: viết ra một câu văn, đọc lại câu văn xem có chữ nào thừa hay thiếu, xem câu văn đã chuyển tải được cái thông tin người viết muốn gửi đến độc giả; đến cuối đoạn văn, đọc lại một lần nữa xem có những câu văn nào chưa ăn khớp với nhau, và đoạn văn đã nói lên được ý tưởng. Viết văn là một quá trình chỉnh sửa và biên tập. Tôi ví viết văn như nấu canh chua, tức cần phải nêm nếm cho đến khi nồi canh hoàn chỉnh.
Tập viết thường xuyên. Nếu các bạn cảm thấy khó khăn khi viết văn, thì tôi khuyên các bạn là nên tập viết thường xuyên. Viết nhựt kí. Viết blog hay fb note, hay twitter. Viết blog hay twitter là một thể thao viết văn rất tuyệt vời. Chẳng hạn như viết trên twitter, vì 'luật twitter' bắt buộc chúng ta phải viết ngắn nhưng có ý nghĩa, và cách viết đó giúp chúng ta chọn chữ thích hợp nhưng đồng thời loại bỏ những chữ không cần thiết. Do đó, các bạn nên bắt đầu viết trên facebook hay blog, viết về những cảm nhận hàng ngày của mình như là nhật kí điện tử, và theo thời gian các bạn sẽ trở thành một cây viết tốt.
Nhà văn lừng danh người Mĩ  William Zinsser từng nói một câu bất hủ: "Writing is thinking on paper" -- Viết văn là suy nghĩ trên trang giấy. Viết văn đúng là một cách suy nghĩ (không có 'tư duy' gì ở đây, chỉ là 'suy nghĩ'). Suy nghĩ trên trang giấy. Theo đó, người có ý tưởng rõ ràng hay hiểu vấn đề thì viết văn cũng sẽ rõ ràng, dễ hiểu. Ngược lại, người suy nghĩ mù mờ thì viết văn không rõ ràng. Người suy nghĩ chưa chín thì viết văn lan man, mờ nhạt. Do đó, khi đọc những dòng chữ viết của một người, chúng ta cũng có thể biết một chút về suy nghĩ của người đó.

Bản dễ đọc hơn: https://nguyenvantuan.info/2020/12/22/kinh-nghi-viet-van
______
[1] Ví dụ như cách viết này thì rất khó hiểu vì câu văn quá dài và ý tưởng không rõ ràng:
" Quá trình 35 năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, cho thấy, cần nhận thức sâu sắc hơn, tiếp tục bổ sung, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các mối quan hệ lớn về mặt tư tưởng, lý luận, đề ra các quyết sách, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, tiếp tục phát triển đất nước nhanh và bền vững, đặc biệt chú trọng xử lý tốt hơn các mối quan hệ: Giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội." (https://moha.gov.vn/.../bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich...)

[2] Đây cũng là một đoạn văn rất khó hiểu của một ông bộ trưởng:
"Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển các ngành nghề đào tạo chất lượng cao; tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng và năng lực tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; đẩy mạnh công khai, minh bạch quá trình tổ chức đào tạo; ứng dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến trong đào tạo để chủ động thích ứng với những thay đổi dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0." (http://laodongxahoi.net/thu-chuc-mung-ngay-nha-giao-viet...)
"Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, kiên quyết khắc phục mọi hạn chế yếu kém, vượt qua mọi khó khăn thách thức, chủ động và sáng tạo tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn và công tác quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Nghị quyết 29, đáp ứng sự mong đợi và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân." (https://baodansinh.vn/bo-truong-pham-vu-luan-gui-thu-chuc...)