[ Câu chuyện cảm động về chiếc umbrella. ]

Chiếc ô ở KU.

“Linh không check dự báo thời tiết hả? Hôm nay sẽ mưa to lắm đấy..”
“Dạ em không biết hôm nay mưa…”

Giáo sư Oh có hội thảo, lái xe từ Gunsan lên Seoul từ sáng sớm và hẹn đi ăn trưa với con bé học trò nhỏ (để thêm phần chi tiết, con bé là học trò theo thầy 4 năm đại học tại Gunsan, và con đường thạc sĩ hiện tại cũng nhờ một tay giáo sư chỉ đường dẫn lối).
Cuộc hội ngộ của 2 thầy trò diễn ra trong một buổi trời âm u, mưa lất phất. Sau khi ăn trưa, mưa to hơn lúc trước, 2 thầy trò ghé vào quán cafe trú chân một lúc. Giáo sư sờ vào túi quần, là con bé biết chắc chắn ông chuẩn bị ra ngoài hút thuốc. Đúng như vậy. Giáo sư giống bố Tuấn ở nhà, có niềm đam mê với hút thuốc, đã nhiều lần dặn dò và ngăn cản 2 ông bố mà không ông nào chịu nghe tôi.

Giáo sư ra ngoài hút thuốc, bảo con bé ở trong quán ngồi đợi. Khi giáo sư trở lại, con bé đã chuẩn bị một chiếc bàn thật ngăn nắp, để giáo sư chỉ cần đặt mông xuống thôi là con bé sẽ chụp ảnh kỉ niệm (con bé thích thế). Thế rồi giáo sư đưa về phía con bé một món đồ, con bé theo quán tính giơ tay ra đỡ.
Một chiếc ô.
Lọt thỏm trong tay.
Mắt to tròn ngước lên nhìn giáo sư,
“Tí nữa trời chắc mưa to hơn đấy, dùng ô này che mà về nhé!”
Con bé cảm động, và đã lâu lắm rồi không thấy lòng ấm áp như vậy.


Nhiều khi, tình cảm không phải cứ nói ra mới là quý mến nhau. Tình cảm là sự quan tâm, sự ấm áp và sự yêu thương chân thành. Tết 2016, năm đầu tiên mình ăn tết xa nhà, bố đã rủ mình ăn tối cùng với gia đình của bố. Khi ấy mình không biết nhiều tiếng hàn, nhưng dù thế mọi người vẫn chăm sóc hỏi han mình rất nhiệt tình. 2017, mình bắt đầu đi chơi nhiều với những người bạn Việt Nam, bố chê tiếng hàn mình kém đi (vì mình chỉ nói tiếng Việt) và dí mình chơi với các bạn Hàn Quốc. 2018, bố hỏi dự định tương lai, biết mình có ý định học thạc sĩ, bố viết cho mình 5 bản thư tay giới thiệu, để vào 5 phong bì gọn gàng rồi đưa mình để nộp hồ sơ lên các trường trên Seoul. Bố dặn đi dặn lại phải lập nghiệp ở Seoul, vì Seoul là trung tâm của Hàn Quốc, cũng như Hà Nội là đầu tàu của Việt Nam. Năm 2019, trước lễ tốt nghiệp đại học, bố dẫn mình lên công ty truyền thông trên Seoul để xin việc. Mình nghĩ bố phải tin tưởng lắm mới dắt mình đi khắp Seoul, nhưng mình thì ngáo ngơ như một con gà công nghiệp, và tất nhiên, vì không có kinh nghiệm nên mình không được nhận vào công ty. 2020, mình bắt đầu nhập học thạc sĩ ở KU, ngôi trường gắn bó nhiều năm của bố. Hè mình về thăm bố, bố chở mình đi khắp Gunsan, giới thiệu với mọi người mình là học sinh Việt Nam, đang theo học tại trường cũ của bố và bố tự hào về điều đó. Từng chi tiết nhỏ trong 4 năm học đại học của mình, bố đều nhớ rõ mình làm gì, như thế nào, tốt xấu ra sao. Mỗi lần gặp lại, bố đọc vanh vách như có cả một thư viện cuộc đời con Linh trong bố vậy. Lần này cũng thế, gặp lại tay bắt mặt mừng, bố kể cả chuyện cũ, chuyện mới và chuyện tương lai. Lúc bố đặt chiếc ô lên tay, mình ngạc nhiên xen lẫn xúc động, vì vẫn không tưởng tượng được rằng bố lại tình cảm đến như thế.

Thực chất, một chiếc ô, có thể đắt, có thể rẻ, tuỳ thuộc vào chất lượng và giá trị nó mang lại. Có những chiếc ô đính kim cương, hột xoàn, ngọc bích châu báu đủ thứ trên đời, trông thật bắt mắt và có thể nâng cao giá trị của người sở hữu nó. Mọi người thường tròn mắt và tung hô nó, như thể nó là thứ đẹp đẽ và tuyệt vời nhất trên cuộc đời. Thế nhưng, có những chiếc ô, nhỏ nhắn, đơn giản, chỉ có điều nó không được tính theo mệnh giá, mà nó là sự hiện hữu của niềm tin, tình thân và lòng yêu thương.

[10.07.2021]
Ảnh bố Oh.
Tuyệt sắc giai nhân