Lưu ý: Cụm từ “vấn đề tâm thần” và “vấn đề tâm lý” trong bài viết sẽ được sử dụng luân phiên nhau và dùng để ám chỉ các rối loạn tâm thần và các vấn đề cận lâm sàng.
Ngoài phản ứng “tại sao lại chọn học tâm lý vậy”, “học tâm lý thì đoán thử tao đang nghĩ gì đi”, một câu hỏi trong top những câu mà mình thường nhận được sau khi chia sẻ việc học tâm lý là:
Tại sao bây giờ mọi người gặp vấn đề tâm lý nhiều vậy?
Bài viết này nhằm trả lời câu hỏi nói trên thông qua phân tích mối quan hệ giữa việc nâng cao nhận thức về lĩnh vực sức khỏe tinh thần và sự gia tăng các vấn đề tâm lý trong xã hội.

Tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần

Trên thế giới, cách đây hơn 30 năm, vào 10/10/1992, Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (World Mental Health Day) lần đầu tiên được tổ chức với mục tiêu hướng đến việc giáo dục, gia tăng nhận thức về sức khỏe tâm thần, chống lại sự kì thị xã hội.
Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng ra 2 thông tư (31/2017/TT-BGDĐT và 33/2018/TT-BGDĐT) về công tác tư vấn tâm lý học sinh và công tác xã hội dành cho tất cả cơ sở giáo dục có người học dưới 18 tuổi yêu cầu mỗi trường có phòng tư vấn, tổ tư vấn và các hoạt động tư vấn tâm lý. Ngoài ra, vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết Định số 34/2020/QĐ-TTg Ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, trong đó xác định chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634) với mô tả cụ thể về một số chức năng nhiệm vụ chủ yếu, cũng phân biệt rõ giữa Nhà tâm lý với Bác sỹ tâm thần (mã nghề 22128).
Không chỉ là sự quan tâm của Chính phủ, các chiến dịch, dự án hướng đến việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ tâm lý, đặc biệt là trong và sau đại dịch COVID-19 như Đường dây nóng Ngày mai hay chương trình “Vắc xin tinh thần” của trường ĐH KHXH&NV HCM, cũng đã cho thấy sự chú trọng đến sức khỏe tâm thần ngày càng tăng. Không chỉ vậy, ngày càng có nhiều các kênh fanpage, tiktok và các trang mạng xã hội khác cũng đưa thông tin về kiến thức tâm lý nói riêng và sức khỏe nói chung đến gần hơn với mọi người.

Tại sao vấn đề tâm lý dường như đang gia tăng và xuất hiện ở nhiều người hơn?

Quay trở lại với câu hỏi được đặt ra ở đầu bài, trong khi sự quan tâm và các dịch vụ tâm lý trở nên phổ biến hơn, tại sao vấn đề tâm lý dường như đang gia tăng và xuất hiện ở nhiều người hơn?
Mới đây, hai nhà nghiên cứu Lucy Foulkes và Jack Andrews (2023) đã đưa ra Giả thuyết lạm phát phổ biến (The Prevalence inflation hypothesis) để giải thích hiện tượng này. Các tác giả cho rằng những nỗ lực nâng cao nhận thức như các chính sách, chiến dịch, dự án về tâm lý là một yếu tố góp phần gia tăng các vấn đề sức khỏe tinh thần. Sự tác động này mang tính qua lại, thông qua hai quá trình ở giữa là (1) Gia tăng khả năng tự nhận biết (2) Diễn giải phóng đại.

1. Gia tăng khả năng tự nhận biết:

So với trong quá khứ, khi các vấn đề tâm thần thường được gắn mác là “khùng”, “điên”, “quá yếu đuối” hay “không trưởng thành”, ngày nay, nhờ vào các nỗ lực nâng cao nhận thức, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có vấn đề tâm thần đang dần được giảm bớt, trong khi các kiến thức chính xác về sức khỏe tâm thần được biết đến rộng rãi và phổ biến hơn.
Sự phát triển này giúp mọi người có nhiều thông tin kiến thức hơn để nhận biết các vấn đề tâm lý mà bản thân đang trải qua, thay vì cảm thấy mình là ngoại lệ và bất bình thường. Các chiến dịch hay nỗ lực nói trên cũng đã mở ra cơ hội để mọi người có thể bình thường hóa và thoải mái hơn trong việc chấp nhận, chia sẻ vấn đề tâm lý mình đang gặp phải với người khác. Từ đó, gia tăng việc họ tìm đến các dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp, chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần để nhận được sự hỗ trợ (Henderson và cộng sự, 2018).
Một kết quả tự nhiên của xu hướng này là số liệu về các triệu chứng tâm lý gặp phải sẽ được mọi người báo cáo cởi mở và đầy đủ hơn hơn. Ở một phạm vi rộng, các nghiên cứu về lĩnh vực này cũng sẽ dần được đầu tư, quan tâm hơn dẫn đến có nhiều công cụ, kỹ thuật nhận diện vấn đề hay chẩn đoán tốt hơn.

2. Diễn giải phóng đại (Overinterpretation)

Quá trình thứ hai được đề cập đến trong Giả thuyết lạm phát phổ biến là việc diễn giải quá mức.
Diễn giải quá mức là quá trình khi những nỗ lực nâng cao nhận thức không chỉ giúp mọi người nhận biết tốt hơn về vấn đề của họ, mà còn khiến một số cá nhân xác định những diễn biến tâm lý thoáng qua hay các cơ chế phản ứng bình thường của cơ thể là những vấn đề sức khỏe tâm thần cần được dán nhãn, báo cáo và điều trị (Foulkes và Andrews, 2023).
Việc gia tăng mức độ nhạy cảm của mọi người trong việc xem xét những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi tiêu cực của mình là triệu chứng của rối loạn tâm thần được một số nhà nghiên cứu cho rằng đang góp phần gia tăng việc bệnh lý hóa quá mức những trải nghiệm bình thường vốn có của con người (Haslam, 2016; Beeker và cộng sự, 2021).
Ví dụ gần gũi nhất chúng ta có thể thấy là những bài đăng ai đó tự nhận mình đang trầm cảm khi so sánh các trải nghiệm tự nhiên (ví dụ: lo lắng, mất ngủ hay căng thẳng mức độ vừa trước kì thi) dựa trên “10 Dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh trầm cảm” được các fanpage không chính thống đưa tin.

Lãng mạn hóa và đơn giản hóa các vấn đề tâm lý

Trong quá trình nâng cao nhận thức, những thông điệp như “cởi mở và chia sẻ về vấn đề của mình là vô cùng dũng cảm và đáng ngưỡng mộ” góp phần rất quan trọng để đẩy lùi sự xấu hổ và kì thị - những rào cản đáng kể trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ của người có vấn đề tâm lý (Eigenhuis và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo hướng khác, thông điệp này cũng có thể được hiểu rằng công khai hay chia sẻ về vấn đề tâm lý của bản thân là có giá trị xã hội và giúp “đánh bóng” hình ảnh (Foulkes và Andrews, 2023).
Điều này có thể giải thích tại sao các vấn đề sức khỏe tâm thần hiện nay như trầm cảm hay lo âu, đôi khi được tôn vinh, lãng mạn hóa quá mức hoặc trái lại là đơn giản, tầm thường hóa quá mức (Williams, 2018). Một số thảo luận liên quan gần đây mọi người có thể biết đến là việc các ca từ về trầm cảm đầy chất thơ viết bởi những nghệ sĩ như Billie Eilish hay Lana Del Rey đang vô tình được người hâm mộ tôn vinh và xem những trải nghiệm khó khăn này là hay ho (Noelani Buionomo, 2019; Reyes, 2024). Ngoài ra, sự phổ biến của Tiktok với vai trò như một ứng dụng tìm kiếm thông tin, cùng các video mô tả ngắn gọn quá mức và thiếu tính kiểm chứng cũng có thể đang tạo ra làn sóng chẩn đoán sai lệch và hạ thấp tính nghiêm trọng của các vấn đề tâm thần (Brown, 2023).
"Cách tôi đeo thòng lọng, giống như đeo dây chuyền"
"Cách tôi đeo thòng lọng, giống như đeo dây chuyền"

Lời tiên tri ứng nghiệm

Ngoài ra, Foulkes và Andrews (2023) cũng cho rằng việc diễn giải quá mức có thể sẽ tạo ra các vấn đề sức khỏe tâm thần mới hoặc làm tăng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề hiện có, dựa trên cơ chế của lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy).
Lời tiên tri tự ứng nghiệm là hiện tượng một niềm tin chưa xác thực được gắn cho một người (có thể bởi chính họ hoặc người khác) có thể mang lại kết quả gần như hoặc chính xác với chính niềm tin đó (Rosenthal, 2012). Mọi người có thể tìm đọc bài viết về lời tiên tri tự ứng nghiệm của mình trong trang.
Cụ thể, trong trường hợp này, các tác giả đề xuất rằng khi nhận nhiều thông tin hơn về các vấn đề tâm lý thông qua mạng xã hội, internet hay các sản phẩm nghệ thuật, mọi người có thể dễ dàng dán nhãn hay chẩn đoán cho bản thân. Đối với một số cá nhân, việc tự chẩn đoán sẽ chính xác và đem lại những lợi ích như ở Quá trình 1. Nhưng đối với một số người khác, việc tự chẩn đoán có thể dẫn đến việc diễn giải quá mức, khiến họ cảm thấy rằng trên thực tế họ đang thực sự trải qua một rối loạn và/hoặc khiến họ thực hiện các hành vi xác nhận điều đó.
Ví dụ: một người sau khi xem những clip viral trên tiktok về chứng lo âu (anxiety) có thể diễn giải những căng thẳng và lo lắng tự nhiên của mình trước các sự kiện quan trọng như thuyết trình hay kì thi là triệu chứng của Rối loạn lo âu. Từ đó, họ tin rằng mình đang mắc rối loạn này và nỗ lực né tránh các sự kiện tương tự có thể xảy ra. Tuy nhiên việc né tránh lại khiến họ gia tăng sự lo lắng và tạo một vòng tròn giữa việc tự chẩn đoán với thực hiện hành vi xác nhận sự tự chẩn đoán đó.

Tóm lại là:

Khi tỉ lệ các vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng trong xã hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, dự án và cá nhân sẽ gia tăng việc phổ biến thêm thông tin và khuyến khích nâng cao nhận thức. Việc này giúp mọi người nhìn nhận rõ ràng hơn và tìm kiếm các hỗ trợ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó cũng có khả năng gia tăng các diễn giải phóng đại vì xu hướng lãng mạn hóa, đơn giản hóa quá mức vấn đề tâm lý hoặc thông qua quá trình tiên tri tự ứng nghiệm. Đây chỉ là giả thuyết và vẫn chưa thực sự có các thực nghiệm để kiểm tra mối quan hệ nhân quả giữa các biến số này.

Một số vấn đề đang dần trở nên nguy hiểm:

Lợi dụng sự quan tâm ngày càng lớn về lĩnh vực sức khỏe tinh thần, hiện nay có rất nhiều chuyên gia tự phong, không có chuyên môn hay được đào tạo chính thống về tâm lý/tâm thần đang cung cấp các dịch vụ về tâm lý. Họ có thể sử dụng các chức danh như “chuyên gia chữa lành”, “huấn luyện viên tâm trí”, “chuyên viên tâm trí” để quảng cáo và hành nghề. Vậy nên khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ tham vấn hay trị liệu, mọi người hãy tìm hiểu và cân nhắc thật kĩ về chuyên môn, bằng cấp và kinh nghiệm của chuyên gia đó trước khi quyết định bắt đầu.
Các vấn đề về tâm lý/tâm thần rất phức tạp. Khó có thể dán nhãn hay chẩn đoán ai đó đang có vấn đề gì chỉ qua các bài đăng thiếu tính xác thực hay các clip tiktok hài hước tối đa 60s. Hãy xem các thông tin này là một nguồn tham khảo nhưng đừng bao giờ nghĩ đó sẽ là chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần của bạn.  
Nhân Tuần lễ Nhận thức về Sức khỏe tâm thần - Mental Health Awareness Week 2024, mình mong mọi người sẽ luôn quan tâm và chăm sóc kĩ càng cho sức khỏe tâm thần của mình.