Phần 1:

Gieo cây nào gặt quả ấy

Gieo gió gặt bão

Ở hiền gặp lành

...

.................

Chúng ta ai cũng được học 1 loạt những câu thành ngữ tục ngữ về thiện giả ác báo, về quy luật nhân quả của cuộc đời. Nhưng cuộc sống ngoài kia đâu có như thế. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhiều người lương thiện vẫn gặp tai ương, mà nhiều kẻ thủ ác thì vẫn ung dung sống cuộc đời hưởng thụ.

Và nếu quy luật nhân quả không đúng, phải chăng chúng ta cũng chẳng cần làm việc tốt, vì cuối cùng thì chắc gì chúng ta đã gặt được quả ngọt trong đời?

Tôi vẫn nhớ mãi 1 kỷ niệm từ cách đây lâu lắm rồi. Trong 1 lần đi ăn sáng cùng bố mẹ, trên đường về nhà ba người chúng tôi đi qua 1 khu chợ kiểu tự họp. Lúc ấy có cô bán hàng hoa quả đang loay hoay với thùng xoài nặng trịch không làm sao hạ xuống từ chiếc xe máy cà tàng được, thấy bố tôi đi qua cô liền khẩn khoản xin ông giúp. Không ngần ngại bố tôi gật đầu, rồi lấy hết sức mình nhấc cái giỏ xoài lên khỏi giá xe và đặt xuống đất 1 cách cẩn thận và nhẹ nhàng (để khỏi dập). Công việc có vẻ nhanh gọn nhưng thực sự khá nặng, cộng thêm việc bố tôi bị tiền sử đau lưng nên làm xong ông chảy đầy mồ hôi trên trán và mặt đỏ bừng. Điều đáng nói là khi đặt được giỏ xoài xuống thì cô bán hàng đã chạy qua bên kia để tiếp 1 người khách mới dừng lại hỏi giá hoa quả, chỉ đảo mắt nhìn lại xem bố tôi xong chưa mà thậm chí không có lấy 1 tiếng cảm ơn. Trên quãng đường còn lại trở về nhà, tôi đã được chứng kiến 1 điều thật lạ. Trái ngược với vẻ hậm hực của mẹ tôi vì cô bán hàng vô ơn, bố tôi lại vừa đi vừa huýt sáo 1 cách yêu đời như ông vẫn luôn thế.
Câu chuyện nói lên điều gì? Mãi gần đây, khi đọc Seneca tôi mới hiểu các bạn ạ. Đó là:

Vinh quang của 1 hành động tốt nằm hoàn toàn trong chính hành động ấy


Đọc thêm:

Đây có thể nói là cách duy nhất để chúng ta không bao giờ phải hoài nghi về những điều tốt đẹp mà mình có thể làm cho cuộc đời. Có lẽ, không ít người, sau khi nghe vụ hiệp sĩ bị đâm chết, lần tới có thấy cướp cũng sẽ rùng mình mà bỏ qua. Cũng có người, vì thấy bảo làm từ thiện bây giờ toàn lừa đảo, nên buộc mình quên đi 2 chữ sẻ chia vốn vẫn là giá trị cực kỳ lớn lao của cuộc đời. Hay gần gũi hơn, bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình phải cố gắng làm tất cả những thứ được cho là tốt này: học tập, rèn luyện, đọc sách, học ngoại ngữ, blah blah, mà chả có ai để ý, ca ngợi hay chí ít là khen mình. Điều đó có làm bạn mất đi động lực để tiếp tục hay không?
Có bao giờ bạn tự hỏi: "Tất cả những cố gắng này là vì cái gì" hay không?
Nhưng, nếu bạn có thể thay đổi suy nghĩ đi 1 chút, chấp nhận cái sự vinh quang, hạnh phúc và "quả" của mỗi hành động tốt nằm ngay trong chính hành động ấy, thì sẽ khó có thứ gì có thể tác động đến mong muốn tiếp tục làm những điều tốt nhất cho bản thân và cho cuộc sống này. Cụ thể hơn 1 chút:
Nếu như bạn biết niềm vui trong luyện tập thể thao chính là việc bạn chiến thắng được sự chây lười của cơ thể, và thậm chí cả sự trì hoãn của tâm trí, thì việc sau 1 vài tháng bạn vẫn bụng mít tay que ngực phẳng lỳ, chả có đứa của nợ nào nó yêu thực ra chả có gì đáng phải muộn phiền. 
Nếu như bạn biết hạnh phúc trong việc tặng quà gái nằm chính trong sự tôn trọng của bạn đối với tình cảm của bản thân, bạn tin tình cảm đó, và muốn tình cảm đó được thể hiện, thì dù cho cô ấy có không thích món quà, hay vứt mẹ đi cũng chả thể ảnh hưởng đến việc ... bạn nhặt lại món quà và đưa cho người bạn cảm thấy xứng đáng hơn.
Nếu như bạn cảm nhận được, việc làm ơn cho người khác thực sự chính là để bản thân cảm nhận được giá trị của mình trong cuộc sống, và mình cố gắng làm nó tốt lên, thì việc người ta không trân trọng, thậm chí còn dè bỉu hay cho rằng bạn có nghĩa vụ phải làm vậy cũng sẽ không thể làm giảm giá trị của hành động của bạn, và niềm vui mà bạn có được khi thực hiện nó.


Nhưng, còn điều này nữa, bạn biết không, đó là ở phía ngược lại:

Sự trừng phạt cho 1 hành động xấu cũng nằm ngay trong ảnh hưởng của hành động ấy đối với người thực hiện

Tôi có một cậu bạn, hồi lâu ngồi nhậu mấy anh em ôn lại những kỷ niệm thời trẻ trâu. Ngà ngà rồi tự dưng cậu tâm sự hồi trước nhà tuy điều kiện nhưng bố mẹ khắt khe quá, chả bao giờ cậu có tiền ăn chơi. Có lần liều lấy cái máy tính của cô bạn cùng bàn, bán đi được vài chục để đi bắn half-life với đám bạn. Tôi cũng chả biết có phải vì hơi men cậu mới kể (như 1 lần được thú nhận tội lỗi) hay không, nhưng cậu nói mà mặt cúi gằm không dám nhìn ai trong mấy thằng bạn chí cốt. Một nhân khác trong nhóm mới hỏi: thế lúc lấy có sợ không? Khổ cho cậu, nhớ lại thôi chắc đã là 1 cực hình rồi, cậu nói là sợ, tim đập loạn lên, rồi từ đó về sau phải tránh nhìn mặt con nhỏ ấy.
Bạn thấy không, 1 tội lỗi có thể nói là không quá lớn, nhưng ảnh hưởng của nó có thể sẽ đọng lại trong 1 thời gian dài. Chính vì thế mà làm người tốt mới khó, chứ làm “chó” thì cần gì bận tâm. Nói vui vậy thôi, nhưng tôi tin quan điểm triết học mà tôi đọc được ở đâu đó: "Tất cả mọi người trên thế giới này đều phân biệt được tốt xấu, và từ sâu thẳm trong tâm hồn có 1 khao khát hướng thiện". Chỉ là không dễ để luôn luôn giữ mình và cứ tiếp tục làm việc tốt, giống như lời khuyên của Marcus Aurelius:
Dịch: Chúng ta phải cố gắng làm việc tốt thật nhiều, và coi nó đơn giản như cây nho cứ ra quả ngọt hết vụ này đến vụ khác mà không quan trọng hóa chính thứ quả ngọt ấy.


Kết luận: mỗi hành động của bạn đều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhân cách mà bạn xây dựng cho mình. Có hay không có quy luật nhân quả trong cuộc đời, tôi không biết, và cũng chưa gặp ai có thể chắc chắn về câu trả lời của họ. Nhưng có lẽ điều đó cũng không quá quan trọng, nếu ta biết rằng mình có thể tận hưởng toàn bộ cái vinh quang trong mỗi hành động tốt mà ta thực hiện. Ngược lại, nếu ta làm việc xấu, dù có ai biết hay không, sự trừng phạt cũng sẽ không dễ gì từ bỏ ta.
Xin được kết thúc bằng 1 câu truyện trong sách "Cổ học tinh hoa" (đại ý thôi nhé, vì ngại tìm lại quá): 

Có 1 vị thánh nhân luôn làm việc tốt giúp đời. Bạn của ông thấy mới hỏi: "Sao cả thiên hạ bây giờ người ta chỉ quan tâm đến mình, và chả ai giúp ai cái gì mà bác phải làm vậy?". Vị thánh nhân mới trả lời: "Ơ hay, chính vì cả thiên hạ như thế nên bác càng phải khuyến khích tôi làm việc tốt mới đúng chứ hả".

A Dreamer
" Đặt mua ngay Seneca tại ": https://shp.ee/7vhvu5g

Nguồn:

Sách: 
Moral letters to Lucilius - Seneca (Letter 81)
Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc & Trần Lê Nhân
*********************************
Triết học thực hành (Practical Philosophy) là series mang triết học đến gần hơn với cuộc sống đời thường, với mong muốn chỉ ra sự cần thiết và công dụng của triết học trong việc tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, trước hết cho chính bản thân mỗi người, và sau đó là cho cộng đồng. Tất nhiên, những bài học được ứng dụng phần nhiều là từ Stoicism, và một số trường phái khác mà tôi tiếp thu được như Đạo của Lão Tử, Phật giáo. Vì khả năng có hạn, nên rất mong nhận được đóng góp của các bạn, để chúng ta cùng bàn luận và đi đến những giải pháp tốt nhất cho mỗi hoàn cảnh đặt ra.

Series bài viết về Stoicism: