Áp lực đồng trang lứa (peer pressure): khi một cá nhân chịu ảnh hưởng của một/nhiều người thuộc cùng một nhóm xã hội (cùng độ tuổi, cùng công ty, cùng chuyên môn, ...) và thường có xu hướng thay đổi thái độ, giá trị hoặc hành vi của họ để giống với các chuẩn mực của nhóm.
Từ áp lực về điểm số và thành tích học tập khi còn nhỏ, đến áp lực phải năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khoá, tham gia cuộc thi này cuộc thi kia khi trở thành sinh viên, ra trường thì đến áp lực của việc so sánh mức lương, so xem công ty nào, title (chức danh) gì thì mới hoành tráng, làm cái gì thì mới được người khác nể trọng, vv... Peer pressure xuất hiện với muôn hình vạn trạng khác nhau, nhưng ở bài viết này, chúng ta sẽ nói về những áp lực như đề cập ở trên.
Thực tế peer pressure không hoàn toàn xấu, khi nó giúp chúng ta có thêm động lực để học tập và phát triển. Nhưng đứng trước sự cộng hưởng của các yếu tố ngoại cảnh như kì vọng xã hội, kì vọng của gia đình, ... nó trở thành tảng đá lớn đè lên tâm lý chúng ta. Vậy ngoại trừ các tác động bên ngoài khó thay đổi, chúng ta cần những nội tại gì để chống lại peer pressure?

1. Nhận thức về bản thân

Self-awareness. Chúng ta nhìn thấy những giá trị gì của mình. Sở thích hoặc đam mê, điểm mạnh, điểm yếu, những nguyên tắc, cách chúng ta tương tác và tạo ảnh hưởng đến xung quanh. Một người yêu thích giao tiếp và giỏi kết nối, thích giao du, ghét số má sẽ chẳng mấy khi ghen tị với một người ngày đêm nhìn máy tính gõ code, không cần nói chuyện với ai, và ngược lại 😃. Khám phá bản thân một cách trọn vẹn không đơn giản chỉ là việc đặt mình vào một nhóm tính cách, tuy đó có thể là những phím tắt khi chưa tìm được một định hướng cụ thể nào. Hãy cứ làm các bài test MBTI, DISC, tìm các loại hình trí thông minh mà bạn có, thậm chí xem thần số học, hay "bản đồ sao" chiêm tinh, và tự trải nghiệm những điều ấy để tìm "mình".
Nhưng đó chưa phải tất cả.
Theo nghiên cứu trên Harvard Business Review, self-awareness có hai dạng: internal self-awarenessexternal self-awareness. Người thật sự có self-awareness không chỉ hiểu rõ bản thân mình, mà còn nhận thức được người khác đang nhìn mình như thế nào. Điều này sẽ hình thành khi chúng ta tích cực lắng nghe, đối chiếu các phản hồi (feedback) từ người khác. Nếu thiếu một trong hai, ta sẽ rơi vào các trường hợp như quá bảo thủ, hoặc quá "cả nể", thiếu chính kiến.

2. Niềm tin vào giá trị của việc mình đang cống hiến

Never letting the competition define you. Instead, you have to define yourself based on a point of view you care deeply about."
- Tom Chappel
Bạn trân trọng điều gì? Điều gì có ý nghĩa với bạn?
Nếu bạn cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa khi đem lại niềm vui và kiến thức cho trẻ em, tại sao phải so sánh mình với một người làm marketing, một kiến trúc sư, hay kể cả một giảng viên đại học. Nếu không có những người thực sự quan tâm đến giao thông đô thị, chắc gì chúng ta đã biết tới "Làn sóng xanh", đã được trải nghiệm đi lại thuận tiện trên những tuyến đường được tính toán từng chu ky đèn xanh đỏ. Sự đa dạng của cuộc sống được hình thành từ những điều khác biệt. Nếu bạn thực sự vui khi làm được điều gì đó có ích, tại sao không tiếp tục làm nó?
Cũng có trường hợp chúng ta tìm thấy điều mình muốn theo đuổi, nhưng khả năng hiện tại chưa cho phép thực hiện điều ấy. Hãy giữ lấy ý nguyện đó, đặt ra mục tiêu và hành động hướng đến nó. Như Mark Manson viết: "Values are worthless if they don't contain some sort of real-world manifestation".

3. Hiểu rằng mỗi người có một cuộc đời khác nhau

Đừng quá mải mê nhìn cuộc sống của người khác. Chúng ta không biết họ đã trải qua những gì trước khi đạt được những thành công ấy. Con đường của mỗi người là khác nhau. Gia đình khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, trải nghiệm khác nhau, bài học khác nhau, động lực, cảm hứng khác nhau. Và chúng ta xứng đáng với những trạng thái hạnh phúc khác nhau. Hãy biết ơn tất cả những điều đã đến, để có bạn ngày hôm nay, độc đáo và duy nhất.
Source: ReachOut Australia
Source: ReachOut Australia
Chỉ cần bạn không dừng cố gắng vì ý nguyện và niềm tin của mình. Từng bước một. Hãy công nhận những thành tựu nhỏ mỗi ngày, tiến bộ nhỏ vẫn là tiến bộ (small progress is still progress). Lấy đó làm động lực để tiếp tục tiến đến mục tiêu. Chỉ có như vậy, bạn mới tìm thấy niềm vui trong suốt hành trình, dù kết quả có là gì đi nữa.
---
Tạm kết
Những điều trong bài viết được chia sẻ dựa trên trải nghiệm cá nhân của mình. Nó có thể không đúng với tất cả, nhưng mình tin (và mong) rằng sẽ có người cảm thấy cần được nghe những điều ấy, và đã tìm thấy sự an ủi và động viên nhất định.
Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc tới đây, cảm ơn vì đã luôn theo dõi và ủng hộ mình. Mình trân trọng từng phản hồi của tất cả các bạn. 💛