Mấy nay mình đang đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", và thực sự bị lay động trước những dòng tâm sự chân thành, mộc mạc mà như có lửa của cô bác sĩ anh hùng mà đoản mệnh ấy. Mình cảm nhận được cái đau thương đến khôn cùng của chiến tranh, khói đạn, máu thịt, mất mát, nhưng dường như chúng chỉ càng làm tôn thêm lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng tình cảm yêu đất nước, yêu độc lập mãnh liệt của những con người tuổi đời mới đôi mươi ấy mà thôi.
Ngoảnh mặt lại mà giật mình. Cứ tưởng chiến tranh xa xôi lắm, vậy mà hóa ra mới chỉ cách đây 50 năm - ngắn hơn cả một đời người. Mảnh đất hình chữ S thân yêu này, thế thì cũng chỉ như mới giành được độc lập trọn vẹn mà thôi, và vẫn sẽ phải gian nan trên con đường tìm được một vị trí vững vàng cho mình trên trường quốc tế.
Đọc về những chiến sĩ thanh thiếu niên anh hùng trong Nhật ký, rồi nhìn lại cách mình đang sống bây giờ, tự dưng lòng lại dâng lên chút hổ thẹn nghẹn ngào. Mình nhớ tháng trước nhìn thấy thông tin về việc Nhật và các nước phát triển phương Tây đang lên kế hoạch chuyển những nhà máy lớn từ Trung Quốc về Việt Nam, và rất nhiều bạn trẻ vui mừng, hả hê coi đó như một thất bại của Tàu và chiến thắng cho ta. Vậy mà mình cũng đâu dám lên tiếng! Đâu dám hỏi họ liệu điều ấy có thực sự đáng vui mừng hay không? Không lẽ họ quên rằng đối tượng nào gây ra những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất - nếu không phải là những nhà máy công nghiệp. Và có thực sự là Tàu họ thất bại hay không, hay chỉ là vì họ đã đạt đến mức phát triển đủ để từ bỏ cái nhiệm vụ làm nhà xưởng cho thế giới, nên đẩy nó lại cho những nước kém phát triển hơn cùng với những hậu quả môi trường nghiêm trọng mà những nhà máy đó sớm muộn gì cũng sẽ mang lại. Liệu đến bao giờ Việt Nam mới có đủ tầm để vứt thẳng những dự án ấy vào mặt bọn mấy nước phát triển và bảo rằng: "Về cmm nước chúng mày mà gây ô nhiễm". 
Đúng, mình sợ. Sợ chính bản thân sẽ bị hỏi vặn lại: "Một thằng đang trốn chui trốn lủi ở tận nơi xa xôi, d' làm được gì cho đất nước như mày thì có quyền gì mà lên tiếng? Mày có biết ở đây có bao nhiêu người còn đói khổ không có việc làm hay không?". Lúc ấy mình còn gì để nói, và chắc sẽ lại hứng chịu một tràng những chửi rủa căm giận như một kẻ quân thù hay tội đồ trên mạng mà thôi.
...
Và vì sợ nên khi đọc những dòng tâm sự của Thùy, tự dưng khóe mắt lại cay cay, và đầu lại phải cúi xuống thêm một chút.
*****
Thôi thì đành gửi hy vọng vào các bạn - những con người của thế hệ trẻ Việt Nam đầy tài năng và nhiệt huyết. Hãy luôn ghi nhớ rằng mảnh đất anh hùng này vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ta có thể sẽ phải chấp nhận làm nhà xưởng thêm 10, 20, hay vài chục năm nữa, nhưng ta hãy biến nó thành động lực mà học tập, mà phát kiến ra những công nghệ tái chế hiện đại nhất, để vừa xây dựng một nền kinh tế đủ mạnh để trụ vững mà vừa có thể bảo vệ môi trường, bảo vệ chính mảnh đất thân yêu với bao máu thịt của những người chiến sĩ anh hùng khi xưa.
Khó! Chắc chắn sẽ rất khó! Nhưng với kiến thức, khả năng tiếp cận công nghệ ngày càng nhanh và có thể bắt kịp thế giới, cộng với tuổi trẻ và dòng máu nóng của một dân tộc anh hùng - hãy cứ thử dấn thân vào làm, được không bạn?