BURNT-OUT: Sức tàn lực kiệt từ công việc cho đến khát khao của chính mình
“Để đạt được những thành tựu to lớn, chúng ta thường phải bỏ ra những cái giá đắt tương đương” Mấy hôm trước tôi có viết một...
“Để đạt được những thành tựu to lớn, chúng ta thường phải bỏ ra những cái giá đắt tương đương”
Mấy hôm trước tôi có viết một chia sẻ lên trang cá nhân mình, đại khái chia sẻ về việc bản thân đang đánh mất chính mình sau một khoảng thời gian cố bơi trong quãng nước xoáy của công việc, học tập và những khát khao thật sự của bản thân. Tôi không thể tìm thấy chính mình của những năm tháng trước kia, mà rõ ràng chỉ mới gần 2 tháng trước đây, bản thân vẫn là một người trẻ có năng lượng lấn át, lì lợm và rất quả quyết với thứ mình muốn làm. Ở mỗi một công việc mà tôi làm, dù là nhỏ hay lớn, tôi đều toàn tâm toàn ý cho sự phát triển và giá trị mà tôi có thể đóng góp và tạo ra. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện của những ngày đã cũ.
Tôi thấy mình thụt lùi, kiệt quệ, mệt mỏi, bế tắc và ức chế đến độ tưởng chừng như có 1 cái rổ sắt đang quây lấy tôi, khiến mọi thứ trở nên bí bách và khó chịu hơn bao giờ hết. Nhưng tôi lại không còn là tôi trước đây, không phải cứ tức giận, không vừa ý, không hài lòng thì sẽ nói ra ngày lập tức. Tôi cũng lười nói về những vấn đề của bản thân, bao gồm việc nói ra những thứ tôi đang không thật sự hài lòng. Không phải vì tôi lãnh cảm hay trở nên vô tâm, tôi chỉ đơn giản là thấy mất thời gian cho việc phải đi thể hiện cho người khác hiểu mình đang khó chịu thế nào. Việc tự vấn bản thân, đặt hàng tá câu hỏi để tự đào sâu giải đáp, giải quyết rất nhiều những đầu mục công việc – học tập – chuyện chung lẫn chuyện riêng cũng đủ ngấu nghiến hết một ngày 24h của tôi.
Và tôi chợt thấy thấp thoáng đâu đó bóng hình của trạng thái Burnt-out: bùng cháy
VẬY CHÍNH XÁC ”BURNT-OUT” LÀ GÌ?
Có rất nhiều định nghĩa của Burnt – out mà từ ”cha đẻ” của nó cho đến những người từng trải qua hay các tổ chức cộng đồng – khoa học đều chưa thể dứt khoác gọi rõ.
”Vào những năm 1970, nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberge đã đưa ra khái niệm “burnout” (cháy sạch) để giải thích cho một thực tế rằng: “để đạt được những thành tựu to lớn, chúng ta thường phải bỏ ra những cái giá đắt tương đương”.
Cho đến năm 1999, ông đã định nghĩa lại rằng “burnout” là ”tình trạng không còn động lực để tiếp tục cố gắng, đặc biệt là khi những cố gắng trong quá khứ đã không đem lại kết quả như mong muốn.” – By Như Đoàn
Bằng trải nghiệm của mình, từng nghỉ việc ở những tập đoàn truyền thông lớn và các cơ quan chuyên nghiệp khác, nhà văn Khải Đơn cho rằng: “Burn-out là trạng thái mà cứ sau một khoảng thời gian làm việc, bạn không còn động lực để cố gắng nữa. Bạn kiệt sức trong sáng tạo!”
WHO định nghĩa burnout là “hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc”. Người mắc hội chứng này sẽ có các đặc điểm như sau: cảm thấy cạn kiệt năng lượng hay kiệt sức, cảm thấy ngày càng xa cách về mặt tinh thần – tức cảm thấy tiêu cực, hoài nghi – với công việc mình đang làm và cuối cùng là hiệu quả chuyên môn giảm sút.
Và cho dù nó là gì đi nữa, tụ chung ”burnt-out” vẫn là trạng thái khó tránh khỏi của những thế hệ căng thẳng vì phải đấu tranh mỗi ngày giữa không gian cá nhân và thời gian dành cho công việc, đặc biệt nhất là thế hệ Millennials. Nó vừa là một vấn đề tinh thần, nhưng đâu đó vẫn là khía cạnh khác của dấu hiệu thương tổn về thể chất.
Đọc thêm:
VẬY DẤU HIỆU CỦA BURNT-OUT CÓ RÕ RÀNG KHÔNG?
Riêng trong trường hợp của tôi thì ”bùng cháy” đến rất nhanh, rất rõ ràng và càng ngày càng biểu hiện theo cấp độ tăng dần.
Những ngày đầu tiên: tôi mơ hồ suy nghĩ về việc làm sao để 24h mỗi ngày trở thành 48h thậm chí là nhiều hơn. Mọi người đều nói rằng thức đêm liên tục sẽ không tốt, và chính tôi trong suốt những năm nay đã phải dùng sức khỏe của bản thân để đổi lấy việc hoàn thành tất cả mọi việc cho rất nhiều những vai trò mà mình đeo mang. Tham lam làm việc, tiếc nuối thời gian ăn uống + nghỉ ngơi của bản thân, chập chờn trong từng giấc ngủ, luôn gấp vội,…là những điều rất cơ bản dẫn đến mọi vấn đề.
Những ngày tiếp theo, well, đó là một chuỗi một vòng quay hối hả và khép kín: tối thức đến sáng, sáng đi học + đi làm đến tối mịt mới về, ăn + ngủ chập chờn thậm chí là bỏ qua 2 việc này chỉ để ôm laptop một cách khiên cưỡng và làm việc gấp vội. Cho đến khi ngã lưng ra thì đã là lúc kiệt quệ, báo thức liên tục và lại đấu tranh tâm lý vì nếu ngủ thêm 5p thì đó chắc chắn sẽ là 2 tiếng lỡ hơn.
Nối vào chuỗi ngày này là việc phải từ chối tất cả những lời rủ rê bạn bè, lược bớt những thói quen cafe gặp bạn bè, ngày cuối tuần không có lấy 1 ngày nghỉ ngơi, không thể về quê, thậm chí đến việc mở điện thoại ra phải để ra xa 1 chút chờ tin nhắn reo cho hết mới mở ra và bắt đầu…lựa để đọc. Có khi những tin nhắn từ gia đình, bạn bè, thấy đó nhưng không rep nổi. Tới ngày moi lại được tin nhắn và trả lời một cách tử tế thì có lẽ tôi và họ đã lỡ mất rất nhiều câu chuyện rồi.
Đỉnh điểm cho mọi việc là khi phát hiện ra mình không còn là mình trước kia nữa, như tôi đã nói ở phần đầu bài viết. Bản thân là người rất rõ ràng và có phong cách riêng, có cái tôi mạnh, nên tôi cực kỳ không thích việc phải thay đổi chính mình mà không vì mục đích tốt đẹp hơn hay tiến bộ hơn. Tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình và tự vấn nhiều hơn, mà cái cớ sự này khiến tôi thấy tồi tệ hơn rất nhiều so với việc bị áp lực từ công việc. Tôi không cảm nhận được giá trị của mình trong công việc, cũng không thấy những giá trị mà quá trình làm việc mang lại cho tôi dù bản thân vẫn cố gắng đều đặn, mọi thứ vẫn chảy trôi bình thường, riêng chỉ tôi không hề thấy hài lòng chút nào.
Và rồi, what will be will be, ”burnt-out” đã đến và cắm rễ trong cuộc đời tôi trong những ngày như thế.
Hôm nay tới đây thôi, cách để vượt qua trạng thái cháy sạch này tôi sẽ viết phần tiếp theo khi bản thân đã thực sự vượt qua nó.
Link blog: https://hoangthy.home.blog/2020/11/11/burnt-out-suc-tan-luc-kiet-tu-cong-viec-cho-den-khat-khao-cua-chinh-minh/#more-746
Đọc thêm:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất