Tác giả: Niklas Gotke

CHÚNG TA KHÔNG THỂ CHẠY NHANH HƠN CHU KÌ BÁN RÃ CỦA TRI THỨC, NHƯNG THAY ĐỔI CÁCH NGHĨ THÌ ĐƯỢC.

Người khôn ngoan học được từ một câu hỏi ngu ngốc nhiều hơn kẻ ngốc học được từ một câu trả lời khôn ngoan. — Bruce Lee

Trong bốn năm qua, tôi đã đặt ra hàng tá những câu hỏi ngu xuẩn:
Mình có thể trở thành một dịch giả chuyên nghiệp nếu không có bằng không nhỉ? 
Nếu mình muốn tác phẩm của mình được xuất bản, liệu mình có nên tiếp tục viết thuê (NV: ghostwrite: người làm nghề viết thuê, viết bài trên danh nghĩa tác giả khác) để kiếm tiền không? 
Một bản tóm tắt những bài tóm tắt sách hiện hành có tác dụng gì không? 
Câu trả lời dường như đã quá rõ ràng: Không. Dù vậy, tôi đã làm tất cả những thứ ấy. Vài trong số chúng chẳng đi đến đâu, nhưng những thứ còn lại giờ đây đang chi trả cho các hóa đơn của tôi. Thông thường, cách duy nhất để có một câu trả lời vừa ý là thử, đặc biệt đối với những câu hỏi ngu xuẩn. Vẻ đẹp của việc dám hỏi - thay vì chấp nhận câu trả lời mà người khác đưa cho - ấy là bạn sẽ chiêm nghiệm được nhiều thứ bất ngờ trên đường đi. 
Vì vậy, ngày nay, câu hỏi có giá hơn nhiều so với câu trả lời. 


Chu kì bán rã của tri thức

Vào năm 2013, chúng ta đã tạo ra một lượng dữ liệu nhiều bằng tất cả những gì chúng ta đã làm trong suốt chiều dài lịch sử trước đó. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục, với tổng lượng thông tin tăng gấp đôi mỗi năm. Michael Simmons đã chỉ ra những con số gắn liền với nền kinh tế tri thức của chúng ta: 

Bạn gần như phải dành ra ít nhất năm giờ mỗi tuần để theo kịp lĩnh vực của mình — và nhiều hơn nếu bạn muốn tiến xa.

Chương trình đào tạo cử nhân ở hầu hết các nước châu Âu bao gồm 180 tín chỉ (các trường thuộc các nước EU thường định nghĩa tín chỉ dựa theo quý (quarter credit) thay vì học kì (semester credit) như các trường tại Mĩ). Mỗi tín chỉ đáng giá khoảng 30 giờ học. Tổng cộng là 5,400 giờ học. Nhưng đáng buồn thay, kiến thức bạn học được sau những giờ học ấy đã phân rã ngay từ khi bạn đầu tư thời gian vào nó. Các nhà khoa học gọi đây là "chu kì bán rã của tri thức", một số đo giảm nhanh. 

Một tấm bằng hiện đại chỉ mất năm năm để trở nên hoàn toàn không phù hợp.

Vì kiến thức mới được tạo ra với tốc độ ngày càng cao, nên thời gian để chúng mất giá trị ngày càng rút ngắn. Vào những năm 1960, một tấm bằng kĩ sư mất 10 năm để trở nên lỗi thời. Ngày nay, chu kì bán rã trong hầu hết các lĩnh vực đã ngắn hơn rất nhiều, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp hiện đại. Một tấm bằng hiện đại chỉ mất 5 năm để trở nên hoàn toàn không phù hợp. Giả sử chu kì bán rã là 10 năm như trước đây (ít hơn thực tế 5% mỗi năm), bạn cũng phải dành ra 270 giờ mỗi năm để duy trì trình độ như 5,400 giờ đầu tiên — tức 5 giờ mỗi tuần.
Xu hướng này đã và đang diễn ra khắp toàn cầu trong một thời gian dài. Tác dụng phụ của nó đã xuất hiện. Cả thời gian chúng ta đầu tư cho nền giáo dục chính quy và số người lựa chọn đi theo con đường này đều tăng lên đáng kể sau nhiều thập kỉ. Số năm đi học đã tăng gấp hơn hai lần sau 100 năm; việc dành ra hơn 20 năm để học trước khi tham gia vào lực lượng lao động là điều phổ biến ở nhiều quốc gia. Chỉ tính riêng tại Mĩ, tỉ lệ nhập học đại học trong độ tuổi vừa tốt nghiệp trung học đã chạm mốc trên 90%
Đại dương kiến thức càng lớn, mỗi cá thể trong nó càng mất giá. Do đó, lượng kiến thức trong một tấm bằng đại học phải lớn hơn, dẫn đến mất nhiều thời gian hơn để tiếp thu. Nhưng đại dương cũng đang mở rộng với tốc độ lớn hơn, và cái bọc kiến thức [trong tấm bằng đại học] kia cũng chẳng tồn tại được lâu. Chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để cập nhật kiến thức mới, đồng thời vượt lên dẫn trước trong cuộc đua. 
Thay vì cố gắng vùng vẫy để không bị chết đuối, có lẽ ta nên rời khỏi mặt nước thì hơn.


Một tương lai đáng sợ để tưởng tượng

Mặc dù việc dành thời gian nghiên cứu là rất quan trọng, nhưng việc tiếp thu thông tin suốt nhiều giờ không phải câu trả lời cuối cùng cho vấn đề nan giải này. Qua phép ngoại suy cuộc tranh giành kiến thức toàn cầu, những gì chúng ta thu được là các "giáo sư trẻ" 50 tuổi, những người đã nghỉ hưu được hai năm do không theo kịp lĩnh vực của mình. Đó là một tương lai đáng sợ để tưởng tượng, nhưng may mắn thay, nó chưa chắc đã thành hiện thực đâu.
Trong tuần này, tôi đã xem được hai video. Một cái quay cảnh một người điều khiển xe nâng kém may mắn đã va vào một kệ hàng khiến nhà kho trở thành một đống đổ vỡ. Cái còn lại là về một đội quân robot tự động đang dễ dàng sắp xếp các kiện hàng. Đây không phải một ví dụ dựa trên kiến thức, nhưng nó cho thấy robot tỏ ra vượt trội hơn so với con người trong một số công việc.
Chúng ta chưa nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia xem liệu A.I, robot và kĩ thuật tự động hóa sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn triệt tiêu hay không. Nhưng chúng ta sẽ cố gắng giao lại những phần việc tẻ nhạt hay bất khả cho chúng. Đến một ngày nào đó, những phần việc được chuyển giao sẽ bao gồm những công việc đòi hỏi chuyên môn cao, những công việc trí thức hoặc yêu cầu bằng cấp.

Kiến thức dựa tích lũy. Thông minh dựa tuyển lựa. Đây là cuộc chiến giữa hiệu suất và hiệu suất. 

Một luật sư của năm 2050 có thể vẫn được gọi là luật sư, nhưng anh ta không làm những việc như cách luật sư của năm 2018 làm nữa. Tôi lại tự đặt ra một câu hỏi ngu xuẩn khác:
"Khi lợi nhuận của kiến thức cứ tự nó giảm dần, chúng ta cần làm gì đây?


Tình thế của trí tuệ chọn lọc

Với lượng thông tin mới tăng cao mỗi năm, tương lai của chúng ta còn quá mơ hồ. Bất kì kĩ năng nào cho phép chúng ta điều chỉnh tính không chắc chắn này đều sẽ hữu dụng. Cuốn sách mới của Yuval Noah Harari đã khẳng định điều này:

Trong một thế giới như vậy, trách nhiệm của người giáo viên không chỉ còn là cung cấp thông tin cho học sinh của mình nữa. Bọn trẻ đã có quá nhiều rồi. Thay vào đó, chúng cần được dạy cách thông hiểu thông tin, cách phân biệt xem cái gì là quan trọng và cái gì không, và trên hết là, làm sao để kết hợp các mảnh ghép thông tin thành một bức tranh toàn cảnh về thế giới.

Kĩ năng mà Harari muốn nói đến ở đây là học tập. Luật sư của năm 2018 cần kiến thức. Luật sư của năm 2050 cần thông minh. Việc quyết định xem bản thân cần học cái gì quan trọng hơn những kiến thức khó nhằn mà bạn sẽ học được. Khi toàn bộ nền công nghiệp trải qua những thăng trầm trong vài thập kỉ, học tập không còn là phương tiện, mà còn phải trở thành cái đích của chính nó. Chúng ta cần học cách thích nghi mãi mãi. 
Kiến thức dựa tích lũy. Thông minh dựa chọn lọc. Đây là cuộc chiến giữa hiệu suất và hiệu suất. Cả hai thứ này đều có được qua đào tạo, nhưng phải đào tạo sao cho đúng cách. Ngay lúc này đây, chúng ta vẫn chưa biết nên chọn cái nào. Thế giới vẫn chạy theo các chuyên gia, và hầu hết những người tích lũy được nhiều kiến thức vẫn có thể mong đợi về một sự nghiệp vẻ vang.
Nhưng khi ngày dần trôi qua, trí thông minh dần thế chỗ kiến thức.

Vấn đề của quá nhiều sở thích

Emilie Wapnick là diễn giả của một trong những bài diễn thuyết được yêu thích nhất của TED cho đến nay, bởi cô mang lại cảm giác thoải mái cần thiết cho những người đang phải chịu một vấn đề thường thấy trong công việc: có quá nhiều sở thích. Wapnick nói rằng đó không phải một vấn đề. Đó là một thế mạnh. Cô đặt ra thuật ngữ "multipotentialite" (tạm dịch: đa năng) để thể hiện rằng, những con người ấy không bị ảnh hưởng, mà chính nhận thức cộng đồng cần có sự thay đổi. 

Gom góp ý tưởng, tiếp thu nhanh chóng và khả năng thích ứng: ba kĩ năng mà những người đa năng rất thành thạo, nhưng có thể mất đi nếu bị ép thu hẹp trung tâm. Trên cương vị xã hội, chúng ta được trao quyền khuyến khích những người đa năng được là chính mình. Hiện nay, chúng ta có quá nhiều vấn đề phức tạp và đa chiều cần những nhà tư tưởng sáng tạo và xuất chúng ra tay giải quyết. 

Mặc dù hiện thực không chỉ có vậy, nhưng thật khó để bác bỏ quan điểm này. Cuối cùng thì, vài nhà tư tưởng này đã giải quyết một số vấn đề lớn cho chúng ta. Và chúng ta yêu họ vì điều đó.
Jeff Bezos đã xây dựng nên một đế chế bán lẻ và trở thành người giàu nhất hành tinh, nhưng tỉ phú này đã giúp vực dậy một tổ chức truyền thông quan trọng và đầu tư cơ sở hạ tầng cho thám hiểm không gian. Elon Musk trước tiên thay đổi phương thức thanh toán của chúng ta, sau đó là cách chúng ta nghĩ về ô tô điện, và bây giờ là cách tiếp cận sao Hỏa. Bill Gates bán phần mềm, nhưng ông cũng đang chung tay loại trừ bệnh sốt rét và bại liệt. Danh sách này còn dài lắm.
Thuật ngữ "nhà thông thái" có vẻ hơi gần nghĩa với "thiên tài", nhưng cho dù bạn gọi những người này là nhà Phục hưng, cỗ máy rà soát hay chuyên gia đa lĩnh vực, năng lực của họ vẫn vậy mà thôi: Họ biết cách học hỏi và không ngừng áp dụng những gì mình đã học vào nhiều lĩnh vực khác nhau. 
Khi phân tích về vấn đề này, Rat Rana đã phát hiện ra điều này:

Học là một kĩ năng, và khi bạn thực hành các kĩ năng ấy trên các lĩnh vực, bạn sẽ trở thành một chuyên gia học tập. Đây là điều mà những người chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực không làm được. Bạn học cách học bằng cách liên tục thử thách bản thân nắm bắt nhiều khái niệm đa dạng. Cách làm này cũng sẽ giúp bạn dễ dàng trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, chỉ cần bạn muốn. Đây là một lợi thế vô cùng quý giá.

Khi học nhanh hơn, bạn sẽ có nhiều sáng kiến hơn, trở nên linh hoạt, xuất chúng hơn cả các chuyên gia và tập trung tìm ra nguyên tắc chung hơn là đơn thuần ghi nhớ thông tin. 
Tôi cho đó là kiểu người mà một tương lai chưa thể đoán trước sẽ cần. 

Một cậu bé hiếu kì

Năm 1925, một năm trước khi Isaac Asimov đến tuổi đi học, cậu bé đã tự học đọc. Cha cậu không được học hành, nên ông không thể giúp gì cho cậu. Ông đã đăng kí một tấm thẻ thư viện cho cậu. Cậu bé hiếu kì này đã đọc mọi thứ dù không được ai chỉ dẫn:

Cách đọc hỗn tạp khó tin cùng sự thiếu thốn trong chỉ dạy đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa. Mối quan tâm của tôi được khơi dậy theo hai mươi hướng khác nhau, và những mối quan tâm ấy đến giờ vẫn được duy trì. Tôi đọc thần thoại, Kinh thánh, về Shakespears, cả về lịch sử và khoa học,.v.v.

".v.v" đã đưa chúng ta đến với 500 đầu sách và khoảng 90,000 tài liệu văn chương được Asimov viết hoặc chỉnh sửa. Nhiều năm về sau, khi cha ông nhìn vào một trong số chúng, ông đã hỏi:
"Con đã học chúng thế nào vậy, Issac?"
 "Chính từ cha đó, cha à."
"Từ ta sao? Ta đâu biết gì về những thứ này."
"Cha không cần biết về những thứ này, thưa cha. Chính cha đã dạy cho con biết về giá trị của việc học. Khi con đã học được cách trân trọng nó, những thứ khác cứ thuận đường mà đến vậy thôi."
Khi chúng ta nghe kể về những chuyên gia đa lĩnh vực hiện đại, chúng ta cho rằng trí thông minh của họ đến từ quá trình nghiên cứu lâu dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù đó chắc chắn là một phần nguyên do, nhưng chỉ đơn thuần tiếp cận nhiều vùng kiến thức đa dạng không đủ giúp họ trở nên nổi bật hơn người khác.
Lí do giúp Asimov được hưởng lợi từ việc đọc của mình không chỉ phụ thuộc vào việc ông đọc những gì và đọc được bao nhiêu. Điểm then chốt ở đây là ông luôn đọc với thái độ sẵn sàng tiếp thu cái mới. Đây là điều chúng ta thường xuyên bỏ quên. Đó là sai lầm cơ bản trong cách học của chúng ta.
Để có được trí thông minh thật sự, chúng ta trước hết phải buông bỏ những gì mình đã biết. 

Giá trị của độ phức tạp tích hợp (Integrative Complexity)

Nếu Asimov học đọc ở trường, ông có thể sẽ học theo cách mà chúng ta vẫn làm: ghi nhớ hoặc bình phẩm mọi thứ. Đó là lối nghĩ rẽ đôi cực kì hạn hẹp, nhưng đáng buồn thay, chúng ta vẫn luôn sa lầy trong nó. Rana đã nêu lên quan điểm của mình về giá trị đích thực việc đọc:

Nếu bạn đọc với suy nghĩ rằng bạn cần chỉ ra cái gì đúng và cái gì sai, bạn đang mặc định giới hạn những gì bạn có thể học được từ một tài liệu cụ thể. Bạn đang ép một trải nghiệm từ nhiều chiều thành chỉ còn hai.

Thay vì nhồi nhét những gì mình học được vào cái hộp nhận thức của bản thân, những người như Asimov biết rằng toàn bộ mục đích của việc đọc là tiếp thu cái mới. Bạn không cần tìm sự xác nhận, bạn cần tìm tri thức mới.
Với thái độ này, bạn có thể đọc một cuốn sách mãi mãi mà vẫn học được từ nó sau mỗi lần đọc. Học tập chính là một trạng thái của tâm trí. Nó không chỉ là kĩ năng, mà là khả năng lĩnh hội. Nếu tâm trí bạn luôn rộng mở, bạn luôn học hỏi. Nếu nó cứ khăng khăng đóng kín, sẽ chẳng có thứ gì thực sự có cơ hội đi vào.
Các nhà khoa học gọi đây là độ phức tạp tích hợp (Integrative Complexity): sẵn sàng tiếp thu nhiều quan điểm, giữ tất cả chúng trong đầu, sau đó tổng hợp chúng thành một bức tranh lớn nhất quán. Bức tranh sẽ luôn mở rộng và không bao giờ hoàn thiện, nhưng nó luôn bằng lòng đón nhận cái mới và bỏ đi cái cũ.
Đó chính là trí thông minh thật sự, cũng là lợi thế thật sự của người học nhiều. 

Vấn đề của bản thể

Bộ não của bạn cũng giống cơ bắp. Vào một thời điểm bất kì nào đó, hoặc nó đang phát triển, hoặc nó đang xấu đi. Bạn không bao giờ giữ được nó ở mãi một trạng thái. Vì vậy, nếu bạn không chịu rèn luyện, nó sẽ tiêu biến dần đi và sẽ ngăn chặn, thậm chí đảo ngược tiến trình phát triển của bạn.
Tình huống thế này luôn luôn xảy ra, nhưng hậu quả của nó ngày nay đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Trong một nền kinh tế tri thức nơi mọi thứ tăng theo cấp số nhân, chúng ta không đủ khả năng tiếp nhận những tư tưởng cũ. Học thứ mới là một cách chống lại sự không phù hợp, nhưng nó chưa đủ sức bao bọc chúng ta trong vùng nước hoang sơ của tương lai.

Lí do giúp một người khôn ngoan có thể học cả trong những câu hỏi ngu ngốc là anh ta không bao giờ phán xét chúng ngay từ đầu.

Ngoài việc trở thành người mang tri thức, chúng ta còn cần trở thành những sinh vật dễ biến đổi thông minh. Tìm hiểu về nhiều lĩnh vực có thể là bước đầu của quá trình này. Việc làm này có rất nhiều lợi ích — khả năng sáng tạo, khả năng thích ứng và tốc độ — nhưng chỉ thế thì chưa đủ.
Nếu chúng ta chỉ tập trung học hành, chúng ta sẽ bỏ lỡ phần quan trọng nhất: Nếu ta không ở trong tâm thái sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình, chúng ta sẽ chẳng học được bất kì điều gì. Vấn đề ở đây không phải hành vi, mà là bản thể. Lí do giúp một người khôn ngoan có thể học cả trong những câu hỏi ngu ngốc là anh ta không bao giờ phán xét chúng ngay từ đầu.
Điều quan trọng không phải chúng ta học được từ câu hỏi của chính mình hay quan điểm của người khác, hay chúng ta đã làm được bao nhiêu, mà là ta luôn cần giữ cho tâm trí được rộng mở. Những quan điểm đối lập cư ngụ trong đầu ta càng lâu, bức tranh càng chi tiết. Đây là trí thông minh thật sự. Nó vẫn luôn có giá trị, nhưng giờ đây nó đã trở thành tương lai không thể tránh khỏi của việc học.
Bruce Lee (Lý Tiểu Long) sở hữu phẩm chất này, đó là sự thật không thể chối cãi. Vào thời điểm ông qua đời, ông là một diễn viên võ thuật nổi tiếng thế giới, người sáng lập một triết lí riêng và là một siêu sao Hollywood triệu đô. Khi ấy ông mới 32 tuổi. Rất lâu sau cái chết của ông, một trong những câu chuyện được yêu thích nhất của ông đã bắt trọn bản chất tâm hồn và cách ông trở thành một biểu tượng văn hóa được biết đến rộng rãi và được nhiều người yêu thích cho đến tận ngày nay.
Một học giả tìm gặp một vị Thiền sư để hỏi về Thiền. Khi vị Thiền sư đang giảng dạy, học giả kia cứ liên tục ngắt lời để bày tỏ quan điểm của mình. Cuối cùng, vị Thiền sư ngừng nói và bắt đầu rót trà cho học giả. Ông rót đầy chén và tiếp tục rót cho đến khi trà tràn khỏi chén.
"Dừng lại," học giả nói, "trà đã đầy tràn rồi, không rót thêm được đâu."
"Giống như chén trà này, ông đã bị quan niệm riêng của mình lấp đầy," Thiền sư trả lời, "Nếu ông không chịu làm cạn cái chén của mình, thì ông làm sao thưởng thức chén trà của tôi được?"
Cảm ơn Brian Pennie. 

The Future of Learning by Niklas Göke https://link.medium.com/znyJAkKjZ3