Một trong những team cũ của tôi
DU HỌC... HAY KHÔNG?
Thực ra thì tôi cũng đã từng có cơ hội đi du học, nhưng không thành. Đấy là một điều vừa không tốt, vừa tốt. Không tốt ở chỗ đấy là cơ hội bị bỏ lỡ, nhưng tốt ở chỗ nó giúp cho tôi nhìn lại tử tế hơn tương lai của mình sau đấy. Một lỗ hổng lớn trong hệ thống giáo dục của Việt Nam đó là sự thiếu định hướng về sự nghiệp cho các em học sinh phổ thông. Trong rất nhiều trường hợp, việc du học chỉ đơn thuần nằm ở khía cạnh kinh tế: tức là hoặc được học bổng toàn phần và đi, hoặc là được gia đình trợ cấp. Tuy nhiên, cái cần thiết ở đây lại là câu hỏi: du học để làm gì? Sau khi du học xong để làm gì? 
Cho dù là đi du học để ở lại hay về, thì thông thường (xin nhấn mạnh vào từ "thông thường" ở đây) cái đích của du học là để:
- Mở mang kiến thức, có thêm góc nhìn về thế giới bên ngoài
- Làm quen với môi trường làm việc quốc tế
- Đi làm lương cao (cái này rất thực tế và nên là một trong những mục đích rõ ràng)
Tuy nhiên, liệu có phải cứ đi du học là sẽ mặc định có được những thứ trên hay không? Tôi xin không đưa ra một câu trả lời rõ ràng ở đây, mà sẽ chỉ cung cấp góc nhìn khác.
Thời đại công nghệ thông tin là một thời đại "không biên giới". Nếu như cách đây hai mươi năm, liên lạc với người thân ở một nước khác chẳng hạn sẽ khiến bạn phải trả một cái giá cước xót ruột trên từng phút, thì cách đây mười năm, với Internet cùng Yahoo, Skype hay MSN, đấy là việc dễ dàng, gần như miễn phí. Thời điểm hiện tại, ngay khi tôi đang viết bài này, thì làm việc với những người cách đây cả nghìn cây số, lệch vài múi giờ là vấn đề... hàng ngày. Quay phải quay trái, phía trước phía sau cũng mỗi người một quốc tịch. Và tôi không đi du học, cũng chẳng cần phải sống ở nước ngoài để có thể dùng một ngôn ngữ khác thường xuyên hay có được hiểu biết về các nền văn hóa khác. Tuy nhiên, để làm được như vậy không phải việc một sớm một chiều, và bạn cần phải chuẩn bị một vài kỹ năng, cũng như cách nhìn nhận cho bản thân để sẵn sàng cho một môi trường làm việc đa quốc gia. 
NGÔN NGỮ KHÔNG CHỈ LÀ NGÔN NGỮ
Thế hệ Y (chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 1990) là thế hệ được tiếp xúc sớm với ngoại ngữ. Sự chuyển đổi về mặt giáo dục khiến cho tiếng Nga trong cuối những năm 80 bắt đầu mất đi vị thế, thay vào đó là tiếng Anh. Sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995 và mở cửa hợp tác, nhu cầu học tiếng Anh ngày càng lớn hơn với các trung tâm mọc lên như nấm. Đến đầu những năm 2000, khái niệm "Làm việc cho các công ty nước ngoài" bắt đầu trở nên quen thuộc, đi kèm với nhu cầu du học bùng nổ khiến cho việc học tiếng Anh gần như trở thành bắt buộc nếu như muốn có một công việc tốt. 
Là một người thuộc thế hệ Y, tôi cũng bị cuốn vào cái vòng quay học tiếng Anh đấy. Học tiếng Anh suốt mười hai năm phổ thông đi kèm với bậc đại học, nhiều khi tôi cảm thấy... nản vì cái món này. Cho đến tận cuối những năm đại học, tôi nhận ra rằng nhiều người đang dạy hay học tiếng Anh theo một lối tư duy là cứ có tiếng Anh giỏi là làm gì cũng được trong khi đó việc học và sử dụng máy móc ngôn ngữ chỉ giúp bạn có điểm cao trong những kỳ thi theo khuôn mẫu nhất định chứ không thực sự hiệu quả trong khi làm việc. 
Nếu như bạn đi du học ở các quốc gia sử dụng tiếng Anh, tư duy này sẽ được rèn luyện một cách tự nhiên, nhưng nếu không đi du học, bạn vẫn hoàn toàn có thể rèn luyện thông qua nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng là cần phải hiểu được ngôn ngữ ở dưới các góc độ khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần là một công cụ giao tiếp. 
Những khuôn mẫu sách vở, mặc dù rất quan trọng trong quá trình xây dựng nền tảng ngôn ngữ, cũng sẽ có hạn chế nhất định trong các môi trường khác nhau. Lấy đơn cử như tiếng Anh, kể cả bạn có điểm IELTS 8.0 hay TOEFL IBT trên 100 đi chăng nữa, nếu như bạn không thường xuyên tiếp xúc với các "kiểu" tiếng Anh khác nhau thì việc bối rối khi giao tiếp, trao đổi công việc vẫn sẽ thường xuyên xảy ra. Và những người khác nhau sử dụng những kiểu tiếng Anh khác nhau là do họ bị những môi trường thuộc các nền văn hóa khác nhau ảnh hưởng. Kiểu tiếng Anh ở đây có thể được hiểu thông qua một số yếu tố linh hoạt như như:
- Giọng (Accent): Giọng Anh-Anh, giọng Anh-Mỹ, giọng Anh-Đức, giọng Anh-Ấn Độ... Ngay cả trong cùng một quốc gia thì từng vùng khác nhau cũng có thể có chất giọng khác nhau.
- Cách dùng từ ngữ: Các môi trường làm việc khác nhau có thể có những bộ từ ngữ chuyên môn khác nhau, và khi có thêm văn hóa doanh nghiệp/công ty nữa thì đôi khi những từ ngữ này lại có thể bị biến thể.
- Tốc độ nói
- Chủ đề khi nói
- v.v..
Để thực sự có thể trao đổi thông tin hiệu quả, thì người làm việc trong môi trường quốc tế ngoài khả năng ngôn ngữ tốt còn cần có khả năng nắm bắt văn hóa tốt. Điều này còn quan trọng hơn khi bạn làm ở các bộ phận đòi hỏi việc trao đổi thường xuyên như marketing, PR, sales... Đây là thứ du học sẽ không cung cấp cho bạn được, bởi cho dù môi trường trong các trường đại học có sự phong phú, thì sự phong phú đó vẫn có những điểm khác biệt so với môi trường làm việc thực tế. Những người làm việc tại nước ngoài nhưng có tư duy cứng nhắc cũng thường khó có thể hòa nhập và thay đổi môi trường hơn do họ hay gặp vấn đề về khác biệt “văn hóa” trong môi trường làm việc. 
Quay lại về ngôn ngữ, để có thể hiểu được "văn hóa" lại cần bạn phải quan niệm việc học ngôn ngữ theo một cách linh hoạt và thường xuyên thay đổi, cập nhật chứ không còn chỉ đơn thuần là từ sách vở nữa. Một số công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều mà các bạn sinh viên có thể bắt đầu khi còn trong đại học cũng giúp ích không kém. Ngoài ra, còn một cách nữa mà cá nhân tôi thấy cũng hiệu quả đó là... chơi các game nhóm với người nước ngoài. Nhưng đừng chơi DOTA2 ở server SEA, sẽ chỉ khiến tiếng Anh của bạn tệ hơn mà thôi, thay vào đó tiếng Philippines của bạn sẽ tốt hơn. Đùa đấy...
Du học sinh thường có lợi thế hơn ở mặt này, do họ buộc phải thay đổi môi trường sống ít nhất một lần trong đời, và thời gian tiếp xúc với môi trường đó cũng lớn, tuy vậy, việc chịu khó để ý cũng như học hỏi trong môi trường làm việc cũng đủ để có thể bù đắp lại phần nào. 
MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ TẤT CẢ
Chúng ta đang sống trong một thời đại không biên giới. Ít nhất là về mặt tri thức. Nếu như bạn để ý và tìm kiếm, kể cả làm tiến sỹ qua mạng giờ đây cũng không phải là điều bất khả thi. Trong một môi trường mạng như vậy, ngoài việc ngồi chế meme và tán nhảm trên facebook, thì tìm kiếm những công việc từ xa cũng là một lựa chọn đáng giá. Và đây cũng là một cách tiếp cận nếu như bạn muốn làm việc với các công ty nước ngoài không có văn phòng tại Việt Nam. 
Về mặt cơ hội công việc, nếu như bỏ qua môi trường vật lý, thì cơ hội của một du học sinh hay một sinh viên tốt nghiệp trong nước với đầy đủ các kỹ năng cần thiết để làm việc trong một môi trường nước ngoài trong nhiều trường hợp là như nhau. Thậm chí với những người đang cư trú tại những nước đang phát triển, lợi thế về giá lại là thứ khiến họ dễ sẽ có việc hơn, điều này không chỉ đúng với người dân sở tại mà còn đúng với những “expats”, người nước ngoài sinh sống tại nước sở tại. Lấy ví dụ về nghề biên dịch (trong ngành bản địa hóa), một dịch giả chuyên nghiệp ở châu Âu có thể lấy giá 0.08USD/từ, nhưng nếu trừ đi chi phí, họ chỉ có thể tiết kiệm được 0.02USD/từ, nhưng cùng dịch giả đấy, nếu như sống ở khu vực Đông Nam Á, họ có thể dễ dàng tiết kiệm được 0.04USD/từ với giá 0.06USD/từ (và đây là câu chuyện có thật). Khi các thị trường lớn đang bão hòa, du học sinh từ các nước đang phát triển cũng đồng thời phải đối mặt với cạnh tranh cao tại thị trường lao động cao cấp như tại châu Âu hay Mỹ mà lại khó có thể sử dụng những lợi thế địa lý từ nơi mình sinh ra và lớn lên, và điều đó đồng nghĩa với cơ hội cho những nhân công chất lượng cao tại các nước đang phát triển. 
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng freelance đang trở nên ngày càng phổ biến hơn và một trong những lợi thế của freelance đó là không phụ thuộc vào một văn phòng vật lý, kể cả về mặt công việc lẫn mặt giao tiếp. Điểm trừ của việc này chỉ ở chỗ bạn sẽ không thường có những buổi team-building dã ngoại hay đại loại như thế nhưng nếu bạn không phải kiểu người thích tiếp xúc quá nhiều thì cũng chẳng phải vấn đề. Hầu hết giao tiếp về công việc đều có thể được thực hiện thông qua các công cụ qua mạng Internet:
- Trao đổi công việc: trực tiếp thì có Skype, Google Hangout, Web Meeting... những công cụ cho phép nói chuyện trực tiếp chỉ với "one-click" (công nghệ một nút nhấn). Gián tiếp thì có gmail, outlook, amazon mail service... Chat thì có slack, và thậm chí facebook messenger cũng là một công cụ hữu hiệu trong nhiều trường hợp.
- Lưu trữ: các giải pháp đám mây như Google Drive, Dropbox, AWS... khiến cho bạn không phải phụ thuộc vào lưu trữ tại máy tính cá nhân nữa.
- Kiểm soát công việc: Teamwork, Asana, hay Jira giờ đây đã trở thành những cái tên quen thuộc với những ai làm việc quan mạng.
Trên thực tế, kể cả khi có một văn phòng vật lý đi chăng nữa, thì những người đi làm trong các công ty nước ngoài đều đã và đang sử dụng những công cụ trên vậy nên việc biết và dùng chúng hiệu quả là thứ mà bất kỳ ai muốn làm việc trong môi trường quốc tế đều phải có. Chúng ta luôn có các giải pháp để kết nối ra thế giới "ngoài kia", chỉ là chúng ta có muốn hay không mà thôi.
HÒA NHẬP CHỨ KHÔNG HÒA TAN
Một trong những hiểu nhầm nghiêm trọng về việc du học, đó là có không ít người nghĩ rằng cứ đi du học thì sẽ tự khắc là một “công dân toàn cầu” và việc từ bỏ những gốc rễ về văn hóa là một thứ tiến bộ và văn minh hơn, trong khi đó, xu thế hiện tại của các công ty đa quốc gia trên thế giới lại là ủng hộ đa dạng văn hóa (diversity) và không phân biệt. Tất nhiên, điều này không phải ở tất cả các công ty và trong nhiều trường hợp chỉ là cái vỏ bọc cho những hành vi bất chính nhưng xu thế này mang đến những lợi thế nhất định về nguồn lao động. 
Phông văn hóa sẽ luôn có ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ và làm việc, cho dù bạn có là người độc lập đến đâu đi chăng nữa. Một người nếu như sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, chịu sự ảnh hưởng của giáo dục và xã hội Việt Nam, thì cho dù có dành phần đời còn lại ở một nước khác, cũng sẽ vẫn mang trong mình những đặc tính của một người sinh ra lớn lên tại Việt Nam. Điều này không xấu, cũng không phải là tốt. Nếu như nhìn nhận một cách thực dụng, thì câu hỏi đúng là: chúng ta sẽ tận dụng những đặc tính đấy như thế nào? 
Đây là câu hỏi cần một tư duy phản biện tốt để phân tích, bởi nếu không có tư duy phản biện, bạn sẽ dễ bị rơi vào một trong hai cực: người Việt Nam chẳng có đức tính tốt gì (và lấy hàng loạt dẫn chứng về việc người Việt Nam ăn cắp ở Hàn, Nhật chẳng hạn) hoặc người Việt Nam toàn đức tính tốt (và lấy dẫn chứng từ… sách giáo khoa chẳng hạn). Nhưng cũng cần biết rằng những thứ tốt xấu này đều tương đối, và biết cách tận dụng nhằm khiến mình tiến bộ hơn trong môi trường làm việc quốc tế mới là điều cần phải suy nghĩ. 
Nhìn từ góc độ cá nhân với hơn 10 năm đi làm và phân nửa thời gian là làm việc trong các công ty nước ngoài, thì việc tự ti, hay tự tôn thái quá đều… chẳng để làm gì cả. Những người Việt làm thuê cho các công ty nước ngoài thì hay tự ti, còn những người Việt đi du học về nước thì lại hay tự tôn là những điển hình cho việc đem những yếu tố văn hóa một cách bất hợp lý vào môi trường công việc, nhất là môi trường công việc đa quốc gia bởi:
Trong phần lớn thời gian, điều ấy không có ý nghĩa, phần lớn những người đi làm chuyên nghiệp đều hiểu rằng 80% thời gian tại chỗ làm việc là để làm công tác chuyên môn, quản lý, nên việc đem những thứ thuộc về văn hóa quốc gia ra để bàn thường không có ý nghĩa lắm.Tuy nhiên, phông văn hóa lại đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với những người làm việc từ các quốc gia khác nhau, và điều này không rõ ràng trong công việc chuyên môn, mà lại được thể hiện qua các hoạt động ngoài công việc (team building là một ví dụ)
Làm việc ở các công ty đa quốc gia thường thú vị hơn ở điểm này, đó là ngoài công việc, bạn sẽ luôn có những thứ để trao đổi với đồng nghiệp và khiến bạn gắn kết hơn với môi trường làm việc. Nếu như bạn làm việc cho các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, thì việc bạn là người Việt Nam còn đem lại lợi thế vì bạn có thể là người dẫn dắt đội của mình trong những hoạt động ngoại khóa tại Việt Nam. 
Ngay cả trong công việc chuyên môn, thì việc đi du học hay không cũng có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Đối với tôi, những người đi du học về những ngành thiên về quản lý thường khó bắt nhịp được với công việc hơn tại kể cả các môi trường công ty nước ngoài tại Việt Nam khi họ “quên” hoặc chưa bắt nhịp lại được với phông văn hóa tại Việt Nam. Ngược lại, những người đi du học về các ngành kỹ thuật thường lại dễ kiếm được công việc thuần túy chuyên môn hơn. Còn những người không đi du học thường lép vế hơn về mặt chuyên môn so với những người học chuyên môn ở nước ngoài về, nhưng lại mạnh hơn về mặt quản lý do hiểu phông văn hóa. Điều quan trọng ở đây không phải là bạn so sánh để cảm thấy hơn hay kém, mà từ bất kể góc độ nào, bạn cũng có thể tìm được những thứ phù hợp với bản thân để học trong môi trường công việc. 
VẬY THÌ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Hãy học một ngôn ngữ theo hướng sử dụng ngôn ngữ đó thành thạo trong môi trường làm việc, không kể đó là tiếng Anh, hay Pháp, hay Tây Ban Nha, hay Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Bạn cần có một mục tiêu rõ ràng cho mình, đó là "môi trường làm việc". Thêm vào đó, hãy luôn cập nhật những xu thế mới về công nghệ, nhất là những công cụ liên quan đến việc trao đổi, giao tiếp và kiểm soát công việc, bởi khi hiểu được cách thức hoạt động của chúng, thì việc bạn có phải làm quen với một công cụ mới trong một môi trường mới cũng không hề khó khăn. Chúng ta đang sống trong một thế giới ít giới hạn hơn bao giờ hết. Hãy biết tận dụng điều đấy để trở thành một cư dân toàn cầu đúng nghĩa, chứ không cứ là phải đi du học.
Ngoài ra, đây là một trong những bài viết đã có mặt trong cuốn "Du học ký: Vạn dặm có chi?" và nhờ nhà có quan hệ, tôi lại một lần nữa vinh dự được góp một bài viết trong cuốn sách mới nhất của Spiderum: "Người trong muôn nghề", với hi vọng có thể giúp đỡ phần nào các bạn học sinh, sinh viên có được định hướng rõ ràng hơn trong công cuộc chọn ngành chọn nghề. 
Một số bài viết khác cùng chủ đề: