Cảm xúc của người trưởng thành khó thoả mãn
Càng thiếu càng tìm, càng tìm càng thấy thiếu. Sự gắn kết về bản chất đã đứt gãy từ bên trong.
Sự vui sướng của một đứa trẻ gói gọn trong chiếc đèn lồng được bố mẹ tặng thưởng dịp Trung Thu. Dù niềm vui đấy sẽ phai tàn theo sự hỏng hóc của món đồ chơi made in China, nhưng tôi nghĩ ít nhất nó cũng kéo dài được đôi ba ngày. Nỗi sợ hãi của một đứa trẻ chỉ tồn tại trong một đêm sau khi chúng bạo gan xem bộ phim ma được cảnh báo là 18+. Ngay lúc mặt trời lên, chẳng bóng ma nào còn có thể tồn tại trong tâm trí chúng. Niềm giận dữ của một đứa trẻ dâng lên khi nhận trận đòn roi của cha mẹ và thật tài tình nguôi đi ngay sau đó. Để dỗ dành con trẻ, chúng ta không cần gì nhiều hơn một viên kẹo chocolate hình quả trứng bên trong có chứa một món đồ chơi nho nhỏ. Vậy thì người lớn phức tạp hơn nhiều.
Con người lớn lên theo trải nghiệm, trải nghiệm thế giới vật chất và trải nghiệm thế giới tinh thần. Bắt đầu hành trình trưởng thành, chúng ta dễ dàng đạt đến đỉnh và chạm tới đáy đồ thị cảm xúc. Việc quen thuộc với những xúc cảm lên - xuống khiến người ta lâng lâng rơi vào tình trạng nghiện cảm xúc (Emotional addiction). Trong số những “con nghiện", không nhiều kẻ nhận ra cơn nghiện. Chúng ta vì thế hoang hoải tìm kiếm cách thỏa mãn bản thân bằng những cái thú như tình yêu, tình dục, cồn, chất kích thích,... Đó cũng là quy trình chuẩn mực khi lấy cơn nghiện này lấp đi cơn nghiện khác. Cảm xúc được thỏa thuê trong chốc lát (mấy phút hay vài tiếng) và chúng ta lại trở thành con chiên của một đạo giáo khác.
Kẻ nghiện là kẻ thiếu. Chúng ta nghiện tình yêu khi thiếu thốn yêu thương. Người liên tục rơi vào lưới tình là người sống trong một gia đình thờ ơ, lãnh đạm, nguội nhạt. Chúng ta mải mê kêu gọi những gắn kết khi có vấn đề với sự kết nối (Anxious attachment, Disorganized attachment, Avoidant attachment). Lấy lý do là động vật xã hội, tôi sợ hãi và lảng tránh việc một mình (về mặt vật lý và tâm tưởng). Những kết nối thực và giả tưởng (qua mạng xã hội) đem đến một loại cảm giác an toàn tạm thời. Ngay cả việc ở một mình và sử dụng mạng xã hội cũng cho thấy nỗ lực đầy tuyệt vọng của con người trong việc cố gắng liên kết với những cá thể “giống mình". Càng thiếu càng tìm, càng tìm càng thấy thiếu. Sự gắn kết về bản chất đã đứt gãy từ bên trong.
Trong một ngày bình thường, tần suất xuất hiện của cảm xúc chỉ chiếm vài phần trăm, sự cao trào xúc cảm lại càng ít. Phần lớn thời gian, chúng ta cảm thấy trống và rỗng. Trống là phần cảm xúc đã từng xuất hiện và mất đi, rỗng là nó vốn thế. Trải nghiệm sản sinh ra nhu cầu. Người từng nhìn một bàn tay mà dằn lòng không dám nắm, vẫn sẽ thèm khoảnh khắc chạm. Người từng không tìm thấy hơi thở trong một nụ hôn sâu, vẫn sẽ khao khát làn môi mềm. Người từng nghe tiếng chạm của da dẻ và xác thịt, vẫn sẽ mộng mị về phút giây quấn quýt. Nếu thực tế không thoả những cảm xúc, tôi chọn trốn vào viễn cảnh tự hoạ. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được thế. Khi không thể “thủ dâm” trong giấc mơ chính mình, chúng ta tất yếu sẽ gây hại cho người khác.
Trong phim điện ảnh Ronin, khi được hỏi “You ever kill anybody?”, Sam Ronin đã trả lời: “I hurt somebody's feelings once". Đôi khi để gọi dậy cảm xúc trong mình, chúng ta đã vô tình hoặc cố ý chĩa mũi dao về phía trái tim người khác. Nhìn một con người bằng xương bằng thịt vỡ vụn trước mắt là cảm giác tội lỗi đầy tự mãn và cao ngạo. Chúng ta nhân danh tình yêu để làm tổn thương nhau, nhân danh tình thương để dằn vặt nhau, nhân danh tình người để huỷ hoại lẫn nhau. Đó là sự độc ác lý tính phục vụ cho nhu cầu cảm tính của con người. Khi một bộ phim hay một bản nhạc không thể thoả, chúng ta tìm đến nhau. Một trận chiến cảm xúc cũng chỉ có thể xảy ra giữa con người với con người. “Căm ghét nhau cũng là một liệu pháp chống lại nỗi buồn. Sông thì dài quá. Người ta cần có một thứ tình cảm mãnh liệt để biết rằng mình còn sống” - Nguyễn Ngọc Tư. Những vụ giết hại nhân tình vẫn cứ xảy ra ngày qua ngày như thế. Báo chí truyền thông thời nào cũng được hưởng lợi từ những “vụ nổ" cảm xúc theo cách này hay cách khác.
Khi không thể tự thỏa mãn cảm xúc, chúng ta thỏa lòng bằng việc thoả mãn cảm xúc của người khác. Những người bị bệnh thay vì tìm đến bác sĩ sẽ đi gặp các bệnh nhân khác. Chúng ta làm công việc của một bác sĩ đối với những bệnh nhân có diễn tiến nặng hơn. Đó không hoàn toàn là lòng nhân đạo. Đó là khoái cảm khi trở thành một người quan trọng, người có ích, người không thể thiếu trong cuộc sống của ai đó. Với vết thương chưa lành, chúng ta ra sức khâu vá vết thương của người khác, trở thành chiếc cọc mủn cho kẻ chết đuối bám vào. May mắn gặp người có ý thức và mong muốn chữa bệnh thì ít tổn hại. Nhưng phần lớn, không may đối tượng chúng ta tìm đến lại toàn là những bệnh nhân giấu thuốc, từ chối trị liệu. Các mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân thường đội lốt ái tình như thế. "Tình cờ đời ta va lấy nhau, không may. Người tìm được tôi nơi đáy sâu" (Blue Tequila - Táo).
Yêu người là yêu ta hay yêu người?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất