Cảm nhận sách: Trí tuệ giả tạo: internet đã làm gì chúng ta?
Tình cờ đọc được đoạn giới thiệu cuốn sách này trên trang tramdoc.vn. Tôi tò mò tìm đọc luôn và đọc ngấu nghiến nó để tìm hiểu xem...
Tình cờ đọc được đoạn giới thiệu cuốn sách này trên trang tramdoc.vn. Tôi tò mò tìm đọc luôn và đọc ngấu nghiến nó để tìm hiểu xem nó nói gì về thế giới internet. Quả thật rất bất ngờ, cuốn sách này đã phác họa nên thế giới internet tác động đến cách ta học tập và tiếp thu nhiều hơn ta nghĩ.
Cùng tìm hiểu xem cuốn sách này có điều gì đặc biệt nhé! Bắt đầu thôi nào
Cuốn sách phác họa lịch sử tiếp thu thông tin của bộ não và giải thích cách hệ thần kinh tiếp nhận thông tin, chuyển từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn ra sao. Qua thời gian chứng minh, khoa học cho thấy rằng bộ não có tính mềm dẻo, linh hoạt, liên tục biến đổi để thích nghi với cách thức tiếp nhận. Các tế bào thần kinh không ngừng phá vỡ các kết nối cũ và hình thành các kết nối mới, bộ não luôn có khả năng tái tạo lại chính nó, thay đổi cách nó hoạt động.
Khi ta sử dụng và tiếp xúc nhiều, lặp đi lặp lại với dạng thức nào (sách vở/ màn hình/ video) thì các khu vực não đảm nhận chức năng đó sẽ mạnh lên. Tóm lại, khu vực nào càng được sử dụng nhiều, nơi đó càng trở nên mạnh hơn.
Cách chúng ta sử dụng bất kỳ công cụ nào cũng ảnh hưởng lên cách chúng ta tư duy.
Tác giả kể lại hành trình con người duy trì kiến thức từ truyền miệng đến ghi chép, và ghi chép chính là cách thể hiện và lưu trữ được tốt nhất, giúp nâng cao tầm nhận thức. Ban đầu, từ ngữ được viết không có khoảng cách giữa các từ, khiến cho việc đọc thật khó khăn và trí óc phải làm việc cật lực để hiểu được. Sau đó, hình thức ghi chép được biến đổi như thêm các dấu câu, khoảng cách giữa các từ, nhờ đó giúp cho người đọc dễ tiếp thu hơn, hình thành tư duy đọc sâu. Người đọc ngắt kết nối ra khỏi những thứ xung quanh để tập trung vào từ ngữ, ý tưởng và cảm xúc bên trong. Do đó bộ não của ta không chỉ là bộ não biết chữ, mà là bộ não văn vẻ.
Sau đó, thời kỳ máy in ra đời, giúp sách vở được phổ biến rộng rãi hơn, lan truyền văn hóa đọc sách. Có những lúc chúng ta đọc hời hợt trong thời gian ngắn, thế nhưng có những lúc chúng ta lại đọc tập trung và lâu hơn, chúng ta bị cuốn vào cái đang đọc trong những khoảng thời gian dài hơn. Nơi đây người đọc không chỉ thụ động tiếp thu mà chính là cuốn sách. Từ đó phát triển lên một cấp độ mới, người viết nỗ lực thể hiện ý tưởng và cảm xúc vào tác phẩm. Việc viết sách và đọc sách đã nâng tầm tinh lọc kinh nghiệm của con người về cuộc sống và tự nhiên. Giúp làm giàu nhận thức và mở rộng trải nghiệm của con người. Khi đó, chúng ta trở nên trầm ngâm, biết suy nghĩ và sáng tạo hơn. Việc đọc sâu đã trở thành một phần của tư duy.
Dòng chảy đó đã thay đổi, những máy in đã bị đẩy ra khỏi dòng chảy trung tâm tri thức, sự chuyển đổi bắt đầu từ những năm giữa thế kỷ XX, chúng ta càng dành nhiều sự quan tâm đến các sản phẩm đồ điện tử như radio, rạp chiếu phim, máy hát, tivi. Những công nghệ đó không phản ánh đầy đủ tri thức như những cuốn sách.
Nhưng hiện nay, dòng chảy tri thức đã chuyển nhanh chóng và dứt khoát sang một hướng mới, đó là máy tính, điện thoại, internet. Những công nghệ này tích hợp mọi hình thức như văn bản, hình ảnh, video, âm thanh hợp thành một. Chúng định hình quy cách tri thức mới, vì thế bộ não chúng ta lại được điều chỉnh.
Chúng ta càng ngày càng dành nhiều thời gian cho internet, màn hình. Thời gian đọc các ấn phẩm, sách báo càng ngày càng giảm đi. Ngày nay, chúng ta sử dụng một công cụ cho mọi mục đích.
Việc trải nghiệm web đem đến cách tiếp cận khác so với sách vở, những siêu liên kết, quảng cáo, các bài viết liên quan, widget, đoạn video,vv... được đặt xung quanh, kiến chúng ta trở nên xao nhãng. Công nghệ mới làm đứt đoạn nội dung và phá vỡ sự tập trung. Mỗi khi dùng máy tính, chúng ta lại lao vào hệ sinh thái các công nghệ gián đoạn.
Tính tương tác, siêu liên kết, khả năng tìm kiếm, đa phương tiện là những lợi ích hấp dẫn của internet. Tâm trí của người xem dễ bị cuốn vào một ma trận. Chúng ta thường có thói quen đọc lướt, tìm hiểu mọi thông tin. Nhưng đổi lại, khả năng đọc sâu bị mất đi. Có thể nói rằng chúng ta biết mọi thứ nhưng chúng ta không hiểu thứ gì.
Công nghệ ngày nay khiến ta dễ dàng đắm chìm vào thế giới tiện nghi, nhưng khiến ta mất đi khả năng chìm đắm suy tư và phản tỉnh về những thứ chúng ta đọc. Thời đại bùng nổ thông tin, nhưng chúng ta kham hiếm tri thức thực sự. Chúng ta đọc mọi điều và có cảm giác rằng chúng ta biết mọi sự, nhưng sự tập trung, khả năng suy nghĩ bị đánh mất và trí não của chúng ta không lưu giữ được những điều ta tiếp thu. Việc đọc có hiệu quả trở thành một điều xa xỉ và hiếm có ai chạm tới.
Khi thời gian lướt web nhiều hơn thời gian đọc sách, khi thời gian trao đổi tin nhắn nhiều hơn thời gian viết câu và đoạn văn, khi thời gian xem các đường liên kết nhiều hơn thời gian trầm tư suy nghĩ, thì cấu trúc thần kinh biến đổi. Các cấu trúc thần kinh thực hiện chức năng trí tuệ này sẽ yếu đi.
Thực nghiệm cho thấy những người thường xuyên đọc web không thể nhớ những gì đã đọc và chưa đọc. Ngược lại, những người đọc văn bản mang tính tuần tự thì hiểu nhiều hơn, ghi nhớ nhiều hơn và học hỏi được nhiều hơn so với người đọc văn bản chứa đầy rẫy các liên kết.
Công nghệ ngày nay chia cắt sự chú ý, đã hạn chế khả năng nhận thức, giảm việc đọc hiểu của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mất tập trung và trọng tâm, phân chia sự chú ý và phân mảnh tư duy, để đổi lại những thông tin hấp dẫn hoặc ít nhất cũng vui vẻ chúng ta sẽ nhận được.
Trải nghiệm đa nhiệm hạn chế khả năng tư duy sâu sắc và sáng tạo. Chúng ta đánh đổi trải nghiệm thị giác - không gian để giảm thiểu năng lực xử lý thông tin, tư duy phản biện, tưởng tượng và suy ngẫm.
Chúng ta đặt giả thuyết chuyển giao việc ghi nhớ cho máy tính, bởi vì nó có thể lưu trữ không giới hạn và truy xuất mọi lúc nhanh chóng. Khác hẳn với sự hay quên của bộ não con người. Nhưng đó là nguy cơ lớn. Vô tình chúng ta phụ thuộc vào vật chất, mất đi trí tuệ, thui chột văn hóa và không có hiểu biết thật. Nếu giao phó trí nhớ cho nguồn bên ngoài, văn hóa sẽ lụi tàn.
Cái giá của công nghệ có thể rất cao, nó làm tăng cường và tê liệt năng lực tự nhiên của con người về lý luận, nhận thức, trí nhớ, cảm xúc.
Nếu chúng ta không rèn luyện kỹ năng, luôn trau dồi khả năng đọc sâu, sự tập trung, thì công nghệ sẽ đánh bại chúng ta và khiến chúng ta mất đi năng lực tự nhiên và phải phụ thuộc vào nó. Đó là viễn cảnh đã và có thể xảy ra nếu chúng ta không ý thức và chủ động trước thời cuộc.
Cuốn sách là một lời cảnh tỉnh trước sức mạnh của nhà phát triển công nghệ. Nếu muốn giữ cho mình năng lực trí tuệ tốt, một sự thấu cảm nhân bản, buộc chúng ta phải hy sinh những tiện nghi hấp dẫn trước mắt để rèn luyện và đắm mình vào việc đọc tuần tự, suy ngẫm, phản tỉnh. Do đó, chúng ta mới chống lại được sức quyến rũ của công nghệ và tự mình làm chủ được tinh thần.
Xuyên suốt cuốn sách là lịch sử cách thức truyền đạt thông tin, các nghiên cứu mô tả về sự thay đổi cấu trúc thần kinh song song với cách tiếp nhận thông tin đó. Viễn tưởng công nghệ thay thế và phá hủy nền văn minh, những giá trị sâu sắc, quý giá vẫn luôn đeo bám con người.
Theo cảm nhận cá nhân, cuốn sách khá khó đọc nhưng ẩn chứa hàm lượng tri thức sâu sắc, đưa ra nhiều dẫn chứng thực nghiệm thuyết phục để củng cố luận điểm về mặt hạn chế của internet.
Trong phần kết, tác giả cảnh báo chúng ta không nên dễ dãi bước vào tương lai mà các kỹ sư phầm mềm đang viết ra. Tác giả cảnh báo sự phát triển bừa bãi của công nghệ có thể sẽ lấn át những nhận thức, tư duy và cảm xúc tinh tế chỉ có được qua quá trình suy tư và ngẫm nghĩ.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất