Lặng yên dưới vực sâu là cuốn tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy lấy bối cảnh ở một vùng miền núi phía Bắc. Tác phẩm viết về miền núi phương Bắc trước đây mình đã đọc có thể nói các tác phẩm quen thuộc như Vợ chồng A Phủ, Miền Tây của Tô Hoài hay vài bài thơ trong tập Việt Bắc của Tố Hữu hoặc ít quen thuộc hơn như chùm truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát, các truyện Những người thợ xẻ, Chuyện tình kể trong đêm mưa đều mang màu sắc huyền ảo của Nguyễn Huy Thiệp thì khi đến với Đỗ Bích Thúy, tác giả đã không kể một câu chuyện quá đỗi lớn lao hay vĩ đại về tộc người H’Mông mà để ánh mắt mình vào đời sống của những con người miền núi ấy mà suy ngẫm. Mình xin tóm lượt nội dung của tiểu thuyết.
           Súa với Vừ yêu nhau và Súa đồng ý để Vừ cướp Súa về làm vợ nhưng đã bị Phống lừa mất. Súa trở thành vợ Tráng A Phống sau khi bị Phống cưỡng đoạt dù lòng vẫn nhớ về Vừ. Những ngày làm dâu nhà họ Tráng, Súa sống như người mất hồn, rồi dần Súa cũng làm thân với Chía, em dâu Phống, Súa thương Chía như em ruột và cô bé cũng đã nhiều làm chăm sóc Súa mỗi khi bị Phống hành hạ. 
          Do trong lòng còn thương Vừ, Súa đã nhờ Xí – bạn mình chăm sóc cho Vừ và mong hai người sẽ thành vợ chồng, Xí ban đầu không muốn nhưng cũng dần có tình cảm với Vừ và muốn kết hôn với anh. Tuy nhiên, trong lòng Xí biết lúc nào Vừ cũng chỉ nghĩ về Súa nên quyết định không kết hôn với anh.
          Sau này, Vừ và Súa gặp lại nhau và quyết định trốn đi vì cô đã không chịu nỗi Phống tuy nhiên đúng ngày cô định bỏ đi thì lại phát hiện bản thân đã mang thai. Từ đây, sợi dây trói chặt Súa vào nhà họ Tráng lại càng chặt hơn. Những bi kịch khác đột ngột ập tới khi Phống không thể chịu đựng nỗi sự lạnh lùng của Súa để rồi dẫn tới mối quan hệ bất chính với Chía, khi bị Súa bắt gặp, Chía bỏ chạy và lao xuống vực. Một bi kịch khác xảy đến khi Phống biết mình không phải con ruột của nhà họ Tráng, trong cơn suy sụp, anh đã quyết định lao xuống vực thẳm. Trong lúc đấy, Vừ đang đợi Súa để đi trốn nhưng có vẻ cô sẽ không bao giờ đến nữa khi nghe tin hai người kia đang ở dưới miệng vực thẳm. 
          Tiểu thuyết bắt đầu bằng tục cướp vợ và đó cũng là nguồn cơn của mọi bi kịch xảy đến với các nhân vật. Tác giả đề cập tới tục cướp vợ nhưng không có ý định lên án hay xóa bỏ mà từ tập tục này, tác giả để người đọc suy nghĩ về cuộc sống của con người với tập tục ấy, còn với mình thì cũng chẳng có phê phán gì về tục cướp vợ, mình thấy mình có quyền gì mà phê phán tập tục của họ và cũng không thể phê phán nếu chưa tường tận lối sống của người Mông.
          Bằng cách kể chuyện với ngôn từ gợi hình, gợi cảnh như:
-     Mình không làm thế được. Mình phải để dành chứ.
          Súa thương Vừ quá, nhưng thấy Vừ nói cũng phải. Để dành. Như để dành một tảng thịt ngon trên gác bếp, đến lúc cần nhất mới mang ra dùng.
          Hay như là:
          Súa cảm thấy mình như một đám mây, bồng bềnh, phập phù, chẳng biết sẽ trôi về đâu. Không thấy đau đớn, tức tối, ghen ghét, thù hận gì hết, chỉ thấy kinh tởm, chỉ muốn nôn.
          Bằng cách sử dụng ngôn từ như vậy, Đỗ Bích Thúy đã cho thấy sự đáng thương của tất cả các nhân vật bằng những hình ảnh so sánh rất tài tình. Ở những chương đầu, ta dường như thấy hình ảnh Mị của Vợ chồng A Phủ trong Súa nhưng Mị là Mị, Súa là Súa và tất nhiên Đỗ Bích Thúy thì chẳng phải Tô Hoài. Bằng góc nhìn và tài năng của mình, Đỗ Bích Thúy đã khéo léo để Lặng yên dưới vực sâu không trở thành Vợ chồng A Phủ thứ hai mà đào sâu vào cùng cực của các nhân vật, đặc biệt là Súa.
          Nếu như Mị ngày xưa phải chịu sự hành hạ bới những cơn đánh đập, những lần làm việc không ngơi tay với sự cô độc trong tâm hồn thì Súa phải nếm trải thêm một cực hình khác mà Mị không phải chịu đựng (có thể do Tô Hoài ngại đề cập về điều này) đó chính là sự hành hạ bằng tình dục. Trở thành vợ Phống, Súa dường như phải chịu những cơn làm tình hằng ngày mà cuộc quan hệ nào có vui vẻ gì khi Đỗ Bích Thúy đã viết về điều đó bằng những câu từ đầy đau đớn “Phống chỉ nói một câu, nói xong câu ấy thì xuyên qua người Súa, khiến Súa vừa đau như bị xóc lên tận óc vừa uất muốn vỡ cả ngực.”, “Trong nhà, Phống vừa tụt khỏi người Súa, đang nằm ngửa, thở phù phù. Súa thì như mảnh váy rách, tả tơi,cắn môi đến chảy máu, mắt mở trừng trừng.” hay “Súa muốn hỏi, vì sao Súa chấp nhận làm vợ Phống rồi, ở yên trong nhà họ Tráng rồi mà Phống vẫn không vừa lòng? Phống còn muốn Súa như một con bò cái, khi chồng leo lên người phải rống lên từng cơn. Phống là người hay không phải người.” Tiểu thuyết đã sử dụng tình dục thay vì là sự đơm hoa kết quả của một tình yêu mà là một sự hành hạ về thể xác, thay vì làm người đọc cảm thấy lâng lâng trong cuộc mây mưa thì thú duy nhất xuất hiện là cảm giác ghê tởm muốn nôn mửa như đang phải nhìn vào một cảnh thú vật cưỡng hiếp con người.
          Nhưng đâu phải mỗi Súa là đau khổ mà tất cả nhân vật đều đáng thương, Xí thương Vừ mà Vừ có bao giờ thật lòng để Xí vào tim, Dính, Chía và Phống cũng có những nỗi khổ tâm riêng của mình. Cuộc hôn nhân giữa Dính và Chía thực chất chỉ là một cuộc tảo hôn, Chía mang danh là vợ Dính mà có được yêu thương gì vì chồng vẫn chỉ là một đứa nhóc, thay vào đó Chía lại sống như một người làm, không buồn cũng chẳng vui. Chúng ta đều biết con gái thì dậy thì sớm hơn con trai nên dần Chía cũng thành một thiếu nữ, những tâm tư tình cảm bắt đầu nảy sinh mà Chía thì có mong chờ gì ở Dính, dần dần qua việc chăm sóc Súa, Chía đã thích Phống lúc nào và dẫn đến mối quan hệ bất chính của hai người. Dù thế kỷ 21 nhưng có phải bóng ma phong kiến vẫn còn ám ảnh con người ta đến tận bây giờ khi lấy vợ chỉ là nghĩa vụ, là để đẻ con mà phải là con trai để rồi gây ra bao bi kịch. Tục cướp vợ của người Mông được nhắc tới liệu có xấu không hay là tác giả muốn nói tục lệ ấy chẳng có gì sai, nó chỉ trở nên xấu xí do những con người lợi dụng nó để trả thù, để phục vụ cho mục đích cá nhân chứ không phải từ tình yêu thực sự. Đỗ Bích Thúy đã viết một đoạn thế này:
          “Trên U Khố Sủ này, nhiều nhất chỉ là núi với vực. Núi càng cao thì vực càng sâu. Có những cái vực mà bò dê nhỡ có sẩy chân rơi xuống thì cũng chẳng ai dám nghĩ đến việc xuống đấy mà tìm.”
          Nhà của mỗi nhân vật đều gần với những vực sâu, đây có phải ý của Đỗ Bích Thúy khi chỉ cần sơ sẩy, một sai lầm là có thể đẩy con người ta rơi vào cái vực sâu thăm thẳm ấy. Liệu ở cuối truyện, Súa đã ngập mình trong cái miệng vực đen ngòm ấy, chẳng ai biết được.
          Có phải Lặng yên dưới vực sâu là một tiếng thở dài sầu não khác về tục lệ cướp vợ bị biến tướng bởi những tâm địa xấu xa, dơ bẩn và những chuyện buồn lại cứ thế mà xảy ra.
          Đọc xong tiểu thuyết này, mình chợt muốn tìm hiểu về tác phẩm của những nhà văn là người miền núi, không biết họ sẽ viết về suy nghĩ và cuộc sống của họ như thế nào nhỉ?