Ngoài dịch bệnh covid-19 trong năm vừa qua, có một loại dịch bệnh khác nguy hiểm không kém cũng xuất hiện: đó là fake news. Fake news không mới, nhưng với sự dễ dàng trong việc lan truyền các thông tin và tình hình phức tạp nói chung của thế giới thì việc nhận biết fake news trở nên khó hơn bao giờ hết – nhất là khi bộ não của bạn không nhớ được tất cả mọi thứ và không được luyện tập để chống lại nó.
Khi tôi nói về fake news, điều đó không chỉ đơn thuần là việc đoán xem một tin tức đó đúng hay sai so với thực tế. Trong nhiều trường hợp, đa số chúng ta không có đủ chuyên môn, thời gian hay quyền truy cập tới những nguồn tin sát thực hơn. Chính vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cần nhận định fake news là một thước đo thể hiện “sự đáng tin” của một tin tức bất kì thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào việc nó đúng hay sai so với thực tế - đó là một thước đo nhị nguyên và không hữu ích lắm. Và chúng ta cần một hệ thống tư duy để nhận định và lọc ra tin tức đáng tin dựa trên những suy luận và kiến thức đã có.
Tôi sẽ phân loại fake news thành các loại khác nhau và lấy ví dụ từ chính các kênh truyền thông chính thống của Việt Nam để các bạn dễ hình dung và kiểm chứng.

Type 0 – fake news loại 0: không có nguồn

Hãy mặc định tất cả những tin tức mà bạn đọc được đều không đáng tin nếu như nó không có nguồn, ngay cả khi nó có thể đúng.
Ví dụ: “Vaccine Nanocovax hiệu quả 52%”
Nếu bạn đọc cả bài báo này, bạn sẽ thấy rằng chẳng có bất kì nguồn nào cho số liệu mà họ nêu ra cả. Vậy nên, hãy mặc định rằng bài báo này không đáng tin – và vì vậy, nó không nên ảnh hưởng tới quyết định của bạn trong tương lai, giả như bạn có mong đợi rằng Việt Nam có thể sản xuất được vaccine chống covid-19 chẳng hạn và bạn muốn tiêm vaccine made-in-Vietnam thay vì vaccine ngoại nhập.
Nhận định cá nhân: với tôi thì tôi thậm chí không cần đọc nội dung bài báo này cũng biết là nó không đáng tin. Bởi vì con số 52% là khá “giả”, nó vừa đủ trên 50% nên không thể gọi là thất bại được, nhưng cũng không thể gọi là thành công được (khi chưa đủ số liệu). Vì tôi đã quá “nhẵn mặt” với độ chuyên nghiệp của nền truyền thông chính thống Việt Nam, nguồn số liệu là một thứ xa xỉ mà những tờ báo này sẽ không bao giờ có, vậy nên tôi không mất công đọc nội dung bài báo đấy làm gì cả. Nhân tiện thì Hội đồng đạo đức y khoa cũng không công bố nguồn số liệu đâu, vì trang web của họ còn hết hạn tên miền và không hoạt động (bạn có thể truy cập iecmoh.vn và kiểm chứng).

Type 1 – fake news loại 1: thêu dệt tin tức

Hãy đến với loại fake news cơ bản nhất, đó là khi truyền thông thêu dệt nên tin tức. Và có lẽ không tin tức nào có thể sánh được về quy mô fake news bằng bản tin sau:
Bản tin đăng trên cổng thông tin của Bộ Khoa học & Công nghệ
Bản tin đăng trên cổng thông tin của Bộ Khoa học & Công nghệ
Không những bản tin trên không có nguồn, những người tung tin này còn bịa đặt ra sự việc là test kit của Việt Á được WHO chấp thuận (trong danh mục sử dụng khẩn cấp – EUL). Thực tế thì mã số test kit được nhắc đến trong bản tin đó chỉ là mã số sơ bộ. Nếu bạn tra cứu danh mục sử dụng khẩn cấp (emergency use listing – EUL) của WHO thì sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. WHO đã đánh trượt test kit của Việt Á vào tháng 10 năm 2020 sau khi họ không nhận được đủ tài liệu bằng chứng cho độ hiệu quả của test kit. Sự thật này đã bị chôn vùi sau hơn một năm, chỉ đến khi giám đốc của Việt Á bị khởi tố thì điều này mới bị phơi bày.
Nhận định cá nhân: là một người theo dõi sát sao tình hình covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tôi đã có nhiều hoài nghi khi tin này được đăng tải trên khắp các kênh truyền thông chính thống của Việt Nam. Tại thời điểm đó, chỉ có một số nước có công nghệ sản xuất test kit PCR để chẩn đoán covid-19, các nước còn lại hầu như phải nhập khẩu. Nếu như có bất kì quốc gia nào làm chủ được công nghệ này thì các trang truyền thông nước ngoài sẽ đăng tải ngay lập tức, ví dụ như Hàn Quốc lúc đó. Tuy vậy, tôi không hề thấy Việt Nam được nhắc đến trên các trang báo đó. Điều đó thực sự khó hiểu vì đối với Việt Nam thì đó là một sự kiện cực kì quan trọng, thậm chí các trang báo ở Việt Nam có phần tin bằng tiếng Anh cũng đăng tải tin này. Vào khoảng tháng 8, tôi tiếp xúc được một số tài liệu chỉ ra rằng việc test kit Việt Á được WHO chấp thuận là bịa đặt, và tôi cũng tự tay lên trang web của WHO để xác nhận điều này. Tuy nhiên, việc công bố sự thật này đối với cá nhân tôi ở thời điểm đó là một việc khá nguy hiểm. Sau sự kiện này, tôi rút ra được 2 điều: một là chẳng ai đọc tin tiếng Anh trên các trang báo Việt Nam, hai là…
Bài tập về nhà: hãy đánh giá sự đáng tin của bản tin sau
Bài đăng trên trang Facebook Thông tin Chính phủ (đã xóa)
Bài đăng trên trang Facebook Thông tin Chính phủ (đã xóa)

Type 2 – fake news loại 2: diễn giải sai số liệu/thông tin

Một trong những lỗi sơ đẳng của các kênh truyền thông chính thống Việt Nam khi đưa tin lại từ các trang báo nước ngoài là việc diễn giải sai số liệu/thông tin. Điều này khá dễ hiểu bởi biên tập viên Việt Nam đa phần không đủ trình độ và tư duy để có thể hiểu đúng được, nhất là các vấn đề liên quan tới khoa học.
Ví dụ: “Cuba công bố vaccine covid-19 ngăn được 99,997% ca tử vong”
Bài đăng trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Bài đăng trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Để tính được khả năng ngăn ngừa tử vong của một vaccine, chúng ta phải so với số ca tử vong thực tế trên cùng một đơn vị dân số nếu như không tiêm vaccine. Ở ví dụ này, 21,000 người tiêm vaccine của Cuba và mắc covid-19 có 99 ca tử vong, tỉ lệ là 0.47%. Đến thời điểm 15/8/2020, Cuba có 509,000 người mắc covid-19 và 3,925 ca tử vong, tỉ lệ là 0.77%. Vậy nên hiệu quả ngăn tử vong của vaccine của Cuba sẽ nằm đâu đó 1 - (0.47/0.77) = 39%. Lưu ý rằng đây chỉ là con số ước tính đơn giản.
Những sự diễn giải sai số liệu/thông tin như thế này rất phổ biến, các bạn có thể tham khảo thêm trên trang Trung tâm xử lý rác thải VTV.

Type 3 – fake news loại 3: đánh tráo khái niệm

Một trong những chiêu trò phổ biến của giới truyền thông để biến trắng thành đen là đánh tráo khái niệm. Nó cũng tương tự như kiểu ngụy biện người rơm (strawman), công kích điểm B trong khi đang đề cập tới điểm A.
Ví dụ: “việc ngắt âm thanh Quốc ca [...] trái quy định pháp luật”
Bản tin được đăng đầy đủ trong phần bình luận trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Bản tin được đăng đầy đủ trong phần bình luận trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Xuyên suốt trích đoạn báo được đăng trong phần bình luận đó, họ đề cập tới "bài hát" (gồm có lời và nhạc) - mà ở đây cụ thể là "Tiến quân ca" - nhưng vấn đề bản quyền lại liên quan tới "bản ghi" (bao gồm phối khí, hòa âm, sự biểu diễn của ca sĩ, v.v...) được thu bởi Hồ Gươm Audio - đơn vị giữ bản quyền của bản ghi - và BH Media đại diện quản lý. Chúng ta biết rằng "Tiến quân ca" đã được nhạc sĩ Văn Cao tặng lại cho nhà nước và toàn dân, vậy nên bất kì ai cũng có thể tự hát, tự thu âm và đăng tải ở bất kì đâu. Thậm chí, nếu bạn hát hay như Adele hay Taylor Swift thì bạn hoàn toàn có thể hát "Tiến quân ca" và thương mại hóa trên YouTube chẳng hạn. Có một sự đánh tráo khái niệm giữa “bài hát” và “bản ghi” để cố ý đánh lạc hướng người đọc.
Và đấy là chưa kể việc chẳng có bất kì quy định nào của pháp luật được nêu ra trong bản tin kia cả. Nếu sự vi phạm pháp luật là rõ ràng đến thế, tại sao họ không nêu ra cụ thể điều luật nào trong bộ luật nào để mọi công dân đều biết và nắm rõ?

Type 4 – fake news loại 4: làm sai lệch ngữ cảnh

Không khó để có thể chế biến tin tức thành các món ăn với đủ cung bậc cảm xúc. Một tin không tốt cho lắm có thể biến thành một tin vô cùng tốt lành bằng cách thay đổi ngữ cảnh. Hãy cùng xem xét ví dụ dưới đây.
Ví dụ: “Tốc độ tiêm vaccine covid-19 của Việt Nam thứ 3 thế giới [trong tháng 11 năm 2021]”
Bản tin được đăng đầy đủ trong phần bình luận trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Bản tin được đăng đầy đủ trong phần bình luận trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Ngữ cảnh bị sai lệch ở đây là bản tin này không đề cập đâu là điểm khởi đầu và đâu là điểm kết thúc của quá trình tiêm chủng. Tốc độ tiêm chủng được nhắc đến này không có ý nghĩa gì nhiều khi Việt Nam khởi động chương trình tiêm chủng chậm hơn so với nhiều nước. Ở các nước đó, về cơ bản là họ đã hoàn thành việc tiêm chủng, những ai muốn tiêm thì đã tiêm, còn những ai không muốn tiêm thì sẽ không tiêm trong tương lai. Chính vì vậy mà tốc độ tiêm chủng ở các nước đó chậm lại đáng kể. Mặc dù tiêm chủng được khuyến khích ở rất nhiều nước, song hầu hết các nước đều không bắt buộc công dân phải tiêm chủng (ngay cả khi có nhiều hình thức bắt buộc gián tiếp khác).
Ngoài ra, việc tiêm chủng khởi động chậm hơn cũng đồng nghĩa với việc nhiều người nằm trong nhóm rủi ro cao đã tử vong/mắc bệnh, khiến việc tiêm chủng cho phần còn lại của dân số không có nhiều ý nghĩa thực tế (so với khi bắt đầu tiêm chủng sớm hơn).

Type X – fake news loại X: bằng chứng tự sự và những gì nằm ngoài truyền thông

Bằng chứng tự sự (anecdotal evidence) là những câu chuyện cá nhân kiểu như “ông chú của tôi làm ở Viettel nói rằng…”. Bản thân từng câu chuyện riêng biệt có thể đúng hoặc sai, nhưng để khái quát hóa thành một trào lưu hoặc một hiện tượng thì cần phải có cỡ mẫu đủ lớn. Những bằng chứng tự sự có thể trở thành tin tức, nhưng nó chỉ có thể cung cấp một điểm dữ liệu mà không cung cấp thêm thông tin nào hữu ích.
Sự xuất hiện (hoặc thiếu vắng) bằng chứng tự sự trên truyền thông có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhìn nhận một trào lưu hoặc một hiện tượng. Các bạn cần nhớ rằng những gì bạn thấy trên các mặt báo chỉ phản ánh một phần rất nhỏ của hiện thực, do vậy hiện thực có thể xảy ra hoàn toàn ngược lại so với những gì mà báo chí phản ánh.
Ví dụ: “sự thật về hình ảnh người dân khó khăn phải sống trong ống cống tại TP Hồ Chí Minh”
Bài đăng trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Bài đăng trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Bằng cách bóc mẽ và phủ định một bằng chứng tự sự cụ thể này, VTV tạo ra một ảo tưởng rằng những hình ảnh tương tự đều không phải sự thật. Cái "sự thật" mà VTV đăng tải ở đây chỉ là một nửa sự thật. Và rồi những người tiêu thụ sản phẩm này của VTV sẽ nghĩ rằng mọi thứ chẳng có gì nghiêm trọng cả. Nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng khách quan, đáng ra họ phải đưa tin là có bao nhiêu đang sống trong tình cảnh này và thực hư của từng hộ là như thế nào. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Bạn không cần phải đến thực địa tại TP. HCM để biết rằng có người đã chết đói hay có người vẫn phải chịu đựng tình cảnh khó khăn này - điều đó là hiển nhiên xảy ra.
Hay cũng tương tự việc VTV đưa tin rằng “2 tuần thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm thiết yếu đã hoàn toàn không xảy ra như lo lắng của không ít người trước đó”.
Bài đăng trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Bài đăng trên trang Facebook Trung tâm tin tức VTV24
Đơn giản là nếu họ (VTV) không đi thực địa và không đưa tin về vấn đề này thì mọi thứ đều ổn, nhỉ? Nếu áp dụng cùng logic như thế, VTV có thể tự tin mà tuyên bố với cả thế giới rằng “Việt Nam không có người nào chịu cảnh nghèo đói vì trên Facebook không thấy ai như thế cả”.

Kết

Trên đây chỉ là những cách nhận diện fake news cơ bản nhất. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và từng chủ đề mà bạn có thể phát triển hệ thống tư duy để nhận biết tốt hơn. Hi vọng các bạn sẽ trở nên tỉnh táo hơn trước các nguồn tin, không để bản thân mắc bẫy trước những đối tượng muốn lợi dụng sự tin tưởng của các bạn.