Mình của tuổi trẻ chưa bao giờ nhận ra được lợi ích của việc học.
Như đa phần những bạn trẻ khác, đến trường từ năm 6 tuổi cho đến lúc 18 tuổi, và thậm chí khi đứng trước ngưỡng cửa Đại học, vẫn không biết rốt cuộc là mình học để làm gì.
Được hướng dẫn một cách may mắn, mình chọn vào một ngôi trường mà mình nghĩ đã giúp ích rất nhiều trong việc rèn dũa bản thân đến hiện tại.
Dưới góc nhìn của một người trẻ đã trải qua giai đoạn học phổ thông và Đại học ở tại Việt Nam, cũng có những áp lực và gặp rất nhiều vấn đề tương tự như rất nhiều học sinh, sinh viên khác, mình muốn viết để chia sẻ và nếu có thể, giúp đỡ một số các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào một kỳ thi quan trọng phía trước.

1. TẠI SAO CHÚNG TA THƯỜNG NGÁN PHẢI HỌC?

Thông thường ở Việt Nam, việc học thường đi ngược lại logic thông thường, là trẻ con được học trước khi biết việc học có chức năng gì.
Trong khi, thực tế việc biết mình cần gì và đi học thứ mình cần lại có tác dụng và tạo hiệu ứng hoàn toàn khác.
Nhưng cũng không phủ nhận, kiến thức nền tảng suốt 12 năm học giúp mình có một mức độ học vấn cơ bản để có thể dễ dàng tiếp thu được những gì mình sẽ học trong những năm sau đó.
Tuy nhiên, nếu được trở lại và kiếm soát quy trình học tập của mình, có lẽ mình sẽ có những hướng đi khác có lợi hơn với bản thân và tránh việc lãng phí thời gian vào những thứ bản thân không thực sự yêu thích.
Cũng giống như vậy, việc học trở nên có ích và tạo được động lực khi người học tự quyết định mình sẽ học gì và nó giúp ích được cho mục đích chính của người học.
Cũng đơn giản như việc một đứa bé muốn ghi lại hình ảnh của một cái cây thì bé sẽ đi học vẽ, thay vì học sinh học như bắt buộc.
Vậy nhưng, đa số các xã hội vận hành theo quy chuẩn, mà chúng ta lại có hàng triệu triệu con người với những khả năng và nhu cầu học vấn khác nhau, nên việc áp đặt chỉ một bộ khuôn cho vài triệu học sinh là một điều ít nhiều mang lại những hiệu ứng không mong muốn.
Chúng ta ngán học vì chúng ta không biết mình học để làm gì, hoặc không được học những gì bản thân thực sự yêu thích.

2. VẬY VIỆC HỌC CÓ CẦN THIẾT KHÔNG?

Câu trả lời tất nhiên là có.
Nguồn gốc cội rễ của một quốc gia thực ra là trình độ văn hóa của nó, chứ không phải là số tài nguyên thiên nhiên mà nó sở hữu.
Một núi vàng cũng có thể tan chảy nếu đưa vào tay những người không có kỹ năng sử dụng nó.
Và đó là điều đã xảy ra với rất nhiều dân tộc.
Vậy nên cách nhanh nhất để hạ gục một quốc gia từ bên trong chính là làm mục ruỗng cơ chế giáo dục của quốc gia đó và đưa vào những nền kiến thức sai lệch.
Về vấn đề này thì quyển KHUYẾN HỌC của Fukuzawa Yukichi thể hiện rất rõ ràng, mạch lạc và chân thực, và đó là lý do lịch sử đất nước của chúng ta từng phải hứng chịu những đợt thanh lọc tri thức dân tộc trong chiến tranh, nhằm nắm quyền điều khiển toàn bộ một quốc gia chỉ bằng sự thiếu kiến thức.
Nguồn: ghiensach.com
Nguồn: ghiensach.com
Chỉ đơn cử việc truyền tải thông tin về bảo vệ môi trường cho một cộng đồng không có nền tảng về khoa học và những điều xảy ra xung quanh rác thải cũng đã là một điều cực kỳ khó khăn.
Trong khi ở những nền giáo dục tiên tiến, kiến thức về môi trường được bắt đầu giáo dục từ những độ tuổi rất nhỏ.
Việc học là tối cần thiết và không ai có thể chối cãi lợi ích của việc học.

3. VẬY NÊN HỌC NHƯ THẾ NÀO?

Theo mình rút ra đến thời điểm hiện tại, thì có 2 loại kiến thức mà ai cũng cần có, một là kiến thức nền tảng và hai là kiến thức chuyên sâu.
Kiến thức nền tảng bao gồm ngôn ngữ, kỹ năng và những tri thức bổ trợ người học tiến lên tích lũy những kiến thức chuyên biệt hơn phù hợp với mục tiêu của mình.
Việc không xác định rõ được mục tiêu này từ lúc bắt đầu, theo mình nghĩ là do có một câu hỏi mà rất ít ai đặt cho trẻ con.
Đó là “Con thích học cái gì nhất?”.
Chưa kể đến việc họ có chấp nhận câu trả lời hay không.
Ở độ tuổi 18, ít ai có khả năng định hình rõ được con đường phía trước và những loại kiến thức mình cần để có thể chọn đúng nơi để học, và chưa kể phải vượt qua rào cản định kiến về giáo dục đã tồn tại trong xa hội từ rất lâu về trước.
Như việc nghe đến chữ “học nghề” thì lại không oách bằng học Đai học, mà vấn đề dung lượng, chất lượng và mục tiêu kiến thức thì rất ít được nhắc đến.
Đa phần phụ huynh chỉ quan tâm đến những từ khóa như “Đại học”, “Cao đẳng”, “Trường nghề” hoặc “Cử nhân”, “Kỹ sư”.
Ít ai quan tâm đến nội dung môn học hay những kiến thức được giảng dạy trong môi trường đó, và những hệ lụy xung quanh thì chắc hẳn đã được nói đến rất nhiều.
Mình tự cảm thấy may mắn vì được tự do chọn lựa trường học cũng như nghề nghiệp mình theo đuổi, dù cho đôi lúc việc giải thích từ “freelancer” cũng có vẻ hơi khó khăn và việc mình làm việc ở nhà cũng ít nhiều đặt ra câu hỏi.
Thời gian gần đây, do cần thiết phải bổ sung 1 loại kiến thức nhất định, mình phải tìm tòi thông tin qua nhiều khóa học và tự nhận ra trước đây mình chưa từng làm điều này, dù cho đây là quy trình tự nhiên và tối thiểu mà người học cần làm trước khi đầu tư vào việc học một cái gì đó.
Vậy nên, để học một cách hiệu quả, kể từ bước tiếp nhận kiến thức chuyên sâu, mình nghĩ người học cần có cho mình mục tiêu sau những khóa học đó. Mục tiêu thật sự thay vì bằng cấp hoặc những thứ chỉ có tính chất tượng hình.
Và để biết mình thiếu kiến thức gì, người học cần được thử và trải nghiệm từ những điều thích làm, có khả năng làm và dần dà đến việc đầu tư chuyên sâu cho việc học đó.
Trong một khóa học gần đây, mình được chia sẻ bởi người đứng lớp rằng, những học viên trẻ thường rất thiếu tích cực và trông uể oải hơn những học sinh lớn tuổi khác.
Điều đó hiển nhiên khi cùng một khóa học nhưng một bên là bắt buộc học hoặc được chọn lựa bởi người khác, còn một bên là đến để mang về câu trả lời cho vấn đề của mình.
---
Việc học không chỉ dừng trong 4 bức tường lớp học, mà còn mở rộng ra xã hội và ở những môi trường rất mới mẻ.
Đừng học để thỏa mãn bất kỳ ai ngoài chính mình.
Và đừng học nếu chưa biết rõ mình cần gì và mong muốn đạt được gì sau đó.
Nếu tìm được mục tiêu, bạn sẽ không còn thấy chán việc học nữa.