Truyện thì thường luôn đi trước. Phim sẽ theo sau. Thật là một thiếu sót lớn nếu một cuốn truyện mang tầm vóc kinh điển lại không được chuyển thành một bộ phim, và cũng sẽ rất thất vọng nếu bộ phim ấy không lột tả được hết cái sự kinh điển của câu chuyện.
Ai mê văn chương, hay chọn đọc các cuốn tiểu thuyết thì hầu như sau khi đọc đều sẽ mò vào xem phim, xem nó như thế nào, có đúng như mình kỳ vọng hay không. Hoặc một số theo chiều ngược lại, có thể xem phim xong rồi mới tìm truyện để đọc, để nghiền ngẫm ngôn từ mà các nhà đạo diễn dù có cố tới mấy, cũng không thể nào diễn tả cho hết.
Vì phim thường ăn theo truyện, nên truyện chắc chắn có một lợi thế nhất định hơn so với phim. Thứ gì là khởi nguồn đều sẽ bao trọn những nội dung trọng tâm nhất mà người ta tìm kiếm. Và ngôn từ thì luôn có hồn, người ta khó có thể tạo ra một tuyệt tác cho trần thế nếu cách hành văn của họ cũng hòa lẫn như bao ngòi bút khác.
Tôi xem Bố Già lần đầu vào đầu năm lớp 12, và thực sự thì tôi không thấy nó hay cho lắm. Tuy nhiên xem lại lần hai thì thật sự đúng là tuyệt tác, lại thấy mọi người khuyên nên đọc truyện, tôi lên Tiki đặt mua ngay một cuốn Bố Già, bản của dịch giả Ngọc Thứ Lang. Và như phần lớn mọi người, tôi thấy truyện hay hơn phim, rất nhiều.
Tuy nhiên nói vậy không phải để chỉ trích ekip làm phim đã không làm tốt, thực chất bộ phim đã trở thành một tượng đài của nền điện ảnh Hoa Kỳ và tên tuổi của các Marlon Brando, Al Pacino cũng vụt sáng, ẵm theo hàng loạt các giải thưởng lớn nhỏ. Nếu bạn chưa đọc hay xem thì tôi nghĩ bạn nên thử ngay đi, không cần nhiều lời với Bố Già nữa rồi, chính tôi còn đã phải đặt mua thêm 4 cuốn nữa cho trọn bộ của tác giả Mario Puzo sau khi đọc Bố Già, nên bạn chẳng có gì phải chần chừ nữa cả.
Số hiếm tác phẩm phim được đánh giá cao hơn là truyện, phần lớn các tác phẩm chuyển thể không thể sánh được với những gì mà cha đẻ của chúng đã nhào nặn ra thành câu từ. Một lí do đơn giản và quan trọng nhất mà có lẽ người yêu sách nào cũng nhận ra, đó chính là những cuốn sách cho ta quyền được tưởng tượng.
Đọc thì ta tưởng tượng cho chính mình, xem thì họ tưởng tượng giúp ta. Đọc là chủ động, xem là bị động. Người ta thường tìm phim sau khi đọc là vì muốn đối chiếu thứ được khắc họa trên màn ảnh có giống với thứ được họ nặn ra trong đầu khi đọc hay không.
Trôi theo dòng chảy của người chắp bút, ta được quyền tưởng tượng ra bất cứ cảnh vật nào, khung cảnh nào mà ta ưa thích. Sức mạnh của sự tưởng tượng nằm ở chỗ nó mang tính cá nhân rất mạnh, nó là độc nhất. Cùng là một đoạn văn, anh có thể tưởng tượng mọi thứ đang diễn ra xung quanh anh, theo cách riêng của anh; tôi cũng vậy, tôi mường tượng trong đầu mọi thứ đang xoay quanh tôi, quanh cuộc sống đời thường của tôi.
Văn chương thì không bao giờ là lỗi thời. Các nhà làm phim hay nhà viết sách suy cho cùng vẫn là làm vì lợi nhuận, vì vậy nên các tác phẩm được nhà làm phim lựa chọn để chuyển thể, ắt hẳn đều đã có một thành công nhất định và một dấu ấn trong lòng bạn đọc. Tất nhiên mọi thứ đều là 50-50, có tác phẩm chuyển thể sát như bản gốc, có tác phẩm thì lại thành bom xịt..
Cá nhân tôi là thuận kiểu đọc trước xem sau, phần nhiều là vậy. Đôi khi vì chưa có cơ hội đọc được cuốn sách đó nên đành xem phim tạm trước, điển hình là bộ Harry Potter của J.K.Rowling; vì không đủ tiền nên đành xem tạm phim, hứa chỉ xem phần 1 và 2 mà nhoáng cái đã cày xong cả bộ trong 3 ngày.. Vậy chứng tỏ bộ phim đã làm rất tốt nhiệm vụ có nó rồi đó chứ nhỉ, và tên tuổi của các diễn văn cũng như chính mẹ đẻ của bộ truyện lên một tầm cao mới dù trước đó bà cũng đã rất có tên tuổi trong giới nhà văn.
Xem xong rồi đọc cũng được, đọc rồi xem cũng được. Dù sao thì nếu cuốn sách khiến bạn phải mò lên Google tra phim, thì chắc hẳn bộ phim cũng xứng đáng để bạn click vào xem. Ta được quyền thất vọng nếu bộ phim không đáp ứng đúng kỳ vọng của ta, nếu nó dở thì bỏ khỏi xem lại lần thứ hai. Nhưng cuốn sách thì vẫn ở đó, nếu ta nhấc nó ra khỏi kệ và đọc lần thứ hai thì hẳn đó là một thành công của người viết trong việc chinh phục bạn, rồi thì trải nghiệm không tốt với bộ phim cũng sẽ tan như sương buổi sớm mai mà thôi.
Vì tôi chưa dư dả nhiều để sắm cho mình bất cứ cuốn gì mình thích, nên tôi thường chọn xem phim. Nhưng các tác phẩm kinh điển, những bộ truyện tuyệt tác thì tôi không thể nào mà ngó lơ, đôi khi còn tiếc ngùi ngụi khi mà truyện hay như vậy nhưng không có phim để mà xem.
Tổng kết lại mà nói thì, tốt nhất vẫn là nên kết hợp cả hai cách, vừa đọc vừa xem, tư duy ngôn từ kết hợp với tư duy hình ảnh sẽ góp phần làm phong phú thêm vốn hiểu biết của bạn, theo một cách mà bạn không ngờ tới.
Qua đây cũng xin chúc các bạn tìm đọc được những cuốn sách tốt, và xem được những thước phim hay ! Thân !
P/s : Nếu mọi người có nhu cầu thì mình sẽ viết riêng 1 bài về các tác phẩm đã được chuyển thể mà mọi người nên tìm đọc và xem phim. Chúc các bạn vui vẻ !
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất