Dù việc để căn hộ của mình lộn xộn trước giờ vẫn được xem như một một hành vi có chút gì đó rẻ rúng của chủ nhân căn hộ, nó dường như đang trở nên có chút gì đó khá “nghệ”.
Minimalism?
Mỗi lần về thăm nhà, tôi và mẹ thường trao đổi nhiều thứ. Bà thường nhắc tôi đá qua phòng ngủ của mình và xem có gì có thể bỏ đi được không. Lần nào cũng thế, tôi ậm ừ, rồi cuối cùng bỏ qua luôn việc đó. Tôi không rõ làm cách nào để có thể ngồi xuống và suy nghĩ xem cái gì nên giữ và cái gì nên bỏ trong trong ngăn tủ và những thùng các-tông chứa đầy những cuốn nhật kí thời cấp ba và những chiếc quần rách gối. Mẹ tôi cũng chẳng thể đưa ra bất cứ lời khuyên nào cả. Và rồi chúng tôi đồng ý “để mai tính”. Và cái “mai tính” đó sẽ là lần tiếp theo tôi trở lại Atlanta.
Lần đầu tiên chúng tôi làm một việc ngớ ngẩn như vậy là khoảng 16 năm trước, trước khi tôi lên đại học. Tôi thường châm chọc bà về việc chạn bát đĩa trong nhà có bao nhiêu là những hộp súp-đóng-hộp-giảm-giá; còn bà thì phản pháo bằng những chiếc CD tôi giấu ở mọi ngóc ngách trong nhà.  Bố tôi cũng thường góp phần vào đống hổ lốn ở nhà với những đò vật “thân thương” của ông: sách và giày chạy. Cho đến tận bây giờ, khi ở cách nhau tận 750 dặm, tôi và mẹ vẫn kể cho nhau những kỉ niệm đó qua điện thoại, hứa hẹn với nhau rằng sớm thôi, chúng tôi sẽ dọn dẹp lại căn hộ, hoặc ít nhất là sắp xếp lại cái tủ đông bừa bộn.  Và dù rằng những lời hứa ấy nghe khá ư là lươn lẹo, việc hoàn thành những lời hứa ấy nghe cũng ra gì và này nọ đấy chứ?
Ông bà ngoại tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ khi cuộc Đại Suy thoái ập đến. Khi mẹ lên lớp ba, ông qua đời, để lại bà một tay nuôi lớn mẹ. Vì vậy, việc một gia đình như chúng tôi gắn bó khăng khít cũng phần nào dễ hiểu. Bà ngoại coi gia đình này chẳng khác một bộ lạc là mấy. Bà gọi chúng tôi là “slopdinis” (một lũ nhếch nhác, nói lái từ sloppiness).
Trong khi phiên bản Houdini gốc là một huyền thoại trong việc trốn-thoát-không-để-lại-dấu-vết, chúng tôi là những huyền thoại trong việc để-lại-dấu-vết. Vì dù căn hộ của chúng tôi chưa bao giờ trở thành một-thứ-gì-đó bẩn thỉu, nó cũng chưa từng sạch sẽ. Chúng tôi thường giữ những cuốn tạp chí cũ - Sports Illustarted và  Southern Living - lâu hơn “một chút”. Và tủ quần áo của mỗi người cũng chẳng thiếu gì những bộ quần áo nhỏ (vì cũ) đến mức chỉ khi chúng tôi giảm cân, hoặc chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn (nên giảm cân) mới có thể mặc vừa.
Khi lớn lên, tôi liên tục chuyển từ căn hộ này sang căn hộ khác để theo đuổi thứ “thành công” mà mẹ đã chẳng bao giờ “với tới”. Tôi tự hứa với lòng sẽ hạn chế mua sắm, sẽ chỉ mua những thứ chất lượng, và chỉ mua khi đã có-đủ-tiền. Cũng như từ bỏ được thói quen cứng đầu và luôn-ôm-lấy-quá-khứ. Thấm thoát hơn một thế kỉ trôi qua, và tôi vẫn đang trên con đường thực hiện những “sứ mệnh cao cả” này. Dù tôi tự cảm thấy mình đã trở nên phần nào ngăn nắp hơn chư vị phụ huynh ở nhà, sự thật rằng ngăn kéo đựng tạp chí cũ của tôi vẫn đang tăng đều lại chỉ ra rằng tôi chỉ đang tự phụ với sự ngăn nắp tự huyễn.
Sau cùng, thói quen bừa bộn của chúng tôi vẫn ở đó như thể nó đã trở thành một phần di truyền trong mã gen. Vẫn chấp nhận được mà, nhỉ? Giờ đây, cũng giống như những người đủ may mắn để kiếm được một công việc tại gia trong suốt đợt đại dịch, tôi bỗng dưng có hàng tháng trời rảnh rỗi để sắp xếp lại những thứ tôi đã luôn cố tình trốn tránh. Nhưng thay vì cảm thấy áy náy vì những gì mình đã làm, tôi lại thấy thanh thản hơn cả. Ngay cả khi cơn đại dịch ập đến, thứ cảm giác bấp bênh nó mang lại lại trở nên quá đỗi thân thương.
Bản thân “lộn xộn” không phải là một thuật ngữ sinh ra trong xã hội người Mỹ̃̃̃̃. Trong khi các thế hệ Nữ hoàng Anh (Victorians) sống giữa một không gian được tô điểm bởi vô số tác phẩm nghệ thuật (một cách lộn xộn), người Mỹ lại cho phép sự lộn xộn xuất hiện trong đời sống theo những cách “thiếu tinh tế” hơn. Susan Strasser, tác giả cuốn Never Done: A History of American Housework, từng viết rằng “Trong khi cụ kị của chúng ta tích lũy dần dần những thứ họ sở hữu để chúng trở nên có giá trị, chúng ta lại vội bán đi bộ nội thất mà bà chúng ta để lại sau khi mất đi để sắm một bộ mới hơn từ IKEA”.
Sự chuyển đổi từ tích lũy tài sản sang chủ nghĩa tiêu thụ diễn ra giữa những năm 1880 và 1920, thời kì mà theo Strasser, đánh dấu “sự chuyển đổi mạnh mẽ trong các mối quan hệ trong một thế giới vật chất”. Trước đó, phần lớn của cải đều được sản xuất tại gia hoặc mua lại từ các thương lái, các thợ nghề địa phương hoặc các tiệm tạp hóa. Ngay khi vừa bước sang thế kỉ 20, với sự bùng nổ của ngành chế tạo và vận tải, nền kinh tế hàng hóa dần được tập tung hóa, tạo tiền đề không thể tốt hơn cho những nhà bán lẻ “tay to” định hình chủ nghĩa tiêu thụ mà ta vẫn thường thấy ngày nay.
Tuy vậy, chính chúng ta là những kẻ đã tiếp tay cho những nhà bán lẻ này trở nên lớn mạnh như vậy. Dù cho ta đã có đủ những thứ ta cần, ta vẫn luôn muốn mua thêm một-số-thứ-nữa. Trước cả khi chúng ta được tiếp cận thứ công nghệ giao-hàng-tận-tay-trong-vòng-48-tiếng chỉ với một nút bấm, đã có sẵn một “phát minh của thế kỉ” khiến chúng ta trở nên “rối bời” (mua hay không mua, không mua hay mua?) trong công cuộc mua sắm: hệ thống cửa hàng second-hand (đồ cũ). Strasser gọi chúng là “các quỹ từ thiện tự phong”, thứ đã hoàn toàn dẹp bỏ mọi cảm giác tội lỗi, vì người ta giờ đây có thể mua được cơ số món hời từ đó. Vì nếu việc cho đi những đồ vật không dùng đến là một hành động đầy tính nhân văn, tại sao ta không tự tạo ra những hành động nhân văn tương tự và “trang trí” cho chúng một chút?
Cùng với sự bùng nổ nhu cầu nhà ở, xu hướng tích lũy tài sản từ sau Thế chiến thứ 2 đã tạo điều kiện không thể tốt hơn để người ta có một cái cớ phù hợp để năm này qua năm khác thay mới những chiếc tủ đông/máy sấy quần áo/máy rửa bát đĩa (chưa-kịp-cũ) trong những căn hộ rộng rãi (chờ-được-làm-mới). Tới đầu những năm 70 của thế kỉ trước, những đứa trẻ không còn chịu bất cứ tác động gì từ cuộc Đại Suy thoái (giống như bố mẹ chúng) dần lớn lên và quen với sự xa xỉ của một thời đại mới. Strasser kể rằng cô nhớ như in lần cãi nhau với bạn cùng phòng về việc có nên vứt đi những tấm giấy bạc dùng một lần. Những tấm giấy bạc bố mẹ cô từng giữ lại để dùng hơn-một-lần. “Em thử nghĩ xem những gì chị và bạn chị từng được dạy có giúp bọn chị dùng một-cuộn-giấy-bạc-trong-suốt-bốn-năm-đại-học được không?” Cũng chính trong thập kỉ đó, thứ được gọi là “sự lộn xộn kiểu Mỹ” lần đầu được chỉ mặt đặt tên, và dần trở thành thứ “bất ổn văn hóa” ta vẫn thường thấy ngày nay.
Từ đó đến nay, người Mỹ đã và đang “trang hoàng” những căn hộ ngày-càng-to của họ với ngày-càng-nhiều thứ đồ trang trí (mà trước đó ông bà của họ khó mà tưởng tượng được), sinh ra từ những công nghệ chế tạo ngày-càng-rẻ, ngày-càng-tân-tiến, và các nền tảng mua sắm trực tuyến ngày-càng-nở-rộ. Một khảo sát năm 2019 đã chỉ ra rằng cứ mỗi một trong mười người Mỹ sẽ thuê thêm không gian để đồ. Chúng tôi còn có riêng một loạt chương trình truyền hình để kể về những câu chuyện của những người nhếch-nhác-có-chủ-ý (pathological clutterbugs) và những nỗi đau ẩn giấu sau hành vi này.
Trong suốt 30 năm qua, tôi đã chứng kiến cái cách mẹ bị giằng xé trong việc cân nhắc nên giữ hay nên bỏ mọi thứ. Rồi bà thường quyết định giữ chúng lại, vì bà biết rõ hơn ai hết: khó khăn sẽ ập đến trước cả khi ta kịp nhận ra. Bà mua nhiều thứ về nhà, một phần vì việc mua sắm đang dần trở thành một thú tiêu khiền trong nền kinh tế tiêu thụ kiểu Mỹ, một phần vì đó là cách để người Mỹ cho cả thế giới thấy rằng: chúng tôi vẫn đang trên đỉnh của thành công, và nền kinh tế này đang ổn hơn bao giờ hết. Tuy vậy, nhiều giáo sư tâm lý học đã chỉ ra rằng việc giữ lại quá nhiều thứ trong căn hộ của mình giúp lấn át phần nào những nỗi lo sợ mất mát, kinh tế bấp bênh, hay thậm chí cách người khác đánh giá chúng ta, lấn át cả thứ cảm giác tội-lỗi-vì-bừa-bộn.
Dù rằng việc có-nhiều-tài-sản (một cách lộn xộn) nghe có chút gì đó khá “sang”, sự lộn xộn này thường xuất hiện trong những gia đình tầng lớp lao động Mỹ, nơi bóng ma của sự đói nghèo luôn hiển hiện. Dường như việc có nhiều thứ trong nhà đã khiến những con người đó trở nên nguôi ngoai phần nào. Sau cùng, dù cho việc những căn hộ lộn xộn đã trở nên “quá đỗi thân thương”, người Mỹ vẫn không coi đó như một phần tất yếu trong nền văn hóa (hàng đầu thế giới) của họ. Họ khó mà chấp nhận sự thật rằng thiếu thứ cảm giác này, mọi thứ sẽ khó khăn nhường nào.
Rồi cơn bão ập đến. Như mọi khi. Không báo trước. Sau vài tuần cách ly xã hội do ảnh hưởng của virus corona, tôi nhận được email từ một độc giả. Anh đã dọn dẹp căn họ của mình theo chỉ dẫn của Marie Kondo (một người dẫn chương trình truyền hình dọn dẹp siêu-siêu-nổi-tiếng). Tuy vậy, anh lại email cho tôi để hỏi xem có bất cứ độc giả nào khác hối hận vì đã-dọn-dẹp không. Anh đã cực kì hài lòng với căn hộ sạch sẽ của mình, trước khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ chuyển biến xấu. Trong hoàn cảnh đó, cả gia đình đã cuống cuồng đi tìm lại những bộ board game (trò chơi trên bàn) và những bộ đồ mặc ở nhà họ từng cho đi khi chúng dần chiếm nhiều chỗ trong nhà hơn, còn họ thì quá bận để xem xét nên giữ lại hay bỏ đi từng thứ một.
Dù cho việc giữ căn hộ của chúng ta gọn gàng đem lại nhiều lợi ích, việc này bỗng trở nên vô nghĩa khi ta bị buộc thôi việc, còn nền kinh tế thì quá tải. Trong suốt nhiều thập kỉ, nền kinh tế đứng đầu thế giới đã luôn khuyến khích chủ nghĩa tiêu thụ toàn-dân (trừ những tầng lớp quá nghèo để có thể chi trả). Cuộc vui tưởng chừng như đã chẳng bao giờ đi đến hồi kết. Cho đến khi cơn đại dịch đưa nó đến hồi kết. Dù vậy, vẫn có những trường hợp đi ngược lại thứ “xu thế” lộn xộn này, điển hình như Kim Kardashian với một căn hộ trông chẳng khác một cái lăng là mấy (cô theo chủ nghĩa tối giản), hay cái cách căn hộ trong Ký sinh trùng (đi ngược lại chủ nghĩa tư bản) được trang trí quá đỗi đơn sơ. Việc theo đuổi sự hoàn hảo trong căn hộ của mỗi chúng ta dường như chỉ dành cho những người chẳng bao giờ phải lo nghĩ về cơm ăn áo mặc trong tương lai. Và chủ nghĩa tiêu thụ đã khiến quá nhiều người tưởng rằng họ nằm trong số đó.
Thứ lộn xộn vẫn luôn chờ đợi để lên ngôi giờ không còn vẻ gì của một thứ thói quen quá ư “suy đồi đạo đức”. Cả thế giới đang sống trong tương lai mà chúng tôi đã luôn mơ tưởng tới, nơi mà những hộp spaghetti ăn liền và những bộ quần áo cũ trở thành những thứ tốt nhất mà những người ở tầng lớp bình dân có thể trông cậy vào. Tôi đã “đấu tranh” cho thứ lí tưởng này suốt 30 năm qua. Và tôi phải công nhận lí tưởng của mẹ: Đây là thời của sự nhếch nhác.
Đây là bài dịch từ một bài viết trên The Atlantic của tác giả Amanda Mull. Bài dịch có thể còn nhiều thiếu sót. Cảm ơn các bạn vì đã đọc.