Gần đây Phương có đọc một cuốn sách: "Bạn đo lường cuộc sống như thế nào" – của Clayten Christensen. Ông đã tốt nghiệp Harvard và mỗi 5 năm, sẽ có một buổi họp lớp. 
Trong 5 năm đầu tiên, buổi họp rất đông đủ, mọi người trông đều cực kì thành công: họ làm ở những công ty lớn, mở doanh nghiệp riêng, tìm được những người bạn đời hoàn hảo. Thế nhưng, 5 năm sau, buổi họp lớp vắng vẻ đi rất nhiều, lí do của sự biến mất này là do, những người bạn học, mặc dù đang ở đỉnh cao của danh vọng, đời tư của họ không hề hành phúc. Có những người đã li dị, hoặc không nói chuyện với con cái trong nhiều chục năm. Tác giả cho rằng đây là hiện tượng “midlife – crisis” bình thường cho đến khi một trong những người xuất sắc nhất của khóa đi tù sau một scandal.
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao những con người xuất sắc, nhân cách tử tế, và hết sức thành công về sự nghiệp, tiền tài lại kết thúc không hề hạnh phúc?
Cuốn sách là một nghiên cứu với những lý thuyết rất công phu, nhưng Phương ngay khi đọc tại đây, đã có lí giải một cách giản đơn cho câu hỏi ấy từ chính trải nghiệm của mình.
Ngày trước khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, mong muốn đi Mỹ quá lớn, mình nghĩ rằng chỉ đơn giản là chạm tay được đến “American Dream” là cuộc đời mình thế là thỏa mãn. Rồi đến khi sang đây, xa nhà, nhiều khi việc học, việc duy trì start-up rất áp lực mà không có bố mẹ - người chăm nom, yêu thương mình vô điều kiện, lúc nào cũng ở bên mấy chục năm nay, mình nhiều lúc cũng căng thẳng tới rớt nước mắt.
Mình bắt đầu ngồi xuống và lí giải những giây phúc hạnh phúc nhất. Mình chợt nhận ra hạnh phúc của mình không chỉ bao gồm một thứ. Để cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn, được học tập ở Mỹ thôi chưa đủ. Hạnh phúc của mình cấu thành bởi thật nhiều yếu tố: được học tập ở Mỹ, được ở bên cạnh chồng mình, được bố mẹ quan tâm, được giúp người trẻ thông qua Scholarship EZ, v.v Hạnh phúc được cấu thành bởi nhiều yếu tố, và vì vậy, nó phải được đo lường bằng nhiều đơn vị. Nhiều tiền cũng có thể là một yếu tố, nhưng đôi khi còn là nhiều những giây phút chất lượng bên bố mẹ, nhiều lời yêu thương trao gửi cho chồng, nhiều những người trẻ nhận được sự hỗ trợ và thành công, v.v
Cách đo lường hạnh phúc trong cuộc sống của bạn là gì?
Nếu vượt qua một ngưỡng nhất định, khi có nhiều tiền hơn mà cuộc sống không hạnh phúc hơn thì mục đích kiếm tiền nhiều hơn của bạn lúc đó là gì?
Nhiều bài báo đã viết, nếu thu nhập trên $80,000/ năm thì độ tăng lên của tiền không tỉ lệ thuận với độ hạnh phúc. Mình đã từng không thể hiểu tại sao lại như vậy. Cho đến một thời điểm, 1 tuần có 7 ngày thì mình khóc nức nở triền miên 5 ngày. Lúc đó mình mới thấm thía và hiểu dần tại sao Kate Spade tự sát để lại tài sản 50 triệu đô, cô ca sĩ Hàn quốc tự tử khi ở đỉnh cao danh vọng, bỏ lại 18 triệu đô. Mình hiểu tại sao khi mức thu nhập hơn 80.000USD/năm thì nhiều tiền cũng ko khiến mình hạnh phúc hơn
Có rất nhiều mục đích để kiếm tiền nhiều hơn trong khi tiền không còn giúp mình hạnh phúc hơn. Với mình, những mục đích đó là sự thành công của tổ chức mình gây dựng; là trách nhiệm đối với hệ thống nhiều nhân viên dựa vào mình để có thêm thu nhập cho cuộc sống của họ; là thái độ muốn hoàn thiện bản thân, ngày hôm nay việc mình làm phải tốt hơn việc hôm qua. Khi bạn có nhiều tiền, bạn không thể nói là "ô vậy mình chỉ cần giữ mức lương thế thôi, kiếm thêm làm gì", mà là khi bạn dừng chân tại chỗ thì có nghĩa là sự thành công của tổ chức của bạn đang tụt hậu. Kiếm nhiều tiền hơn không giúp bạn hạnh phúc hơn, nhưng nhìn thấy đứa con tinh thần của mình đang giậm chân tại chỗ là cảm giác rất tiêu cực, đặc biệt với những người có chí tiến thủ như mình.
Những người làm việc chăm chỉ  chưa chắc đã có thu nhập cao. Nhưng những người có thu nhập cao thì chắc chắn họ làm việc chăm chỉ, và có nhiều động lực thúc đẩy họ làm việc hơn là tiền. Không phải ai cố gắng làm việc tốt cũng là để kiếm nhiều tiền (là chính). Động lực để họ làm việc chăm chỉ có thể đến từ danh tiếng cá nhân (được coi trọng, nể phục), phát triển bản thân (đẩy xa giới hạn bản thân), sự ổn định trong công việc, nguyện vọng đóng góp cho cộng đồng, hay để cho đứa con tinh thần của họ ngày càng thành công.
Nếu quá tập trung vào một yếu tố và chỉ đo lường cuộc sống bằng duy nhất một yếu tố, nhiều khả năng bạn sẽ bỏ lỡ các yếu tố khác. Ví dụ như người bạn học đi tù của tác giả Christensen, có thể ông ta đã dùng yếu tố duy nhất là tiền bạc để đo lường cuộc sống, vì vậy ông ta đã làm mọi cách để tăng chỉ số tiền bạc mà không quan tâm rằng, sống trong sạch, liêm chính cũng là một yếu tố quan trọng. 
Nhưng nếu thiếu tiền bạc, chúng ta lại thiếu mất một yếu tố rất quan trọng. Tiền bạc là phương tiện thiết yếu trong cuộc sống, nếu không có tiền, chúng ta không thể nuôi sống chăm lo cho những người thân yêu, các chỉ số hạnh phúc khác về người thân cũng từ đó mà giảm xuống.
Vì vậy Phương đã thực sự ngồi xuống, viết ra những yếu tố quan trọng nhất làm nên hạnh phúc của mình. Mình biết chúng chả giống ai, nhưng điều đó là tự nhiên, vì con người là thực thể rất phức tạp, mấy tỉ con người đều hạnh phúc bởi những điều giống nhau là điều không thể. Phương sẽ tập trung cân bằng, tăng chỉ số những yếu tố đó để tăng hạnh phúc cho cuộc sống của mình.
 Mỗi lần nhìn thấy ai đó thật thành công, mình không cảm thấy áp lực nữa, mình vui cho họ vì họ tăng được chỉ số hạnh phúc của cuộc đời họ. Bản thân mình cũng đang rất thành công trong việc tăng cường những việc làm mình hạnh phúc, vì vậy chẳng có lí do gì mình phải trở nên giống người khác.
Vậy những chỉ số nào của mọi người biểu thị mức độ hạnh phúc? Số tiền lương bạn kiếm được? Số thời gian bên bạn bè, người thân? Số giờ làm việc hăng say hết mình? Hãy cùng chia sẻ để thấy rằng ai cũng có những định nghĩa rất khác nhau về hạnh phúc nhé!