Ngày nhỏ đứa trẻ nào cũng thích cái bóng của mình. Ta đùa giỡn với chính chiếc bóng của bản thân, cười khanh khách khi nhìn xuống đường và cố gắng chạy thật nhanh để đi qua chiếc bóng. Hiển nhiên là không chạy qua được, nhưng chúng ta chẳng buồn đau, chúng ta vui vì có một chiếc bóng to lớn đi cùng, như một người bộ hành trên con đường lớn lên.

Nhưng khi lớn lên rồi, con người ta lại bội bạc. Chúng ta dần quên đi “người bạn” thuở nhỏ, để gặp gỡ nhiều người bạn hơn nữa. Nhưng rồi ta chợt nhận ra, những người bạn đó dần không thể mang lại cho bạn cảm giác đồng hành như chiếc bóng thuở nhỏ, họ là những chiếc bóng to hơn, mạnh hơn, nuốt chửng ta trong những cảm xúc khủng hoảng chơi vơi, và chẳng để ta có động lực chạy vượt qua nữa.

Người trẻ chúng ta, như rất nhiều thế hệ khác, đều mang trong mình rất nhiều nhiệt huyết và ước mơ tạo nên những điều vĩ đại. Trong xã hội số khi mà con người được tiếp cận kiến thức và giao lưu hội nhập một cách rộng mở thì những khát khao càng trở nên to lớn. Song trong quá trình lớn lên và tìm ra bản ngã của bản thân, chúng ta thường sống dựa vào hệ giá trị những nhóm mà mình tham gia, vì vậy chúng ta cũng điều chỉnh hành vi và suy nghĩ cho phù hợp với phần đa những người đồng lứa tuổi với mình. Hơn nữa ta vốn được nuôi dạy trong nền văn hóa Á Đông coi trọng chủ nghĩa tập thể (collectivism). Từ đó hình thành nên một “cái bóng” lớn mà đa phần người trẻ hay gặp phải - Cái bóng từ bạn bè cùng trang lứa – Peer pressure.

Một cuộc khảo sát đã được thực hiện với sự tham gia của 50 học sinh từ Việt Nam, Anh Quốc, Hồng Kông và Nga. Độ tuổi của những học sinh này giao động từ 14 tới 19 tuổi. Khi được hỏi có bao giờ gặp phải áp lực từ những người đồng lứa không, 63.3% trả lời là có. 
Thực ra, việc xuất hiện áp lực đồng trang lứa đã xuất hiện từ khi ta còn nhỏ, khi ta bắt đầu so sánh điểm số của bản thân với những người khác và nhìn nhận bản thân yếu kém chỉ vì điều này. Nhưng vì điểm số chưa hề phân cấp chúng ta thành những giai tầng trong xã hội, điểm số cũng chưa quyết định ta giàu hay nghèo, nên chúng ta thường không dằn vặt quá lâu. Và rồi đến một độ tuổi nào đó, khi ta rời xa những con điểm thông thường và ngước nhìn lên “thành tựu” thật sự của những người bên cạnh, ta bỗng cảm thấy những người xung quanh dường như ai cũng có những thành công nhất định, còn mình thì chẳng có gì cả.

Thế kỷ 21 chứng kiến sự phát triển của những con người vượt bậc, họ thông minh tài giỏi và khát vọng thay đổi thế giới từ khi còn rất trẻ. Nhìn ra thế giới, ta thấy Emma Watson đã trở thành diễn viên nổi tiếng từ khi cô mới 11 tuổi và có trong tay 60 triệu đô la khi mới 27 tuổi. Mark Zuckerberg đã tạo ra Facebook khi còn đang ở trong ký túc xá trường Harvard. Vượt qua những sự khó khăn, Evan Spiegel đã sáng lập Snapchat khi 21 tuổi, đưa công ty của bản thân định giá 2,1 tỷ USD khi 25 tuổi. Sơn Tùng - chàng ca sĩ sinh năm 1994 của Việt Nam nổi lên như một hiện tượng với hit đầu tiên Cơn mưa ngang qua khi mới là chàng trai tuổi 17. Nhìn gần lại, bạn cùng lớp đã làm thực tập sinh cho tập đoàn lớn ngay từ năm nhất, bạn cùng câu lạc bộ đã đạt giải vàng cuộc thi sáng tạo khi mới năm ba, bạn “chơi vui vui” ra trường đã làm cho doanh nghiệp nước ngoài lương tháng mấy nghìn đô, bạn cấp 3 lại startup tự làm chủ doanh nghiệp, hay bạn cùng phòng đã lập gia đình và dọn đi. Chúng ta nhìn lại mình và thấy chẳng làm được gì nhiều với những gì xã hội đặt ra với độ tuổi của mình. Hàng ngày chỉ đi học về nhà, lớn lên có công việc đủ sống, vẫn độc thân trong cái tuổi đáng-lẽ đã phải lập ra gia đình và vẫn đang nghĩ xem “Ngày mai ăn gì” thay vì những điều vĩ đại khác. Ta dằn vặt bản thân bằng những điều tiêu cực, và tự ti rằng ta là người vô dụng và chẳng làm được gì cả. Ta bắt đầu mông lung về con đường mà mình đang đi và tự đặt ra câu hỏi vì sao cho số phận của mình, và rồi bước vào Khủng hoảng nửa phần tư cuộc đời (Quarter-life crisis). 




Đôi khi tôi cũng khủng hoảng, là khi một ngày tỉnh dậy cảm thấy mình chẳng làm được gì cho đời cả. Tôi thường nằm ngửa mặt lên trần nhà và ngẫm nghĩ. Có lần tôi tâm sự chuyện này với một người anh. Anh cười bảo, cứ cố gắng hết mình vì bản thân, đâu rồi sẽ có đó. Có chênh vênh và không an ổn mới thử thách ta ở mức cao nhất. Anh kể rằng bạn anh, cũng từng đạt nhiều giải thưởng cho sinh viên, đặt mục tiêu làm trong Big4 ngành tài chính sau khi ra trường. Và làm được thật, nhưng rồi sau 2-3 năm, người bạn của anh tôi bỏ ngang, vì cảm thấy không hạnh phúc, và quyết định về nhà mở một nông trại trồng rau nuôi gà sống đời an nhiên tự tại. Điều đó có thể thấy rằng, ta có thể thấy họ thành công. Nhưng thực chất chỉ người trong cuộc mới hiểu thành công thực sự là gì. Họ đạt được nhiều thành tựu, nhưng trong sâu thẳm vẫn khủng hoảng, vẫn đau khổ.  

Chuẩn mực xã hội Việt Nam đã lấy độ tuổi để đo những thành tựu phải làm, lấy nhà cửa, tài sản, của cải và hôn nhân như một thước đo đánh giá thành công của một người chứ ít ai nhìn nhận qua lòng dũng cảm, sự chăm chỉ và nhiệt huyết của ta. Đó là lý do tại sao trong những dịp Tết đến, người lớn chỉ băn khoăn hỏi xem lương tháng của ta bao nhiêu, có xe chưa, có nhà chưa, và rằng đã bằng này tuổi rồi thì đã lập gia đình chưa đấy mà hiếm khi hỏi ta có hạnh phúc không, có vui không. Và người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung, cứ chạy theo những chuẩn mực không đầu không cuối. Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng lên mà ta đã vội lao theo những việc mà xã hội quy định tuổi đó phải làm.




Có người bảo rằng áp lực đồng trang lứa sẽ tốt, bởi nó sẽ tạo cho ta một động lực và làm được những điều tưởng chừng ta không làm được.. Nó giúp mình bộc lộ tài năng và điểm nhìn mới trước tất cả vấn đề.
Có thật sự đúng như vậy không?
Có. Rõ ràng là sẽ có.

Tôi vốn không phải người quá nổi bật trong đám đông, và cũng không dễ liên kết với đám đông. Trong một sự kiện mà tôi tham gia, ban tổ chức sẽ có đến khoảng 100 người, nên chỉ có những ai làm việc cùng mới thường thân thiết và biết tôi là ai. Những người còn lại, phần vì cảm thấy không quen biết, phần vì không làm việc cùng, họ thường chưa nói chuyện với tôi bao giờ. Lần đó tôi ở vị trí lãnh đạo, và điều đó hoàn toàn không tốt. Ngược lại với tôi, bạn cùng làm kết nối với mọi người rất tốt, ai cũng biết và yêu quý bạn, khi nói chuyện thực sự rất thân quen. Lúc đó tôi có phần tự ti về mình, và quyết tâm phải làm được như người bạn đó.

Trong sự kiện sau đó, tôi đã cố hết sức làm quen với tất cả mọi người. Họ cũng yêu quý tôi đấy. Nhưng cái cảm giác mãn nguyện khi có nhiều người biết tới mình một thời gian sau đã vội vàng được thay thế bằng nỗi buồn bã với những mối quan hệ “chỉ để cho có”, hời hợt và mờ nhạt. Tôi là người coi trọng những mối quan hệ gần gũi, nên tôi nhận ra mình không phù hợp cho những mối quan hệ “giao lưu” lúc đó. Ngẫm lại thì tôi đã sai, vì tôi đã lấy thành công của người khác ra để làm chuẩn mực cho mình.

Sau việc đó, tôi hiểu ra rằng động lực đến từ áp lực đồng trang lứa là có, nhưng nó không mang tính bền vững và càng khiến chúng ta hạ thấp mình, không trân trọng và nhìn nhận những giá trị vốn có của bản thân. Thành công theo chuẩn mực xã hội có thể làm ta giàu có về tiền bạc hay mối quan hệ, nhưng không làm ta giàu có về tâm hồn. So sánh với những người đồng trang lứa cũng không phải là cách tốt nhất để ta phát triển bản thân.Ta cứ cố gắng theo cách của riêng mình, và thành công theo cách của riêng mình. Người thấy áp lực vội chạy mới là người đáng buồn, còn một khi ta đã cố gắng hết sức vì chính ta, vậy là ta luôn là người chiến thắng. Nếu mục tiêu của ta là sống ngay thẳng, thì khi ta từ chối những cám dỗ, dù biết nếu theo thì có thể đưa ta thăng chức và giàu có hơn, là khi ta đã thành công. Nếu mục tiêu của bạn là khám phá thế giới này, thì đi du lịch bụi qua nhiều đất nước khác nhau cũng đã thực sự sống theo ước nguyện rồi. Thời gian cũng không phải là vấn đề, hãy cho phép bản thân mình được sống, khát khao, và thành công khi đã đủ trải nghiệm, khi đã thấy bản thân sẵn sàng.
Có một câu nói này mà tôi rất thích:
"Trên đời này có 3 việc: Việc của bản thân, việc của người khác, việc của ông trời
Chúng ta thường buồn phiền vì: Quên mất việc bản thân, xen vào việc của người khác và lo lắng việc của ông trời
Muốn vui vẻ rất đơn giản, chỉ cần: Làm tốt việc của bản thân, đừng xen vào việc của người khác và đừng nghĩ về việc của ông trời."
Đừng sợ hãi, hãy thấu những nỗi lo và đứng dậy bằng sự dũng cảm của tuổi trẻ.