Cafe Cha Chú
Đến từ Đà Lạt, tuổi thơ của mình gắn liền với những ký ức đặc trưng của nơi đây. Những ngày trôi qua rất chậm, những buổi sáng đi học...
Đến từ Đà Lạt, tuổi thơ của mình gắn liền với những ký ức đặc trưng của nơi đây. Những ngày trôi qua rất chậm, những buổi sáng đi học chìm trong sương, những con dốc thẳng đứng kết nối các con đường, người ta lúc nào cũng dày cộm áo khoác, mấy ông già ngồi sát nhau rôm rả hai bên những con đường nhỏ. Tuy nhiên, hình ảnh đặc biệt hơn cả trong ký ức của mình là những ly cà phê. Đó là loại cafe rang tẩm đã lỗi thời được pha bằng vợt hoặc phin. Đựng trong những ly thủy tinh kiểu Tiệp nhỏ nhắn, luôn được hấp nóng trong nồi hơi trước khi đem ra cho khách. Và không thể thiếu một ấm nhôm đựng trà ấm, chỉ lưng lửng nữa bình nhưng cũng đủ để khiến người uống nhâm nhi hết buổi.
Với đặc điểm địa lý đặc thù có độ cao phù hợp, Đà Lạt trở thành nơi quan trọng trong việc phát triển giống hạt Arabica, nguyên liệu chủ yếu của những quán cafe Ý và Specialty. Và Đà Lạt vô tình bước vào giai đoạn chuyển mình, nhiều quán cafe mới mọc lên như dọn chỗ sẵn cho xu hướng du lịch Đà Lạt nở rộ. Bị cuốn vào xu hướng đó, và cũng bởi là một đứa hay là cà, mình bị mê hoặc bởi những hương vị mới, đồng thời cũng quên mất rằng đã từng có một loại cafe thật đậm và đắng đã gắn bó cả tuổi thơ. Đã có những lúc, bằng sự ngu dốt và định kiến, mình còn đánh đồng thứ cafe rang tẩm cũ kĩ ấy với cafe bẩn. Huhu.
Đà Lạt lại một đông hơn và thay đổi nhiều hơn. Cái không khí ở đây đã rất khác, đã nhộn nhịp hơn hẳn những gì hiện hữu trong tuổi thơ mà mình nhớ. Thành phố thay đổi nhanh quá, nhiều người lạ đến đây quá. Thành Bưởi chạy hết công xuất, mở rộng gấp vài ba lần rồi mà sao vẫn thấy chưa chở hết người lên đây.
Thời gian giãn cách xã hội vì Covid đã vô tình mang lại một nhịp nghỉ cho Đà Lạt. Những quán cafe máy vốn phục vụ cho khách du lịch và đám trẻ đều tạm ngưng đón khách. Mình vô tình để ý đến một không gian rất thú vị. Một quán cafe màu hồng nằm giữa trung tâm thành phố. Chỉ mở Quán không có wifi, không nhạc, không nhà vệ sinh, không có cả tên. Khách đến quán là những ông già đã quá quen mặt nhau, mỗi người ngồi một bàn, cách nhau 2m, nói chuyện rôm rả. Ông bà Phan chủ quán nay đã gần 80, trung thành với cafe vợt sao tẩm cũ kĩ đặc trưng. Những yếu tố tưởng chừng như không thể nằm ở trung tâm một thành phố du lịch nổi tiếng, ấy vậy mà đã nằm ở đó hơn 30 năm.
Trải qua nhiều cuộc bể dâu của thời cuộc, những ông cụ ở đây là những người chứng kiến rõ ràng nhất sự thay đổi của thành phố. Đến quán, mình được đón tiếp như con cháu, qua những câu chuyện về đủ thứ trên đời quanh ly cafe, mình biết về một Đà Lạt đã từng như thế nào, nhớ về những thứ ở tuổi thơ mà mình vô tình bỏ quên trong nhịp sống hằng ngày. Và cũng thật ân hận về những định kiến bậy bạ ngày xưa.
Mấy ông cụ ở đây hay nói về chuyện sức khỏe với nhau. Ông Phan nay đã gần 80. Kinh doanh cafe không thể có tiền bằng việc cho thuê mặt bằng. Những ông cụ, những ly cà phê này đâu đó sẽ dần được thay bằng những quán cafe máy bàn rộng trần cao hợp thời. Cafe rang tẩm sẽ được thay bằng cafe máy nguyên chất xịn xò. Là một người trẻ, mình biết ơn khi nhìn thấy dòng chảy cuộc sống làm quê hương tốt đẹp lên, nhưng cũng tiếc nuối vô cùng khi thấy những thứ từng là tâm hồn đang dần mất đi.
Cafe cha chú là một cách gọi thân thương mà mình muốn lưu giữ lại. Về cafe, và cả không khí ấm áp thân thuộc ấy.
TP HCM, 11/2020
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất