Mãi cho đến khi gặp người bạn trai nước ngoài đầu tiên, mình mới nhận ra sự khác biệt văn hóa không chỉ nằm ở những đặc điểm nổi trên bề mặt như ngôn ngữ, thói quen và tư tưởng. Khi đi sâu xuống lớp băng chìm, ta sẽ nhìn ra có 1 thứ gọi là “collective trauma” – những chấn thương tâm lý mà 1 nhóm người hay 1 cộng đồng cùng chia sẻ. Lần đầu tìm hiểu khái niệm này, mình nghĩ ngay tới thế hệ bố mẹ mình, thế hệ những người Việt từng trưởng thành trong đói nghèo, bom đạn và cách họ nuôi dạy thế hệ những người trẻ như mình, lớn lên trong hòa bình và đầy đủ nhưng mắc kẹt trong sự thiếu thốn về tinh thần, tình cảm.
Điều này có liên quan gì đến cách chúng ta yêu? Nếu bạn từng tự hỏi: tại sao chúng ta lại yêu theo cách chúng ta yêu? Chỉ cần nhìn cách bố mẹ mình yêu nhau và yêu con cái, bạn sẽ luôn có câu trả lời. Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái dù khác xa với những cảm xúc lãng mạn, nó vẫn là sự kết nối mạnh mẽ, quen thuộc và riêng tư nhất mà chúng ta trải nghiệm trong đời. Và dù muốn hay không, nó mang sức ảnh hưởng lớn tới cách chúng ta thể hiện bản thân trong những mối quan hệ tương lai. Điều này giúp mình lí giải tại sao khi những người bạn trai nước ngoài của mình có thể thoải mái bộc lộ tình cảm thật dễ dàng thì mình loay hoay không thể nói tròn câu “Em yêu anh hơn tất cả mọi thứ trên đời” bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Nó nghe thật sến sẩm, giả tạo và thiếu thực tế.
Chúng ta chỉ có thể yêu theo cách duy nhất mà mình biết. Và bố mẹ cũng vậy. Nếu nói hầu hết chúng ta không được yêu thương đúng nghĩa có là sai? Có lẽ 1 cách nói dễ chấp nhận hơn là chúng ta chưa bao giờ được dạy rằng yêu thương không chỉ có 1 bộ mặt. Mình may mắn được sinh ra trong một hoàn cảnh đầy đủ và gia đình không nhiều sóng gió. Nhưng từ bé mình vẫn luôn phải học cách dịch ngôn ngữ tình yêu của bố mẹ. Mình phải tự hiểu những điều như khi bố mắng mỏ hay nhắc nhở nghiêm khắc nghĩa là bố thương mình, hoặc khi mẹ ép mình ăn nhiều hoa quả hay cho tiền tiêu vặt nghĩa là mẹ yêu mình. Không có những cái ôm siết chặt, những nụ hôn và những lời khẳng định “bố mẹ yêu con nhiều lắm!”. Họ chỉ có thể yêu mình theo cách duy nhất mà họ từng được nhận, gián tiếp và thực tế, chỉ cần tình yêu đó đảm bảo rằng mình có 1 cuộc sống ấm no và không đói kém.
Những mối quan hệ của mình trước đây đều khá nông cạn và thiếu đi kết nối sâu sắc về tâm hồn. Bởi để có thể kết nối, người ta bắt buộc phải mở lòng thật thà với bản thân và dám đặt mình vào vị trí sẵn sàng chịu tổn thương. Mình không thể đơn giản chỉ giải thích với họ (bằng lời nói thay vì tin nhắn): “Em thấy mình được yêu nhất khi anh…” hoặc “Nghe này, em đang thật sự bị tổn thương và không biết phải đối diện với nó thế nào” (thay vào đó, em im lặng về lí do vì sao em im lặng, điều này nghe thật quen thuộc phải không?). Trong đời mình cho tới thời điểm đó, chưa ai từng trở thành 1 ví dụ cho việc đối mặt với những cảm xúc và giao tiếp chúng. Những bạn trai người Việt của mình dường như cũng có những vấn đề tương tự.
Khi bố mẹ chúng ta tránh né nói về cảm xúc, chúng ta cũng học được cách che giấu những cảm xúc thật của mình và trở nên vụng về khi bắt buộc phải giải thích về chúng. Chúng ta chọn đi 1 đường vòng dài để cho đối phương biết là họ khiến ta thấy được trân trọng hay làm ta bị tổn thương. Bởi bao giờ chọn lựa những gì quen thuộc dù gây khó chịu một chút vẫn luôn dễ dàng hơn những gì mà ta chưa từng biết tới. Điều đó áp dụng cả khi bố mẹ hầu như không bao giờ nói “Con thật là tuyệt vời!”, “Bố mẹ thực sự tự hào vì con” hay “Bố mẹ xin lỗi vì đã nặng lời với con”, “Cảm ơn sự giúp đỡ của con”. Và rồi chúng ta lớn lên, luôn luôn hoài nghi bản thân, thấy rằng mình không bao giờ đủ và chỉ có giá trị khi nhận được sự công nhận từ gia đình/xã hội. Chúng ta chối bỏ bản thân, học những gì mình chán ghét, làm công việc mình không đam mê và yêu một người “điều kiện” vừa tạm đủ… Tệ hại hơn là sinh ra bởi những người bố, người mẹ ghét cay ghét đắng cuộc sống của mình và họ chọn cay đắng làm cách thể hiện, chúng ta phải lớn lên và tưởng rằng cay đắng là tất cả những gì mà mình xứng đáng.
Những điều này không phải một lời trách móc bố mẹ Việt, ngược lại, ta phải nhận ra cả thế hệ của họ và của chúng ta cùng có chung 1 nỗi đau, 1 sự tổn thương tâm lý. Và 1 đặc điểm của trauma đó là, nó sẽ luôn luôn lặp lại cho đến khi nó được đối diện, nhận biết và chữa lành. Bạn hoàn toàn có khả năng phá vỡ vòng tròn trauma của gia đình để dạy lại bản thân cách yêu thương đúng cách và có những lựa chọn ý thức hơn. Xin đừng đổ lỗi cho những người đã sinh ra mình, hãy chỉ đơn giản là làm khác đi. Trong một bài viết khác, mình sẽ viết về những cách chúng ta có thể tự chữa lành.