Cách chuyển hoá chỉ trích thành giao tiếp thấu cảm trong mối quan hệ
Ảnh: Brightside Trong hầu hết các cuộc tranh luận, chúng ta thường hay nói ra những điều mình không thích, thay vì tập trung nói...
Trong hầu hết các cuộc tranh luận, chúng ta thường hay nói ra những điều mình không thích, thay vì tập trung nói những điều mình thích. Đôi khi, chúng ta chuyển những điều mình không thích thành ngôn ngữ tiêu cực, than phiền và chỉ trích/ tấn công đối phương.
Lúc này, chỉ trích có thể đến với nhiều hình hài và vỏ bọc khác nhau. Đôi khi, ta chỉ trích thẳng thắn như tát nước vào mặt đối phương thông qua những lời bình luận hoặc cử chỉ nhằm mục đích kiểm soát, chọc tức, tổn thương, xem thường họ (và qua đó, thoả mãn cái bản ngã của chính mình):
- "Anh muốn em phải giảm cân/ thay đổi cách ăn mặc/ học thêm cái này/ làm thêm việc kia/ chú ý hơn về .... "
- "Đừng buồn bã nữa" - hay nặng hơn “Nhìn bản mặt mất sổ gạo của em, anh nuốt cơm hong trôi"
- "Anh bỏ cái ý định ấy đi, việc đó cần đầu óc chiến lược và mối quan hệ rộng kiểu anh ABC nhà bác XYZ thì may ra mới thành công được"
Đôi khi, ta khéo léo và "thâm" hơn, ta chỉ trích một cách nhẹ nhàng dưới hình thức mỉa mai châm biếm hoặc bình luận ác ý dưới vỏ bọc của "đùa giỡn" hoặc “gây hấn thụ động":
- "Oh, em nói chuyện hay như sáo í, không khéo sắp tới được mời đi diễn thuyết ở diễn đàn kinh tế thế giới nè"
- “Anh/ em mặc cái áo đó nhìn như cây xúc xích kìa",
- "Wow, bạn mất tận 3 tiếng để làm xong cái báo cáo đơn giản vậy ư?"
- "Chồng em mà làm việc nhà ah, hôm đó chắc mặt trời mọc hướng Tây"
Nếu ta rơi vào những tình huống trên, bất kể ở vị thế người chỉ trích hay bị chỉ trích, ít nhiều cuộc tranh luận cũng sẽ để lại nhiều thương tổn. Nhẹ thì cãi vã to tiếng, giận nhau mấy ngày, không nhìn mặt, tìm cơ hội "ăn miếng trả miếng", nặng hơn- hoặc tình huống lặp đi lặp lại có thể dẫn đến "đường ai nấy đi"
Vậy thì, nên đối mặt với chỉ trích/ tranh luận như thế nào thì hợp lý và tránh đổ vỡ?
Dĩ nhiên nếu mọi thứ đã đi quá giới hạn và ta chẳng buồn níu giữ mối quan hệ đó nữa thì cứ "Thank you, Next". Nhưng nếu ta vẫn đang phải vật lộn với việc đối mặt với chỉ trích, muốn tìm được giải pháp, và còn hy vọng cứu vãn hoặc cải thiện mối quan hệ của mình, một vài gợi ý sau đây có thể hữu ích:
1. Đừng “ăn miếng trả miếng”. Nếu người kia đưa ra một bình luận tiêu cực với ta, ta đáp trả bằng cách bình luận tiêu cực về họ thì việc này chẳng khác nào thêm dầu vào lửa. Nếu cần thiết, hãy dừng lại, dành ít thời gian riêng để ý định trả đũa lắng xuống.
2. Nói chuyện với người kia nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn và chia sẻ cho họ cảm nhận và mong muốn cụ thể của mình: Nói cho người kia biết ta cảm thấy như thế nào khi bị chỉ trích. Ta có thể sử dụng những cụm từ miêu tả vấn đề từ góc nhìn của chính mình như: “anh/ em cảm thấy", “anh/em muốn" thay vì dùng những cụm từ mang tính phán xét và tấn công người kia như “anh/ em luôn thế này/ thế kia", “anh/ em không làm abcd".
Ví dụ:
Thay vì nói "anh chẳng quan tâm gì tới em cả" thì hãy nói "gần đây em cảm thấy cô đơn và em cần sự quan tâm của anh lắm"
Bằng cách này, ta đang nhận lấy trách nhiệm về cảm xúc của mình và người kia không có cảm giác bị tấn công.
3. Suy nghĩ về nguyên nhân gốc rễ đằng sau những chỉ trích: Chỉ trích có thể là một cách thể hiện những bất hoà tiềm ẩn trong mối quan hệ (mặc dù đây là một cách thể hiện không hiệu quả). Nếu ta có thể thành thật với bản thân, hãy tự hỏi mình có cách nào để ta cải thiện cách hành xử của mình không? Có cách nào để ta có thể nói chuyện với người kia để tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Nên nhớ rằng, trong quá trình này, đừng dùng những cụm từ mang tính công kích, thay vào đó hãy cố gắng tìm hiểu xem vấn đề thực sự là gì.
4. Chuyển hoá “chỉ trích" thành “góp ý" thông qua ngôn ngữ giao tiếp: Tất nhiên sẽ có những lúc ta có lý do chính đáng để nói thẳng với người kia rằng ta nghĩ họ đang làm sai. Trong những trường hợp như vậy, cách hay nhất là chọn cách “góp ý" thay vì “chỉ trích". Cố gắng tiếp cận vấn đề bằng cách đưa ra những góp ý mang tính chất xây dựng để người kia không cảm thấy ta đang cố gắng bắt lỗi họ.
5. Tập trung vào tình huống và hành động, không tập trung vào công kích cá nhân. Thay vì buộc tội người kia, ta nên đưa ra ý kiến về kết quả hoặc ngữ cảnh cụ thể điều ta mong muốn.
Ví dụ:
Thay vì nói “Anh lúc nào cũng ưu tiên công việc, chả bao giờ dành thời gian cho em”, hãy nói “Lâu lắm rồi mình bận quá chưa có dịp hẹn hò, em nhớ cảm giác hẹn hò ngày xưa quá. Thứ Sáu này mình đi ăn tối và xem phim với nhau nhé"
Thay vì nói "Đừng có buồn rầu như vậy nữa", Hãy nói: "Em có thể nói cho anh biết chuyện gì đã xảy ra với em/ chuyện gì làm em buồn được không?"
Thay vì nói "Anh nói anh rửa chén mà chẳng bao giờ rửa. Anh chẳng bao giờ thực hiện lời hứa cả" thì hãy nói "Còn nhiều chén đĩa bẩn ở trong bồn, anh có thể rửa liền ngay bây giờ được không?
6. Chú ý vào cả điểm tích cực lẫn tiêu cực: hãy nói với người kia những điều ta thích, đừng chỉ nói về những điều ta không thích
Ví dụ:
Thay vì nói “Tụi mình lúc nào cũng đi chơi chung với bạn của anh/ em. Anh/ em phát ngán!” Hãy nói “Anh/ em rất thích đi chơi với bạn bè của anh/ em, nhưng nếu cuối tuần này mình có thể trốn bạn trốn con làm gì đó bí mật chỉ riêng hai đứa thôi chắc sẽ thú vị lắm".
7. Chia sẻ với người kia việc họ chỉ trích đã tác động tiêu cực đến ta như thế nào: Hãy nhớ rằng, luôn nói theo cách góp ý thay vì tấn công.
Ví dụ:
Hãy nói “khi em nói ABC làm anh cảm thấy bị xúc phạm, đặc biệt là trước mặt con cái/ bạn bè, anh không kiềm chế được cơn giận" thay vì nói “đừng có mà làm cho anh trông như thằng ngu trước mặt con cái/ bạn bè"
8. Học cách đón nhận góp ý: Nếu người kia góp ý với ta, hãy đón nhận nó trên tinh thần xây dựng. Đừng tự cho rằng người kia đang cố gắng làm tổn thương ta, thay vào đó, hãy lắng nghe xem họ muốn nói gì và thật sự suy nghĩ kỹ càng xem điều họ nói có lý hay không.
"Một người thường xuyên bị chỉ trích sẽ bị tổn thương và suy sụp tinh thần và có thể dần trở nên căm ghét người chỉ trích mình. Khi ta cảm nhận việc chỉ trích bắt đầu trở thành một vấn nạn trong mối quan hệ của mình thì có thể ta nên “bóp chết nó từ trong trứng nước" trước khi vấn đề trở nên trầm trọng."
Khi nào thì chỉ trích bị xem như bạo hành tinh thần?
Chỉ trích, mâu thuẫn là vấn đề khó tránh khỏi trong các mối quan hệ. Thường xuyên chỉ trích người khác hay bị người khác chỉ trích tạo ra sự căng thẳng và mang đến bầu không khí nặng nề trong mối quan hệ. Có lẽ ta cảm thấy như thể mình liên tục bị tấn công và dường như tất cả những điều ta làm đều không đủ tốt. Có lẽ ta dần trở nên tự ti và dè dặt. Có lẽ ta sẽ rơi vào thế phòng thủ và sẵn sàng phản ứng bất cứ khi nào có thể.
Nếu ta cảm thấy mình liên tục bị kiểm soát, bị xúc phạm hay thậm chí có các dấu diệu của việc bị bạo hành tinh thần thì có thể vấn đề đang nghiêm trọng hơn ta nghĩ rất nhiều. Hãy liên hệ với các cộng đồng hỗ trợ hoặc chuyên gia để được giúp đỡ.
Nguồn tham khảo: relate.org, Gottman.com
Mình ghi lại hành trình học hỏi, khám phá, phát triển bản thân và chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại https://marketerlacloi.com/. Ghé thăm blog và để lại comment, chia sẻ nếu bạn cũng quan tâm đến chủ đề này nhé
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất