Max Planck (1858 – 1947)

Max Planck là cha đẻ của khái niệm lượng tử, mở đầu cuộc cách mạng vĩ đại về nhận thức trong thế kỷ 20. Tầm vóc khổng lồ về khoa học và tư tưởng của ông là điều không thể bàn cãi. Các nhà khoa học duy vật rất ngại trích dẫn Planck bởi uy tín của ông quá lớn, nhưng ông lại có những phát biểu đối nghịch hoàn toàn với chủ nghĩa duy vật. Thật vậy, ông tuyên bố:
“Tôi coi ý thức là nền tảng căn bản, và vật chất bắt nguồn từ ý thức. Chúng ta không thể biết được những gì đằng sau ý thức. Mọi thứ chúng ta bàn đến, mọi thứ mà ta coi là đang tồn tại, đều do ý thức mặc nhận” (I regard consciousness as fundamental. I regard matter as derivative from consciousness. We cannot get behind consciousness. Everything that we talk about, everything that we regard as existing, postulates consciousness) [2]
Ý Planck muốn nói ý thức là gốc rễ của mọi nhận thức, phải có ý thức thì mới nhận biết được vật chất, vì thế không thể giải thích cái gốc rễ ấy là cái gì được. Giống như trong một hệ logic, không thể giải thích hệ tiên đề của hệ logic đó, vì hệ tiên đề là những nguyên lý đầu tiên chỉ có thể thừa nhận như một tiên nghiệm. Trong một trường hợp khác, ông nhắc lại ý kiến này trên phạm vi toàn vũ trụ.
“Mọi vật chất bắt nguồn và tồn tại chỉ vì một lực… Chúng ta phải thừa nhận đằng sau lực này tồn tại một Trí Tuệ có ý thức và thông minh. Trí Tuệ này là cái sinh ra mọi vật chất” (All matter originates and exists only by virtue of a force… We must assume behind this force the existence of a conscious ans intelligent Mind. This Mind is the matrix of all matter) [3]
Chú ý rằng chữ “Trí Tuệ” trong câu nói trên được Planck viết hoa. Vậy Trí Tuệ đó là gì nếu không phải Nhà Thiết kế Thông minh của vũ trụ mà Lý thuyết Thiết kế Thông minh ngày nay mô tả?

Albert Einstein (1879-1955)

Người hiểu rõ khái niệm năng lượng hơn ai hết là Albert Einstein, nhưng Einstein chưa bao giờ thể hiện quan điểm coi ý thức như một dạng năng lượng, dù chỉ ở mức nghi vấn hoặc đặt vấn đề. Công thức nổi tiếng của ông, E = mc^2 , thâu tóm toàn bộ năng lượng và vật chất trong vũ trụ, nhưng không có chỗ cho ý thức ở đó. Ngược lại, ý thức đối với ông vẫn là một cái gì đó hoàn toàn không thể hiểu được, nó không thể là vật chất. Ông nói:
“Điều khó hiểu nhất về vũ trụ là ở chỗ nó có thể hiểu được” (The most incomprehensible thing about the universe is that it is comprehensible).
Còn ai hiểu vũ trụ bằng Einstein? Chẳng phải Thuyết tương đối tổng quát của ông đã mô tả toàn bộ vũ trụ trong một phương trình duy nhất đó sao? [4] Vậy mà ông không hiểu tại sao cái vũ trụ ấy lại có thể được phản ánh trong ý thức của con người, hay nói cách khác, làm sao mà con người có thể nắm bắt được cái vũ trụ mênh mông và kỳ diệu như thế. Giữa vũ trụ và ý thức của con người có một mối quan hệ tương tác như thế nào để ý thức có thể trở thành một tấm gương phản chiếu vũ trụ? Nếu vũ trụ quá bí ẩn thì cái ý thức nắm bắt được vũ trụ còn bí ẩn gấp bội! Tại sao vậy? Vì ý thức không tuân thủ bất cứ một định luật tự nhiên nào, như Descartes khẳng định! Nếu vũ trụ quá kỳ diệu để làm cho Einstein phải thốt lên những lời ngạc nhiên thán phục thì ý thức còn làm cho ông tò mò gấp bội, vì nó hoàn toàn bí ẩn đối với ông. Ông nói: “Trải nghiệm cái bí ẩn – dù có pha trộn cảm giác sợ hãi – cũng chính là trải nghiệm mà tôn giáo đã tạo ra. Hiểu biết về sự hiện hữu của cái mà ta không thể nhìn thấu, của những biểu hiện lý trí sâu thẳm nhất và cái đẹp rực rỡ nhất, những cái chỉ có thể đến với trí não của ta trong những hình thức sơ khai nhất; chính cái biết và cái cảm này làm nên tính tín ngưỡng đích thực; những người có tín ngưỡng sâu xa” [5] Tín ngưỡng mà ông nói ở đây là niềm tin vào sự hiện hữu của cái không thể chứng minh được. Đối với người Thiên Chúa giáo, đó là Chúa, là Thượng Đế. Đối với các nhà khoa học như Pascal, Newton, Galilé, Pasteur, Mendel, Kelvin, Einstein, Heisenberg, Godel,… đó là Đấng Sáng tạo. Bản thân ý thức cũng là một hiện hữu không thể nhìn thấu, không thể chứng minh bằng khoa học, vì thế niềm tin vào sự hiện hữu của ý thức cũng chính là một tín ngưỡng. Vì thế không có gì để ngạc nhiên khi bốn thế kỷ trước, Descartes cho rằng ý thức có nguồn gốc từ Chúa. Einstein không nói rõ như Descartes, nhưng cũng nói điều tương tự khi tuyên bố:
“Tư duy trực giác là một quà tặng thiêng liêng…” [6]. Quà tặng thiêng liêng ấy do ai tặng, nếu không phải Đấng Sáng tạo?
Chú ý rằng tư duy trực giác cũng chỉ là một dạng thức đặc biệt của ý thức. Nó chẳng phải cái gì khác chiếc đèn pha của ý thức giúp con người phát hiện được chân lý một cách trực tiếp và bất chợt, không thông qua suy luận. Tất cả các nhà khoa học lớn đều thấy rõ điều đó. Henri Poincaré, nhà toán học vĩ đại nhất cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cũng từng nói “Logic giúp ta chứng minh, trực giác giúp ta khám phá”. Nhưng có lẽ Einstein là người băn khoăn nhiều nhất về bí ẩn của trực giác, vì thế ông thường xuyên nhắc tới vai trò định hướng của trực giác trong khám phá, đồng thời gợi ý cho chúng ta suy ngẫm về tính chất bí ẩn không thể giải thích của dạng năng lực tinh thần kỳ lạ này. Ông nói:
“Tri thức đóng vai trò thứ yếu trên con đường khám phá. Có một sự nhảy vọt trong ý thức được gọi là Trực giác hay gọi là gì tùy ý, nhờ đó mà bạn tìm thấy lời giải nhưng bạn không hiểu điều đó diễn ra như thế nào và tại sao” (The intellect has little to do on the road to discovery. There comes a leap in consciousness, call it Intuition or what you will, the solution comes to you and you don’t know or why).
Nếu Einstein còn để cho chúng ta tự suy đoán nguồn gốc của năng lực tinh thần kỳ lạ đó thì Nicolas Tesla, một nhà khoa học xuất chúng đầu thế kỷ 20 lại nói rõ rằng nó đến từ một Trung Tâm trong vũ trụ.

Nicolas Tesla (1856 – 1943)

Vào thời của Tesla, khái niệm trung tâm phát thanh và truyền hình hoặc là chưa có, hoặc là còn quá non trẻ, vậy mà Tesla đã quan niệm bộ óc của chúng ta chỉ là một chiếc máy nhận thông tin, giống như chiếc radio hay tivi bây giờ vậy. Nói cách khác, theo Tesla, ý thức đơn giản chỉ là những thông tin xuất phát từ một Trung tâm trí tuệ trong vũ trụ. Trung Tâm này là gì, nếu không phải Thượng Đế? Đây, ông nói:
“Bộ não của tôi chỉ là một điểm tiếp nhận. Trong Vũ trụ tồn tại một trung tâm mà từ đó chúng ta nhận được tri thức, sức mạnh, cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập được vào những bí mật của trung tâm này, nhưng tôi biết nó tồn tại” (My brain is only a receiver. In the Universe there is a core from which we obtain knowledge, strength, inspiration. I have not penetrated into the secrets of this core, but I know that it exists) [7]
Câu nói trên, mặc dù không có chứng minh khoa học, nhưng nó mang bóng dáng của một ngoại cảm tiên tri. [8]
Một câu nói khác của ông cũng chứa đựng nhiều gợi ý về bản chất của nhận thức:
“Thật nghịch lý nhưng là sự thật khi nói rằng chúng ta càng hiểu biết càng trở nên dốt nát theo nghĩa đen, bởi vì chỉ thông qua sự khai sáng thì chúng ta mới ý thức được những hạn chế của chúng ta” (It is paradoxical, yet true, to say, that the more we know, the more ignorant we become in the absolute sense, for it is only through enlightenment that we become conscious of our limitations) [9].
Tôi không rõ câu nói này được nói ra vào thời điểm nào, nhưng nó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng của Định lý Bất toàn của Gödel năm 1931. Định lý này khẳng định rằng nhận thức của chúng ta bị hạn chế. Nhưng Tesla ý thức được tính hạn chế đó không phải do Định lý Gödel, mà do được khai sáng, tức được Chúa mặc khải. Khái niệm được mặc khải thực ra cũng là khái niệm trực giác như Einstein nhấn mạnh, đó là món quà thiêng liêng…

Kurt Gödel (1906 – 1978)

Như chúng ta đã thấy, ý thức của con người bao gồm cả logic lẫn phi logic, và Douglas Hofstadter đã chỉ ra rằng tư duy logic không phải là thành phần mang tính người nhiều nhất. Tư duy mang tính người nhiều nhất là tư duy cảm xúc ─ dạng tư duy theo cảm hứng, phi logic và không tuân thủ chương trình…
Sau một thời gian dài các nhà khoa học đánh giá trí thông minh theo cái gọi là IQ, để rồi thấy không ổn, gần đây họ sáng tác ra cái gọi là EQ. Đây là hệ quả của chủ nghĩa duy vật thô thiển, muốn quy mọi hiện tượng trong thế giới hiện thực về vật chất có thể cân đong đo đếm được. Điều đáng buồn là những sáng tác này được đám đông hùa theo, đương nhiên coi đó là những khái niệm khoa học. Nhưng đối với những người có cái nhìn triết học sâu sắc, đó chỉ là những trò hề khoa học. Bản thân chữ EQ (Emotional Quotient) đã là sai lầm, bởi cảm xúc là một hiện tượng không thể đo được. Nói cách khác, mọi giá trị đo lường về cảm xúc đều phiến diện, sai lệch, làm méo mó sự thật. Thí dụ, mọi cách cho điểm các bức tranh của Van Gogh đều vô nghĩa, kể cả việc đo giá trị bức tranh bằng số tiền bán được. Tất cả những con số đó đều là lừa dối, không phản ánh được cảm xúc thực sự của người thưởng thức tranh. Vì thế, Hofstadter từng nói nếu computer có thể vẽ tranh hay viết văn ở trình độ nghệ thuật thì đó sẽ là một thảm họa.
Tất cả những thảo luận nói trên sẽ có thể kém thuyết phục nếu không có Định lý Bất toàn của Kurrt Gödel, “nhà logic vĩ đại nhất kể từ sau Aristotle”.
Thật trớ trêu, Định lý Bất toàn là con đẻ của toán học logic, nó đặt nền móng cho khoa học computer, nhưng nội dung của nó lại nói lên tính bất toàn của logic. Nếu trường phái Hilbert tôn sùng logic như “đấng toàn năng” của toán học thì Gödel lại hạ nó xuống đúng vị trí của nó, rằng logic là ngôn ngữ đắc dụng của computer, với những hạn chế mang tính bản chất không thể khắc phục được, và đối với con người, logic chỉ là một bộ phận của ý thức ─ ý thức của con người rộng lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều so với cái phần logic đó. Đây, hãy nghe ông nói:
“Bộ não là một chiếc máy tính được kết nối với một tâm linh” (The brain is a computing machine connected with a spirit) và “Ý thức được kết nối với một cái toàn thể” (Consciousness is connected with one unity) [10].
Chữ “bộ não” trong câu nói trên phải được hiểu là ý thức lưu hành trong bộ não. Vậy theo Gödel, ý thức ấy không chỉ có tư duy tính toán, tư duy theo chương trình, mà bao gồm cả tâm linh ─ phần ý thức chứa đựng tất cả những gì mà toán học nói riêng và khoa học nói chung bất lực, chẳng hạn như cảm xúc âm nhạc, cảm xúc trước cái đẹp, cảm xúc thi ca, khả năng trực giác, ngoại cảm, tiên tri,… Ở một mức độ nào đó, có thể thấy Gödel vượt xa Einstein trong những suy nghĩ về bản chất của ý thức ─ ông không dừng lại ở chỗ ngạc nhiên trước sự kỳ lạ khó hiểu về những khả năng không thể giải thích được của ý thức, mà cho rằng cái ý thức đó được nối kết với một trung tâm trí tuệ nào đó của vũ trụ, cái mà ông gọi là “một toàn thể” (one unity). Ở chỗ này ta thấy Gödel có phần nào giống Tesla, khi Tesla cho rằng bộ não chỉ là chiếc máy thu những tri thức được phát ra từ một Trung Tâm trong vũ trụ.
Cái mà Tesla gọi là một Trung Tâm, và Gödel gọi là một Toàn thể, thực ra là Thượng Đế, hoặc Đấng Sáng tạo, Đấng Toàn năng, Nhà Thiết kế Vũ trụ, Nhà Lập trình Vũ trụ, Chúa, Brama, Alah, Bà Mẹ Tự Nhiên,… Điều này rất dễ hiểu, bởi cả Tesla lẫn Gödel đều công khai bầy tỏ Đức tin của mình.
Tesla từng nói: “Quà tặng sức mạnh tinh thần đến từ Chúa, Thực thể Thần thánh, và nếu chúng ta tập trung tư tưởng của chúng ta vào chân lý đó, chúng ta sẽ hòa hợp với sức mạnh vĩ đại ấy. Mẹ tôi dạy tôi tìm kiếm mọi chân lý từ trong Kinh Thánh”. [11]
Gödel còn đi xa hơn thế, ông không chỉ khẳng định sự tồn tại của những thế giới khác với thế giới chúng ta đang sống, mà còn dùng toán học logic để chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Đầu năm 2013 hai nhà khoa học computer là Christoph Benzmüller thuộc Đại học Tự do ở Berlin (Free University of Berlin) và Bruno Woltzenlogel Paleo thuộc Đại học Kỹ thuật Vienna đã bắt tay vào việc “computer hóa” toàn bộ chứng minh của Gödel. Không đầy một năm, đến Tháng 10, kết quả được công bố trong một công trình mang tên: “Formalization, Mechanization and Automation of Gödel’s Proof of God’s Existence” (Hình thức hóa, Cơ giới hóa và Tự động hóa chứng minh của Gödel về sự hiện hữu của Chúa). Công trình này được giới khoa học computer nhiệt liệt hưởng ứng như một mẫu mực của bài toán computer hóa các định lý toán học. [12]

Erwin Schrödinger (1887 – 1961)

Erwin Schrödinger là nhà vật lý lỗi lạc người Áo, đoạt Giải Nobel năm 1933, nổi tiếng với phương trình sóng trong Cơ học Lượng tử. Ông tuyên bố rất rõ ràng và dứt khoát về bản chất của ý thức như sau:
“Ý thức không thể giải thích được bằng những thuật ngữ mang tính vật chất. Vì ý thức là khái niệm gốc rễ, không thể giải thích được bằng thuật ngữ của bất cứ thứ gì khác” (Consciousness cannot be accounted for in physical terms. For cansciousness is absolutely fundamental. It cannot be accounted for in terms of anything else). [13]
Ý kiến này có thể xem như một lời thuyết minh hoặc tán thưởng ý kiến của Planck đã dẫn ở trên, rằng phải có ý thức thì mới nhận thức được mọi thứ, ý thức là mắt xích đầu tiên của hệ thống nhận thức, vì thế không thể giải thích mắt xích đầu tiên ấy là cái gì được.
Tóm lại, luận thuyết Descartes vẫn đứng vững trong thế kỷ 20, ít nhất trong tư tưởng của những nhà khoa học tài giỏi nhất và có tầm nhìn triết học sâu xa nhất.
Tuy nhiên, các nhà khoa học duy vật không có lựa chọn nào khác là phải cố gắng chứng minh ý thức chỉ là một dạng vật chất đặc biệt nào đó. Hy vọng chứng minh này dấy lên mạnh mẽ trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng ngoại cảm và tâm linh trên khắp thế giới. Nổi tiếng nhất là hiện tượng chữa bệnh bằng tâm linh có hiệu quả thực tế rất cao của nhà chữa bệnh bằng tâm linh Bruno Gröning ở Đức giai đoạn 1949-1959 và nhà chữa bệnh bằng tâm linh Nguyễn Đức Cần ở Việt Nam những năm 1970,… Nhiều dự án nghiên cứu những hiện tượng này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, được gọi tắt trên sách báo quốc tế là PSI, thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà khoa học lẫn người không làm khoa học.
Phạm Việt Hưng.
https://viethungpham.com/2017/07/25/the-hardest-problem-consciousness-bai-toan-kho-nhat-y-thuc/
[1] “The Most Human Human”, Brian Christian, Chương 5, trang 107
[2] http://izquotes.com/quote/259516
[3] http://techstory.in/max-planck/
[4] “Phương trình của Chúa” (Câu chuyện về Phương trình thâu tóm cả vũ trụ), Amir Aczel, bản dịch của Phạm Việt Hưng, NXB Trẻ 2004. Trên mạng: https://viethungpham.com/2012/11/30/phuong-trinh-cua-chua-gods-equation-sach-cua-amir-d-aczel/
[5] “Thế giới như tôi thấy”, Albert Einstein, bản dịch của Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng, NXB Tri Thức 2005, trang 20.
[6] Nguyên văn: “The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honors the servant and has forgotten the gift”.
[7] http://www.consciousazine.com/neuro-science-mania-man.html
[8] Xem “Nicola Tesla, Một Siêu Nhân” https://viethungpham.com/2016/07/13/nicola-tesla-a-super-man-nicola-tesla-mot-sieu-nhan/
[9] https://www.brainyquote.com/quotes/authors/n/nikola_tesla.html
[10] http://kevincarmody.com/math/goedel.html
[11] https://viethungpham.com/2016/07/13/nicola-tesla-a-super-man-nicola-tesla-mot-sieu-nhan/
[12] “Gödel chứng minh Chúa hiện hữu” https://viethungpham.com/2014/09/17/godel-chung-minh-chua-hien-huu-godel-proved-that-god-exists/
[13] http://www.goodreads.com/quotes/325387-consciousness-cannot-be-accounted-for-in-physical-terms-for-consciousness