Các cường quốc trong tương lai: Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030
Thế nào là một cường quốc tương lai? Định nghĩa về cường quốc từ trước đến nay thường được nêu ra cùng với các điều kiện như lãnh...
Thế nào là một cường quốc tương lai?
Định nghĩa về cường quốc từ trước đến nay thường được nêu ra cùng với các điều kiện như lãnh thổ rộng lớn, kinh tế phát triển vượt bậc, quân sự hùng mạnh, ví dụ như G7 là Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ý và Canada. Tuy nhiên khi nhìn vào tình hình hiện tại của Mỹ, siêu cường số một thế giới nói riêng, và mối quan hệ quyền lực của các nước nói chung, có lẽ định nghĩa “cường quốc” sẽ phải có nhiều thay đổi.
Với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại này, việc hình dung ra thế giới sau 10, 20 năm sau là điều hết sức khó khăn. Đó là một trong những nhận định của tác giả Hamada Kazuyuki trong cuốn sách Cường quốc trong tương lai. Tuy nhiên những việc đang xảy ra ở hiện tại chẳng phải cũng từng đã là ước mơ vào 10, 20 năm trước hay sao? Liệu Việt Nam có nên nhắm đến vị trí “cường quốc của tương lai”? Để đạt được điều đó, chúng ta cần suy ngẫm trước về “cường quốc trong tương lai” là như thế nào, và để trở thành một cường quốc trong tương lai thì cần những yếu tố gì.
Đây là thời đại mà các linh kiện cho xe hơi hay smartphone đều do các công ty hợp tác ở nước ngoài cung ứng. Là thời đại trao đổi thương mại qua chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều sản phẩm sẽ xuất hiện ở các nước khác nên dù là quốc gia nào cũng không thể tự mình hùng cường, tương tự như thế, một quốc gia cũng không thể thay đổi xu thế chung của thế giới. Mặt khác, các tập đoàn đa quốc gia cũng thể hiện được tầm ảnh hưởng ngang hàng với các cường quốc lâu đời (hoặc hơn thế nữa). Lấy ví dụ như Mark Zuckerberg, CEO của Facebook đã tự tin tuyên bố cho ra mắt đồng tiền Libra, với tham vọng là loại tiền này sẽ giúp việc chuyển tiền và thanh toán trên thế giới vô cùng đơn giản và an toàn. Đây là hành động mà nhiều chuyên gia nhận định là rất táo bạo, thể hiện rằng các công ty công nghệ lớn cũng có sức mạnh như một quốc gia trên Internet. Chính vì thế, các ý tưởng về cường quốc cũng dần phải thay đổi so với quan điểm về các đế chế trong lịch sử loài người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải nắm bắt các mối quan hệ quốc tế và đánh giá xem nó có thể đạt được hiệu quả đến đâu khi phối hợp sức mạnh của các quốc gia, các thành phố, các doanh nghiệp và cá nhân; bên cạnh đó cũng phải tối đa hoá việc phát huy sức mạnh của các bên.
Theo cách tiếp cận trên, Kazuyuki điểm lại những điều kiện để trở thành một cường quốc tương lai bao gồm năm trụ cột chính:
Mức độ hạnh phúc cao của cư dân sinh sống tại lãnh thổ đó;Tôn trọng sự khác biệt và tính đa dạng, các ý tưởng đột phá dễ dàng được chấp nhận và phát triển;Có khả năng tiếp nhận, vận dụng một cách an toàn và sử dụng linh hoạt các công nghệ mới. Đưa ra những giá trị quan mang tính phổ quát khiến nhiều người trên thế giới “muốn trở thành công dân nước đó”.Sở hữu nguồn tài nguyên sẵn có để trở nên giàu có (không chỉ các nguồn tài nguyên dưới lòng đất mà còn phải khai thác cả về nhân lực, tài nguyên du lịch,...)
Các cường quốc hiện nay nếu muốn duy trì vị thế cường quốc trong tương lai cũng cần có năm điều kiện trên. Trong trường hợp thiếu một điều kiện nào đó, chắc chắn sức ảnh hưởng của quốc gia đó cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Vì thế, tuy Mỹ và Trung Quốc đang trong mối quan hệ cạnh tranh, chắc hẳn thế giới sẽ không lặp lại trật tự hai cực như thời chiến tranh lạnh như Mỹ - Liên Xô, khi mà cả hai sẽ phân đôi thế giới với vai trò siêu cường quốc. Mỹ đang lún dần thành một quốc gia cực kỳ hẹp hòi, bài xích những người có chủng tộc và tôn giáo khác, coi dân nhập cư là những kẻ khủng bố tiềm tàng. Hơn thế nữa, nội bộ nước Mỹ cũng có một sự phân hoá giàu nghèo cực đoan, nói rằng 1% người giàu và 99% còn lại là dân nghèo thì cũng không thái quá. Một nước Mỹ với tình trạng phân hoá như thế thì vị thế cường quốc cũng đang vô cùng bấp bênh. Vậy còn Trung Quốc thì sao? Hiện tại họ đứng đầu thế giới về dân số, điều đó có nghĩa là thị trường tiêu thụ và nguồn lao động khổng lồ, thế nhưng với nhiều bất cập còn tồn tại thì quan niệm rằng nhiều người trên thế giới “muốn trở thành công dân nước đó” có lẽ cần xem xét lại.
Bắc Triều Tiên: sức mạnh từ tài nguyên và blockchain
Có lẽ người đọc như tôi sẽ bất ngờ khi quốc gia đầu tiên có khả năng trở thành cường quốc là Bắc Triều Tiên. Ấn tượng chung của chúng ta về Bắc Triều Tiên thường là một quốc gia đặc biệt, với chế độ lãnh đạo tập quyền của dòng họ Kim, một đất nước “đóng cửa thả chó” dù phải chịu biện pháp trừng phạt kinh tế của thế giới, cùng hình ảnh qua các báo cáo của Liên Hợp Quốc là người dân dù sống trong cảnh nghèo đói nhưng lại không ngừng phát triển quân sự cùng vũ khí hạt nhân.
Thế nhưng vị Chủ tịch trẻ tuổi Kim Jong-un đã ba lần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều cùng tổng thống mỹ Donald Trump. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 6 năm 2018 tại Singapore, lần thứ hai vào tháng 2 năm 2019 tại Hà Nội, và lần thứ ba tại Bàn Môn Điếm, khu vực phi quân sự (DMZ) thuộc bán đảo Triều Tiên). Có lẽ không cần phải giải thích gì thêm về sự khéo léo trong ngoại giao của Chủ tịch Kim khi vừa duy trì mối quan hệ với Trung Quốc và Nga, vừa thông qua thương thảo với Mỹ để tiếp tục duy trì đất nước này.
Từ trước đó, Triều Tiên đã rộng đường đón tiếp các công ty khai thác mỏ của Mỹ đến thực địa Bắc Triều Tiên. Đặc biệt là năm 1998, Quỹ Rockefeller đã chi trước 500 triệu USD để lấy được quyền thăm dò khoáng sản ở Bắc Triều Tiên. Ở các quốc gia hiện đại, các nguồn kim loại hiếm như niken, molypden, mangan, coban, vonfram... và đất hiếm như neodymi và dysprosi có tầm quan trọng tương tự như sắt và không thể thiếu trong nền công nghiệp, đặc biệt là các ngành liên quan đến điện tử, quân sự. Người ta ước tính rằng khoảng một nửa trữ lượng vonfram trên toàn thế giới nằm ở Bắc Triều Tiên. Dù nhanh chân như vậy nhưng Mỹ vẫn chưa có thông tin chi tiết về những mỏ khoáng sản còn bị chôn vùi. Những người nắm các dữ liệu đó lại là các doanh nghiệp Nhật Bản như tập đoàn Mitsubishi, trong khoảng thời gian Nhật Bản xâm lược Triều Tiên. Chính phủ Nhật Bản cũng nhận ra rằng nếu có thể phát triển thành các dự án trong tương lai thì sẽ tạo được sức bật to lớn trong việc khai thác thuộc địa, nên đã cho điều tra kỹ càng với sự hợp sức của nhiều ban ngành trong cả nước. Việc Mỹ buộc Bắc Triều Tiên thay đổi chế độ thông qua các biện pháp cấm vận cũng là vì muốn có trong tay nguồn lợi tài nguyên từ nước này.
Cùng nguồn tài nguyên ẩn mình trong lòng đất, có một lý do khác khiến Bắc Triều Tiên trở thành cường quốc trong tương lai, đó là công nghệ chuỗi khối (Blockchain) mà họ đang nắm giữ. Họ sẵn sàng cử những nhân tài ưu tú nhất đến các nước châu Âu nhằm xúc tiến và học hỏi việc phát triển nghiên cứu blockchain. Việc thu hút các nhân tài về trong tay là một yếu tố để Bắc Triều Tiên tự tin tổ chức Hội nghị Blockchain Quốc tế lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2018, tập trung nhiều nhà nghiên cứu và kĩ sư máy tính đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngay trong năm 2019, họ cũng đã tổ chức hội nghị này thêm một lần nữa với tư cách chủ nhà, và thậm chí từ chối sự tham gia của Nhật Bản. Theo lời chủ toạ hội nghị, họ không cần học hỏi gì từ Nhật Bản có nghĩa là họ rất tự tin về công nghệ mà mình đang nắm giữ.
Mọi người thường nghĩ rằng Bắc Triều Tiên là một đất nước cô lập với cộng đồng quốc tế, nhưng thực chất họ có quan hệ ngoại giao với hơn 160 quốc gia. Tuy nhiên gần đây do sự trừng phạt mạnh mẽ từ Liên Hợp Quốc nên mới nảy sinh các vụ việc tạm dừng thương mại ngoại dịch, nhưng nhờ vào việc xuất khẩu kim loại và sức lao động trong tương lai , rất có thể Bắc Triều Tiên sẽ cất cánh về mặt kinh tế. Việc là đồng minh của Trung Quốc cũng giúp nước này có cơ hội phát triển bằng việc tiến tới tham gia vào sáng kiến Một vành đai, Một con đường do Trung Quốc đề xướng.
Việt Nam: quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao
Việt Nam hiện nay là quốc gia có nền kinh tế phát triển nổi bật nhất Đông Nam Á. Lí do đầu tiên là dân số Việt Nam còn trẻ và rất nhanh chóng đạt 100 triệu người, với độ tuổi trung bình là 26 tuổi (trong khi con số này ở Nhật Bản là 48,8 tuổi). Với lợi thế người trẻ nhiều và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, các ngành sản xuất và đặc biệt là công nghiệp cưới hỏi phát triển mạnh mẽ. Việt Nam tràn đầy nhựa sống như giai đoạn thời kì phát triển vàng của Nhật Bản sau chiến tranh. Không chỉ co cụm ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở hạ tầng công nghiệp của Việt Nam được nhận định là được đầu tư bài bản và có lực lượng lao động trẻ như vậy rất là hiếm.
Chỉ riêng thị trường quốc nội phát triển cũng khiến Việt Nam có nhiều khả năng trở thành một cường quốc trong tương lai. Tháng 6 năm 2019, nhà máy sản xuất xe hơi đầu tiên đã hoàn thành, và đây là biểu tượng của phát triển kinh tế.
Nếu như trong quá khứ, Trung Quốc được coi là “công xưởng thế giới” vì có khả năng sản xuất hàng loạt ở quy mô lớn lại thêm giá thành thấp đến mức phá giá đã khiến nhiều ngành sản xuất chế tạo lựa chọn nơi đây làm điểm đến. Thế nhưng nhiều nguy cơ từ đánh cắp tài sản trí tuệ và phá giá đồng nhân dân tệ đã khiến tương đối nhiều nước không còn mặn mà như trước. Các nhà đầu tư đã đưa ra chiến lược “Trung Quốc +1”, đặt cơ sở tại một nước khác Trung Quốc. Và đất nước thu hút sự chú ý trong chiến lược này là Việt Nam. Điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam là chính quyền ổn định, kinh tế phát triển với mức GDP tăng trưởng bình quân là 6,7%. Dù là nhìn từ góc độ nào thì Việt Nam cũng là một “con rồng đang lên”. Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà cung ứng lớn nhất trên thị trường smartphone. Ngoài ra, Việt Nam còn chú trọng vào đầu tư các dự án IT khi có tới hơn 60 triệu người dùng Internet thường xuyên (Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước có người dùng Facebook nhiều nhất, trong khi Nhật Bản nằm ngoài top đầu). Trước đây Wechat hay Whatsapp được sử dụng ở Việt Nam, nhưng với mong muốn thoát khỏi sự dựa dẫm của nước ngoài, Zalo đã xuất hiện và ngày càng thể hiện được độ phủ sóng của mình.
Trên cuộc đua công nghệ và viễn thông, Việt Nam đã bắt đầu cung cấp dịch vụ của mình cho các nước như Myanmar, Lào hay thậm chí là cả châu Phi như Haiti hay Mozambique. Như vậy một cường quốc công nghệ mới hoàn toàn có thể sinh ra để cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc và Nga. Việt Nam còn mạnh dạn áp dụng IT vào các lĩnh vực như y học, giáo dục, nông nghiệp, kêu gọi nhân lực, vốn và công nghệ từ khắp nơi trên thế giới. Kết quả triển khai đang hiện lên rõ ràng khi IPO của Việt Nam năm 2018 đã vượt qua cả Singapore. Liệu những gì chúng ta đã chuẩn bị có khiến Việt Nam trở thành một cường quốc trong tương lai?
Israel: Quốc gia siêu kĩ thuật nhờ vào các bộ óc thiên tài
Israel từ lâu đã được cả thế giới công nhận là quốc gia sở hữu những đầu óc tài ba nhất, với các nhà khoa học nổi danh khắp thế giới đều là người Do Thái. Tại sao đất nước này lại có nhiều người ưu tú đến như thế?
Thứ nhất, người Do Thái là những người không có lãnh thổ mà phải nhận quốc thổ tại “Miền đất thiêng” nằm trong Palestine. Để sống được trong vùng đất 60% là sa mạc thì phải khắc phục hoàn cảnh và phát triển bằng công nghệ. Vì lí do đó mà họ nỗ lực nâng tầm quốc gia trong công tác giáo dục, bồi dưỡng nhân tài.
Thêm một lí do nữa là Israel bị bao vây bởi các nước Ả Rập đối địch nên họ cần củng cố sức mạnh quốc phòng. Vì vậy cả nam lẫn nữ đều đi nghĩa vụ quân sự, kế hoạch bồi dưỡng nhân tài ưu tú trong quân đội đều được thực thi triệt để. Càng ở hoàn cảnh khắc nghiệt, tinh thần Do Thái của họ càng được thể hiện, mang lại thành quả to lớn.
Ngang tầm với quân sự và an ninh mạng, Israel còn ưu tú trong các công nghệ liên quan đến nước và kỹ thuật nông nghiệp. Thật khó tin về một Israel nằm ở vùng sa mạc khô cằn lại cói thể biến nông nghiệp trở thành ngành sản xuất chủ yếu, nổi bật với phương pháp tưới nhỏ giọt—kiểm soát lượng nước vừa đủ cho những nơi cần thiết, đây là phương thức canh tác khiến nhiều quốc gia phải học hỏi theo. Tỉ lệ tái sử dụng nước tại các thành phố và khu công nghiệp của Israel là 87%, đứng đầu thế giới, trong khi đất nước đứng thứ hai là Tây Ban Nha chỉ là 20%.
Israel là một quốc gia trẻ chỉ vừa mới thành lập 70 năm, nhưng trong khoảng thời gian ấy dân số của họ đã tăng lên tới 10 lần, GDP/người cũng tăng tới 40 lần, thậm chí vượt qua cả Nhật Bản. Với một nước ở sa mạc không có tài nguyên gì đáng kể, sự phát triển đáng kinh ngạc này khiến nhiều chuyên gia nhận định rằng trong cuộc điểm danh các cường quốc trong tương lai chắc chắn sẽ có sự góp mặt của Israel.
Lời kết
Ngoài ba quốc gia được đề cập ở phần trên, trong cuốn sách “Cường quốc trong tương lai”, tác giả còn phân tích một số đất nước khác như Indonesia, Iran, Oman…, nhưng do độ dài của bài viết này không cho phép, xin mời độc giả tìm đọc trong sách. Các phân tích của Hamada Kazuyuki xuất phát từ lợi ích tương lai của Nhật Bản nên chỉ là một trong nhiều quan điểm, nhưng cũng là một cơ hội tốt để ta có thể nhìn nhận những tiềm năng của Việt Nam cùng các nước khác trong tương lai gần, cũng như những vấn đề mà tự mình ta khó có thể nhìn thấy để bứt phá trở thành một cường quốc. “ Tương lai có lẽ sẽ là thời đại của sự tuỳ cơ ứng. Sẽ không còn các siêu cường quốc và năng lực của từng cá nhân sẽ được phát huy tối ưu. Giờ đây chúng ta đang đứng trước cửa ngõ để bước vào thời đại đó. Phải chăng chúng ta nên thử lấy dũng khí, mở cánh cửa ấy, đặt chân vào thế giới mới.”
Bài viết có tham khảo từ sách Các cường quốc trong tương lai: Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030 của tác giả Hamada Kazuyuki.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất