Người thắng và kẻ thua sau khi Trump lên nắm quyền
Dựa trên các chính sách mà Trump đã đề xuất, có một số nhóm lợi ích được xem là những người chiến thắng gián tiếp và một số bị coi là kẻ thua cuộc trong cuộc bầu cử này.
Bài viết được trình bày theo quan điểm cá nhân, hy vọng bạn có thể đón nhận bài viết này như một góc nhìn bổ sung. Nếu bài viết mang đến cho bạn những thông tin hữu ích, xin vui lòng đón nhận nó. Nếu bạn cảm thấy nội dung không phù hợp với quan điểm của mình, xin hãy cân nhắc bỏ qua.
Chọn phe là một nghệ thuật và điều quan trọng là phải theo đúng người, nhưng trong nhiều trường hợp không phải cứ muốn đứng vào phe nào là có thể thành công.
Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, một số quốc gia và lực lượng đã tích đặt cược vào cuộc bầu cử Mỹ, cố gắng thay đổi xu hướng để kết quả bầu cử có lợi cho họ.
Thông thường, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, các ứng viên Mỹ sẽ thực hiện hai việc:
1) Tưởng thưởng cho những người có công
2) Thanh trừng các đối thủ chính trị. Với tính cách của Trump, người luôn nhớ lâu và đáp trả gay gắt, có thể sẽ thực hiện những điều này một cách cực đoan hơn.
Vì đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử, nên các thế lực đứng sau Trump cũng sẽ được chia sẻ thành quả. Dựa trên các chính sách mà Trump đã đề xuất, có một số nhóm lợi ích được xem là những người chiến thắng gián tiếp trong cuộc bầu cử này.
Người thắng số 1: Nga
Putin là một trong những nhân vật mong muốn Trump lên nắm quyền nhất trên thế giới. Đối với Nga, việc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát sẽ dẫn đến hai kết quả hoàn toàn khác nhau. Vào tháng 10 năm ngoái, Nga đã tham gia gián tiếp vào việc hoạch định "Chiến dịch Cơn Lũ Aqsa," một phần nhằm kéo chiến lược trọng tâm của Mỹ ra khỏi Trung Đông, và một phần khác để hỗ trợ cho chiến dịch của Trump. Bản thân Trump đã công nhận các giá trị bảo thủ của Nga, nên khi lên nắm quyền, ông chắc chắn sẽ có những động thái đáp lại Putin, thậm chí có thể gây áp lực lên Ukraine để nhượng bộ lãnh thổ và cho Nga cơ hội dừng chiến trong hiện trạng có lợi.
Đôi khi, không thể không thừa nhận rằng trong lịch sử loài người thực sự tồn tại khái niệm "vận mệnh quốc gia".
Giữa thế kỷ 18, Phổ (Prussia) từng phải đối mặt với cuộc tấn công từ ba phía: Nga, Pháp và Áo. Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức vua Phổ, Friedrich II, đã chuẩn bị hy sinh vì nước. Nhưng bất ngờ thay, nữ hoàng nước Nga - một người cực kỳ ghét Phổ - đột ngột qua đời, và người kế vị là Sa hoàng Pyotr III lại là người hâm mộ cuồng nhiệt của Friedrich.
Sau khi lên ngôi, ông đã lập tức thay đổi chính sách đối ngoại của Nga, từ kẻ thù của Phổ thành đồng minh. Sự thay đổi đột ngột này khiến Pháp và Áo bối rối và nhờ có sự quay lưng của Nga, Phổ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến, không chỉ giữ được vùng Silesia mà còn tạo dựng danh hiệu "Đại đế" cho Friedrich.
Có thể nói Putin chính là "Friedrich" của thời hiện đại. Ông đã vô cùng may mắn sau ba năm kiên trì, cuối cùng Nga đã chờ được đến ngày Trump lên nắm quyền. Trước khi bước vào chính trường, có thể nói Trump đã là một "fan hâm mộ" của Putin, người mong muốn biến nước Mỹ thành một quốc gia tôn sùng chủ nghĩa bảo thủ giống như Nga, phản đối nữ quyền và chống lại quyền của người đồng tính. Trong bốn năm qua, Trump cũng đã học theo Putin để củng cố quyền lực, hoàn thành việc thanh lọc các nhân vật trong phe cánh truyền thống của Đảng Cộng hòa. Khi Trump lên nắm quyền, rất có khả năng ông sẽ dùng việc cắt viện trợ để gây áp lực, buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ, giúp Nga có cơ hội rút lui an toàn. ( Tất nhiên Trump cũng có thể sự dụng quân bài này để gây sức ép với Nga tách rời với Trung Quốc ).
Đối với Putin, nếu đặt cược thất bại trong cuộc bầu cử Mỹ và cuối cùng Kamala Harris lên nắm quyền, việc tiếp tục đối đầu có thể khiến tài chính của Nga sụp đổ, và ông có thể phải đối mặt với số phận giống như Sa hoàng Nicholas I.
Nhưng Putin đã thắng cược, và việc Trump lên nắm quyền đã mang lại "vận mệnh quốc gia" cho Nga. Nếu Nga có thể giành được lối ra biển Đen, Putin sẽ được sánh ngang với các vĩ nhân như Peter Đại đế, Nữ hoàng Ekaterina II và Stalin, trở thành một “Đại đế” trong lịch sử Nga. Trong tương lai, sách giáo khoa lịch sử của Nga chắc chắn sẽ dành cho Putin một trang viết đậm nét và đầy tự hào.
Người thắng thứ hai: Israel
Đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, kết quả của cuộc bầu cử này có thể quyết định việc ông có phải ngồi tù hay không. Nếu Kamala Harris thắng cử, Đảng Dân chủ có thể cắt giảm viện trợ để trả đũa việc Israel can thiệp vào bầu cử, buộc Netanyahu phải từ chức. Sau khi mất quyền lực, ông có thể phải đối mặt với án tù do các cáo buộc tham nhũng.
Số phận của Netanyahu phụ thuộc vào thành bại của Trump. Để hỗ trợ chiến dịch của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử, Netanyahu kiên quyết kéo dài cuộc chiến, từ chối đình chiến trong vấn đề Palestine và Israel, thậm chí không ngần ngại đối đầu với Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, động thái này đã gây ra mâu thuẫn trong nội bộ Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Gallant, người thân cận với Đảng Dân chủ, chủ trương phối hợp với chiến lược Trung Đông của Mỹ và phản đối việc mở rộng chiến tranh thêm nữa. Vì sự ngăn cản của Gallant, Israel đã từ bỏ kế hoạch tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Khi Trump dần ấn định chiến thắng của mình, Netanyahu nhanh chóng cách chức Gallant khỏi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi bãi bỏ tính độc lập của Tòa án Tối cao và loại trừ các phe đối lập trong và ngoài đảng, quyền lực của Netanyahu đã được nâng cao đáng kể và ông trở thành nhân vật quyền lực nhất Israel trong những thập kỷ gần đây.
Vì ủng hộ việc thu hẹp chiến lược ở Trung Đông, khi Trump lên nắm quyền, ông có thể sẽ không ủng hộ Israel mở rộng thêm nữa, và cuộc xung đột giữa Lebanon và Israel dự kiến sẽ dịu đi sau tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, Trump có thể cho phép Israel duy trì sự chiếm đóng dài hạn ở Gaza, thực hiện quản lý quân sự như một sự "đền đáp" cho việc Israel ủng hộ Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử. Không chỉ vậy, Israel có khả năng sẽ tiếp tục mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây sông Jordan và cắt giảm viện trợ cho Fatah.
Người thắng thứ ba: Triều Tiên
Là một nhà lãnh đạo thế hệ 8X, Kim Jong-un thực sự có tầm nhìn chiến lược. Hơn nửa tháng trước khi diễn ra bầu cử Mỹ, Triều Tiên chủ động gây căng thẳng với Hàn Quốc, tạo ra nguy cơ địa chính trị trên bán đảo nhằm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội của Đảng Dân chủ, đồng thời khẳng định giá trị chiến lược của mình đối với Trump.
Không chỉ vậy, Triều Tiên còn cử một số ít binh lính sang Nga trước bầu cử Mỹ. Mặc dù tác động không lớn, nhưng động thái này tương đương với việc tham gia thực chất vào cuộc chiến Nga-Ukraine. Nếu Nga giành chiến thắng cuối cùng, Triều Tiên sẽ tự động có được vị thế của một quốc gia chiến thắng. Đừng đánh giá thấp tầm ảnh hưởng ngoại giao của động thái này; cuối Thế chiến thứ nhất, chính phủ Bắc Dương đã cử lao động Hoa kiều hỗ trợ các nước Đồng minh tại châu Âu và đạt được vị thế nước chiến thắng, trở thành bước ngoặt quan trọng trong sự vươn lên của Trung Quốc.
Không chỉ thế, Triều Tiên còn đổi sự ủng hộ quân sự lấy tình hữu nghị từ Nga. Ngay sau khi Trump thắng cử, "Hiệp định Quân sự Triều - Nga" đã nhanh chóng được thông qua trong quy trình lập pháp của Nga, đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Triều Tiên và Nga. Với một lượng binh lực nhỏ, Triều Tiên đã đổi được từ Nga nguồn lương thực và năng lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của một nửa dân số nước này, thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào các nước láng giềng châu Á.
Từ năm ngoái, Triều Tiên cũng đã có được công nghệ tên lửa đạn đạo cực kỳ quý giá từ Nga bằng cách cung cấp đạn pháo chất lượng thấp cho Nga. Đánh giá từ dữ liệu hiện tại, tên lửa tầm xa của Triều Tiên có thể bao phủ toàn bộ châu Á, khiến nước này trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới sở hữu tên lửa xuyên lục địa sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.
Để giành được sự ủng hộ từ Triều Tiên, Nga thậm chí còn chia sẻ cả công nghệ tên lửa siêu thanh. Nhờ đó, Triều Tiên trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu công nghệ này, sau Nga, Trung Quốc và Mỹ. Tên lửa siêu thanh, với tốc độ bay gấp 5 lần tốc độ âm thanh, có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, trở thành một yếu tố then chốt trong việc xây dựng khả năng răn đe hạt nhân.
So với chiến lược “đặt cược nhỏ mà thắng lớn” của Triều Tiên, tầm nhìn chiến lược / vận may của Iran có phần kém hơn. Trước bầu cử Mỹ, Nga cũng từng cố gắng ký kết thỏa thuận liên minh quân sự với Iran và sẵn sàng chia sẻ công nghệ tên lửa. Tuy nhiên, vị tổng thống thân Mỹ của Iran đã đặt hy vọng vào việc Đảng Dân chủ sẽ khởi động lại "Thỏa thuận hạt nhân Iran" với Mỹ sau khi lên nắm quyền, đồng thời bỏ lỡ cơ hội kết nối với Nga. Khi Trump lên nắm quyền, áp lực chiến lược của Nga đã giảm đáng kể, khiến Iran dù có muốn liên minh với Nga cũng khó lòng được chấp thuận dễ dàng. Nga có thể sẽ tăng cao yêu cầu trong đàm phán. Đôi khi, cơ hội chọn phe chỉ đến trong khoảnh khắc, và khi đã bỏ lỡ, có thể sẽ không bao giờ quay lại.
Trump không phản đối chế độ chính trị của Triều Tiên, thậm chí còn khen ngợi Kim Jong-un là một “nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc.” Trong tương lai, Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như một con bài mặc cả để thử làm dịu quan hệ với Mỹ. Khi đó, Hàn Quốc sẽ rơi vào tình thế khó xử, và Trump có thể sẽ đe dọa rút quân khỏi Hàn Quốc nhằm buộc nước này phải trả thêm chi phí bảo vệ.
Triều Tiên đã dùng 12.000 quân làm đòn bẩy để đạt được vị thế của một nước tiềm năng giành chiến thắng; với 1 triệu quả đạn pháo kém chất lượng, họ đã đổi được công nghệ tên lửa đạn đạo của Nga; và bằng các gia tăng căng thẳng địa chính trị có tính chất phô diễn, họ đã thể hiện sự ủng hộ với Trump. Tỷ suất lợi nhuận từ những chiến lược đặt cược này có thể cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, khiến nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm cũng phải ngưỡng mộ. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Triều Tiên là quốc gia đầu tiên có thể "hút" tài nguyên từ Nga theo cách này. Nếu Kim Jong-un chuyển sang kinh doanh, ông có lẽ sẽ là một doanh nhân xuất sắc.
Người thắng thứ tư: Hungary
Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, Hungary trở thành quốc gia có lập trường khác biệt nhất trong Liên minh châu Âu. Năm 2022, bất chấp áp lực từ Brussels, Hungary nhiều lần từ chối cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Không những thế, khi EU công bố các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga, Hungary lại công khai duy trì thương mại với Nga, tiếp tục nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ Nga.
Năm 2023, trong khi 26 thành viên khác của EU ủng hộ Ukraine, Hungary không chỉ từ chối cung cấp viện trợ mà còn nhiều lần phủ quyết đề xuất gia nhập EU của Ukraine. Động thái này đã khiến Ủy ban châu Âu vô cùng phẫn nộ. Ursula von der Leyen nhiều lần chỉ trích Hungary là “kẻ phản bội” của EU và tìm cách đóng băng tư cách thành viên của nước này. Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, cũng không ngần ngại phản đối, ông đã công khai chỉ trích von der Leyen là "con rối của Mỹ" trước mặt các nghị sĩ EU.
Vào năm 2024, Orban đã chấp nhận rủi ro Hungary có thể bị khai trừ khỏi EU để thực hiện chính sách ngoại giao qua lại giữa Mỹ, Nga, Ukraine và Trung Quốc. Ông bắt đầu bằng chuyến thăm Ukraine và Nga, gặp lần lượt Zelensky và Putin. Sau đó, Orban đến Trung Quốc để trao đổi về vấn đề Nga-Ukraine. Ở chặng cuối của chuyến đi, Orban tới Mỹ nhưng từ chối gặp Biden, thay vào đó ông đến Mar-a-Lago ở Florida để gặp Trump và ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông. Sự ủng hộ "tất tay" này đã làm tăng đáng kể sự ưu ái của Trump dành cho ông.
Sau khi Trump nhậm chức, Orban có thể sẽ thay thế Ursula von der Leyen trở thành đại diện của Mỹ tại châu Âu. Nếu Trump muốn làm trung gian hòa giải cuộc chiến Nga-Ukraine, Hungary rất có thể sẽ trở thành trung tâm trọng tài ngoại giao và vị thế quốc tế của nước này sẽ được cải thiện rất nhiều — điều mà các quốc gia khác trong EU không thể sánh được. Không những thế, trong quá trình EU áp thuế bổ sung lên xe điện của Trung Quốc trong năm nay, Hungary là nước đầu tiên bỏ phiếu phản đối. Động thái này khiến Hungary nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, với nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô điện của Trung Quốc dự kiến sẽ mở nhà máy tại Hungary để tránh thuế quan của EU. Hungary có khả năng trở thành đầu cầu cho thương mại Trung Quốc - châu Âu, và mức độ phát triển kinh tế của nước này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhờ lập trường linh hoạt và việc đặt cược đúng vào kết quả bầu cử Mỹ, Hungary vừa được hưởng lợi từ nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, vừa giành được sự tin tưởng từ Đảng Cộng hòa của Mỹ, lại còn có thể đón nhận năng lực sản xuất ô tô điện từ Trung Quốc. Orban đã giữ chức Thủ tướng Hungary trong 20 năm, và nhờ vào những thành tựu trong vài năm gần đây, ông có thể tiếp tục tại vị thêm 10 năm nữa. Đây mới thực sự là “chiến thắng toàn diện”.
Người thắng thứ năm: Các đại gia công nghệ mới
Trong hơn một thập kỷ qua, các đại gia công nghệ mới nổi, tiêu biểu như Elon Musk, đã nhanh chóng vươn lên, trở thành lực lượng cạnh tranh với các tập đoàn tài phiệt truyền thống. Nhóm các đại gia công nghệ này đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ và mong muốn được giảm bớt các chính sách quản lý. Trong khi đó, các tập đoàn truyền thống đã bước vào giai đoạn ổn định và muốn duy trì những lợi ích hiện có.
Thời Chiến Quốc, thương nhân Lã Bất Vi từng thảo luận về đạo lý kinh doanh với cha mình.
Lã Bất Vi hỏi: "Làm ruộng có thể sinh lời bao nhiêu?"
Cha ông trả lời: "Gấp mười lần."
Lã Bất Vi lại hỏi: "Buôn bán ngọc quý có thể kiếm được bao nhiêu lợi nhuận?"
Cha ông đáp: "Gấp trăm lần."
Lã Bất Vi tiếp tục hỏi: "Nếu giúp ai đó trở thành vua một nước, thì lợi nhuận sẽ là bao nhiêu?"
Cha ông cảm thán: "Không thể đếm xuể."
Sau đó, Lã Bất Vi đã đầu tư mạnh mẽ vào Tử Sở - người con lưu lạc của vua nước Tần, thậm chí còn gả người thiếp yêu quý của mình cho Tử Sở. Cuối cùng, ông đã giúp Tử Sở trở thành quân chủ của nước Tần, và Lã Bất Vi từ đó một bước lên làm tể tướng nước Tần.
Elon Musk đã thể hiện sự táo bạo và khả năng đánh cược đúng hướng trong sự nghiệp của mình. Hơn một thập kỷ trước, để nhận được các khoản vay và trợ cấp từ Đảng Dân chủ, ông tự nhận là người hâm mộ trung thành của Obama, xây dựng hình ảnh như một nhà bảo vệ môi trường và tham gia các tổ chức ủng hộ chính sách nhập cư. Điều này khiến nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa coi ông là đại diện của phe cánh tả.
Bắt đầu từ năm 2022, Musk chuyển hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa, ban đầu đặt cược vào Ron DeSantis. Khi chiến dịch của Trump vượt lên, Musk nhanh chóng trở thành người ủng hộ phong trào MAGA. Ông mua lại Twitter với giá cao và khôi phục tài khoản của Trump. Năm nay, Musk đã trở thành doanh nhân được ủng hộ nhiều nhất nước Mỹ. Không chỉ cung cấp hàng trăm triệu USD cho quỹ vận động tranh cử, ông còn đích thân tham dự hầu hết các bài phát biểu của Trump. Khác với phần lớn những người ủng hộ MAGA, Musk đã trở thành một trong những cổ đông của phong trào này.
Với những đóng góp này, khi Trump lên nắm quyền, Musk chắc chắn sẽ nhận được nhiều đặc quyền. Trump có thể hủy bỏ trợ cấp cho xe điện, gián tiếp gây khó khăn cho các đối thủ của Tesla, giúp Tesla duy trì vị thế độc quyền trên thị trường. Chính phủ Mỹ cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của SpaceX và nới lỏng quy định về tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, Đảng Cộng hòa có thể đàn áp phong trào công đoàn, giúp Tesla giảm chi phí.
Có thể nói, Musk là một "doanh nhân đỏ" thực thụ. Với việc kiểm soát các lĩnh vực xe điện, hàng không, truyền thông, tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo, ông đã biến khái niệm "giàu có ngang quốc gia" thành hiện thực.
Tuy nhiên, khi có người thắng, cũng sẽ có kẻ thua. Sau khi Trump lên nắm quyền, một số lực lượng dự kiến sẽ chịu tổn thất nặng nề.
Kẻ thua đầu tiên: Ukraine
Sau ba năm chiến tranh, Ukraine đã bị tàn phá nặng nề, với chi phí tái thiết ước tính lên đến 300 tỷ USD. Hàng triệu người dân Ukraine đã rời bỏ quê hương, làm sụp đổ cấu trúc dân số vốn đã già hóa của quốc gia này. Ukraine cố gắng duy trì sự kiên trì trong chiến đấu với hy vọng rằng nếu Đảng Dân chủ lên nắm quyền, họ sẽ tiếp tục nhận được viện trợ. Zelensky mong muốn kéo dài cuộc chiến để buộc Nga phải nhượng bộ về lãnh thổ.
Tuy nhiên, khi Trump lên nắm quyền, sự kiên trì của Ukraine trở nên vô nghĩa, và nước này có thể trở thành một con bài để Mỹ dùng để thương thảo với Nga. Nếu Ukraine cuối cùng phải nhượng bộ lãnh thổ dưới áp lực từ Trump, thì Zelensky sẽ khó lòng giữ được chức vụ. Ở nhiều khía cạnh, sự tồn tại của cặp đôi “Putin - Trump” và “Zelensky - Harris” chỉ có thể giữ được một bên.
Đây là một sự thật tàn nhẫn, khi mà số phận của người Ukraine và người Palestine đã được định đoạt ngay từ thời điểm kết quả bầu cử Mỹ được công bố.
Kẻ thua thứ hai: Liên minh châu Âu (EU)
Nếu Ukraine buộc phải nhượng bộ lãnh thổ dưới áp lực từ Mỹ, châu Âu cũng sẽ là một “quốc gia bại trận” trên thực tế.
Trước chiến tranh Nga-Ukraine, châu Âu vốn đã phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu sức cạnh tranh kinh tế do không bắt kịp cuộc cách mạng internet. Ngành sản xuất của châu Âu dần mất vị thế trên thị trường toàn cầu. Khi chiến tranh bùng nổ, châu Âu mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, làm chi phí sinh hoạt tăng cao.
Sau khi Trump lên nắm quyền có thể kéo theo việc Mỹ rút lui khỏi chiến lược phòng thủ ở châu Âu, yêu cầu EU tăng chi tiêu quốc phòng và cắt giảm phúc lợi. Sau khi mất đi năng lượng giá rẻ, châu Âu sẽ tiếp tục mất đi "phòng thủ giá rẻ", buộc phải hướng tới tự chủ chiến lược.
Không chỉ vậy, do đã phối hợp quá chặt chẽ với Đảng Dân chủ Mỹ trong việc áp thuế lên xe điện của Trung Quốc, EU cũng đã gây mâu thuẫn với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa giá rẻ và thị trường lớn cho EU. Nếu không còn sự bảo trợ của Mỹ, EU sẽ phải nhượng bộ trong nhiều lĩnh vực để cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Trong các nền kinh tế lớn, Đức có thể là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Là quốc gia trung tâm của EU, Đức đã đầu tư mạnh vào Ukraine sau khi chiến tranh bùng nổ, với hy vọng rằng nếu Ukraine chiến thắng, Đức có thể thoát khỏi cái bóng của một nước thua trận trong Thế chiến II. Tuy nhiên, với việc Trump lên nắm quyền, hy vọng của Đức đã tiêu tan. Sau khi đổ rất nhiều tiền bạc và nguồn lực, Đức không chỉ không đạt được gì mà còn rơi vào tình trạng tăng trưởng kinh tế âm, “mất cả vốn lẫn lãi”.
Kẻ thua thứ ba: Iran
Vào tháng 7 năm nay, Iran đã bầu một tổng thống thuộc phe thân Mỹ, với hy vọng rằng nếu Đảng Dân chủ tiếp tục cầm quyền, Thỏa thuận Hạt nhân Iran có thể được khôi phục và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran sẽ được nới lỏng. Để hỗ trợ cho cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ, Iran đã nhẫn nhịn, thậm chí chỉ thực hiện các động thái trả đũa mang tính "hình thức" ngay cả khi đồng minh của mình bị Israel tấn công. Tuy nhiên, nước cờ này của Iran đã thất bại, và sự nhẫn nhịn trước đây của họ lại bị coi là dấu hiệu của sự yếu kém.
Với việc Trump lên nắm quyền, Iran có thể sẽ bị chặn nguồn xuất khẩu dầu mỏ, ngành công nghiệp quan trọng nhất của nước này. Điều này có thể đẩy kinh tế Iran đến bờ vực sụp đổ. Đồng thời, Iran đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực quan trọng do Lãnh tụ Tối cao Khamenei đã cao tuổi. Nếu Khamenei qua đời trong nhiệm kỳ của Trump, Mỹ có thể sẽ tận dụng cơ hội này để kích động một "cách mạng màu" ở Iran, nhằm lật đổ chính quyền Tehran.
Nếu Iran rơi vào khủng hoảng, "vòng cung Shia" (Shia Crescent) – mạng lưới liên minh của các quốc gia và tổ chức Hồi giáo Shia trong khu vực – có thể sụp đổ do thiếu nguồn tài chính hỗ trợ.
Kẻ thua thứ tư: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)
Không nghi ngờ gì, Fed đã hạ lãi suất mạnh 50 điểm cơ bản vào tháng 9 chủ yếu để hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ. Jerome Powell, Chủ tịch Fed, không mấy thiện cảm với Trump; trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, Powell đã nhiều lần phát tín hiệu tăng lãi suất, gián tiếp giúp Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện. Trước bầu cử tổng thống năm nay, Powell tiếp tục chịu áp lực để thúc đẩy Fed hạ lãi suất mạnh tay, với động cơ can thiệp vào bầu cử khá rõ ràng.
Khi Trump lên nắm quyền, ông có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch “Drain the Swamp” bằng cách cho phép tổng thống Mỹ vượt qua Quốc hội để sa thải các quan chức kỹ trị, đồng thời giảm bớt tính độc lập của Fed nhằm đáp trả việc Fed can thiệp vào bầu cử. Khả năng cao Powell sẽ bị yêu cầu rời ghế sau khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2026, và Trump sẽ bổ nhiệm một người trung thành để giữ vị trí Chủ tịch Fed.
Kẻ thua thứ năm: Phe truyền thống của Đảng Cộng hòa
Nhóm thua nặng nhất trong cuộc bầu cử lần này có lẽ là phe truyền thống của Đảng Cộng hòa. Trước bầu cử, các gia tộc chính trị truyền thống của Đảng Cộng hòa như Cheney, Romney, và Bush đã công khai ủng hộ Harris. Liz Cheney, từng là nhân vật số ba của Đảng Cộng hòa, thậm chí còn tham gia vào các cuộc vận động của Harris để thu hút cử tri. Đổi lại, Harris hứa rằng nếu thắng cử, bà sẽ giao cho Cheney một vị trí quan trọng trong nội các của mình nhằm thể hiện tinh thần hợp tác lưỡng đảng.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là Trump thắng lớn ở bảy bang chiến trường và giành quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Điều này đánh dấu việc Đảng Cộng hòa hoàn toàn trở thành một đảng của phong trào MAGA (Make America Great Again), trong khi gia tộc Cheney và Bush bị coi là "kẻ phản bội" của Đảng Cộng hòa, và sự nghiệp chính trị của các thành viên trong gia tộc này có thể kết thúc. Hơn nữa, khi Trump lên nắm quyền, ông sẽ tiếp tục loại trừ những người bất đồng trong nội bộ, khiến không gian tồn tại của phe truyền thống ngày càng bị thu hẹp.
Sau khi Trump rời nhiệm sở, dự kiến vào năm 2028, J.D. Vance hoặc một thành viên khác của phong trào MAGA sẽ tham gia tranh cử tổng thống, báo hiệu rằng trong tám năm tới, phe truyền thống của Đảng Cộng hòa gần như không có cơ hội trở lại. Những người còn lại trong đảng hoặc phải phụ thuộc vào Trump, hoặc phải chuyển sang Đảng Dân chủ. Con đường ngoại giao mà Ronald Reagan – người sáng lập Đảng Cộng hòa hiện đại – đã xây dựng giờ đây đã bị phủ nhận hoàn toàn.
Kẻ thua thứ sáu: Phe cực tả của Đảng Dân chủ
Phe cực tả, do Obama và Pelosi đại diện, sau khi nắm quyền đã thúc đẩy mạnh mẽ chính trị bản sắc, gây chia rẽ và bất ổn tại Mỹ. Dưới áp lực của "chính trị đúng đắn," ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ phải sử dụng nhiều diễn viên thuộc các dân tộc thiểu số, đồng thời đưa các vai diễn người da đen vào nhiều bộ phim vốn là của người da trắng. Phe cực tả thậm chí còn đưa ra hơn 50 loại giới tính khác nhau và cho phép đàn ông tham gia vào các cuộc thi thể thao dành cho nữ.
Trên thực tế, Đảng Dân chủ chia thành hai phe lớn: phe cực tả, với các đại diện như Obama, Harris, và Newsom; và phe ôn hòa, gồm Clinton, Biden, và Shapiro.
Sau khi Biden nhậm chức tổng thống, theo truyền thống, Biden nên tiếp tục tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Tuy nhiên, Obama và Pelosi, không muốn mất quyền lực, đã ép Biden rút lui bằng một cuộc "đảo chính ngầm." Xét về kết quả cuối cùng, nếu Biden tiếp tục tranh cử, với lợi thế là một người con của bang Pennsylvania và là tín đồ Công giáo, có thể ông đã giúp Đảng Dân chủ bảo toàn chiến thắng ở Pennsylvania, ít nhiều giữ lại thể diện cho đảng.
Thất bại của Harris không hẳn là điều xấu cho Đảng Dân chủ, vì nó cho thấy phần lớn người dân Mỹ không ủng hộ "chính trị bản sắc," và đường lối cực tả đã bị tạm thời bác bỏ. Không chỉ vậy, dưới sự hỗ trợ của Pelosi, Newsom từng là người kế vị không tranh cãi của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, với thất bại của Harris, vị trí kế vị của Newsom sẽ gặp thách thức. Trong 4 năm nữa, Thống đốc Pennsylvania Shapiro có thể trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Newsom.
Kẻ thua thứ bảy: Các tài phiệt truyền thống
Nếu Musk và các công ty công nghệ mới nổi khác đứng về phía Trump trong cuộc bầu cử này, thì Bill Gates và các nhà tài phiệt truyền thống khác đã chọn giúp đỡ Đảng Dân chủ. Sau khi Trump lên nắm quyền, ông có thể sẽ “thanh trừng” một phần các tài phiệt truyền thống bằng cách cắt giảm một số hợp đồng chính phủ với họ. Đối với một số cá nhân đặc biệt “gai góc,” Trump có thể sử dụng các lý do chống độc quyền để hạn chế hoạt động sáp nhập của họ. Thậm chí, J.D. Vance còn đề xuất chia tách các tập đoàn lớn như Google và Microsoft.
Ngược lại, những người như Zuckerberg và Bezos, mặc dù đã từng gây xích mích với Trump trong cuộc bầu cử năm 2020, lần này đã sớm nhìn thấy tình hình bất lợi và chuyển hướng để tránh bị “chôn vùi” cùng với chính phủ ngầm. Trump có thể sẽ “nương tay” với các cá nhân trung lập này và ưu tiên xử lý những doanh nhân không tuân thủ.
Mặc dù Biden và Trump từng có nhiều mâu thuẫn, nhưng những người truy đuổi Trump thực sự đứng sau lại là Obama và Pelosi. Là một người nghiêng về cánh trung hữu trong tư tưởng, Biden không hoàn toàn ở vào thế “một mất một còn” với Trump. Trước bầu cử, Biden thậm chí đã nhiều lần “giúp đỡ ngầm” cho Trump, chẳng hạn như lan truyền thông tin sai lệch về việc Israel tấn công các cơ sở năng lượng của Iran và gọi những người ủng hộ Trump là “rác rưởi.” Những động thái này như một dạng “đối trọng.” Sau khi Trump lên nắm quyền, ông có khả năng sẽ tập trung vào việc trả đũa Obama và Pelosi, còn Biden có thể sẽ được "giơ cao đánh khẽ."
Nhiều người cho rằng Ivanka sẽ mất lòng tin của Trump sau khi chuyển sang ủng hộ phe truyền thống. Tuy nhiên, ngược lại, từ xưa các gia tộc chính trị lớn thường không bao giờ “để hết trứng vào một giỏ,” mà thường thực hiện chiến lược “đối trọng.”
Ví dụ, thời Tam Quốc, gia đình họ Gia Cát có ba anh em Gia Cát Cẩn, Gia Cát Lượng và Gia Cát Đản lần lượt phục vụ cho ba quốc gia Đông Ngô, Thục Hán và Tào Ngụy, nhằm đảm bảo rằng bất kể bên nào thắng, gia tộc vẫn sẽ duy trì sự vinh quang.
Năm 2021, khi Trump đối mặt với nguy cơ bị truy tố sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol, gia đình Trump đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong hoàn cảnh nguy hiểm này, Ivanka – con gái cả – đã hy sinh danh tiếng của mình và đứng về phía phe truyền thống như một đường lui cho gia đình. Nếu Trump thất thế, Ivanka có thể sẽ cung cấp thông tin cho phe truyền thống như một hình thức đảm bảo an toàn cho gia đình mình. Đối với Trump, Ivanka vẫn là người thân tín nhất, và khi ông trở lại vị trí quyền lực, chắc chắn sẽ đền bù những tổn thất mà Ivanka đã gánh chịu.
Nhiều quan điểm thích dùng chính sách của Trump 1.0 để suy luận về chính sách của Trump 2.0 nhưng điều đó có thể dẫn đến sai lầm, bởi logic cơ bản đã thay đổi.
Lý do khiến Trump là tổng thống quyền lực nhất trong lịch sử nước Mỹ không chỉ đơn giản vì Đảng Cộng hòa kiểm soát cả hành pháp, lập pháp và tư pháp, mà còn vì ông đã hoàn toàn nắm quyền trong Đảng Cộng hòa.
Năm 2008, khi Obama vừa nhậm chức, dù Đảng Dân chủ cũng kiểm soát cả hai viện, Obama vẫn là một tổng thống yếu thế vì phần lớn các quan chức trong Nhà Trắng là thuộc phe của Clinton. Obama không thể chỉ đạo nội các một cách hiệu quả, và nhiều chính sách của ông thậm chí không thể ra khỏi Văn phòng Tổng thống.
Hiện nay, Đảng Cộng hòa đã loại bỏ hết những thế lực chống đối Trump, và với 70 triệu lá phiếu cốt lõi, Trump có thể quyết định tương lai của hầu hết các thống đốc và nghị sĩ Cộng hòa. Những người từng là đồng nghiệp với Trump tám năm trước giờ chỉ còn là “bề tôi.” Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, dù là nhân vật thứ ba của Đảng Cộng hòa, cũng chỉ là "cánh tay" của Trump. Do đó, không cần lo Trump sẽ ưu tiên chính sách đối ngoại hay đối nội, vì giờ đây ông có thể thúc đẩy đồng thời cả hai. Trước đây, việc phân chia thứ tự là do quyền lực chưa tập trung; giờ đây, sau khi đã hợp nhất quyền lực, hiệu quả chính sách sẽ rất cao. Phong trào MAGA trong những năm qua đã xây dựng một nguồn nhân lực rộng lớn, với nhiều chuyên gia và nhân viên sẵn sàng thực thi các chính sách của Trump.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ thịnh vượng sau khi Trump lên nắm quyền?
Một số người muốn biết liệu nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện vào những năm tới, và có nhiều kịch bản dự đoán cho vấn đề này.
Tuy nhiên nếu nhìn theo góc độ bầu cử, trong vài năm gần đây, bất cứ khi nào có bầu cử ở nước ngoài, các đảng cầm quyền thường đối mặt với những kết quả không mấy khả quan. Dù là cực hữu, cánh hữu, trung lập, cánh tả hay cực tả, hầu như không ngoại lệ. Có thể nhận định rằng cử tri không hài lòng với tình hình kinh tế hiện tại, và việc luân chuyển đảng phái đã trở thành điều thường nhật.
Từ năm 2022, thế giới rơi vào biến động chính trị như vậy chủ yếu là do nền kinh tế bất ổn. Bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine và đại dịch COVID-19, các quốc gia tài nguyên gặp tình trạng "tăng giá", các quốc gia sản xuất lâm vào trì trệ, và các quốc gia tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng "lạm phát đình trệ". Tình hình hiện nay có thể không giống với giai đoạn 2017.
Trong các nước theo chế độ nghị viện, đảng cầm quyền đôi khi sẽ tổ chức bầu cử sớm trong hai trường hợp:
- Khi tình hình kinh tế hiện tại rất tốt và đảng cầm quyền muốn tận dụng cơ hội để củng cố ưu thế.
- Khi dự báo tình hình kinh tế tương lai xấu đi, thời gian càng kéo dài, đảng cầm quyền sẽ thua càng nặng.
Năm nay, trong số các nước G7, đã có bốn nước tổ chức bầu cử sớm: Pháp, Anh, Nhật Bản và Đức; Canada có thể sẽ sớm nối gót.
Chẳng hạn như ở Anh, Thủ tướng Rishi Sunak đã tổ chức bầu cử sớm và Đảng Bảo thủ đã thất bại nặng nề, mất hơn 200 ghế. Tuy nhiên, Sunak vẫn được coi là "người hùng" vì nếu bầu cử diễn ra muộn hơn vài tháng, thất bại của Đảng Bảo thủ có thể còn tồi tệ hơn.
Nhật Bản cũng tương tự. ứng cử viên lâu năm Shigeru Ishiba trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vì không ai muốn tiếp quản "mớ hỗn độn" của chức vụ Thủ tướng trong tình hình bất ổn. Thủ tướng tiền nhiệm Junichiro Koizumi thậm chí còn kiên quyết phản đối việc con trai ông tranh cử chức Thủ tướng, vì Trump lên nắm quyền có thể mang lại nhiều bất ổn cho Nhật Bản. Sau khi Ishiba trở thành Chủ tịch, ông đã giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm, dẫn đến thất bại lớn cho LDP. Tuy nhiên, nếu bầu cử diễn ra vào năm sau, LDP có lẽ thậm chí không giữ được vị trí đảng lớn nhất. Trong trường hợp Harris thắng cử, phe đối lập Nhật Bản có thể sẽ tranh chức Thủ tướng, nhưng với Trump, trước sự bất ổn trong quan hệ Mỹ-Nhật và khu vực Đông Á, phe đối lập đã từ bỏ mong muốn thành lập chính phủ. Dự kiến, Ishiba sẽ tiếp tục làm Thủ tướng trong vai trò “gánh vác” hậu quả và sẽ phải từ chức sau khi LDP tiếp tục thua trong cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới.
Tại Đức, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã rút khỏi chính phủ liên minh, kịp thời “nhảy tàu.” Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử sớm, và nếu không có gì thay đổi, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) sẽ thua cuộc nặng nề, mở đường cho sự trỗi dậy của phe cực hữu. Scholz hiện đã trở thành một Thủ tướng tạm thời và có lẽ sẽ về hưu sau khi mãn nhiệm.
Các chính trị gia của các nước phát triển có thể không phải là những người thông minh nhất thế giới, nhưng họ là những người nắm giữ thông tin nhiều nhất. Họ đã thể hiện thái độ của mình đối với việc Trump quay trở lại nắm quyền cũng như những dự báo về tình hình kinh tế toàn cầu trong năm tới.
Vì vậy không nên lạc quan quá mức rằng Trump sẽ mang lại hòa bình hay thịnh vượng cho thế giới trong thời gian tới. Đây cũng là thách sau khi Trump nhậm chức, nếu ông không giải quyết được các vấn đề kinh tế, 4 năm nữa Đảng Cộng hòa cũng sẽ bị bỏ phiếu loại và tình thế cũng có thể sẽ thay đổi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất