CƯỜI ĐI, CƯỜI CHO NGÀY CẤT ĐẦU LÊN
Thế giới này cơ bản không quan tâm bạn nỗ lực ra sao, họ chỉ quan tâm kết quả bạn đạt được là gì. Hay là kết quả thì cũng quan trọng đấy, nhưng hãy trân quý quá trình giúp mình đạt được kết quả đó?
- “Bên nhân sự báo em nghỉ việc rồi”
- “Sao thế, năng lực của em, cũng không đến mức bị cho nghỉ chứ” - Mình hỏi
- “Em cũng không biết. Nhưng đi làm em áp lực lắm, đầu óc nặng nề, em không nghĩ được gì, không làm được việc gì tốt cả”.
- “Giờ em tính sao?”
- “Em về quê. Ở hẳn hay tiếp tục trở lại, em cũng không biết nữa”.
- “Ừ, về quê nghỉ ngơi, suy nghĩ thêm cũng được. Ngày xưa t cũng thế, cũng phải về quê mất 3 tháng mới có thể tiếp tục bước đi trên phố”.
Thời điểm mình bắt đầu đi làm như nó, mình cũng gặp tình trạng tương tự. Khác biệt ở chỗ, lúc đi học mình cố gắng hơn em gấp nhiều lần, nên mình cũng không hỏi em quá nhiều tại sao lại bị cho nghỉ việc. Nhưng mình đoán, có một áp lực đè lên đầu con bé, là áp lực của sự kỳ vọng kết quả. Nó cảm thấy năng lực của mình không xứng đáng với những gì mình nhận lại. “Mình phải tạo ra một kết quả nào đó xứng đáng”.
Thứ áp lực đó đè lên khiến năng lực bản thân không có cơ hội phát huy. Sinh viên mới ra trường, như một mầm non đang vươn mình trở thành cây lớn. Mà cái áp lực từ kết quả, giống như một miếng plastic vậy, cản mầm cây không cho vươn mình khỏi giới hạn.
Con bé, hay chính mình ngày xưa, cứ luẩn quẩn trong cái vòng lặp: Mong kết quả - Kết quả không như ý - Áp lực - Tiêu cực - Không phát triển - Kết quả không cải thiện - Mong kết quả - Kết quả không như ý - …..
Thầy mình từng dạy, kết quả thì cũng quan trọng đấy, nhưng hãy trân quý quá trình giúp mình đạt được kết quả đó.
Còn mình thì nghiêng về quan điểm này hơn: Thế giới này cơ bản không quan tâm bạn nỗ lực ra sao, họ chỉ quan tâm kết quả bạn đạt được là gì.
Với mình, thời gian đó, nếu không tạo ra kết quả gì, tất cả nỗ lực đều là bỏ đi. Không tạo ra kết quả như kỳ vọng, mọi nỗ lực và năng lực của bản thân, mình đều phủ nhận hoàn toàn. Mà định nghĩa kết quả của mình, chính là tiền.
Quan điểm kết quả đó, đúng mà nhỉ? Giống một cái cây to, nếu bị chặt thì người ta sẽ thương xót cái cây, chửi rủa kẻ chặt. Nhưng chính những con người đó lại dễ dàng dẫm bẹp những ngọn cỏ non.
Một người không có kết quả gì, sự cố gắng, nỗ lực của người đó chỉ là câu chuyện cười cho nhiều người nghe. Nhưng khi có kết quả rồi, nó lại là câu chuyện truyền cảm hứng, lấy đi bao nước mắt của người đời.
Gặp nhiều người, nghe nhiều chuyện, mình đoán, chúng ta đa số đều là những người “trung bình”. Vì dù người khác có công nhận mình hiểu biết cỡ nào, giỏi giang ra sao, chúng ta vẫn cứ ngước lên nhìn những người giỏi giang hơn. Chúng ta cảm thấy bản thân mình, với năng lực này, làm việc nhỏ thì không đáng, làm việc lớn lại không xong. Còn việc “vừa vừa” thì định nghĩa không nổi. Không giỏi, cũng không dốt, cứ ở giữa vậy, nhưng ở khoảng nào lại không rõ, thành ra mông lung, vô định.
Chúng ta mong muốn mình bứt ra khỏi cái khoảng đó, tự thúc bản thân phải nhanh lên, nhanh nữa lên. Mà cái hiển hiện rõ nhất xem mình đang ở đâu, chính là kết quả mà mình đạt được.
Mình không biết, mọi người có cảm giác áp lực vì kết quả như thế không. Mình cũng không biết, mọi người có cảm giác đó ở thời gian nào. Còn mình, năm mình bị đè nén bởi nó, mình mới 21 tuổi.
Nghĩ lại thật điên rồ, 21 tuổi, kỳ vọng gì chứ. Tất nhiên, có những người bằng hoặc thua tuổi mình, thành tựu của họ ghê gớm không nể không được. Nhưng mình chỉ nhìn vào kết quả thôi. Một phần, mình không nhìn vào sự nỗ lực của họ. Một phần, mình không nhìn vào xuất phát điểm của họ. Cả 2 đều khác nhau một trời một vực.
Năm đó, mình về quê 3 tháng để đầu óc thảnh thơi. Bạn bè hay sếp cũ của mình đều khuyên rằng, nên chơi chút đi, vì thấy đầu óc mình lúc nào cũng chỉ có học và làm. Nhưng 3 tháng ấy, mình chỉ chơi được 2 tuần. Thời gian còn lại, mình tiếp tục học, nghe, ngẫm. Rồi mình cũng nhận được thứ mà mình cần.
Không phải một động lực gì hào nhoáng, cũng không phải sự tái xuất mạnh mẽ gì. Một câu nói, khiến mình bình tâm hơn, vững tâm hơn khi trở lại Hà Nội:
Cười đi, cười cho ngày cất đầu lên.
Mình tự ngộ ra rằng, không phải cười như 1 đứa điên, không phải cười như 1 người phê đá để quên đi cái khổ của cuộc đời này. Mà mình cười, bởi vì mình biết rằng, những cố gắng của mình, những nỗ lực của mình, sau này chính là nguyên liệu giúp ta tỏa sáng, giúp ta lan tỏa động lực tới nhiều người hơn nữa.
Mình không còn lo lắng nữa, những nỗ lực của mình sẽ không đi tới đâu.
Mình cũng không lo lắng nữa, mình sẽ chẳng đạt được kết quả gì.
Vì tất cả sẽ là nguyên liệu cho ngày tỏa sáng.
Nếu thời điểm hiện tại không tốt, thì rèn luyện thêm thôi. Quá khứ như nào, cũng cứ mặc kệ nó, vì bám víu vào nó chỉ làm mình thêm mệt mỏi. Coi như bắt đầu từ số 0, học tập với tâm thế như người mới bắt đầu, xác định bản thân sẽ ăn mỳ tôm thêm 2 năm nữa. Sau đó, sẽ là lúc mình cất đầu lên. Tuổi nào cũng nên nghĩ vậy.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất