CUỘC ĐỜI CỦA PI - CUỐN SÁCH LÀM TÔI NGỦ KHÔNG ĐƯỢC VÌ CHẢ BIẾT TIN CÂU CHUYỆN NÀO?
LIFE OF PI - CUỘC ĐỜI CỦA PI ( đọc pi hay pai cũng được hết) Cuộc đời của Pi là một cuốn sách ý nghĩa và truyền cảm hứng....
LIFE OF PI - CUỘC ĐỜI CỦA PI ( đọc pi hay pai cũng được hết)
Cuộc đời của Pi là một cuốn sách ý nghĩa và truyền cảm hứng. Cuốn sách là một câu chuyện khiến bạn suy ngẫm nhiều bởi lẽ tầng lớp nội dung sâu xa trong sách. Đặc biệt là khía cạnh văn hoá tôn giáo và sự thật bản chất con người được ẩn ý trong câu chuyện.
“Chú thích: - CDCP: Cuộc đời của Pi- RP : Richard Parker ”
"Cuộc đời của Pi (tiếng Anh: Life of Pi) là một tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel, được xuất bản năm 2001 bởi nhà xuất bản Knopf Canada.
Từ năm 2002 đến 2003 cuốn sách lần lượt dành được các giải nổi tiếng như Man Booker, Canada Reads, CBC Radio.
2004 CDCP chuyển thể tiếng việt thành công bởi dịch giả Trịnh Lữ và đuoc phát hành bởi nhà sách Nhã Nam
2012 CDCP chính thức lên màn ảnh rộng với kỹ thuật 3D - CGI đẹp mắt.
Hmm mình nghĩ nếu bạn nào chưa xem phim này thì hãy xem nó ngay đi, vì nó sẽ không làm phung phí 2 giờ đồng hồ của bạn đâu.
Quay lại vấn đề chính
Đây quả là cuốn sách hoàn hảo cho những ai thích đọc về những chuyến phiêu lưu và những hành trình mang tính sống còn. Và "Life of Pi" không chỉ đơn thuần là một tự truyện của một chàng trai đấu tranh sinh tồn mà life of pi còn là một cuốn sách nặng về tôn giáo tâm linh những kiến thức quan điểm về triết học. Mỗi chúng ta khi đọc xong quyển sách này sẽ rút ra được những ý nghĩa cho riêng mình. Tuy nhiên, cái mà mình suy nghĩ nhiều nhất đó là cách hiểu về bản chất của con người được tác giả cài cắm trong câu chuyện.
Trước hết cần phải biết "CĐCP" được kể như thế nào và có những câu chuyện gì.
Đọc thêm:
PHẦN I : TÓM TẮT
Đó là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Piscine Molitor Patel, gọi tắt là Pi – sinh ra và lớn lên ở Pondicherry (Ấn Độ), cha cậu là chủ của một vườn thú.Cậu say mê tôn giáo và cùng một lúc theo cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Để tránh những biến cố chính trị, gia đình cậu chuyển toàn bộ vườn thú tới Canada để sinh sống, trên một con tàu của Nhật Bản có tên là Tsimtsum. Và con tàu đã gặp một cơn bão lớn và không may bị đắm và chìm , Pi lạc mất gia đình mình, chỉ duy nhất mỗi cậu sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ trong 227 ngày cùng một con hổ Bengal có tên Richard Parker, một con linh cẩu, một con đười ươi và một con ngựa vằn. Cuối cùng, chỉ còn lại con hổ và cậu lênh đênh trên biển. Sử dụng những hiểu biết về nuôi dưỡng thú hoang, Pi đã duy trì sự sống của cả cậu và Richard Parker cho tới khi cả hai dạt lên một bờ biển. Câu chuyện bắt đầu khi tác giả gặp Pi, lúc này đã ở tuổi trung niên có vợ và hai con, tại Winnipeg - Canada và bắt đầu ghi chép lại chuyện đời của anh. . Quyển sách có độ dài gồm 3 phần với chẵn 100 chương, hơn 400 trang.
Phần1: Toronto và PodicherryPhần 2: Thái Bình DươngPhần3: Trạm xá Benito Juarez, Tomatlan, Mexico ( beni đô - qua red- mexicou)
và mình cá chắc là nhiều bạn sẽ thích "Phần hai: Thái Bình Dương" nhất so với hai phần đầu và cuối. Có một điều mình khá buồn khi đọc một số bài review về sách đó là đa phần các bạn chỉ chú ý đến Phần hai mà bỏ qua, thậm chí còn cho rằng Phần một và Phần ba là dài dòng, nhàm chán và thừa thải. Thực chất, Phần một và ba (theo mình) mới là trọng tâm nói lên ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm này. Ở Phần một, tác giả giới thiệu về xuất thân, gia đình và niềm tin tôn giáo của Pi \cùng một số quan điểm của Pi về thiên nhiên và động vật hoang dã. Thoạt nghe thì có vẻ không liên quan, nhưng nó là cơ sở để ta hiểu rõ về Pi và câu chuyện sau này.
Những ai đã đọc sách sẽ biết, Pi đã kể hai câu chuyện về chuyến hành trình sinh tồn của mình trên biển sau khi bị đắm tàu. Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện mà Pi sống sót trên xuồng cùng các con vật như linh cẩu, khỉ độc, ngựa vằn và con hổ Bengal tên Richard Parker.
Thời gian trôi dần con ngựa vằn bị con linh cẩu ăn thịt rồi đến con khỉ đôc " nước cam" cũng không thể thoát được tử thần , cuối cùng thì bị Richard Parker thịt lại ( ý mình là con linh cẩu không ngờ là có một con hổ ở trên thuyền và nó bị con mèo lớn bengal hôn phát chí mạng ngay cổ). Vào khoảnh khắc ấy, cũng là lúc Pi và Parker chạm mặt với nhau một cách trực diện.
Đoạn này bạn có thể hình dung là một tàu cỡ nhỏ, có ⅔ diện tích là bị phủ bởi tấm bạt lớn.Và tấm bạt ấy cũng chính là ranh giới giữa một cậu bé gầy gò Ân Độ với “hoàng thượng hơn trăm kg”.Chính vì thế, Pi lo sợ một ngày nào đó con hổ sẽ chén mình, nên cậu ta đã tự xây dựng riêng cho mình một cái bè.
Câu chuyện cậu bé và chú hổ bắt đầu từ đây, cả hai trải qua thời gian lênh đênh trên biển dài. Pi may mắn tìm được một chút thực phẩm trong hộp cứu hộ.
Cậu ta san sẻ thức ăn cho RP.
Sau dần thức ăn cạn kiệt, kể cả nước uống . Pi cũng không thể bắt cá hay rùa.
..
Từ chương 90 chúng ta sẽ bất ngờ khi mà trong sách sẽ có phân cảnh chính Pi giết người..và
RP đã làm nốt câu chuyện ấy,
Pi thậm chí còn sử dụng thịt người đó đee làm mồi câu . Chính vì thế cả hai sinh tồn đến khi gặp một hòn đảo với hàng triệu con chồn và tảo lớn.
Rồi một buổi tối Pi nhận ra hòn đảo này ban đêm tiết axit ăn mòn mọi thứ, pi còn phát hiện chiếc răng trong trái cây.
Cậu ta sợ rằng mình cũng sẽ dần chết mòn và thế là cả hai Pi RP đều phải tiếp tục hành trình cho đến khi cập đất liền.
Ở phần ba của quyển sách, khi hai nhân viên của Vụ Đường Biển - Bộ GTVT Nhật Bản (những người chịu trách nhiệm điều tra về vụ đắm tàu của gia đình Pi): Okamoto và Chiba tỏ vẻ không tin tưởng vào câu chuyện đó vì quá khó tin và thiếu bằng chứng thuyết phục, Pi đã đành phải kể câu chuyện thứ hai. Trong câu chuyện đó thay vì sự xuất hiện của các con vật thì có Pi, mẹ của Pi, một gã đầu bếp và một tên thuỷ thủ. Ở cả hai câu chuyện, con tàu đều đắm, cả gia đình Pi đều chết, Pi là người còn sống cuối cùng.
Đọc thêm:
PHẦN II NGHI VẤN
* Câu chuyện nào mà con người muốn tin nhất? Và câu chuyện nào mà người ta muốn nghe (thích) nhất?
Sau khi kể cho Okamoto và Chiba nghe cả hai câu chuyện, Pi có hỏi họ rằng họ thích câu chuyện nào hơn, thấy câu chuyện nào hay hơn. Cả hai đều cho rằng họ thấy câu chuyện thứ nhất - câu chuyện có các con vật là hay hơn. Nhưng nếu chọn, họ lại muốn tin vào câu chuyện thứ hai hơn. Đơn giản bởi vì con người thường tò mò và thích thú với những câu chuyện không được xác minh rõ ràng, những câu chuyện huyễn hoặc, truyền miệng mang tính thần thoại hơn, nhưng lại không đủ đức tin để có thể thuyết phục bản thân rằng câu chuyện đó là thật. Okamoto và Chiba muốn Pi kể câu chuyện thứ hai vì họ biết họ có thể dùng câu chuyện đó để trình báo lại với cấp trên.
* Bạn có dám kể câu chuyện thực sự về cuộc đời mình?
Hãy tự hỏi lòng mình, có phải chúng ta luôn cảm thấy lo sợ khi phải phơi bày cuộc đời và con người mình trước người khác, để cho người ta biết về những góc tối của mình? Do đó khi nói về mình, dù ít dù nhiều thì ta luôn tô vẽ thêm một chút gì đó để bản thân cảm thấy hài lòng với câu chuyện mà ta kể. Chúng ta thường không muốn đối mặt với thực tại khốc liệt, với bản ngã trần trụi nhiều tổn thương của mình. Theo mình, câu chuyện thứ hai mà Pi kể là câu chuyện thực sự đã xảy ra - câu chuyện về phần con lấn át phần người mà vốn dĩ Pi luôn muốn che dấu đi. Sự tranh đấu giữa phần con và phần người trong Pi luôn được tác giả thể hiện một cách âm thầm trong tác phẩm.
Xuyên suốt quyển sách có một chủ đề mà tác giả tô điểm khá nổi bật đó chính là tôn giáo và đức tin của con người thông qua Pi
* Ý nghĩa của chi tiết con hổ Richard Parker sau khi vào đất liền đã bỏ đi mà không quay lại nhìn Pi lần cuối.
Tuy nhiên, sau tất cả, Pi vẫn sống và về với đất liền. Trong câu chuyện thứ nhất,Richard Parker sau khi tiếp đất đã bỏ đi mà không thèm nhìn Pi một cái, dẫu cả hai đã cùng nhau trải qua giai đoạn sinh tử trên con xuồng ấy.
Như đã nói, trong câu chuyện thứ hai thì Pi là hiện thân của Richard Parker, Pi chính là “con hổ” chứ không có con hổ nào thực cả. Richard Parker là đại diện cho cái ác và phần con trong Pi. Nó trỗi dậy khi Pi buộc phải duy trì mạng sống của mình. Khi con xuồng trôi dạt vào đất liền, cái ác đó đã từ bỏ Pi mà đi, Pi đã lấy lại được phần tốt đẹp trong con người mình. Pi khóc, có lẽ là vì một phần thấy biết ơn nó đã giữ cho Pi sống sót, một phần vì giờ đây Pi đã có thể trở lại như trước. Trước đây, Pi luôn hoang mang vì đức tin của mình. Nhưng sau chuyến hành trình khổ nạn ấy, Pi đã thấu hiểu và xác định được niềm tin của mình. Niềm tin ấy đã giữ cho Pi sống, tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước để có thể gạt đi câu chuyện khủng khiếp ấy mà sống tiếp phần đời còn lại.
Cuối cùng thì, bạn tin vào câu chuyện nào nhỉ? Như đã phân tích ở trên, mình đã có sự lựa chọn cho niềm tin của mình. Nhưng cũng như Okamoto và Chiba, mình thích câu chuyện có các con vật hơn. Hành trình của Pi dù thực dù giả, vẫn là một khúc hùng ca bi tráng về con người chống chọi với số phận, vượt lên cả những giới hạn của bản thân. Mình sẽ nhớ về CĐCP theo cách như thế ^^!
PHẦN III PHÂN TÍCH THÔNG ĐIỆP TÔN GIÁO
TRONG CDCP
____
Cuộc đời của Pi có phải sách giải mật mã?
Cũng như các bạn, đọc xong mình thấy day dứt về nó. Có một học giả đã viết rằng có hai trạng thái khi ta đọc một cuốn tiểu thuyết. Trạng thái thứ nhất là khi ta như được sống trong câu chuyện, với các tình tiết, diễn biến của nó. Và trạng thái thứ hai là khi ta chia sẻ hay phản biện lại nhân sinh quan của tác giả.
Qủa thật, câu chuyện về cậu bé Pi sống sót trên con thuyền cứu hộ với các con thú có nhiều tình tiết nghe đã thấy mùi giả tưởng. Từ việc Pi thuần hóa con hổ Bengal ( Ben - GOL) đến cảnh cậu gặp một người mù trôi dạt giữa đại dương, rồi lên được hòn đảo kỳ lạ với các con chồn biển và những cây ăn thịt người. Để có thể sống được trong câu chuyện này, với các tình tiết giả tưởng của nó, người đọc phải “tạm gác lại những hoài nghi” của mình.
Khái niệm này, thuật ngữ tiếng Anh là “suspension of disbelief” , được Coleridge (nhà thơ – thần học người Anh)đưa ra từ đầu thế kỷ 19, và áp dụng cả với các bộ phim thuộc thể loại giả tưởng. Lưu ý ở đây là ta chỉ “tạm gác” thôi, để khi gập cuốn sách lại, hay ra khỏi rạp chiếu phim, thì trở về với thực tại cùng những mối nghi ngờ của mình: Ta nghĩ đến nhân sinh quan của tác giả -Yann Martel, và bắt đầu tranh luận với nó.
Nếu có thể, mình sẽ đặt một tiêu đề khác cho cuốn tiểu thuyết này, đó là “Mật mã của Yann Martel”. Thật vậy, cuốn tiểu thuyết ẩn chứa nhiều chi tiết để người đọc khám phá.Và giờ mình xin được tóm lược một số chi tiết chính dưới đây.
1.Chúa cho Pi một cơ hội suy ngẫm
Ở chương 1 cuốn sách, mặc dù tác giả cho Pi theo đạo Hindu, Thiên Chúa, và Hồi, nhưng trong cuốn tiểu thuyết này có một ẩn dụ rất đặc biệt của thần học Do Thái.
Con tàu hàng của Nhật bị đắm trong truyện có tên Tsimtsum. Đây không phải là một cái tên tiếng Nhật, mà là một khái niệm then chốt trong Do Thái học Kabbalah. Nó được Isaac Luria (một giáo sĩ Do Thái) đưa ra vào thế kỷ 16 để giải thích mối quan hệ giữa Chúa và thế giới con người.
Trước giờ câu hỏi muôn thuở vẫn là: nếu Chúa nhân từ có quyền năng, ánh sáng, và sự hiện hữu vô hạn, thì thế giới hữu hạn, đầy đau khổ và trần tục của con người từ đâu mà ra?
Theo Isaac Luria, để tạo ra thế giới trần tục này, Chúa đã tự thu nhỏ, tự giới hạn nguồn ánh sáng vô tận của mình lại, để tạo ra một khoảng trống rỗng ở trung tâm. Cái khoảng trống rỗng này là nơi sau đó Chúa sáng tạo ra thế giới trần tục cho con người. Và cái hành động tự thu mình lại của Chúa, trong tiếng Hebrew, gọi là Tsimtsum. Qua Tsimtsum, Chúa cho con người có một thế giới riêng để tự phát triển và nhận thức, với tất cả những quyền năng của mình. Chúa vừa giấu mình mà lại vẫn hiện hữu trong cái thế giới đó của con người. Và theo Do Thái học Kaballah, nhiệm vụ của con người là nhận thức và khôi phục được sự hiện diện của Chúa. ( Hơi cồng kềnh nhể? ).
“Phải chăng con tàu Tsimtsum bị đắm chính là ý Chúa để Pi có thể tự nhận thức về cuộc sống và đức tin của mình? Một chi tiết thú vị là ở đầu câu chuyện, Pi có kể đã làm luận văn về lý thuyết thần học của Isaac Luria!”
2. Đức tin cần khôi phục của Pi
Cũng theo Do Thái học Kabbalah, sau Tsimtsum, Chúa lần lượt tạo ra năm thế giới, mỗi thế giới có tương tác với quyền năng vô hạn của Chúa ở mức độ khác nhau. Năm thế giới này thường được thể hiện bằng năm vòng tròn đồng tâm, với thế giới trần tục của con người, nằm trong cùng, tuy xa nhất, nhưng vẫn được Chúa soi rọi bởi một tia ánh sáng chiếu từ bên ngoài vào đến trung tâm. Các bạn đọc truyện sẽ thấy khá nhiều lần Pi mô tả mình ở giữa những vòng tròn như thế.
Sau Tsimtsum, Chúa tạo ra năm thế giới. Thế giới của con người là vòng tròn trung tâm, xa với Chúa nhất, nhưng được soi rọi bởi một tia sáng từ ngoài vào.
Xong, mình đặc biệt thích đoạn Pi tận hưởng những tia chớp giữa đại dương giông bão. Nó gợi đến một mô tả của Isaac Luria rằng sau Tsimtsum, Chúa chiếu ánh sáng màu nhiệm của mình vào những chiếc bình. Nhưng những chiếc bình đó quá mỏng manh nên đã vỡ vụn, khiến ánh sáng ấy bị vương vãi khắp nơi. Người Do Thái mộ đạo lấy nhiệm vụ khôi phục lại ánh sáng của Chúa là lẽ sống. Phải chăng đức tin mỏng manh của Pi trước chuyến vượt biển bão táp cũng hệt những chiếc bình, cũng đã từng vỡ vụn và phải được chắp nối lại từ đầu?
3/ Về cái tên của Pi
Khi được hỏi tại sao lại chọn cái tên Pi? Yann Martel đã trả lời đại ý rằng: “Tôi chọn cái tên Pi vì đây là một con số không thể được diễn giải. Ngược lại, các nhà khoa học lại dùng con số không diễn giải được này để giải thích trật tự của vũ trụ. Với mình , tôn giáo cũng gần như thế, tuy không thể giải thích, chúng giúp ta nhận thức về vũ trụ”. Quả là một lựa chọn đầy ẩn ý, và nó càng thú vị hơn khi số Pi có liên quan mật thiết đến những vòng tròn. Liệu đó có phải là một sự gợi nhớ đến mô hình của Isaac Luria?
Nhưng có lẽ chúng ta nên quan tâm hơn tới cái tên cúng cơm của Pi, Piscine Molitor. Piscine đọc như pissing – “đi tè”, điều này thì đã được giải thích rõ lắm rồi. Nhưng Piscine nghĩa gốc là bể bơi, là hình ảnh một vật chất vô định (nước) được bao bọc bởi một một ranh giới cố định (bể). Rồi khi cái bể bơi ấy trôi dạt giữa đại dương: nước hữu hạn ở trong nước bao la, ở trong mà vẫn tách biệt, vẫn khô khát giữa cái bao la ấy. Bạn có thấy hình ảnh này có liên quan gì tới khái niệm Tsimtsum nhắc tới bên trên hay không?
4. Về cái tên Richard Parker
Danh từ riêng được nhắc đến nhiều nhất trong Cuộc đời của Pi có lẽ là Richard Parker – tên con hổ đi cùng Pi trong cả chuyến hải hành, là bạn thân cũng là nỗi lo của Pi. Cái tên này tưởng như ngẫu nhiên mà lại gắn với những trùng hợp thật kỳ lạ trong lịch sử đắm tàu. Năm 1838, Edga Allan Poe xuất bản tiểu thuyết duy nhất của mình, kể về một vụ đắm tàu với bốn người trôi dạt trên biển. Một trong số họ có tên Richard Parker. Người này đề nghị mọi người rút thăm xem ai sẽ bị những người khác ăn thịt để sống sót; và người bị ăn thịt lại chính là anh.
Lạ kỳ ở chỗ, hơn bốn mươi năm sau, vào năm 1884, đã có một vụ đắm tàu thật sự. Trên thuyền cứu nạn có ba thủy thủ trưởng thành và cậu thanh niên Richard Parker. Trong cơn đói khát, Richard Parker đã bị ba thủy thủ kia ăn thịt.
Điểm đáng nói trong sự kiện đắm tàu khủng khiếp vào năm 1884 là quan điểm của những người liên quan. Trong giới thủy thủ vẫn có một khái niệm gọi là “Custom of the Sea” – “Thông lệ của biển”. Theo thông lệ này, khi trôi dạt trên biển, việc thủy thủ giết và ăn thịt đồng loại để sống còn là chấp nhận được. Trong phiên tòa xử các thủy thủ đã giết Richard Parker, bản thân anh trai của nạn nhân đã tới bắt tay những can phạm. Tuy nhiên phiên tòa cuối cùng đã kết tội các thủy thủ giết người, nó vẫn phản ánh cuộc tranh luận về giới hạn giữa bản năng và ràng buộc xã hội, giữa nhu cầu sống còn và trách nhiệm với đồng loại.
Vậy Yann Martel có ý gì khi chọn cái tên Richard Parker cho con hổ? Liệu Richard Parker, hiện thân của câu chuyện đẹp về cuộc sống, về thiên nhiên, và về Chúa, mà là về câu chuyện thứ hai – câu chuyện về cả Pi và RC đều ăn thịt?
Pi có một chuyến hải hành mấy trăm ngày trên đại dương. Trên thuyền có Pi và mấy con vật của vườn thú. Một cuộc đấu tranh sinh tồn diễn ra trên thuyền. Có con chết, có con còn sống sót,. Tất cả diễn ra trong một không khí kỳ lạ – “chỉ Chúa mới hiểu”. Khi nhân viên cứu hộ đến hỏi han, Pi kể câu chuyện này nhưng không ai tin. Vậy là Pi phải kể một phiên bản thứ hai cho con người tin.
Trong phiên bản này, mỗi con vật được đổi thành một con người. Phiên bản này tàn bạo (vì là người mà). Và cho đến khi đám cứu hộ lại không muốn tin vào phiên bản này vì nó kinh quá, trần trụi quá. Và Pi nói, tùy bạn vậy, tùy bạn chọn. Và người nghe lại chọn phiên bản 1, hoang đường đấy, nhưng người ta vẫn tin vì câu chuyện có hiện thân của chúa. Cũng như tác giả Yann Martel, trong một vài phỏng vấn, đã nói: “Cuộc đời là một câu chuyện… Bạn có thể chọn câu chuyện của mình… Và câu chuyện có Chúa là câu chuyện hay hơn”.
Còn mình lại tin vào câu chuyện thứ hai – câu chuyện của những con người “diệt” nhau trên thuyền – mặc dù nó thật khủng khiếp. Lần đầu đọc đến đoạn này, mình chỉ dám lướt qua cho đến hết vì thấy quá chấn động. Nhưng rồi vẫn phải đọc lại, để suy ngẫm xem nó có thật sự toàn những điều xấu xa hay không? Và mình thấy trong đó vẫn có những điều tốt đẹp, có sự chăm sóc của con người với con người, có trận chiến đấu không cân sức, có sự hy sinh của mẹ cho con, và có cả kết cục đáng đời của kẻ xấu.
Và mình vẫn thấy trong câu chuyện thứ hai này những nhận thức nhân bản về thế nào là ranh giới giữa sống còn và nhân tính, rằng người ta khi đã trót để bản năng vượt qua cái giới hạn nhân tính đó, thì bản thân người ấy cũng thấy không còn khát vọng sống nữa.
Trên đây là những gì mình tổng hợp và suy ngẫm sau khi đọc Cuộc đời của Pi. Có một nhà phê bình nhận xét rằng Yann Martel đã sử dụng thủ pháp của chủ nghĩa deconstructionism. Trong cuốn tiểu thuyết này. Khái niệm deconstructionism khá phổ biến trong kiến trúc, và được dịch là “giải tỏa kết cấu”. Ở đây, dường như Yann Martel đã chủ ý kể hai câu chuyện, với tất cả các khái niệm đối lập như đức tin/sự vô thần, con người/Chúa, bản năng/chuẩn mực xã hội, hiện thực/nhận thức… được đặt cạnh nhau, rồi để người đọc, bằng nhân sinh quan của chính mình, tự mổ xẻ, so sánh, và rút ra những suy ngẫm cho bản thân. Nếu quả đúng như vậy thì việc dịch hay chuyển thể chính xác câu chuyện của Yann Martel là bất khả thi.
Vậy thì cuối cùng, câu “And so it goes with God - Trong sách bản tiếng việt ghi là : Cảm ơn ông, thượng đế cũng nghĩ như các ông” mà Pi nói khi những nhân viên cứu hộ nhất trí chọn tin theo phiên bản 1 cho ta hiểu rằng:
“ Con người có thể chọn riêng câu chuyện của mình, và câu chuyện ấy lại có thêm một vị thần thánh đức tin nào đó”
“ Con người có thể chọn riêng câu chuyện của mình, và câu chuyện ấy lại có thêm một vị thần thánh đức tin nào đó”
Và đó là những suy nghĩ của chúng mình về ý nghĩa thông điệp tôn giáo được gửi gắm trong toàn bộ hơn 400 trang của Life of Pi. Đọc xong mình mất ngủ vì cái đoạn Pi ăn thịt người, eo ôi. Nhưng mình xem phim xong thì cảm giác mình lại tin câu chuyện giữa Pi và hoàng thượng hơn.... Rốt cuộc là mình nên tin vào câu chuyện nào???
Và còn điều gì mà chúng mình bỏ sót trong bài thì các bạn hãy cho biết ở dưới phần bình luận nhá!
Bài viết là mình tổng hợp từ nhiều nguồn, trong đó phần nghiên cứu thông điệp tôn giáo là tham khảo từ:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất