Tôi có những kí ức không tốt đẹp về môn Kĩ năng làm việc nhóm. Ngoài việc phải hát một bài nào đấy tôi không nhớ và vẽ những bức tranh xấu òm kèm theo vài câu nói nhân văn nào đó search trên google, thì tôi còn được dạy những nguyên tắc quan trọng trong việc làm việc nhóm: tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu, khuyến khích sáng tạo,...
Ừa thì đúng đấy, nhưng sau học phần thì tôi không thấy được sự phát triển của bản thân cũng như các thành viên trong nhóm về kĩ năng phối hợp hay ra quyết định sao cho hiệu quả nhất, cũng như tính gắn kết của chúng tôi cũng không cao và hoàn toàn không hiểu nhau về khía cạnh công việc hay cá nhân. Tôi cảm nhận những mối quan hệ 'làm việc nhóm thời đại học' thấm đậm tính vụ lợi và gượng ép, mọi người cười nói vui vẻ với nhau vì cần điểm số cao, hoặc gia tăng phạm vi quyền lực, chứ không phải sự đồng điệu trong tâm hồn, hay chí hướng.
Thế là quá trình làm việc và cả kết quả hoặc là tồi tệ, gây bức xúc hay dồn nén, hoặc là chỉ đáp ứng đủ tiêu chuẩn giáo viên đặt ra - phần lớn từ google, mà không mang những góc nhìn sáng tạo hay hiệu quả. Từ đó các bên không nhận được lợi ích kì vọng mà môn học dạy, rằng 1+1 phải bằng 16, 64, 1093,.. mà là 1+1+1 chỉ bằng 0.5 thôi.
Tôi tự hỏi liệu có vấn đề ở các nguyên tắc làm việc đấy, hay vấn đề ở học viên?
Nếu nói lỗi 100% ở kiến thức hay 100% ở người học thì có vẻ quá đơn giản, tỷ lệ xảy ra việc đó trong cuộc sống không cao đến thế. Vì vậy hãy xem xét các yếu tố chính ảnh hưởng đến việc giao tiếp giữa người với người và do đó tác động đến quá trình làm việc nhóm: Tư duy, Cam kết và Phẩm giá.
Tư duy thể hiện ở cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề, sao cho hợp lí, chính xác và hiệu quả. Nếu nhóm bạn là tập hợp những người có Phẩm giá tốt và Cam kết hiệu quả thì vẫn có thể phạm sai lầm chết người do thiếu hiểu biết về tri thức. Những hạn chế tôi đã trình bày ở bài viết trước:

Cam kết là bộ quy tắc mà nhóm phải tuân theo để:
1- Tận dụng nguồn lực từ số đông mà không thể đạt được chỉ với một cá nhân.
2- Hạn chế những thiên lệch cố hữu trong tư duy.
Tôi sẽ trình bày ở bài viết này.
Phẩm giá là điều quan trọng nhất, quyết định những điều còn lại. Một người lệ thuộc và thiếu trưởng thành không bao giờ có thể giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả được (có lẽ bạn đã gặp đến những những cá nhân lười biếng, ý lải, vô trách nhiệm). Tôi sẽ trình bày vấn đề ở bài viết khác.
Những nguyên tắc cơ bản trong môn KNLVN đó tôi cho rằng về giá trị thì không sai. Nhưng sai ở cách gọi tên, vì đó không phải là nguyên tắc. Đó chỉ là những kĩ thuật giao tiếp bề ngoài giúp việc giao tiếp hiệu quả hơn. Nhưng nếu bản thân bạn không có Phẩm giá cơ bản, Tư duy chính xác và các Cam kết thực hiện thì không giải quyết được vấn đề. Ngược lại, nếu chỉ giao tiếp một cách giả tạo như cách mà giảng đường Đại học hoạt động (ít nhất với tôi là thế, hoàn toàn có thể không đúng với bạn), thì không những hủy hoại kết quả làm việc, mà còn tổn thương mối quan hệ.
Bảo rằng hãy lắng nghe thấu cảm đi, hãy tôn trọng quan điểm, hãy khuyến khích sáng tạo trong khi thiếu những nền tảng cơ bản, giống như nói rằng hãy vui lên thì sẽ hết buồn, đừng trầm cảm nữa sẽ hết trầm cảm.
Vì thế, ta cần tiếp cận một cách căn cơ hơn. Như đã đề cập, tôi sẽ trình bày một bộ nguyên tắc mà bạn có thể tham khảo để tạo ra Cam kết chuẩn mực cho đội nhóm của mình.

I. CUDOS là gì?

Ở bài viết trước, tôi đã đề cập đến thiên lệch điểm mù - một sự phi lý trí khiến cho một người có thể nhìn thấy thiên lệch ở người khác nhưng không thể thấy ở bản thân mình và lý giải có động cơ - cách diễn giải mọi thứ bị chi phối bởi niềm tin. Khi làm việc nhóm, có nhiều khả năng nó ảnh hưởng đến quá trình làm việc. Những thiên lệch dẫn đến tư duy xác nhận - các quan điểm cũng quy về một chiều và tự củng cố nó. Sau đó, nó có thể đàn áp các quan điểm khác hoặc nếu không đàn áp được, nó tạo ra các "phòng dội âm" - mỗi người tự nói tự nghe, không thể tạo ra giải pháp chung được.
Những sự phi lý trí này xuất hiện ở mọi người, kể cả những ngành nghề bắt buộc phải cẩn trọng và chính xác như những thẩm phán hay các nhà khoa học.
Trong nghiên cứu của Cass Sunstein về sự đa dạng ý thức hệ trong hội đồng thẩm phán liên bang Hoa kỳ, nhận thấy khi có sự đa dạng chính trị trong các hội đồng, thì công việc được cải thiện hơn khi các quyết định của họ tiến về trung lập hơn là bị nghiêng về quan điểm cá nhân [1].
Về các nhà khoa học, Jon Haidt cùng các cộng sự giải thích và ghi lại sự mất cân bằng chính trị trong tâm lý học xã hội và cách nó làm giảm chất lượng khoa học, khi có tới 85-96% các nhà khoa học tự nhận mình cánh tả và bỏ phiếu cho Obama vào năm 2012. Các tác giả xác định được những trường hợp mà các giá trị chính trị bị "lồng ghép vào các câu hỏi nghiên cứu theo những cách có thể làm cho một số quan điểm trở nên không thể quan sát và đo lường được, từ đó làm mất hiệu lực các nỗ lực kiểm tra giả thuyết"[2].
Hãy nhớ các thẩm phán và nhà khoa học được đào tạo rất kỹ lưỡng về cách đưa ra quyết định chính xác và công bằng, nhưng vẫn không tránh khỏi những thiên lệch. Chúng ta nên thừa nhận mình cần giúp đỡ để tư duy tốt hơn. Đó là lý do ra đời của CUDOS - những nguyên tắc khiến chúng ta tiến gần hơn đến sự hợp tác để bù trừ các điểm mù trong suy nghĩ.
ROBERT K.MERTON
ROBERT K.MERTON
CUDOS là các chuẩn mực dành cho cộng đồng khoa học, để có thể đưa ra những sản phẩm khoa học chính xác nhất. Nó được đặt ra bởi Meyer R.Schkonick hay Robert Merton, được tờ New York Times vinh danh như "một trong những nhà khoa học xã hội có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20". Ông đã đặt ra cụm từ "hình mẫu","lời tiên tri tự hoàn thành","nhóm tham chiếu","hậu quả không mong muốn". Ông sáng lập ra ngành khoa học xã hội và là nhà khoa học xã hội đầu tiên được trao Huy chương Khoa học Quốc gia. CUDOS là viết tắt của:
Communism - Chế độ cộng sản
Universalism - Chủ nghĩa phổ quát
Disinterestedness - Sự vô tư
Organized Skepticism - Chủ nghĩa hoài nghi có tổ chức

II. Các chuẩn mực CUDOS:

Tôi sẽ mặc định mục đích của làm việc nhóm là: hiệu quả, được thể hiện qua kết quả - thành công hay thất bại, ở mức độ nào, tính chính xác của xử lí thông tin và đưa ra quyết định - ảnh hưởng đến kết quả và mối quan hệ - lợi ích dài hạn khi các thành viên kết nối với nhau.
Các chuẩn mực CUDOS được đặt ra cho cộng đồng khoa học, nhưng nó cũng có thể áp dụng với các nhóm khác nếu có cùng mục đích hướng tới sự thật và hiệu quả. Môi trường học tập phải là một nơi như thế, và gia đình nên là một nơi như thế.

1. Communism - Chủ nghĩa cộng sản

Xin đừng nhầm lẫn chuẩn mực này với bất kì thứ gì mang màu sắc chính trị. Ở đây nó hoàn toàn được nhìn nhận ở góc độ khoa học, mà lấy ý tưởng của Communism - quyền sở hữu chung. Trong trường hợp này, thì là dữ liệu.
Những chuẩn mực CUDOS được thiếp lập ra để đối chọi với sự thiên lệch tự nhiên, đối trọng của Communism là sự che giấu, vùi lấp hoặc thêm thắt thông tin, có ý thức hoặc vô thức, gây ra thiếu cơ sở để kết luận hợp lí.
Chắc bạn đã nghe về bản chất con người là nói dối - hay hiệu ứng Rashomon: một thuật ngữ liên quan đến sự không đáng tin cậy của các nhân chứng. Nó mô tả một tình huống trong đó một sự kiện được các cá nhân liên quan đưa ra những cách giải thích hoặc mô tả trái ngược nhau[3].
Hiệu ứng được đặt tên theo bộ phim năm 1950 của Akira Kurosawa Rashomon, Trong phim, bốn người đưa ra bốn bản tường thuật khác xa nhau về một cảnh tượng mà họ đã chứng kiến, cảnh một tên cướp bắt cóc (hoặc hiếp dâm) một người phụ nữ, cuộc đấu súng tay đôi giữa tên cướp và chồng của người phụ nữ (nếu có cuộc đấu súng) và cái chết của người chồng (Do thua cuộc đấu súng, bị giết hoặc tự tử).
Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau có thể do việc người phụ nữ không muốn thừa nhận bị hiếp dâm, hoặc người chồng tự tử có thể do không chịu được kết quả đấu súng thua cuộc, hay tên cướp muốn thoát khỏi tôi giết người. Dù sao, điều được kể từ một cá nhân luôn méo mó do góc nhìn chủ quan của họ.
Điều này nhắc nhở ta rằng, không có một phiên bản nào là mô tả hoàn chỉnh câu chuyện. Tôi hiểu bạn khó chịu như thế nào khi bị bố mẹ đánh do một câu chuyện tưởng tượng nào đấy của hàng xóm, hay do góc nhìn chủ quan của thầy cô, hay chính họ. Lúc đó, mong muốn lớn nhất của bạn có phải là "hãy lắng nghe con không", "hãy để con chia sẽ đầy đủ dữ liệu"?
Nhưng bạn chỉ có mong muốn đó khi bạn là người gánh hậu quả thôi. Chắc bạn đã nhiều lần "Cả lớp cũng bị điểm xấu như con thôi, do đề khó quá mà".
Chúng ta luôn có ham muốn nhào nặn một câu chuyện tốt đẹp cho bản thân, bằng cách xén bớt, hoặc thêm vào các chi tiết. Điều này là vô cùng nguy hiểm. Trong cuộc sống, nó gây oan sai. Trong khoa học, nó gây sự thiếu dữ liệu để kiểm nghiệm kết quả và phương pháp nghiên cứu.
Như một lẽ tự nhiên, chúng ta không thích những thông tin bắt bẻ, và dễ dàng tin vào những thông tin ta đồng tình. Thực tế, đó chính là những thứ ta cần xem xét nhất nếu không muốn thành một con lừa.
Thế nên, hãy chia sẽ thông tin, tất cả thông tin có thể. Càng muốn loại bỏ nó thì càng phải chia sẽ, vì đó có thể là mấu chốt. Càng tin tưởng thì càng phải ngờ vực, vì có thể ta bị lợi ích chi phối. Khi nhóm làm việc có tất cả thông tin khả dĩ, kết quả mới có thể sát thực tế nhất và do đó hiệu quả nhất.

2. Universalism - Chủ nghĩa phổ quát

Điều mà tôi gặp vẫn hay gặp từ bé đến lớn, đó là đánh giá tính đúng sai của kết luận bằng sự yêu ghét đối với người phát biểu. "Đấy là wibu nên phát biểu của nó là rác rưởi","Con nít thì biết gì mà nói","Thầy cô, cha mẹ nói thì chắc chắn đúng, hãy nghe mà học chứ còn cãi à"... Đôi khi nó khiến tôi không tin là mình đang sống trong một xã hội văn minh ở thế kỉ 21.
Đây là lúc người phát biểu vi phạm chủ nghĩa phổ quát: Nhưng lời xác nhận sự thật, dù bắt nguồn từ đâu, đều chịu tác động từ các tiêu chuẩn phi cá nhân đã được thiết lập từ trước. Hiểu đơn giản là, sự chính xác của phát biểu không liên quan bất cứ thứ gì với thuộc tính cá nhân và xã hội của người phát biểu và người nhận. Dù là nó được nói bởi một tên ấu dâm hay giết người. Tính đúng sai không phụ thuộc vào việc bạn ghét hay thích, bạn không có quyền quyết định. Nó phụ thuộc vào tính chính xác trong việc mô tả sự thật của phát biểu ấy. Một tên ấu dâm nói 1+1=2, nghĩa là hắn nói đúng (về mặt toán học).
Đây cũng là hệ quả của chuẩn mực Communism - tất cả thông tin về vấn đề đều phải được chia sẽ, để như thế chúng phải có giá trị bằng nhau nên tất cả mọi nguồn đều phải như nhau, bất kể bạn thích hay không.
Nguyên tắc này để đối chọi với sự thiên vị. Đã bao lần bạn tán thành phát biểu do đó là từ người bạn thích, hay sợ, và vùi dập một ai đó do chướng mắt. Sẽ không sao nếu tính đúng đắn được đảm bảo, nhưng cá rằng bạn đa phần mặc kệ và tán thành bất kể ý kiến đó sai. Điều này thường xuất hiện ở các nhóm như gia đình và trường học. Tôi cũng vậy, tôi từng khuất phục do quá kinh sợ, và mang cái mớ cảm xúc đồn vào những người yếu thế hơn.
Điều này không những gây sai lầm trong đánh giá, mà còn mang nặng tính bảo thủ và đàn áp, nhồi sọ. Một nhóm như vậy là một nhóm rác rưởi.
Thoát ra khỏi sự nhìn nhận phân cực đầy cảm tính này, bạn tiến đến điểm trung dung. Đây là nguyên lí Trung đạo của nhà Phật - không nhiều, cũng không thiếu. Nó có nghĩa là luôn có một phương án thứ 3, thứ tốt hơn cả 2 góc nhìn đầu tiên. Và hiểu được điều này là cốt tủy của làm việc nhóm hiệu quả, không có ai thực sự đúng 100%, luôn có những cách khai thác thêm nhiều giá trị, cách khai thác tốt nhất là sử dụng một quan điểm đối lập.

3. Disinterestedness - Sự vô tư

Chúng ta không vô tư một cách tự nhiên. Chúng ta bắt đầu một hành động nào đó do nó mang cho ta một lợi ích. Do đó, ta bị chính lợi ích này chi phối hành động.
Các lợi ích này là vật chất hoặc tinh thần. Vật chất là tiền bạc, tài sản, địa vị,.. Tinh thần là sự an toàn, sự được kết nối, thể hiện, được công nhận. Mặc dù còn rất nhiều dục năng thúc đẩy và sự tác động phức tạp hơn thế nhiều nhưng ta có thể tạm chấp nhận như thang đo Maslow.
Khi đánh giá hoặc xử lí thông tin, ta cũng bị chi phối như vậy, ý thức hoặc vô thức, một cách rất tinh vi. Chẳng hạn Richard Feyman đã chỉ ra, nếu một người phân tích dữ liệu biết, thậm chí chỉ qua trực giác, giả thuyết đang được kiểm tra, thì phân tích có nhiều khả năng sẽ xác nhận giả thuyết ấy[4]. Lợi ích ở đây là sự xác nhận phỏng đoán của nhà nghiên cứu. Việc cho ai đó biết cách mọi việc kết thúc sẽ khuyến khích họ trở thành resulter, để diễn giải các chi tiết phù hợp với kết quả đó.
Thật vậy, chúng ta luôn tuân theo những lợi ích của bản thân, ngay cả khi không ý thức được nó. Việc đó có thể ảnh hưởng đến nhóm theo nhiều cách. Ở lợi ích ý thức được, ta gây phiền nhiễu khi đến muộn do ngủ quên, đi ăn do đói, làm việc nhiều nên trễ deadline,.. Ở lợi ích vô thức, ta ủng hộ hoặc chống đối một điều gì đó để có được sự công nhận hay đồng tình của nhiều người hơn (bị quan điểm đám đông chi phối), đối xử khác biệt do cảm tình với các thành viên khác nhau (đôi khi không nhận ra đâu, như việc bạn tự nhiên hòa nhã, ân cần với crush mà lại khó chịu với bố mẹ vậy).
Do đó, ta cần đặt ra chuẩn mực Disinterestedness này để chống lại tư lợi. Và như đã nêu, có lợi ích ý thức được và không. Ở mặt ý thức được, ta phải tạo ra những lợi ích khác cao hơn để người khác có mong muốn cống hiến cho nhóm thay vì cá nhân. Đây là một chủ đề rộng, thách thức về quản trị và lãnh đạo, không nằm trong phạm vi bài viết. Ở mặt không ý thức được, ta có thể tạo ra sự "mù lợi ích" - không biết lợi ích là gì, không thể bị nó chi phối được. Đó là cách mà những nhà khoa học xem xét những biến ngẫu nhiên để không thể phỏng đoán, không kể trước kết quả xảy ra để đánh giá chính xác quá trình, không thể hiện niềm tin của mình vào một phát biểu để người khác không bị lôi kéo.

4. Organized Skepticism - Chủ nghĩa hoài nghi có tổ chức

Thái độ hoài nghi luôn có vị trí quan trọng trong việc học hỏi bất cứ điều gì. Nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề như nó đã chính xác rồi nhồi nó vào đầu, thì có thể ta học được đấy, nhưng là phiên bản méo mó của sự thật. Giáo dục không hoàn toàn tách mình khỏi bối cảnh xã hội và chính trị[5]. Tuy càng ngày thông tin càng mở nhưng không thể nói là ta tự do tiếp xúc thông tin hoàn toàn được. Điều đó thì nguy hiểm đến quyền lực, địa vị chính trị của các thể chế.
Càng chuyên chế, cái sự nhồi nhét một chiều từ người dạy sang người học và không có trao đổi, đối thoại càng nhiều. Chủ nghĩa hoài nghi là một liều thuốc giải (một ít thôi) cho sự thiếu hụt của dữ liệu và cách truyền tải dữ liệu này. Bằng cách tiếp cận vấn đề với cách đặt câu hỏi tại sao mọi thứ có thể không chính xác thay vì chính xác. Đó là sự công nhận rằng tuy có một sự thật khách quan, nhưng mọi hiểu biết của ta về thế giới đều có thể không chính xác. "Chúng ta nghĩ nó là" khác với "Nó thực sự là".
Do cách tiếp cận như vậy, ta sẽ giới hạn được mức độ chắc chắn của mình về tính chính xác của phát biểu. Và càng hoài nghi thì càng cẩn trọng, càng xem xét, săm soi nhiều khía cạnh, ta càng tiếp cận gần hơn với sự thật khách quan.
Như vậy, chuẩn mực Organized Skepticism sẽ giải quyết được hai vấn đề cho nhóm:
1- Chuẩn bị tâm thế để tiếp cận sự thật khách quan.
2- Dẹp đi sự đối đầu.
Tại sao chuẩn mực này lại dẹp đi sự đối đầu? Bạn có thể nghĩ càng hoài nghi thì ta càng bới móc mọi người chứ. Nhưng đó là sự hoài nghi kém cỏi. Hoài nghi thực sự, bạn cũng phải hoài nghi chính sự hoài nghi của mình. Nếu bạn bác bỏ một khẳng định, thì tính chính xác của bác bỏ đó đúng đến đâu? Khi tất cả mọi người trong nhóm đều hoài nghi, thì mọi vấn đề chỉ còn là câu hỏi đặt ra cần trả lời, không còn thiên kiến nào nữa. Chúng chỉ là những điều phải được chứng minh là không chính xác thôi, mà đã phải bác bỏ tất cả, thì của tôi cũng như của bạn.

III. Kết

Mọi hoạt động trái với quy luật tự nhiên ("như nó là") thì tất thất bại. Trên đây là một số chuẩn mực để xây dựng nguyên tắc cho một nhóm tìm kiếm sự thật - do đó hoạt động hiệu quả. Các chuẩn mực được đặt ra do những hạn chế cố hữu trong tư duy của con người qua quá trình tiến hóa. Bộ não hướng tới sự sinh tồn chứ không phải chính xác. Nhưng với ngọn cuồng phong của sự tiến bộ trong văn minh nhân loại đang thổi qua khắp các ngõ ngách như hiện nay, ai càng nắm bắt càng nhiều tri thức, tiệm cận với sự thật khách quan, sẽ càng không chỉ đạt được sự sinh tồn, mà còn là sự thăng hoa. Chính xác và sinh tồn không còn là hai lựa chọn nữa phủ định nhau nữa.
Hãy xem xét trong các nhóm của bạn có tồn tại sự che giấu thông tin cần thiết, sự thiên vị, sự chi phối lợi ích và ý nghĩ tất định không. Nếu có thì có nghĩa nó đang mắc phải những vấn đề cơ bản gây ra sụp đổ từ bên trong. Nhưng ngoài ra, đây là những Cam kết, nó phải được sự đồng thuận của mọi người để triển khai. Cho đến khi đó, không ai có bất cứ quyền gì để ép mọi người phải tuân theo thứ mình thích cả.

THAM KHẢO:
[1] Sunstein, Cass, David Schkade, Lisa Ellman, và Andes Sawicki, Are Judges Political? An Empirical Analysis of the Federal Judiciary. Washington, DC: Brookings Institution Press, 2006.
[2] Haidt, Jonathan. The Righteous Mind: Why Good People are Divided by Politics and Religion. New York: Basic Books, 2006.
[4] Feyman, Richard. The pleasure of Finding Things Out: The Best Short Works of Richard P.Feyman. New York: Perseus Publishing, 1999.
[5]