Một ngày đẹp trời nào đó 4 5 năm trước, một thằng bạn tôi bị gãy chân khi trượt patin. Nó không phải kiểu rạn xương hay lệch khớp gì đâu, mà là gãy đôi khúc xương nối từ đầu gối đến bàn chân ấy. Cậu ta mất đâu tầm 6 tháng 9 tháng gì đó để có thể đi lại bình thường. Nhưng vấn đề không phải ở vụ gãy xương mà là từ đó chẳng còn ma nào đi trượt patin hết. Thứ nhất là mọi người sợ vì nhìn thấy cái chân bó bột đi cà nhắc cà nhắc của cậu. Thứ hai, là ba mẹ của mọi người sợ, rằng cái trò đó chẳng có gì tốt lành, vừa tốn tiền lại vừa hại thân, cứ nhìn cái thằng đang chống nạng đấy xem. Họ có vẻ cho rằng việc cậu bạn ấy gãy chân là tất yếu, rằng cứ đú đởn đi trượt cho bằng bạn bằng bè là sẽ gãy chân, rằng cho dù không sớm thì muộn cũng gãy chân. Thế nhưng liệu có phải vậy không, liệu mọi chuyện đã được sắp đặt để hắn ta gãy chân?

I. Resulting là gì?

Resulting là một thuật ngữ của giới poker để gọi tên một xu hướng: đánh đồng chất lượng của một quyết định với kết quả mà nó tạo ra - suy đoán theo kết quả. Khi bạn chơi một vài ván có kết quả không tốt, bạn vội phán xét rằng đây là chiến lược sai lầm và thay đổi nó, đấy là lúc bạn mắc lỗi resulting.
Chúng ta resulting rất nhiều trong từ trạng thái vô thức cho đến cả khi suy nghĩ kĩ càng. Lúc chơi game thua, bạn chắc rằng đấy là do đồng đội quá ngu không thể nào cứu vãn được ván đấu. Lúc xe chết máy ngoài đường, bạn chắc rằng đây là một ngày chết tiệt, rằng sao gì đấy chiếu mệnh bạn. Lúc bạn của bạn rớt môn, bạn chắc rằng hắn ta không lo nghe giảng và suốt ngày chơi bời. Hay ngay cả khi viết bài luận, bạn cho rằng tổ hợp tất cả nguyên nhân này sẽ dẫn đến kết quả này này, Hitler thất bại là chắc chắn do này này, Elon Musk trở thành tỷ phú là hiển nhiên do ông ta bla bla.
Nhưng có thật vậy không? Có thật đồng đội bạn ngu dẫn đến thua cuộc , hay họ vô tình bị cấm đi vị tướng one champ, hay nếu bạn không chửi họ suốt trận đấu để tinh thần họ bị ảnh hưởng quá nhiều? Có thật xe chết máy do xui xẻo hay bạn có thể đã quên bảo trì nó cả năm trời? Có thật bạn kia rớt môn do không lo học, hay là họ trả lời không giống với ý muốn giáo viên, hay gia đình họ đang gặp chuyện, hay còn việc gì khác quan trọng phải chú tâm hơn? Có thật Hitler thất bại do ông quá độc ác, tàn nhẫn, hay do chúng ta ghét ông ấy nên ông thua là tất nhiên? Có thật Musk nhất định sẽ thành công, hay bao nhiêu người có thiên tư ngang ông ấy vẫn thất bại?
Liệu có phải ai trượt patin cũng gãy xương? Hay nếu cậu bạn kia tập từ từ từng bước thay vì xông xáo bước ra trượt, hay nếu tôi chỉ dẫn cho cậu ấy tốt hơn, hay nếu tôi đỡ được khi cậu ấy ngã thì sao?

II. Tại sao chúng ta lại resulting?

1. Bộ não của chúng ta không được lập trình để có khả năng lý trí

Qua các ví dụ trên, ta đã dễ thấy chúng ta suy nghĩ quá đơn giản, hay quá nhị nguyên - không đen thì là trắng, không béo thì là gầy. Nhưng làm sao có được một người có thể luôn béo hoặc gầy. Đa số chúng ta nằm ở khoảng giữa, hoặc hơi béo một chút hoặc hơi gầy một chút. Màu sắc thì luôn đa dạng, không đen thì có thể xanh, đỏ, tím, vàng,..
Chúng ta hiểu điều đó, biết rất rõ điều đó, nhưng lại thường không để tâm đến nó. Bởi vì làm như vậy phải vận dụng đến hệ thống tập trung của bộ não, phải tư duy đa chiều, phải mường tượng mô hình tác động, và như thế thì mệt quá.
Điều này không có gì sai trái cả, nó hoàn toàn tự nhiên và cần phải vậy. Nó được thiết lập để chúng ta có thể sinh tồn và phát triển đến ngày nay.
Hãy tưởng tượng bạn là một người cổ đại. Ra khỏi hang của bạn luôn có nhiều bụi cây. Bụi cây lúc tĩnh lúc rung. Khi rung thì có nhiều trường hợp, nhưng phổ biến là hai cái, một thì có thú săn mồi rình rập, hai là do gió thổi. Nếu bạn tin rằng bụi cây rung do có thú rình mà thực ra là do gió thổi thì bạn mắc lỗi dương tính giả - tưởng có mà thật ra không. Ngược lại, bạn mắc lỗi âm tính giả - có con sư tử trong đó mà bạn tưởng là gió thổi, tưởng không mà ra có. Lỗi âm tính giả nguy hiểm hơn nhiều nên bạn tiến hóa để không mắc lỗi này.
Dần dần, bộ não bạn luôn cho rằng chỉ có một nguyên nhân là "con sư tử" cho mọi vấn đề. Bộ não sẽ luôn tìm kiếm, kết nối kết quả "bui cây rung lắc" với một nguyên nhân "con sư tử" nào đó. Nhưng bộ não của ta chỉ chứa được những thông tin ta đã trải nghiệm hay suy nghĩ, sáng tạo ra trong giới hạn của nó, còn nguyên nhân có thể hoàn toàn nằm ngoài vùng nhận thức. Do đó, chúng ta thường kết nối những lời giải thích chẳng liên quan hay sai lầm cho một kết quả.

2. Thiên lệch nhận thức muộn

Thiên lệch nhận thức muộn là một xu hướng khi biết được một kết quả, ta xem đó là một việc không thể tránh khỏi ngay từ đầu.
Nếu các bạn còn hay tự vấn với mình câu: "Nếu lúc đó tôi đã ... thì kết quả đã ..." thì khả năng cao các bạn đang mắc phải thiên lệch này. Bạn cho rằng kết quả ngay từ đầu đã vậy, rằng chỉ do bạn ngu ngốc không nhận ra chân lí ẩn giấu phía sau. Nhưng không bạn tôi ơi, biết đâu trong game đấu đó bạn không chửi đồng đội xối xả thì biết đâu đội bạn có cơ hội thắng thì sao? Đúng đấy, đây là vấn đề cơ hội và rủi ro. Rằng có xác suất để thắng bại chứ không phải mặc định đã như thế. Xác suất có thể tăng hoặc giảm, nhưng xác suất cao không có nghĩa mọi chuyện phải xảy ra như thế. Khi đội tuyển Việt nam lần đầu loạt vào vòng loại thứ 3 World Cup, đó không phải là phép màu, mà là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Khi bạn bị bốn đôi thông chặt tứ quý, đó không phải điều vô lý mà là một khả năng hiếm gặp thôi.
Nếu không thật sự rặn não suy nghĩ thì bạn khó mà nhìn nhận được có đa yếu tố tác động đến kết quả đó. Với bạn trong bụi cây luôn có một con sư tử. Khi bụi cây rung thì bạn nên chạy thụt mạng, thay vì ngồi phân tích mô hình các yếu tố tác động đến sự rung lắc theo chu kì của bụi cây. Chúng ta không thể làm khác được, vì những nhà phân tích đều đã bị ăn thịt rồi.

3. Bản tính cả tin

Tôi tin rằng đây là lỗi ai cũng mắc phải không ít thì nhiều. Hãy cũng xem xét các quy trình hình thành niềm tin:
Quy trình 1: Chúng ta nhận được thông tin -> Chúng ta kiểm chứng nó -> Chúng ta tin.
Quy trình 2: Chúng ta nhận được thông tin -> Ta tin nó -> "Khi có dịp" ta sẽ kiểm chứng nó.
Hãy nghĩ lại xem bạn sử dụng quy trình nào nhiều hơn.
Hai quy trình này đều có lợi có hại. Nếu tin tưởng quá bừa bãi sẽ khiến chúng ta nhẹ dạ cả tin và dễ bị dẫn dắt, dụ dỗ. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể suy xét, kiểm nghiệm mọi thông tin ta nhận được. Việc đó tốn quá nhiều thời gian và công sức nên ta thường chấp nhận tin luôn để: 1-có dữ liệu, 2-ổn định tinh thần. Và việc này không ngẫu nhiên, giáo sư tâm lý học Harvard, Daniel Gilbert và các đồng nghiệp đã chứng minh qua một loạt các thí nghiệm rằng: chúng ta được cài đặt để mặc định tin rằng những gì mình nghe và đọc đều chính xác. Ngay cả khi thông tin đó rõ ràng là không chính xác, chúng ta vẫn có khả năng tin rằng nó chính xác.
Trong những thí nghiệm này, các đối tượng được cho đọc một loạt các phát biểu về một bị cáo hình sự hoặc một sinh viên đại học. Các phát biểu được ám hiệu bằng màu để có thể thấy rõ chúng chính xác hay không. Các đối tượng bị phân tâm hoặc bị áp lực về thời gian làm cho quá tải nhận thức (cognitive load) phạm nhiều lỗi hơn trong việc nhớ lại tính chính xác của phát biểu. Nhưng đây không phải lỗi ngẫu nhiên, xác suất phớt lờ phát biểu có nhãn chính xác không cao bằng xác suất phớt lờ phát biểu có nhãn không chính xác. Lỗi của họ đi theo cùng một hướng: dưới bất kì áp lực nào, họ đều cho là phát biểu chính xác, cho dù nhãn của chúng có là gì.
Sự phi lí này cũng đến từ cách chúng ta tiến hóa. Chúng ta sống cả triệu năm trong cơ thể vật lí của mình. Trước khi có ngôn ngữ, chúng ta hình thành niềm tin qua những gì trực tiếp tương tác với thế giới. Ta phải tin vào mọi thứ ta nhìn thấy. Nếu ta nhìn thấy một con mồi, có nghĩa có một con mồi ở đó và ta cần săn nó. Thay vì tự hỏi liệu nó có thật không, sự tồn tại có tồn tại không, nếu có thì nó có ý nghĩa gì? Và lúc đó chọn lọc tự nhiên có vẻ ưu tiên tính đủ đầy của thức ăn trong hệ tiêu hóa hơn là mức độ hiểu biết về thế giới.

3. Lý giải có động cơ

Lý giải có động cơ là sự phi lý mà ở đó cách chúng ta xử lý thông tin mới được thúc đẩy bởi niềm tin mình đang có.
Chúng ta dễ tin, và khi tin rồi thì rất khó để thay đổi. Việc này xảy ra khi chúng ta: 1 - tư duy nhị nguyên, 2 - chỉ muốn nghĩ tốt về bản thân mình.
Khi chúng ta nghĩ rằng niềm tin chỉ có đúng 100% hay sai 100%, thì khi đối diện với thông tin mới có thể mâu thuẫn với niềm tin, ta có hai lựa chọn:
a - Thừa nhận hoặc chúng ta đã đúng, hay sai - 100%.
b - Không tin nó, hoặc nếu không thể không tin, ta phớt lờ nó.
Thông tin tấn công vào niềm tin của ta sẽ làm xấu đi câu chuyện của ta. Thế nên chọn b thì dễ dàng hơn. Chúng ta không muốn nghe điều mình không muốn. Chúng ta từ chối cập nhật. Ngược lại, khi chỉ nghe hai câu khen thưởng, ta dễ dàng tin tưởng vào nó không chút mảy may. Thế đấy, ta diễn giải mọi thứ qua lăng kính của riêng bản thân, mà lăng kính này lại bị lu mờ bởi cảm xúc quá nhiều. Niềm tin tạo ra cảm xúc và động cơ rất lớn. Khi niềm tin thành đức tin thì nó gần như không thể lung lay. Không tin thì thử bắt người nuôi chó ăn thịt chó xem, họ lại đấm cho vỡ mồm. Mặc dù thịt gà và heo thì ngon thật đấy.

4. Thiên lệch điểm mù

Thiên lệch điểm mù là một loại phi lí trí khi mà ta dễ dàng nhận thấy sự phi lí trí của người khác mà không thể thấy được nó ở bản thân mình.
Chúng ta thường nghĩ nếu càng thông minh hơn thì càng nhìn nhận vấn đề rõ ràng và chính xác hơn. Nhưng các nghiên cứu có vẻ không đồng tính với việc này.
Công trình nghiên cứu của Dan Kahan chỉ ra rằng những người thông minh hơn không thể chống lại sự thiên lệch tốt hơn. Khi ông cho một tập dữ liệu để các đối tượng phân tích về vấn đề trung lập "phương pháp điều trị da", khả năng diễn giải và rút ra kết luận phụ thuộc vào khả năng tính toán. Nhưng khi vẫn giữ nguyên dữ liệu nhưng thay thế bằng các chủ đề nhạy cảm hơn như vũ khí, tội phạm, ý kiến đã chi phối cách đối tượng diễn giải dữ liệu như trước. Các đối tượng theo hướng tự do hoặc bảo thủ sẽ diễn giải dữ liệu để xác nhận niềm tin của họ.
Đây là biểu hiện lý giải có động cơ ở những người thông minh có khả năng phân tích dữ liệu. Và ông nhận ra những người giỏi tính toán hơn phạm nhiều sai lầm hơn khi diễn giải dữ liệu về chủ đề gây cảm xúc mạnh. Thật vậy, bạn càng thông minh bao nhiêu, bạn càng giỏi thao túng dữ liệu bấy nhiêu để phục vụ cho niềm tin của bạn.

III. Hậu quả của resulting

1. Nhận định không chính xác vấn đề

Các rủi ro trong cuộc sống luôn khiến chúng ta sợ hãi. Nếu tỏ tình mà crush không đáp lại thì sao? Nếu nêu lên ý kiến bị mọi người chửi rồi sao? Nếu hỏi bài thì họ có nghĩ mình ngu không?
Sợ hãi khiến chúng ta cẩn thận và cân nhắc hơn. Biết sợ là khôn ngoan hơn. Nhưng những thứ ta sợ thì sao? Liệu chúng ta đã sợ sao cho hiệu quả chưa? Mọi người thường hay sợ rất nhiều nhưng lại không sợ "Nếu ta nhận định vấn đề không chính xác thì sao?"
Chúng ta luôn sợ thế nên luôn muốn cuộc sống phải ổn định và dễ dự đoán hơn. Do mong muốn đó thúc đẩy dẫn đến nhiều nhận định sai lầm như đã phân tích ở trên. Chúng ta luôn phải tìm thấy một điều gì đó để liên hệ với bụi cỏ dù đôi khi nó không liên quan hay sai lầm. Có thể điều đó tốt cho sự sinh tồn, nhưng việc nhìn thấy con sư tử trong mọi bụi cây chẳng phải ngớ ngẩn sao?

2. Mất đi cơ hội học hỏi

Truy ngược là rất khó. Khi bạn thấy mình mập lên, bạn sẽ không biết được do mình ăn nhiều tinh bột hay nhiều đường, hay do ăn nhiều mà tập thể dục ít, hay do cơ địa, hay do mỗi yếu tố một phần. Và nếu do nhiều yếu tố thì mỗi yếu tố tác động bao nhiêu phần trăm?
Không trả lời được câu hỏi đó, bạn rất khó giảm cân. Bạn có thể tập rất chăm chỉ nhưng không có kết quả do chế độ ăn không phù hợp. Có thể ăn rất tốt, tập rất chuẩn nhưng vẫn không giảm được do cơ thể bạn cần nhiều thời gian hơn nữa để thích nghi với chế độ mới. Việc resulting kết quả không giảm béo được cho cơ địa, ăn tập bao nhiêu cũng không giảm cân được, sẽ giết đi cơ hội có được cơ thể mong muốn của bạn. Hơn nữa, giết đi cơ hội học được cách giảm cân phù hợp với bản thân.
Hãy luôn nhớ rằng mọi chuyện ít khi nào là 100% hay 0%, luôn luôn có nguy cơ trong đó. Ta cần phải suy nghĩ kĩ liệu kết quả đó là do kĩ năng còn thiếu hay do xui rủi. Nhưng do con người luôn có xu hướng quá yêu bản thân, và câu chuyện của họ phải luôn tươi sáng và tốt đẹp, ở đó họ luôn đúng. Thế nên, khi kết quả xấu ta đổ lỗi cho xui xẻo. Như vậy, bạn sẽ luôn sống trong cái giếng do chính mình tạo ra. Hiển nhiên, không thể học được điều gì.

3. Giết chết lòng từ bi

Chúng ta nhìn bản thân qua cách soi chiếu những người khác. tiêu chuẩn tốt hay xấu được hình thành qua những người hay câu chuyện về người ta gặp. Từ đó có người ta cho là tốt nhất và xấu nhất, và phân bổ rải rác mọi người khác qua thang đo của riêng mình. Thế nên có hai cách để khiến bản thân tốt hơn. Một là nâng bản thân cao lên. Hai là dìm người khác xuống. Như lời Richard Dawkins, gen của chúng ta có máu cạnh tranh rất cao.
Kết quả của một quyết định hình thành do hai yếu tố: Độ chính xác của quyết định và may rủi. Do đó để khớp với câu chuyện tốt đẹp mà bản thân vẽ ra, kết quả xấu của ta là do xui xẻo, kết quả tốt do kỹ năng, phẩm chất. Ngược lại, do cách nhìn trò chơi có tổng bằng không, nên kết quả tốt của người khác phải là do may mắn, kết quả xấu là do họ quyết định sai lầm. Bởi ta thắng do kĩ năng, thì họ thua do kĩ năng, ta thua do xui xẻo, thì họ thắng do may mắn.
Đây là một khía cạnh của việc nhìn nhận không chính xác vấn đề, và cách diễn giải này chắc có gì hơn là để thỏa mãn bản tính tự nhiên của chúng ta. Ta không bao giờ có thể chân thành chúc mừng cho thành công của người khác, ngay cả khi đó là bạn thân nhất của mình. Bởi vì ta nghĩ rằng họ thành công thì ta thất bại. Điều này sẽ ngày càng giết chết các mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh.
Cuộc sống không như vậy, kéo người khác xuống là chiến lược kém hiệu quả nhất trong mọi chiến lược. Chúng ta sống trong xã hội, nếu xã hội ấy yếu kém đi nghĩa là mọi nguồn lực, cơ hội ta có thể nhận được yếu kém đi, làm cho bản thân ta cũng yếu kém đi. Trong mối quan hệ cộng sinh, nếu cả hai không cùng thắng, nghĩa là đều thua.

4. Tự hành hạ bản thân

Với góc nhìn cuộc sống là trò chơi có tổng bằng không, còn có một khía cạnh. Đôi khi bạn bắt buộc phải thừa nhận người khác thắng do kĩ năng do sự thua thiệt của bạn là rõ ràng và không thể chối cãi. Phải giải thích làm sao khi bạn được sinh ra với đầy đủ điều kiện, được học thêm, được nhắc nhở chăm sóc kĩ càng mà vẫn không thể giỏi bằng một đứa bố mẹ li dị, phải tự săn sóc cho bản thân. Lúc đó, bạn thua hoàn toàn do kĩ năng, thế nên bạn nghĩ khi chiến thắng cũng chỉ do may mắn. Bạn hoàn toàn hoài nghi bản thân, rằng bạn là một đứa tệ hại không thể làm việc gì nên hồn và luôn sẽ thất bại.

IV. Giải pháp

1. Thể hiện xác suất nhất định

Nếu trong một ván cờ, việc thắng thua đã được định sẵn do kĩ năng, chắc chắn bạn sẽ thắng nếu đi mọi nước cờ hợp lí. Không nhiều việc trong thực tế giống như vậy, như nhiều việc đã đề cập ở trên.
Bộ não nếu không được tập luyện sẽ thường nghĩ cuộc sống giống bàn cờ, là trò chơi tổng bằng không. Thế nên, ta phải dạy bảo nó bằng cách luôn nói rằng thực tế không phải vậy.
Trong những lần nhận định tiếp theo, bạn hãy thể hiện một mức độ ước lượng mà bạn thân tin tưởng nhất sau khi đã xem xét kĩ càng vấn đề. Ví dụ: "Tôi chắc 70% là team sẽ thua do kĩ năng đồng đội quá tệ", "Tôi chắc 10% nếu đi trượt patin thì sẽ gãy chân". Hãy thể hiện mức độ chăc chắn nhất định và nhớ rằng: một việc không có tỉ lệ 0% hay 100% thì đều có thể diễn ra hoặc không diễn ra.

2. Thể hiện chi phí của lựa chọn

Khi đưa ra bất kì lựa chọn, quyết định, phán xét nào thì đều có chí phí. Nếu bạn chắc trượt patin sẽ gãy chân, bạn mất đi cơ hội biết trượt patin. Nếu bạn chắc học đại học sẽ không có lợi ích gì, bạn mất đi cơ hội học đại học. Đấy là chi phí cơ hội của lựa chọn, khi bạn lựa chọn cái này nghĩa là phải gạt bỏ mọi lựa chọn khả dĩ khác.
Theo sau mức độ chính xác nhất định của những khả năng khả dĩ cần có giá trị và chi phí của nó. Nếu bạn biết việc phán xét vội vàng như vậy sai lầm như thế nào và gây ra hậu quả lớn ra sao, bạn sẽ cân nhắc hơn trước khi quyết định.

3. Có cho mình một người bạn hay một nhóm đồng hành

Thông minh không giúp cho ta quyết định cuộc đời mình sáng suốt hơn. Như đã đề cập, càng thông minh thì càng có thể thao túng dữ liệu để diễn giải cho giống với mong muốn của mình. Nhưng bạn lại thường có thể nhìn thấy những sai lầm, thiên lệch của người khác rất rõ ràng, và họ cũng vậy. Ta có thể tận dụng điều này. Việc kết hợp lại với nhau khiến vấn đề trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Càng nhiều người, càng nhiều góc nhìn, càng nhiều đào bới thì ta càng nhìn rõ khuyết điểm của mình hơn. Tổng hòa của mọi người luôn lớn hơn tổng giá trị từng phần.
Không may là mọi người ít khi muốn bị vạch trần các khuyến điểm hay thiên lệch của họ. Dù sao thì đó vẫn là quyết định của họ và ta cần tôn trọng điều đó nếu nó không ảnh hưởng đến quyền lợi của ta hay người khác. Ta không bao giờ nên ép một người chưa sẵn sàng để nhìn vào sự thật, chỉ khi họ tự mở lòng mình ra thì sự giúp đỡ mới hiệu quả thôi. Đa phần mọi người đều không sẵn sàng nhưng không phải tất cả, luôn có những người, những trường hợp mà tương thích với mục đích nhìn nhận sự việc đúng đắn. Tuy vậy một cách tự nhiên, mọi người dễ bị trôi dạt vào vô thức và phạm những sai lầm khiến nhóm chệch hướng. Vì thế ta cần một bộ quy tắc ứng xử thích hợp.

4. CUDOS

Meyer R.Schkonick hay Robert Merton, được tờ New York Times vinh danh như "một trong những nhà khoa học xã hội có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20". Ông đã đặt ra cụm từ "hình mẫu","lời tiên tri tự hoàn thành","nhóm tham chiếu","hậu quả không mong muốn". Ông sáng lập ra ngành khoa học xã hội và là nhà khoa học xã hội đầu tiên được trao Huy chương Khoa học Quốc gia.
Vào năm 1942, Merton đã viết về cấu trúc chuẩn mực của khoa học. Ông cứ sửa đi sửa lại suốt 31 năm sau đó và được cộng đồng khoa học viết tắt CUDOS. Tôi sẽ trình bày các chuẩn này trong bài viết sau nhé.
Bài về CUDOS:
Tham khảo:
Tư duy đặt cược. Annie Duke
Gen vị kỷ. Richard Dawkins