Đây là câu thoại mà tôi tâm đắc từ bộ phim "The devil you know" vừa xem. Lý tưởng là thứ có thể khiến con người ta hy sinh thân mình một cách cao cả. Và cũng là thứ có thể khiến con người ta phạm những tội ác trời đất không dung.
Dưới góc độ tâm lý học và triết học, đã nhiều lần tôi phân tích rằng chừng nào còn phải vay mượn niềm vui từ thế giới bên ngoài thì chừng đó chúng ta còn lạc lối trong cõi vô minh. Nếu bạn phải xinh đẹp mới cảm thấy yêu đời, vậy đời bạn sẽ ra sao khi thiếu mỹ phẩm và quần áo đẹp? Nếu bạn phải tìm kiếm niềm vui trên mạng xã hội, vậy đời bạn sẽ ra sao trong một ngày bị mất internet? Bạn tưởng rằng bạn hạnh phúc, thành đạt. Nhưng thực ra, niềm vui của đời bạn nằm trong tay một số ít người bán hàng. Họ là chủ nhân của bạn.
Ta chỉ sống một cách trọn vẹn khi có được niềm hạnh phúc tự thân, từ bên trong chính ta. Vui với tia nắng đầu ngày, vui với ngọn cỏ ngoài sân, vui với việc chẳng có gì ngoại trừ một không gian trống rỗng bao trùm xung quanh. Một kẻ như thế là một kẻ hoàn toàn tự do, một kẻ thật sự hạnh phúc.
Nếu tôi có những thứ giúp tôi hạnh phúc, vậy đời tôi sẽ ra sao khi chúng mất đi?
Điều tương tự cũng đúng với lẽ sống. Khi phải vay mượn lý tưởng từ đâu đó ngoài kia, ta không thật sự sống cuộc đời mình. Ta thiếu niềm tin vào bản thân. Cho nên ta phải tìm đến 1 điều gì đó lớn lao để thoát khỏi nỗi đau rằng mình nhỏ bé. Đó là lý do mà người ta thường tìm đến tôn giáo khi trải qua một nỗi đau quá lớn. Nó cho ta một lối thoát, cho ta một ý nghĩa để tiếp tục sống cuộc đời vô nghĩa của mình. Và khi đã quá lệ thuộc vào một lý tưởng vay mượn như thế, thật dễ hiểu nếu người ta có xu hướng hành động một cách cực đoan. Có 2 trường hợp điển hình như sau:

Thứ nhất: niềm tin bị lật nhào, hình tượng tôn thờ bị sụp đổ

Trong tình huống này, một con chiên ngoan đạo có thể phản ứng theo 3 cách. Hoặc là quay ra căm ghét thần tượng vì đã bị lừa dối suốt thời gian dài. Hoặc là căm ghét kẻ đã vạch trần bộ mặt thật của thần tượng. Hoặc là căm hận cả thế giới vì cho rằng nó toàn điều giả dối. Đại diện tiêu biểu cho mẫu người này là nhân vật Harvey Dent trong phim The Dark Knight của đạo diễn Nolan. Từ một chiến binh công lý sẵn sàng chết vì lý tưởng, hắn quay sang căm hận và muốn trả thù cả thế giới sau khi bị nỗi thất vọng nhấn chìm.

Thứ hai: Căm ghét những kẻ không cùng chung lý tưởng

Có lẽ tôi không cần phải phân tích vì có quá nhiều ví dụ về kiểu người này. Người Công giáo và Hồi giáo căm ghét lẫn nhau. Ai cũng cho rằng niềm tin của bản thân là đúng và bất cứ kẻ nào dám tin vào một điều khác đều là tà đạo. Người theo chủ nghĩa tư bản và người theo chủ nghĩa xã hội nhìn nhau bằng ánh mắt khó ưa. Người phủ nhận triều Nguyễn thì gắn mác "bọn tôn Nguyễn" một cách khinh miệt cho phe đối lập. Còn phe đối lập cũng chẳng vừa khi buông những lời chế diễu lại đối thủ. Fan Man United và fan Liverpool thì ghét cay ghét đắng lẫn nhau. Họ chia bè phái. Thế giới trong mắt họ được phân loại thành "chúng ta" và "bọn chúng", "thiện" và "ác", "đồng chí" và "kẻ thù".
Thế giới không chỉ có đen và trắng. Không ai có nghĩa vụ phải tin và làm theo lý tưởng của riêng cá nhân bạn.
Thế giới không chỉ có đen và trắng. Không ai có nghĩa vụ phải tin và làm theo lý tưởng của riêng cá nhân bạn.
Sự căm ghét chẳng bao giờ là tốt. Bậc trí giả có thể nhìn ra sự không hoàn thiện của người khác, của xã hội, nhưng sẽ không vì thế mà nảy sinh sự thù hằn. Cũng bởi vậy mà tôi từng viết 1 bài về anh thầy giáo nọ dạy học sinh "căm ghét cái ác". Anh ta là một con chiên ngoan đạo của lý tưởng về "sự chính trực" vay mượn được từ đâu đó. Và cũng giống như tất cả con chiên ngoan đạo khác, anh ta căm ghét những kẻ dám đi ngược lại lý tưởng của bản thân. Anh ta thể hiện sự căm ghét đó, lan tỏa nó một cách đầy tự hào.
Gần đây, tôi cũng cảm thấy khá đáng tiếc khi đọc một vài post thể hiện sự căm ghét Putin (và nước Nga) từ một người mà mình yêu mến. Tôi đã mong chờ nhiều hơn từ bác ấy. Hẳn nhiên hành động quân sự của Putin và nước Nga là không đúng. Nhưng cớ sao lại nêu cao sự căm thù? Sự căm thù ấy giúp ích được gì cho bản thân mỗi người và cho thế giới này? Ta có thể hành xử như một vị quan tòa cơ mà - đọc bản tuyên án dành cho kẻ có tội trong sự bình thản, đấu tranh loại bỏ cái ác bằng thái độ trung dung. Cớ sao cứ phải nêu cao ý chí căm hờn như đám đông bị kích động trong một buổi đấu tố? Bạn có hình dung nổi xã hội sẽ thế nào nếu những vị quan toà mỗi khi tuyên án lại trợn trừng mắt, gào thét lý tưởng căm giận cái ác không?
Chừng nào có một lý tưởng để ngợi ca, ta cũng có một thứ để căm ghét. Và chừng nào còn mang trong mình sự căm ghét, ta vẫn còn mầm mống xấu xa. Thiên thần khi sa ngã không thể trở thành người bình thường, mà sẽ thành ác quỷ.
CON CHIÊN NGOAN ĐẠO NHẤT CŨNG LÀ KẺ CÓ THỂ PHẠM NHỮNG TỘI ÁC ĐÁNG SỢ NHẤT.
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!