Nếu người ta không thể làm bạn từ đầu, làm thế quái nào mà họ yêu nhau được cơ chứ?
Tình bạn có nghĩa là sự đồng cảm. Nếu như những cảm xúc trong tôi và bạn cùng trở nên ngọt ngào với một điều gì đó, thì chúng ta là bạn. Bạn có thể thích Ronaldo còn tôi là fan của Messi, nhưng nếu chúng ta cùng say mê với bóng đá, chúng ta vẫn là bạn. Bạn có thể làm bạn với bất kỳ ai nếu bạn đồng cảm với họ. Kể cả đó là một người vô gia cư, một tỷ phú, hay một người mà bạn chưa gặp mặt bao giờ.
Và nếu hai người có cùng một cảm xúc ngọt ngào về nhau nhau, đó là tình yêu. Thường thì người ta phải là bạn trước khi yêu nhau. Người ta chỉ nhìn thấy nhau nếu họ cùng say mê một điều gì đó. Thế thì mới có chuyện để mà nói chứ đúng không? Nếu như hai người không không có chung một cảm xúc với điều gì, những trường ca “Em ăn cơm chưa” sẽ là thứ được vang lên.
Khi một cuộc tình tan vỡ, rõ ràng là tình yêu đã không còn xảy ra từ 2 phía. Có thể là tôi vẫn còn yêu em và em chán ngấy với tôi. Hoặc em vẫn còn yêu tôi mà tôi thì chỉ muốn “chuồn”. Hai người sẽ không còn thấy ngọt ngào về nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không còn có những sự rung động chung về một điều thứ ba. Khi người ta vẫn còn có sự đồng cảm, tại sao họ lại không thể làm bạn? Vấn đề chỉ là sự sẵn lòng từ cả hai phía. Họ sẽ không còn sẵn lòng với nhau, nhưng họ vẫn có thể cùng sẵn lòng với một điều gì đó. Nếu họ có chung một niềm đam mê, nếu họ có cùng một sở thích, nếu họ đi chung trên một con đường, và nếu họ cùng muốn, tại sao lại không thể tiếp tục làm bạn? 
Tôi có biết một câu chuyện chia tay xong làm bạn từ thời cổ lỗ sĩ như thế này. 2500 năm trước, có một vị hoàng tử nọ đã từ bỏ tất cả để bước theo con đường tâm linh. Ông chia tay người vợ của mình, người mà ông thương yêu trong những năm dài tuổi trẻ, bước đi, và không bao giờ còn quay trở lại với cuộc sống hôn nhân nữa. Nhiều năm sau, người vợ của ông cũng trút bỏ mái tóc dài để xuất gia trong giáo đoàn của người chồng cũ. Họ không bao giờ còn là vợ chồng. Nhưng theo cách nào đó, họ cùng tu hành, cùng sống theo một lý tưởng, cùng đi trên một con đường, và rõ ràng họ là bạn của nhau cho đến cuối đời. Nếu bạn không biết vị hoàng tử bối rối ấy, thì đó chính là câu chuyện của Đức Phật.
Chỉ có một vấn đề nho nhỏ thế này: Khi người ta muốn làm bạn với nhau sau khi chia tay, không phải ai cũng muốn làm điều đó vì những sự đồng cảm, mà là vì họ muốn nuôi dưỡng một giấc mơ về việc quay lại, hoặc tệ hơn, họ cần ai đó để “dự phòng”. Chúng ta đều không muốn cái cảm giác mất đi mãi mãi một điều gì đó, và vì thế chúng ta bảo “vẫn là bạn nhé” để sau này, “biết đâu….”.  
Xây dựng mối quan hệ dựa trên điều đó thật là ngớ ngẩn! Thứ nhất, đó không phải là sự đồng cảm, đó không phải là tình bạn, chỉ là sự lợi dụng dựa trên những mơ mộng hão huyền. Mối quan hệ kiểu như thế thì chẳng mang lại điều gì tốt lành cho cả hai cả. Và thứ hai, nếu hai người có thể đi chung đường, hai người đã không chia tay. Tại sao lại phải cố gắng quay về vết xe đổ của mình? Sao không buông bỏ những giấc mộng đã qua để tiến về phía trước? 
Điều đó có nghĩa là không coi người yêu cũ như con hủi phải tránh xa, nhưng cũng không níu giữ những hão huyền để chính mình bị níu giữ trong quá khứ. Nếu còn duyên, sẽ còn gặp lại. Thế thôi.
Đôi khi ngoảnh đầu nhìn lại cũng hay, nhưng dù bạn có ngoảnh nhìn lại, cũng đừng quên tiến lên. Để những hạnh phúc đã khép lại được khép lại, và để những hạnh phúc có thể mở ra được mở ra.
Đường còn dài. Ngoảnh nhìn một chút, rồi, thôi.