Ảnh từ lớp Cảm tình điện ảnh của em Duy. Nó nghe ý tưởng phim trong hình của tôi rồi bảo tôi làm phim Xã hội Chủ nghĩa. Phim tôi đả phá chủ nghĩa tự do phương Tây và đề cao chủ nghĩa tập thể. Đặt tên phim là "Kiếp người" (nhái tên sách em Long) cho nó đúng chất điện ảnh tuyên truyền thời bao cấp. Tên Hong Kong của phim là là "Nhân Mệnh Vô Thường".
Ảnh từ lớp Cảm tình điện ảnh của em Duy. Nó nghe ý tưởng phim trong hình của tôi rồi bảo tôi làm phim Xã hội Chủ nghĩa. Phim tôi đả phá chủ nghĩa tự do phương Tây và đề cao chủ nghĩa tập thể. Đặt tên phim là "Kiếp người" (nhái tên sách em Long) cho nó đúng chất điện ảnh tuyên truyền thời bao cấp. Tên Hong Kong của phim là là "Nhân Mệnh Vô Thường".
Hôm đi cắm trại, anh Hiệp từ chối thết rượu cho đoàn chúng tôi trong bữa trưa. “Đã biết nhau là ai đâu mà uống”, anh bảo thế. Thì ra là đợi đến bữa tối—lúc lửa lên để nướng thịt, khi hậu cảnh xung quanh chỉ còn là một màn đêm tĩnh mịch—đó mới là lúc để mọi người biết về nhau. Màn đêm đen đặc vây xung quanh hòn đảo nơi lũ chúng tôi cắm trại, cộng với việc mobile data không có nổi một vạch sóng, khiến lũ chúng tôi bị buộc phải rơi vào trạng thái phải nhập thế—giới thiệu bản thân.
Đời này tôi chắc sợ nhất cái món giới thiệu bản thân. Anh Hiệp bày ra trò này ác thế. Mỗi tội anh bao tôi tiền ăn xôi bữa sáng, tiền cốc cà phê muối mà tôi phải nuốt vội trước khi lên xe khởi hành, và cả bữa nem chua rán ấm cúng nơi góc phố cổ dưới mưa nữa. Nên tôi chẳng dám trách anh (quá nhiều). Nhưng mà tôi sợ lắm. Giới thiệu bản thân nghĩa là phải đối diện với bản thân. Đối diện với cái mong muốn được biết và được nhớ về của mình. Và trên hết, là đối diện với cái hiện thực rằng mình có đang thực sự đúng với cái lý tưởng mà mình vẽ ra đấy không. Tôi nghĩ một hồi. Rồi khi đến lượt của mình, tôi bảo rằng tôi yêu. Tôi rất yêu nghệ thuật, rất yêu game, và tôi rất yêu những việc mình làm. Điều này có vẻ quan trọng, bất ngờ thay, đến mức tôi tự thấy mình phải nhắc tận hai lần. Nếu là tôi của hồi mười tám đôi mươi, có lẽ tôi sẽ một mực khăng khăng khẳng định là tôi là thiết kế game, tôi là họa sĩ này nọ, rồi làm dự án này, làm sản phẩm kia. Hệ giá trị bản thân của thằng tôi ngày ấy là vai trò và năng lực: tôi làm việc gì, và tôi có giỏi việc ấy không. Và điều đấy cũng chẳng có gì sai. Tuổi trẻ thì vĩ cuồng, không có gì trong tay cả, chỉ thèm khát nhận được sự công nhận. Thèm được là một ai đó để đóng góp vào bộ máy vận hành của cuộc đời này. Thèm được không-vô-dụng.
Nhưng tôi đã sống qua hết cái tuổi trẻ ấy rồi. Tuổi trẻ cống hiến, có những đắng cay, có những huy hoàng, có những tủi hổ, có những thứ để lại nhiều đau thương và thất vọng, và cũng có những thứ đem lại niềm tin và lòng tự hào. Những thứ ấy lúc nào cũng quan trọng, nhưng tôi không còn cần chúng như là một phần trong danh tính của mình. Tôi nhận ra rằng, dù mình có theo đuổi bất cứ điều gì đi chăng nữa, thì tôi cũng chẳng ăn thua được với ai. Mà tôi cũng chán theo đuổi rồi. Cái sự theo đuổi đấy, tôi để dành cho thế hệ đôi mươi tiếp theo. Đối với tôi, tuổi ba mươi là lúc để trở thành một người yêu đúng nghĩa. Tôi sẽ chọn lấy sự tự do để yêu theo bất cứ cách nào, ở bất cứ khoảng cách nào. Tôi có thể yêu bằng cách làm nghề. Nhưng một ngày nào đó, cuộc đời này có thể lấy đi đôi tay của tôi. Và khi đó, tôi có thể yêu bằng những ngôn từ của mình. Và nếu không còn tiếng nói, tôi có thể yêu bằng đôi mắt và những giọt lệ. Nếu không có ánh sáng, tôi có thể yêu bằng đôi chân không dừng bước. Và nếu không còn hơi thở, tôi mong sự ra đi của mình sẽ là minh chứng cho việc người ta có thể yêu như thế nào.
Hôm tôi vinh dự được đi làm giám khảo ở một cuộc thi làm game nọ, tôi có cơ duyên làm quen với anh Thụ, một người anh lớn trong ngành game.
“Thế em làm gì?” Anh hỏi tôi. “Dạ em GD (game designer).” “Thế ngoài làm GD còn làm gì khác không?” “Dạ em không.” Tôi đáp một cách dõng dạc. “Em chỉ làm chuyên môn thôi ạ.” “Thế hơi phí nhỉ.” Anh cảm thán. “GD mà nắm thêm về quản lý thì hiệu quả hơn bao nhiêu.”
Đến đây thì tôi chỉ cười trừ và không dám bình luận gì thêm. Kiểu đùa chứ, hiệu quả hơn CHO ANH thì là rõ rồi. Nhưng không lẽ tôi lại trả lời là “Nhưng mà như thế là em không yêu game!” Việc từ chối theo đuổi công việc quản lý là một lựa chọn có chủ đích của tôi, vì tình yêu. Chứ không phải là tôi không thể hay chưa từng thử làm quản lý. Thậm chí tôi đã từng cố gắng làm quản lý và theo học rất nhiều các khóa học quản lý—từ quản lý dự án, quản lý account, quản lý sản phẩm, đến quản lý cộng đồng. Nhưng cuối cùng thì tôi nhận ra là những công việc đó không hợp với mình. Nếu như điều tôi hướng đến là bất cứ thứ gì khác: tiền bạc, danh vọng, sự tôn trọng, thì có thể những công việc này đã đưa tôi đến gần hơn với chúng. Nhưng thực tế thì ngược lại, chúng kéo tôi đi xa ra khỏi tình yêu, bằng cách khước từ ngôn ngữ tình yêu của tôi đối với game. Và vì thế, tôi từ chối chúng.
Có một ngày nọ, tôi chợt mở mắt và nhìn lại xung quanh. Tôi đi tìm những người bạn, những người đồng môn của năm xưa—cái thời mà ở đó có một đám trẻ mới vào nghề và hăm hở chia sẻ với nhau những từng thứ nhỏ nhặt để cải thiện chuyên môn của mình. Và xung quanh tôi giờ đây dường như chẳng còn mấy ai cả. Kẻ thì đã bỏ nghề, người thì đã lựa chọn con đường quản lý để thăng tiến sự nghiệp. Có người còn startup. Cũng không phải là tôi chưa từng thử startup, nhưng lắm lúc tôi cũng thấy mình may mắn vì con đường đấy đã không thành. Và ngày hôm nay, ở đây, khi tôi đứng trong một sự cô quạnh theo một cách nào đó, tôi nhận ra rằng cái tình yêu như mình có mới là thứ thực sự hiếm có khó tìm. Tôi chẳng dám nhận mình giỏi giang hơn ai cả. Và thật ra cái sự giỏi-giang-ở-hiện-tại rốt cuộc cũng chẳng quan trọng đến thế. Hôm trước tôi lên thăm Phương ở trên trường, nó vừa vẽ vừa bảo tôi là “em quyết định tin lời anh Hùng, rằng điều quan trọng nhất là mình phải là người ở lại sau cùng.” Cũng dễ hiểu thôi. Bạn chỉ cần là người bền bỉ nhất, dai dẳng nhất còn bám trụ lại. Và khi không còn có ai ở xung quanh cạnh tranh với bạn nữa, thì đương nhiên bạn là nhất chứ sao. Của bạn tất chứ còn gì nữa. Nên cái chuyện ngay bây giờ bạn không giỏi cho lắm thì cũng chẳng làm sao cả.
Còn làm sao để có được sự bền bỉ ư? Bạn cần tình yêu. Và may sao, tình yêu cũng là một thứ mà bạn hoàn toàn có thể bồi dưỡng mỗi ngày. Tôi có một cái máy Steam Deck (máy chơi game cầm tay), mà tôi đã đặt mua không một chút đắn đo ngay từ khoảnh khắc đầu tiên tôi nhìn thấy nó trên mạng. Và mặc dù từ lúc cái máy về tay tôi đến giờ cũng đã hơn một năm rưỡi, và mặc dù tôi vác nó theo mình đi khắp mọi nơi, nhưng số thời gian tôi thực sự lôi nó ra để chơi game thì chắc thua cả số thời gian tôi dành để xem phim. Xung quanh tôi cũng có những người sở hữu chiếc máy đó. Và tôi nhìn thấy rằng, lúc nào họ cảm thấy họ không có nhu cầu chơi game nữa, thì họ không mang nó theo. Quá là hợp lý. Nhưng tôi không như thế. Đã lâu rồi tôi không chơi, và tôi cũng biết là tôi không chơi, nhưng tôi muốn mang nó theo bên mình mọi lúc mọi nơi. Bởi vì đối với tôi, chiếc máy ấy là tình yêu của tôi được biểu hiện, một biểu tượng, và một phần của danh tính. Khi yêu và bồi dưỡng tình yêu, chúng ta đâu có nhất thiết phải cho đi những thứ cụ thể của hiện tại và hiện thực, như thời gian, công sức hay tiền bạc. Thay vào đó, chúng ta có thể cho đi những khả thể: rằng bạn luôn luôn là hành trang mà tôi mang theo trong trái tim mình, và tôi luôn sẵn sàng để dành thời gian cho bạn. Vậy là việc tôi mang theo chiếc máy, rõ ràng không phải để tôi chơi game, mà là để tôi bồi dưỡng cho tình yêu của mình, và nhắc nhở bản thân rằng mình là ai.
Từ lúc Phương bắt đầu vẽ đến giờ có lẽ cũng chưa được tính là lâu. Nhưng con bé trực tiếp đứng lớp dạy vẽ cũng đã được 6-7 năm, trải qua hàng trăm khóa học và hàng nghìn học viên, nhưng chẳng thấy chút dấu hiệu nào định dừng lại. Sắp tới lại định mở thêm khóa Cảm thụ mỹ thuật lải nhải rát họng. Hay như anh Hải, chạy Dấu sông hồn phố mấy năm đến giờ chắc cũng phải đến hàng trăm tour. Hôm anh dẫn tôi lần đầu đi còn sụm cả lưng vì vác balo nặng đi nhiều quá. Nhưng nội dung của anh thì lúc nào cũng đổi mới. Tôi đi Dấu sông hồn phố lần thứ hai sau nửa năm, đã thấy cả một bầu trời khác biệt. Rồi còn thằng Duy, mồm thì xoen xoét kể khổ về ngành điện ảnh của nó, nhưng vẫn cứ cứng đầu, quyết không từ bỏ. Nó khuyên con nhà người ta đừng xem phim Tarkovsky (“xem hỏng mẹ người”, nó bảo thế), nhưng cứ nhắc Tarkovsky là cái mắt nó sáng quắc. Ô thế đấy đéo phải là dấu hiệu của yêu thì là cái con mẹ gì? Biết yêu là khổ, nhưng vẫn cứ lao vào. Tôi nghĩ, chỉ khi chúng ta “lao vào” một thứ gì đó, thì cái cuộc đời này mới thực sự đáng để sống. Ít nhất là Dostoevsky đã nghĩ thế.
Đợt tôi gia nhập team Monster Box cũng thế. Tôi chuẩn bị kỹ càng, và cuối cùng thì tôi chẳng nhận được câu hỏi phỏng vấn con mẹ nào cả. Anh Liêm và Lâm nói thẳng với tôi luôn: họ kéo tôi về không phải vì năng lực, mà là vì đam mê của tôi với game. Vì tình yêu của tôi đấy. Và vì thế nên mặc dù tôi vẫn fail mỗi ngày, khiến cho họ bực bội và thất vọng đủ đường, nhưng với những người mà tôi biết chắc chắn là mang tình yêu to lớn không thua gì tôi như thế, tôi không cho phép bản thân mình chạy trốn hay bỏ cuộc. Tôi có thể yếu kém, chứ dứt khoát đừng hòng có ai thắc mắc được về tình yêu của tôi.
Cho nên là, dẫu rằng vẫn có hàng trăm đường để cảm thấy cô đơn, tôi quyết định không cảm thấy cô đơn nữa. Vì chỉ cần phóng tầm mắt ra xa hơn những biên giới lãnh địa của mình, tôi nhìn thấy những con người mang những tình yêu giống hệt như mình, mà giả như tôi đã quá bận rộn trong sự khốn khổ của bản thân, thì tôi đã không bao giờ gặp được. Tôi hết cô đơn, vì tôi thấy xung quanh mình toàn là người yêu cả. Và để là người yêu, trước hết bạn phải là người tự do.

Links