CHUYỆN NGÔ NGỐ NGỐC NGỐC NGÀY BÉ...(P1)
Buổi trưa hè man mát năm mẫu giáo khẽ thổi vào má tôi hương vị của thời gian… Mi mắt khẽ nhắm hờ, rung rinh như cánh bướm...
Buổi trưa hè man mát năm mẫu giáo khẽ thổi vào má tôi hương vị của thời gian…
Mi mắt khẽ nhắm hờ, rung rinh như cánh bướm chập chờn lúc bay lúc đậu,… khi đó tôi đang giả vờ ngủ trưa, vì cô giáo có nói, cô đi quanh lớp một lượt, ai không ngủ sẽ bị đánh đòn, phạt buổi chiều không được ăn chè đỗ xanh nữa. Nhưng tôi không thích ngủ trưa, vì với tôi, khoảng thời gian ấy, đủ để tôi có thể đi khám phá mọi ngóc ngách trong trường mẫu giáo có cây đề trăm tuổi. Cây đề ấy to lớn ngoài sức tưởng tượng, ít nhất là năm mẫu giáo bé tí, tôi có thể chui lọt vô cái ngách giữa hai rễ chính, tạo thành một cái hang nho nhỏ mà tôi giấu bên trong đấy mấy hòn đá cuội hình thù đẹp đẽ mình đã sưu tầm. Suy nghĩ đuổi theo và đưa tôi về mấy hôm tôi trốn biệt tích trong cái hang bí mật. Nói là trốn nhưng sự thật là do tôi chui vào đó chơi, kết cục lại ngủ quên mất, làm cho mọi người phải tá hỏa một phen. Nhưng cũng chẳng thể trách tôi, địa điểm lí tưởng ấy quá tuyệt vời, có gió mát, có hương thơm xanh ngát, có âm thanh rì rào, có nắng hè lấp lánh đậu xen kẽ ở những khe lá tán tầng đan xen của cây đề lâu năm. Tôi yêu cảm giác nắng hè tinh nghịch xuyên qua sắc lá xanh màu đậu vào tay vào má hay áo quần mình. Thỉnh thoảng khum khum hai lòng bàn tay vào nhau, tôi đỡ nắng vàng ở trong đó, theo nhịp gió thổi, hạt nắng ấy cứ chạy chạy lon ton trong khoảng không gian bé tí xiu mà tôi đã tạo ra. Chơi như thế sẽ rất vui, nhưng chỉ một lúc thôi, hai mắt lim dim và bạn sẽ ngủ quên lúc nào chẳng hay, như tôi vậy đó…
Đang mải nghĩ ngợi mấy điều vẩn vơ của ngày hôm qua hôm kia, tự dưng cảm thấy có một cái chạm khe khẽ vào má mình mà kèm theo đó tôi nghe được cả sự rón rén, hồi hộp… Ngay lập tức tôi mở mắt ra, cái mặt non choẹt ngô nghê không giấu nổi sự ngạc nhiên hiện chình ình ở đó, giọng nói thì lắp bắp:
“ Ơ…tưởng, tưởng ngủ rồi cơ mà!”
Tôi bặm môi, trợn mắt nhìn cái đứa dở hơi ấy rồi quát:
“ Sao mày dám thơm trộm tao, tao về mách bà nội…”
Vừa hét lên một cách oai vệ như thế, ngay lập tức tôi đã ăn phải cái lườm cháy mặt cháy tóc của cô giáo, huhu… ôi thôi, thế là xong, vẫn bị mất suất ăn chè, lại thêm cả cái má nữa…bực mình ghê…
Không có chỗ nào trút giận, tôi quay lại nhìn chằm chằm vào cái đứa vừa gây ra hậu quả ấy, miệng lẩm bẩm “ nu pa ca chi”, hẹn ngày mỗ sẽ báo thù…
Nung nấu mãi đến tận chiều tối, bà nội mới đến trường mẫu giáo đón tôi về. Bình thường cũng chẳng mong lắm đâu vì muốn ở lại cuối cùng trong trường chơi đùa thỏa thích, nhưng buổi hôm nay đặc biệt, bà phải đến sớm, không cái đứa kia về trước thì xong phim. Vừa nhác thấy bóng dáng gầy gầy của bà, tôi đã ùa ra khóc lóc kể lể mách tội:
“ Bà ơi, hôm nay thằng Chiến nó thơm trộm vào má cháu, bà bảo cô giáo đánh nó đi, huhu...”
Haizz, cách duy nhất để dỗ một đứa trẻ lúc nó đang làm nũng hoặc hờn đó là hùa theo mấy đòi hỏi linh tinh của nó. Bà nội tôi cũng làm như thế, bà còn gấu hơn một chút xíu, ra trước mặt thằng Chiến, dọa nó lần sau mà còn dám thơm bạn Lệ là bà sẽ bảo cô giáo không cho đi học nữa… Những tưởng nó sẽ sợ hãi mà khúm núm hứa lần sau không như vậy thì giật mình, nó nói vống lên, miệng bô bô:
“ Sau này cháu sẽ bảo vệ bạn Lệ cho tới khi bạn ấy học xong đại học…”
…
Vậy là từ câu nói đó thôi, cả tuổi thơ dữ dội của tôi bị gắn liền với mấy trò trêu ghẹo ghép đôi ghép cặp các thứ của bọn trong xóm. Tuyển tập mấy câu siêu kinh điển của tụi nó là “ Chiến Huy yêu Lệ Minh” rồi mấy bài đồng dao cô dâu chú rể đội rế qua cầu… Nhà tôi thì có bờ tường bao xung quanh, bọn dở hơi ấy còn chơi một vố lớn, lấy phấn trắng vẽ bậy tùm lum lên đó, trái tim trái tim lồng nhau rồi tên của hai đứa viết to ở giữa… báo hại tôi cả trưa phải hì hục lau lau rửa rửa không sợ tối về bố mẹ nhìn thấy. Nhưng mà có một số thứ, dù bạn vẫn làm thì cũng chỉ như dã tràng xe cát biển Đông. Bọn hàng xóm thay phiên nhau, mỗi ngày một bức vẽ, cứ xóa lại viết, xóa lại viết, mà lần sau còn hăng say và nhiều hơn cả lần trước. Tần suất dày đặc của “ số 1” và “ số 0” được xếp cạnh nhau, được các bạn tôi phán là số 10 tròn trĩnh ( nó thì béo ú, còn tôi thì gầy gò), lắm lúc cũng cạn lực, cạn lời, tôi chẳng thèm phản bác nữa, mặc kệ chúng nó trêu sướng miệng thì thôi…
Chúng tôi lớn dần lên, lớp một, lớp hai, lớp ba, lớp bốn… rồi lớp năm. Tuổi thơ vẫn bên nhau như vậy, cùng học cùng chơi cùng nghịch ngợm rồi hùa nhau kể chuyện ma buổi trưa ở trường để hù dọa chúng nó. Bố tôi và bố Chiến thay phiên nhau trở hai đứa đi học, có những hôm cả hai bố quên không đón, chúng tôi lững thững ôm cặp sách đi bộ về nhà, trời thì vẫn nắng chang chang nhưng trên đường có đổ xuống thêm hai cái bóng, một béo một gầy, một thấp, một cao…
Đến năm cuối tiểu học, cả hai đứa được bố mẹ cho đi học thêm môn Toán Văn Anh để bớt nghịch và trở nên tri thức hơn. Vậy là đều đặn ba buổi một tuần, xe máy lại bon bon trên hành trình từ nhà đến Thư viện tỉnh Nam Định. Vì hai bố đều bận, mà chúng tôi chỉ học thêm từ 7 giờ sáng đến 9 giờ trưa thôi, nên bố đã làm cho mỗi đứa một cái thẻ thư viện đọc sách thiếu nhi, đề phòng chưa có người đến đón thì vô đó ngồi đọc, tránh đi lại lung tung. Suốt tháng năm ấy, cứ mỗi khi học xong tôi lại chạy tót lên thư viện, tìm đọc một loạt các sách hay, từ Doraemon, Thám tử conan, Bí mật về người ngoài hành tinh, Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Không gia đình rồi hàng loạt tuyển tập Một vạn câu hỏi vì sao… Nhưng mấy hôm đầu, chỉ có tôi vào thư viện đọc thôi, còn tên Chiến cứ đứng ngoài lởn vởn mà không chịu vào. Tôi có hỏi thì nó bảo nó không thích đọc sách, vậy mà mấy hôm sau, chắc chơi một mình chán quá, nó cũng lủi thủi cầm cặp sách vào đọc chung với tôi…
Lên cấp Hai, chúng tôi không học chung trường với nhau nữa, nguyên do là thế này…
Năm hai lẻ mười, chúng tôi thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh, nó được giải Nhì còn tôi được giải Nhất. Bố mẹ hai đứa đều nộp hồ sơ vào trường THCS Trần Đăng Ninh và kết quả, tôi với nó lại được xếp chung lớp, nhưng hài hước thay, đó lại là lớp chuyên văn. Với tôi, điều này không phải là vấn đề nhưng với Chiến, thật sự có khó khăn. Nó cũng thích học Trần Đăng Ninh, nhưng là lớp chuyên Toán chứ không phải chuyên xã hội, bởi vậy, sau kết quả trúng tuyển nó đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi vẫn nhớ, nó đã nói với tôi một câu:
“ Lệ ơi, mày đã quyết định học ở đấy chưa, mày học ở đâu là bố tao bắt tao học ở đó đấy…”
Ánh mắt ngày ấy thật không dễ quên mà, có sự non nớt của đứa trẻ, có sự mâu thuẫn đợi chờ, có cả sự kiên quyết của một lập trường chắc chắn. Chẳng hiểu sao tôi không dám nhìn thẳng, tôi lờ câu nói đi và hỏi vu vơ sang một vài chuyện khác. Nhưng đến chiều tối, nó lại qua nhà tôi, hỏi tôi một câu y nguyên như vậy, tôi tặc lưỡi gật đầu cho qua, bảo rằng, ừ, tao quyết định rồi, tao sẽ học ở đó…
Nó lủi thủi đi về…
Tháng 8, sát ngày nhập học, hai gia đình có rủ nhau đi tắm biển Hạ Long- Cát Bà.
Tôi thì đã đi biển nhiều lần, chỉ háo hức không biết Vịnh Hạ Long có đẹp hay không thôi, nhưng còn tên Chiến, lần đầu tiên đi biển, nên từ lúc ngồi trên xe cho đến khi tới nơi, nó cứ choi choi như con lật đật. Xe vừa dừng, còn chưa kịp vào khách sạn, nó đã ton hót chạy ùa ra biển rồi, nhưng chưa dám xuống, chỉ đứng trên bờ nhìn thôi.
Chiều hôm đó, cả nhà cùng nhau đi tắm. Với tôi, bơi ở biển so với bơi ở bể đúng là có dư vị khác lạ. Được hòa mình vào đại dương chiếm ¾ quả đất, tôi cảm thấy mình như được tự do vùng vẫy giữa biển trời bao la khoáng đạt, vượt qua những con sóng tung bọt trắng xóa, nếm đủ vị mặn mòi của khơi xa, của nắng trời ran rát đổ xuống nhưng lấp lánh ánh vàng… bỗng nhiên lúc đó tôi có nảy ra ý định thả mình trôi tự do xem như thế nào. Vậy là mặc áo phao, đeo kính bơi các kiểu, tôi để mặc sóng biển sẽ đưa mình tới đâu. Nói thế thôi nhưng cũng có chút sợ, thấy xung quanh đột nhiên yên yên, tôi mở bừng mắt ra, thì ôi thôi, trôi gì mà trôi đến gần cột cờ rồi, suýt thì hòa với đại dương thực sự. Sợ quá, tôi quẫy quẫy bơi vào thiệt nhanh, lỡ có bị làm sao thì hú hồn lắm…
Lúc bơi gần về chỗ mọi người, tôi thấy tên Chiến vẫn cầm phao đứng như phỗng trên bờ, ai rủ cũng không chịu xuống. Tôi thấy quá khó hiểu, lúc chưa đến nơi thì háo hức đến phát mệt, giờ được xuống tắm rồi mà cứ lẩn thẩn chần chừ. Thế là tôi chạy lại, ghị nó xuống, nhưng đến lúc thấy sóng ào tới nó lại chạy tót lên bờ, càng không hiểu, tôi lại càng ra sức lôi léo, đến lúc bắt nó xuống nước được rồi, thấy nó khóc ré lên,… ôi má ơi, tôi sợ xanh mắt mèo, hóa ra cậu ta không biết bơi lại sợ nước, vậy mà sĩ diện không chịu nói ra cơ, thế là thôi, mất toi một buổi chiều tắm biển…
Sáng hôm sau, hành trình đi nhặt vỏ sò vỏ ốc đẹp đẽ vẫn tiếp diễn rồi cả kế hoạch dạy sớm đón bình minh nữa. Mấy đứa trẻ con đi loăng quăng trên bờ cát nước đã rút, hòng mong tìm được một cái gì đó thiệt hay hay, thiệt đáng khoe. Ngày xưa ấy, khi mà chụp ảnh bằng smartphone còn chưa thịnh hành thì mấy bác thợ chụp ảnh vẫn còn nhiều đất hành nghề, nên hai tên con trai, Chiến và Khôi em tôi ngay lập đã rủ nhau chụp một kiểu thật ngầu khoe “ bo đì” dù chẳng có mấy. Chẳng thèm liếc, chơi chơi thêm một lúc nữa, tôi về phòng khách sạn tắm thật sạch cát để còn xuống ăn cơm sáng với mọi người. Lúc vào phòng, tôi cũng không để ý mấy, cứ nghĩ chưa ai về và mình thì về sớm nhất, thấy cửa phòng tắm có khép hờ, tôi cũng gạt bỏ mọi trường hợp xấu nhất, thản nhiên tung cước đá vèo cánh cửa ra thôi…haha, nghĩ lại lúc đó buồn cười lắm luôn. Tôi thì xấu hổ gần chết nhưng nhịn cười không nổi, còn tên Chiến thì mặt xám như tro, vội vội vàng vàng đóng rầm cửa lại. Lúc đó tôi thấy mình cứ giống mấy tên Sở Khanh, chuyên đi trêu ghẹo con gái nhà lành thế nào ấy, đương nhiên, chuyện này cả hai đứa đều không hé lời, cứ im ỉm coi như xong xuôi …
Vào buổi tối cuối cùng trên đất Quảng, chúng tôi thuê xe đạp đôi đi vòng quanh thành phố ngắm cảnh. Ban đầu tôi đòi là người cầm lái, nhưng lúc ấy, cái bánh xe không chịu quay, cứ đứng đơ đó, bàn đạp còn không cả chịu chuyển động, thật sự thì không muốn nói ra đâu nhưng Chiến ơi mày cứ nặng như “con nhợn” ấy, gắng hết sức rồi vẫn không làm xe di chuyển được… bất lực lắm rồi, tôi đánh nhường vị trí ấy cho nó, còn mình ngồi đằng sau đạp theo thôi…
Trên cung đường chúng tôi đi, gió biển thổi mát vô cùng, dòng người cũng đông đúc, nhưng mất một lúc chúng tôi yên lặng chẳng biết nói gì. Vẫn nhớ lúc đó nó dừng xe ở rặng phi lao bên đường, quay đầu lại và buông một câu:
“ Vậy là cấp Hai tao không học chung với mày được rồi..”
Tôi cười hì hì bảo không sao đâu, nhưng nó lại không nói gì nữa, quay đầu và đạp xe tiếp thêm mấy vòng, cho đến lúc trở về, mọi người đã rục rịch đi ngủ, để sáng hôm sau dậy sớm, quay trở về sau một chuyến đi ăm ắp niềm vui…
.
.
.
( còn nữa…)
___Sơn Ca___
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất