Có phải trong ta ít nhiều cũng đã từng thế này: “Sao con đó chảnh chọe thế nhỡ”, “Sao tôi ghét thằng đó thế”, “Tôi với anh ấy sẽ không đội trời chung”, “Tôi muốn thắng con đó”,... Thử đếm lại xem hiện tại có bao nhiêu người bạn ghét, hoặc ít nhất bạn nghĩ vậy. Không biết từ lúc nào tôi đã mặc kệ thiên hạ và sống, để bây giờ khi xem qua chủ đề “Chuyển hóa thù thành bạn” tôi đã ngồi ngẫm rất lâu xem mình có thù hằn gì ai không, thì quả thật lúc này sau khi trải qua quá trình miệt mài học hỏi, lắng nghe và nghiên cứu sách tinh hoa, những cảm xúc sân thù lúc xưa không còn nữa mà bây giờ kẻ thù duy nhất của tôi lại chỉ chính là bản thân mình.
Nếu nói ra thì có vẻ hơi nghiêm ngặt với chính mình và có một chút nào đấy thể hiện tính cầu toàn, bởi lẽ suy cho cùng chúng ta đều là những sinh vật nhỏ bé, yếu đuối, cố theo đuổi cho được cái "hoàn mỹ", nhưng thật ra, tất cả những điều trên đều quy tụ về một nguyên nhân duy nhất chính là tôi đã không biết cách giao tiếp đúng với bản thân mình. Một nghệ thuật sống không những cần thiết với xã hội cộng đồng mà còn cực kỳ thiết yếu với sự phát triển bản thân của mỗi người.
Tiêu biểu cho việc “Chuyển hóa thù thành bạn” chính là tấm gương sáng bật vĩ nhân - Trần Hưng Đạo.Khi Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải vốn có mâu thuẫn cá nhân, tuy nhiên Trần Hưng Đạo cư xử khéo léo, còn tìm cơ hội để hóa giải sự mâu thuẫn.
Có lần, trong khi Thái sư Trần Quang Khải ra trận đánh giặc với Thái tử - con vua Trần Thái Tông thì có sứ giả của nước phương Bắc đến. Vua gọi Trần Hưng Đạo tới bảo: “Ta phong cho khanh chức quan Tư đồ để tiếp đón sứ giả”. Trần Hưng Đạo thưa: “Việc tiếp sứ giả thì thần không dám từ chối, còn như phong quan thì thần không dám nhận. Huống chi bệ hạ phong chức mà không có ý kiến của Thái tử và Thái sư thì tình nghĩa trên dưới e có chỗ không ổn, sẽ không làm cả hai vui lòng. Đợi khi họ trở về, sẽ vâng lệnh cũng chưa muộn.” Trần Quang Khải khi nghe thuật lại câu chuyện thì cảm thấy đôi chút nể phục sự khiêm tốn và khéo léo kia.
Một lần khác, Trần Hưng Đạo biết Trần Quang Khải sắp đến nên sai người hầu nấu một nồi nước lá để tắm. Khi gặp Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo vui vẻ nói: “Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm cho !”, rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, đích thân kỳ lưng cho Trần Quang Khải rồi nói: “Hôm nay may mắn được tắm cho Thái sư”. Đáp lại sự nhiệt tình đó, Trần Quang Khải cũng nói: “Hôm nay cũng may mắn được Quốc công tắm rửa cho.”
Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập Hoàng đế, hai ông đứng hàng đầu, một người là Thượng tướng Thái sư, một người là Quốc công Tiết chế, đều ảnh hưởng lẫn nhau.Câu chuyện trên chẳng những cho ta một bài học về việc đối nhân xử thế, cũng như nghệ thuật sống tuyệt đẹp mà Hưng Đạo Vương đã truyền lại cho con cháu đời sau. Mà đấy lại còn là bài học cho việc chiến thắng chính mình, chiến thắng chính bản ngã thâm thù sang một bên, để từ đó có thể khiêm nhường, mở lòng, hạ mình để hòa giải và gắn kết với Trần Quang Khải, không khổ danh đại Vương luôn được mọi người tôn vinh là một Cây Nhân Cách Đại Tài.
Thử nghĩ xem, trong lúc ta đang sân hận và nói những câu nói ở đầu bài, nếu ta biết cách giao tiếp với chính mình, có thể khi ấy ta đã dừng lại một nhịp, nhìn nhận sự sân thù trong mình, để từ đó có thể lắng xuống, bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa hơn không. Hay khi ta có tư duy nhìn nhận sự vật, sự việc đúng với bản chất vốn dĩ của nó, thì liệu những nghi kỵ và ganh ghét trong lòng mình với đối tượng có còn quá nghiệm trọng đến mức mình xem là kẻ thù hay không.
Tại sao ta ghét người khác...
...và tại sao người khác ghét ta
Và tại sao ta lại ghét chính con người bản năng của mình?
Khổng Tử viết:
“Nhân bất tri, nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?”
Dịch
“Người ta không biết đến mình, mình không giận hờn, chẳng phải là bậc quân tử đó sao?”
Bậc quân tử ở đây được hiểu là một người hiểu biết về đạo lý làm người, theo đạo Nho được xem là mẫu người lý tưởng ở cấp độ thứ ba, sau bậc hiền và bậc thánh.Khi ta có tinh thần và tư duy luôn hướng về chính mình để rèn luyện và học tập - mà học ở đây lại không chỉ vì chuyên môn, mà học về đạo lý, học của bậc quân tử, thì có phải đối với mọi tình huống đời sống thường ngày ta sẽ có một cách hành xử khôn khéo hơn, lòng ta lại nhẹ nhàng hơn, mọi việc đến với ta lại không quá khó nhằng và bất biến nữa. Vì lúc đó tâm ta đã đủ vững, lòng ta đã đủ yên hơn rồi đấy sao!