❓Gần đây vài người quen hỏi mình sao ngón tay, bàn tay (ngón - bàn chân) bị bong da, sưng đỏ, đặc biệt rất NGỨA, KHÔ thậm chí NỨT NẺ gây đau và chảy máu 😢.
✅ Tình trạng trên khả năng cao gọi là VIÊM DA BÀN TAY/BÀN CHÂN, còn gọi là Chàm bàn tay/bàn chân (Hand/Foot eczema) 🤲, một nhánh nhỏ của VIÊM DA CƠ ĐỊA (VDCĐ).
✅ Chỉ cần một thói quen nhỏ có thể giúp bệnh nhân chàm tạm biệt các cơn tái phát 👋🏻 Cùng tìm hiểu đó là thói quen gì nhé 😉
________________
🤔 VIÊM DA (CHÀM) BÀN TAY (CHÂN) LÀ GÌ?
- Phản ứng viêm ở vùng da bàn tay/chân với đặc trưng: NGỨA, ĐỎ, mụn nước, có thể tiết dịch (chám cấp), bong vảy và lên da non (chàm bán cấp), khô và dày (chàm mạn).
- Đây là bệnh lý liên quan đến rối loạn miễn dịch (không phải nhiễm trùng), là sự kết hợp giữ cơ địa dị ứng sẵn có và yếu tố kích thích từ môi trường ngoài. Tuy nhiên tổn thương của chàm có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn, vi nấm, virus.
- Đặc điểm chung của các bệnh nhân chàm là DA KHÔ ĐẾN RẤT KHÔ.
- Bệnh có thể gây khó chịu, hay tái phát, làm giảm chất lượng cuộc sống.
- Có nhiều thể viêm da bàn tay (chân) như:
👉 Chàm dạng tổ đỉa (dyshidrotic eczema): mụn nước + hồng ban dạng chàm
👉 Tổ đỉa (pompholyx): mụn nước sâu lòng bàn tay (chân) và cạnh ngón, không hồng ban. Thường liên quan đến chứng tăng tiết mồ hôi bàn tay (chân).
👉 Viêm da tiếp xúc kích ứng: thường khu trú 1 bên, có tiền căn dị ứng/ kích ứng trước đó.
- Cần PHÂN BIỆT với các bệnh lý sau:
👩‍⚕️ Nấm bàn tay (chân): thường sang thương 1 bên, ly tâm lan rộng dần, đặc trưng dạng vi nấm nông, bong sừng đường chỉ tay, nấm móng, nấm bàn chân kèm theo (Hội chứng 2 chân 1 tay)
👩‍⚕️ Ghẻ ngứa: mụn nước + hồng ban nhỏ, vùng kẽ ngón (da non), toàn thân bị ảnh hưởng.
👩‍⚕️ Mày đay: sẩn phù, hình ảnh wheal + flare đặc trưng, mày đay dạng vòng,...
_______________
🤔 VÌ SAO BỆNH HAY XẢY RA VÀO MÙA LẠNH KHÔ ❄️?
- Da của bệnh nhân VDCĐ có 1 bất thường là THIẾU HỤT LIPID (DẦU) TỰ NHIÊN Ở LỚP THƯỢNG BÌ (lớp ngoài cùng của làn da), cụ thể là CEREMIDES. Các lipid tự nhiên này được sản xuất bởi các tế bào thượng bì, có nhiệm vụ:
💦 Ngăn ngừa mất nước xuyên thượng bì (Transepidermal water loss ), do bản chất kỵ nước của lipid => dưỡng ẩm tự nhiên cho da.
🛡Với đủ độ ẩm, da trở nên khỏe mạnh, hoạt động chức năng bình thường, ít kích ứng, tăng đề kháng với các tác nhân có hại từ môi trường ngoài.
- Mùa lạnh khô khiến nước dễ bay hơi khỏi làn da hơn 🌬, khiến cho da vốn khô ít-vừa trở nên khô nhiều hơn. Đồng thời mùa lạnh khiến chúng ta lười uống nước hơn 🥤, trong khi lượng hơi nước mất qua hơi thở, da, nước tiểu... vẫn không đổi càng làm tình trạng khô da nặng nề hơn => da trở nên dễ tổn thương và kích ứng hơn.
- Mùa dịch Covid19 làm tần suất tiếp xúc của tay và hóa chất sát khuẩn chứa cồn gia tăng, đặc biệt các ngành nghề TIẾP XÚC HÓA CHẤT 🧼 thường xuyên như y tế, chế biến thực phẩm, nội trợ,... Bản thân cồn có thể gây kích ứng trực tiếp cho da, ngoài ra tính chất hòa tan được lipid khiến da mất lớp lipid tự nhiên và trở nên khô hơn => dễ tổn thương và kích ứng hơn.
_______________
🤔 CẦN LÀM GÌ KHI DA BỊ TÌNH TRẠNG TRÊN?
✅ Tôn trọng nguyên tắc LESS IS MORE: tạm ngưng các dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất tại chỗ nghi ngờ gây kích ứng, không đắp lá, ngâm nước thuốc không rõ nguồn gốc, không tự mua thuốc uống hoặc bôi, tối giản các bước skincare.
✅ Đến gặp BS có kinh nghiệm hoặc chuyên môn da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Chàm có nhiều giai đoạn: cấp, bán cấp, lichen hóa; có thể bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm.
✅ Mỗi gia đoạn, tình trạng điều trị rất khác nhau => Cần có chẩn đoán, điều trị và theo dõi từ BS.
_______________
🤔 PHẢI LÀM SAO ĐỂ TRÁNH BỊ TÁI PHÁT NHIỀU LẦN?
Tất nhiên, với cơ chế trên câu trả lời là DƯỠNG ẨM x 3.14 🧴🧴🧴Dưỡng ẩm giúp phục hồi độ ẩm, tái tạo hàng rào bảo vệ của làn da => GIẢM NGUY CƠ TÁI PHÁT HIỆU QUẢ NHẤT 👍🏻
Dưới đây là một số tips lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm cho bệnh nhân chàm theo Hiệp hội Chàm Quốc gia của Hoa Kỳ (National Eczema Association):
✅ Đọc kĩ thành phần trước khi mua sản phẩm, do bệnh nhân chàm thường kèm cơ địa dị ứng / kích ứng với một số chất nhất định. Luôn cẩn trọng vì thành phần sản phẩm có thể thay đổi từ năm này qua năm khác. ƯU TIÊN SẢN PHẨM KHÔNG HƯƠNG LIỆU VÀ CHẤT TẠO MÀU.
✅ Lần đầu sử dụng sản phẩm: Lấy một lượng nhỏ bằng hạt đậu thoa lên mặt ngửa cổ tay hoặc khuỷu tay. Lưu sản phẩm trên da 24-48 giờ và theo dõi phản ứng như đỏ, ngứa, rát, sẩn đỏ,... Lập tức lau và rửa sạch nếu có phản ứng tại chỗ, đến khám chuyên gia để được tư vấn.
✅ Thời điểm thích hợp nhất để thoa dưỡng ẩm là TRONG VÒNG 3 PHÚT SAU KHI TẮM XONG, lúc mà lượng nước lưu lại trên da còn nhiều. Khi đó chất dưỡng ẩm sẽ "khóa" nước lại bên trong, duy trì độ ẩm cho làn da.
✅ Ưu tiên chọn sản phẩm có vòi bơm, hoặc có dụng cụ lấy chất dưỡng ẩm sạch riêng. Hạn chế dùng tay lấy trực tiếp chất dưỡng ẩm vì dễ làm lưu lại các dị nguyên và vi sinh vật.
✅ Làm mềm sản phẩm bằng cách xoa ủ nhẹ giữa 2 bàn tay, bôi lên vùng cơ thể mong muốn BẰNG BÀN TAY theo MỘT CHIỀU. Tránh chà xát tới lui nhiều vì làm sản phẩm bám lên tay hơn là vùng da mong muốn.
✅ Sau khi thoa sản phẩm, hãy chờ vài phút để sản phẩm thấm vào da, KHÔNG NÊN GIẢM LƯỢNG SẢN PHẨM CHỈ VÌ CẢM GIÁC NHỜN DÍNH NGAY SAU THOA.
✅ DƯỠNG ẨM TAY MỖI LẦN RỬA TAY => có thể đeo găng tay để tránh bất tiện.
🧑🏻‍⚕️ Việc bôi sản phẩm dưỡng ẩm nên thực hiện thường xuyên, theo nhu cầu cấp ẩm của làn da. Tiện nhất là vào buổi tối🌛 ngay sau khi tắm xong 🛁, sau đó đi ngủ 🛌.
🧑🏻‍⚕️ Dưỡng ẩm không chỉ là bôi sản phẩm dưỡng ẩm, mà còn là TRÁNH ĐỂ DA MẤT ẨM HOẶC TỔN THƯƠNG: chọn sản phẩm tắm gội phù hợp, mang găng tay để tránh sát khuẩn thường xuyên, mang vớ vừa vặn thấm mồ hôi tốt, điều trị chứng ra nhiều mồ hôi tay chân nếu có,...
🧑🏻‍⚕️ Last but not least: UỐNG ĐỦ NƯỚC💧💦 🚰 ⛲️
_______________
🤔 CHỌN LỰA SẢN PHẨM DƯỠNG ẨM NÀO PHÙ HỢP VỚI LÀN DA CHÀM?
Theo kết cấu sản phẩm, phân thành 3 loại dưỡng ẩm:
🧴Oinments (dầu, mỡ):
- Dầu >>> nước.
- Khóa ẩm tốt.
- Ít được chuộng vì gây nhờn dính
=> Phù hợp cho chàm mạn, lichen hóa, da rất khô: mỡ salicylate 5%, vaseline,...
Cá nhân mình ưu tiên loại chế phẩm này cho bàn tay và chân, do da vùng này dày nhất trên cơ thể, bàn tay chân không có hệ nang lông nên không lo bít tắc. Hơn nữa oinment làm mềm da rất tốt, có thể phối hợp với cream bên trong và ointment bên ngoài.
🧴 Cream (kem):
- Dầu > nước
- Cấp ẩm vừa phải
- Ít nhờn dính hơn ointments
- Thường phối hợp nhiều phụ gia => nguy cơ kích ứng
=> Phù hợp chàm mạn - bán cấp: ceremide cream,...
🧴 Lotion (hỗn dịch/dung dịch):
- Nước > dầu
- Cấp ẩm ổn, không khóa ẩm, mau bay hơi
- Không nhờn dính
=> Phù hợp chàm bán cấp: hồ nước,...
🧑‍⚕️ Bên cạnh giai đoạn bệnh, kết cấu sản phẩm nên được lựa chọn theo điều kiện thời tiết và sự thoải mái của bệnh nhân.
⚠️ Sản phẩm dưỡng ẩm trên đây không bao gồm các dược phẩm điều trị như thuốc màu, corticosteroid, tacrolimus, pimecrolimus, kháng sinh, kháng nấm...
👩🏻‍⚕️ TẤT CẢ DƯỢC PHẨM ĐIỀU TRỊ PHẢI ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH BỞI BÁC SĨ CHUYÊN MÔN DA LIỄU!
⚠️ Dưỡng ẩm đơn thuần không thể thay thế điều trị chuyên môn y khoa, mà hỗ trợ cho điều trị và phòng ngừa tái phát.
Thực tế trên thị trường có quá nhiều hãng mỹ phẩm dưỡng ẩm, làm bệnh nhân chàm băn khoăn khi chọn lựa. Dưới đây là gợi ý các sản phẩm được Hiệp hội Chàm Quốc gia Hoa Kỳ khuyên dùng:
https://nationaleczema.org/eczema-products/
(Một số thương hiệu không thông dụng tại Mỹ sẽ không có mặt trong đường link trên, các bạn có thể comment hoặc inbox bổ sung nhé)
Thanks for reading! 🥰
Mọi người vui lòng góp ý bài viết, đặt câu hỏi và thắc mắc dưới phần comment hoặc inbox riêng cho mình nhaaaa 😘
📚 TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bài giảng “Viêm da cơ địa”, Bộ môn Da liễu trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.
2. https://nationaleczema.org/moisturizers/
3. https://nationaleczema.org/eczema/treatment/moisturizing/
4. https://dermnetnz.org/topics/vesicular-hand-dermatitis
⚠️ Bài viết chỉ nhằm mục đích cung cấp kiến thức đơn thuần, không dùng để chẩn đoán hay điều trị. Hãy đến khám trực tiếp với Bác sĩ chuyên khoa tương ứng với vấn đề sức khỏe của bạn!!!
#góc_sức_khỏe
#chàm_bàn_tay_bàn_chân
#dưỡng_ẩm