NƠI CÓ NHỮNG CON QUÁI VẬT BUỔI TRƯA HÈ. 
Rất dễ để một người lạ biết rằng mình vừa đặt chân đến một thị trấn ven biển. Đó là sự yên lặng. Tức là, tiếng ồn ào của bến xe, sân bay, ga tàu, của đám đông, của những xấu xa và cả tốt lành trên đường đi, bất giác đều câm tiếng ngay từ giây phút thị trấn ven biển dần hiện ra trước mắt. Lúc này, mọi thanh âm biến mất. Chỉ còn lại tiếng xào xạc của sóng, và một lớp muối mỏng rin rít đang vờn trên làn da.
Đập vào mắt của thằng nhóc 10 tuổi là hàng phượng khô cháy cả cành lá, nhưng màu hoa đỏ vẫn rực rỡ sức sống trên những con đường làng bằng xi măng - thứ xi măng chỉ chực bốc khói và phả bụi vào mỗi mùa gió khô nồng. Những ngôi nhà im lìm, như thể nếu bước ra ngoài vào giờ khắc này, một con quái vật nào đó sẽ xuất hiện, khè lửa vào tất cả những gì đang chuyển động. Thằng nhóc lúc này cảm thấy hoang mang cùng cực, tự hỏi Con người đâu rồi? Mãi sau này, nó mới biết, buổi trưa chính là thời điểm mà trẻ con nằm im trên đi văng gỗ, với tiếng quạt máy rù rù trên đỉnh đầu, bên cạnh là ly nước đá. Người lớn thì tụ nhau chơi bài tứ sắc, hoặc mở cải lương, phim truyền hình cho nó ra rả, ra rả bên tai rồi cứ thế ngủ gật. Buổi trưa của mọi ngày đều thế, mùa nào cũng thế, hè cũng như đông (dù ở đây, mùa đông rất hiếm khi kéo đến). 
(Tranh: Lois Bryan)
Khi đứng trước quang cảnh đó, Kim Hoàng không khỏi xao lòng. 10 năm trước, mùa hè không khô cằn đến thế này. Một số cảnh vật đã thay đổi, khiến cô càng phải nhíu lại đôi lông mày để nhìn cho rõ. Cô không rõ con trai cô sẽ nghĩ gì khi thấy ngôi trường cấp 2 đã xuống cấp, từng mảng sân chơi bong nền gạch, với cây phượng đỏ rực im lìm cạnh bên. 
Thằng nhỏ vừa nhìn thấy biển đã quyết định ở lại, sau 10 năm dài sống trên cao nguyên lạnh lẽo, với đôi bàn tay chai cứng vì phải hái cà phê suốt mùa mưa. Khi cô nắm tay cậu bước xuống xe, chỉ cho cậu xem vùng biển nơi mà lúc còn nhỏ xíu, mỗi chiều cô đều ngâm mình trong làn nước mát, thậm chí còn bắt được những con cá nhỏ đang ra sức quẫy lội, thì ngay trong cậu đã nảy sinh một sự gắn bó ngay tắp lự. Cậu reo lên thành tiếng với mẹ, buông những ngón tay nắm và chạy một mạch tới bờ biển, bất kể tiếng mẹ kêu gọi phía sau. Mãi sau này, cậu hiểu được, đó chính là cảm giác được trở về nguồn cội, về cái nơi mà đáng lẽ mình phải thuộc về. 
Kim Hoàng nhớ rõ cảm giác của 10 năm trước - khi lỉnh kỉnh xách túi nhỏ, túi to đi trên con đường làng, bước ra khỏi những khổ đau và đơn độc, để bắt đầu một cuộc sống mới cũng đơn độc không kém nơi cao nguyên lộng gió. Dù đang là mùa hè, nhưng cô bất chợt rùng mình khi nghĩ tới những gì đã xảy ra sau cánh cổng kia. Chọn quay về, là chọn sự mạnh mẽ - chỉ nghĩ vậy thôi, mà cô vô thức nắm chặt tay đứa con trai của mình, mặc cho thằng bé đang háo hức đến độ chỉ muốn thoát khỏi vòng tay cô mà ào ngay xuống biển. 
Chuyện người lớn là thứ mà con nít không bao giờ hiểu, nhưng cũng không bao giờ được biết. 15 năm trước, Thuỵ sinh ra ở nơi này. Vào năm Thuỵ lên 5, cả hai mẹ con buộc phải rời thị trấn. Chuyện đã qua rất lâu, và Thuỵ gần như đã quên hết tất cả. Chỉ biết rằng biến cố tuổi lên 5 rất đau lòng và nhiều vỡ vụn. Cậu từng khóc không ngừng vào cái ngày phải lên xe đi cùng mẹ. Đó là mùa biển động. Trời nổi gió, lạnh vô cùng. Mẹ ôm cậu trong lòng, nhưng không sao ấm nổi. Giờ đây, sau 10 năm xa cách, ngày trở về với cậu là một niềm háo hức. Nhưng với người lớn thì khác. Bà nội đón cậu vào lòng, nhưng dè chừng với mẹ. Bà trao mẹ ánh nhìn thoáng qua, rồi nắm lấy những ngón tay chai sạn của cậu, rồi vuốt vuốt mái đầu tóc xơ xác. Bà tỏ vẻ trách mẹ vì đã để cậu khổ, nhưng không nói ra lời. Có những lúc nằm cùng cậu trên võng, bà luôn gạ hỏi về những năm qua trên cao nguyên, có mặc đủ áo ấm không, một tuần đi hái cà phê mấy buổi, tối có nằm nệm không hay nằm ván. Thuỵ nhớ gì kể nấy, nhưng không kể khổ. Bởi sống với mẹ, cậu chẳng khổ ngày nào. cậu chỉ hay bực bội vì ăn đào hay để dính vào áo, giặt mãi không ra mà thôi. 
Sau 10 năm, nhà nội đã có thêm 2 gian mới. Khoảng sân bên phải là hàng chục cây chùm ruột trĩu nặng. Chẳng cần phải nhón chân cũng có thể hái được đầy một áo những quả chùm ruột xanh ngắt, chua chát. Trước nhà vẫn là khoảng sân rộng được đổ đầy cát trắng - thứ cát đặc biệt mà chỉ những ngôi nhà vùng biển mới có. Đây là nơi yêu thích cậu từng chơi đùa vào những năm đầu đời. Bây giờ, cây dừa ở đó đã cao lớn sừng sững, những tán lá che phủ cả một khoảng trời. Gió lùa qua mát rượi, mát từ ngoài sân vào tới trong nhà, mang theo vị mặn mặn của đại dương, và cả sự oi nồng của thứ mùa hè nóng bỏng. 
Bà cho hai mẹ con gian nhà nhỏ bên phải, vừa đủ để kê một giường đôi, một bàn học và một khoảng không gian đặt bàn thờ của ba. Mở cửa sổ ra là vườn chùm ruột đập ngay vào mắt. Đồ đạc của hai mẹ con chẳng có gì nhiều, nhưng cậu không lấy làm phiền lòng. Lúc còn trên cao nguyên, vào những lúc rảnh rỗi, Kim Hoàng thường ngồi may chăn. Đó là những tấm chăn được ghép từ hàng trăm ‘’trái banh'’ hình lục giác đều nhỏ nhắn. Cách làm đơn giản lắm. Kim Hoàng sẽ cắt rất nhiều tờ giấy cứng có hình lục giác đều. Sau đó, cô lấy những mẩu vải vụn đầy màu sắc bọc tờ giấy ấy lại, may cố định rồi rút tờ giấy ra. Cuối cùng, cô nối hàng trăm mảnh lục giác đều ấy với nhau, thành một tấm chăn lớn. Vì tận dụng vải thừa nên nó không theo lề lối, màu sắc gì thống nhất cả. Vào tuần cuối cùng còn trên cao nguyên, khi đóng gói đồ đạc, Kim Hoàng đã toan vứt mảnh chăn ấy đi vì không muốn bị quở trách là cho con trai nằm mền chắp vá. Nhưng cậu đã nài nỉ được giữ lại. Giờ đây, cậu thấy biết ơn vì quyết định đó. Giữa căn phòng có khung cửa sổ to oành, sáng sớm nắng chiếu vào vàng ươm cả một góc, những chiếc chăn vô trật tự và đầy màu sắc ấy bỗng dưng phù hợp tuyệt đối. Chẳng có lý gì cậu lại vứt nó đi, khi nó chứa đựng tất cả tình yêu thương mà mẹ dành cho cậu, ủ ấm hai mẹ con cậu suốt những tháng ngày lạnh lẽo nhất của cao nguyên. Bây giờ, nó chính là đồ vật quý giá nhất mà cậu có được ở vùng đất này. 
Ảnh: Pinterest.
Ở biển, Kim Hoàng không thể hái cafe, cũng không thể đóng gói hạt điều từ những trái đào mọng nước. Cô bắt buộc học nghề khác. Một tuần sau khi trở về, cô xin mẹ chồng chiếc máy may cũ mà cô Út để bám bụi ở góc nhà. Cô Út vốn là thợ may, nhưng nửa năm trước, cô lấy chồng làng bên. Nhà chồng cô có một vựa hải sản lớn, vì vậy, cô không cần làm thợ may nữa nhưng vẫn sống đủ đầy. Bà nội không nói gì, chỉ kêu người tới tra dầu và sửa lại các bánh răng bị hoen ố của chiếc máy. 
Hàng ngày, cô Út sẽ từ nhà chồng ghé qua đây tầm vài tiếng để hướng dẫn. Vốn khéo tay sẵn, Kim Hoàng học rất nhanh. Gian phòng nhỏ chẳng bao lâu đã chất đầy các cây vải mới và hàng tá đống vải vụn. Nếu là con gái, hẳn Thuỵ sẽ bắt tay vào may váy áo cho búp bê từ kho báu ấy. Nhưng với một thằng con trai mà nói, việc sướng nhất là được nằm ườn lên trên đống vải ấy. Vải cotton, kaki, vải lạnh, vải kate… đủ thứ loại vải trên đời, tạo thành một tấm nệm đặc biệt. Những lúc chạy chơi ở đâu đó về, cậu luôn sà xuống nó và giấc ngủ kéo đến rất nhanh. Giữa những cơn mơ chập chờn, đôi lúc cậu chợt tỉnh giấc bởi những sợi chỉ dính vào mũi gây ngứa ngáy. Cậu thấy mẹ cần mẫn may đồ, tiếng bàn đạp lạch xạch lạch xạch trong không gian yên tĩnh đến lạ kỳ. Ở góc nghiêng, cậu thấy mẹ mình thật đẹp. Điều đó khiến cậu cảm thấy trong lòng rất hạnh phúc, đến nỗi chẳng hiểu vì sao. 
Và cũng từ tiếng đạp lạch xạch lạch xạch đó, một cuộc sống mới đã bắt đầu. 
-----------------