Chắc hẳn đa số mọi người đều đã quá quen với cụm từ "căng thẳng". Căng thẳng là một loại cảm giác mà dù cho bạn ở độ tuổi nào, cấp bậc hay tầng lớp nào cũng đều đã, đang và sẽ gặp phải, chỉ khác ở mức độ nặng hay nhẹ của mỗi người mà thôi. Và thật sự nói không ngoa khi cho rằng căng thẳng là một loại cảm giác không thể được chữa trị và cũng không thể tự mất đi, nó chỉ có thể chuyển từ loại này sang loại khác hoặc căng thẳng về vấn đề này sang vấn đề khác.
img_0
Vậy nên việc đầu tiên chúng ta cần làm để có thể sống "cộng sinh" cùng nó đó chính là CHẤP NHẬN "căng thẳng" như một thứ cảm xúc mà ta CẦN PHẢI CÓ cũng như những loại cảm xúc khác như: hạnh phúc, căm phẫn, tình yêu...

Chúng ta hiểu thế nào là căng thẳng?

Căng thẳng là sự phản ứng của cơ thể khi đứng trước một áp lực nào đó, khi ấy cơ thể chúng ta sẽ tiết ra các nội tiết tố (hoocmon) lan tỏa khắp cơ thể làm cho tim đập nhanh hơn, điều hòa huyết áp, điều chỉnh dung tích phổi và làm căng cơ. Tất cả những yếu tố đó được vận hành để chống lại những mối nguy hiểm hay áp lực trước mắt. Và khi mọi chuyện đã được giải quyết, cơ thể sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Và căng thẳng thì cũng có "căng thẳng this", "căng thẳng that". Ở đây mình sẽ chia nó ra thành 2 loại chính đó là: Căng thẳng có lợiCăng thẳng có hại.

Căng thẳng có lợi

Như Einstein đã từng nói về thuyết tương đối của mọi sự vật trên đời, một sự vật/sự việc có thể đúng hoặc có lợi trong trường hợp này nhưng lại sai hoặc bất lợi trong trường hợp khác.
Khi anh ngồi cạnh một cô gái đẹp, hai giờ chỉ như một phút. Nhưng nếu anh ngồi trên một cái lò nóng, một phút sẽ dài tựa hàng giờ. Đó chính là tính tương đối.
Trích lời Albert Einstein
Tương tự như vậy, căng thẳng cũng có mặt lợi và mặt hại.
Như phần khái niệm về sự vận hành của căng thẳng ở trên, khi cơ thể xuất hiện cảm giác căng thẳng nhất thời để đối phó với những áp lực trước mắt, nó sẽ giúp não chúng ta hoạt động với công suất nhanh hơn và đạt hiệu quả tốt hơn. Ví dụ dễ thấy nhất chính là những người làm MC, khi đứng trên sân khấu, bộ não của họ lúc nào cũng phải hoạt động hết công suất để xử lí nhiều thứ như tâm lý khán giả, ứng biến với các vấn đề phát sinh và quan trọng nhất chọn lọc, trình bày những ý tưởng trong đầu. Hoặc như các vận động viên thi đấu thể thao, căng thẳng giúp cho các cơ bắp của họ căng hơn và thi đấu với một tâm thế quyết liệt hơn nhằm đạt được chiến thắng. Tất cả những ví dụ trên, họ đều biết sử dụng "căng thẳng" như một thứ vũ khí đắc lực để đạt được mong muốn.
Tuy nhiên, cái gì cố quá thì cũng sẽ thành quá cố. Bộ não cũng vậy, nếu ta ép nó làm việc với một cường độ quá cao và quá lâu chắc chắn nó sẽ bị quá tải và từ đó hình thành nên Căng thẳng có hại.

Căng thẳng có hại

Việc chúng ta ép bộ não và cơ thể mình hoạt động với công suất cao quá lâu chính là nguyên nhân sinh lí dẫn đến những cái hại của căng thẳng. Ngoài ra còn có một yếu tố khác đó chính là nguyên nhân tâm lí, bởi lẽ áp lực được hình thành từ những suy nghĩ của con người. Nguyên nhân tâm lí này cũng sẽ được mình nói kĩ hơn trong phần sau bởi vì khi nói về tâm lí của con người thì nó lại là một phạm trù "nói mãi không hết".
Quay lại vấn đề chính, cũng chính vì những áp lực mà não bộ cũng như cơ thể phải chịu đựng quá nhiều và quá lâu như thế, dần dà nó trở thành một vấn đề mãn tính(kéo dài) và cũng từ đó mà cụm từ Căng thẳng mãn tính (Chronic stress) xuất hiện và trở thành một vấn đề luôn được xã hội quan tâm bởi tỉ lệ người mắc phải "căn bệnh" này. Khi mắc phải hội chứng này, hành vi của bạn, kể cả cách cư xử với người khác cũng sẽ bị thay đổi. Người bị căng thẳng mãn tính thường có xu hướng tìm đến những chất gây nghiện, kích thích để xả stress hoặc tìm đến những thú tiêu khiển khác gây bất lợi cho cơ thể. Và căng thẳng mãn tính cũng chính là tiền đề hình thành nên căn bệnh trầm cảm, đến một giai đoạn nào đó khi mà tinh thần người bệnh đã hoàn toàn kiệt quệ thì việc xuất hiện những ý định dại dột là hoàn toàn không thể tránh khỏi.

Các triệu chứng của căng thẳng mãn tính

Đã gọi là một căn bệnh thì chắc hẳn nó cũng phải có những triệu chứng để nhận biết và những người đang mắc phải căng thẳng mãn tính thường sẽ có những triệu chứng sau:
Về tinh thần: suy nghĩ tiêu cực, hay cáu gắt, suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, mất ngủ, hoa mắt, đau đầu,...
Về thể chất: nhức mỏi toàn thân (do căng cơ), thở gấp, thở hụt hơi, rối loạn nhịp tim, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng,...
Nếu bạn đang mắc phải 70-80% thì có nguy cơ cao là bạn đang mắc phải căng thẳng mãn tính. Hãy tìm cách giải quyết ngay đi nhé!

Giải quyết căng thẳng mãn tính như thế nào?

Sau khi đã hiểu rõ được thế nào là Căng thẳng mãn tính, chúng ta cùng tìm hiểu về cách ứng phó với nó. Tại sao mình lại dùng từ "ứng phó"? Đơn giản là vì như mình đã nói ở phần đầu, căng thẳng không thể được chữa khỏi cũng như tự mất đi, nó chỉ biến từ loại này sang loại khác. Từ đó chúng ta áp dụng nó vào phần này, hiện tại Căng thẳng mãn tính như ta nhận thấy thì nó được liệt vào loại Căng thẳng có hại vì thế việc ta cần làm là biến nó thành Căng thẳng có lợi thôi. Cũng trong phần này mình cũng sẽ nói về những nguyên nhân tâm lí làm nảy sinh căn bệnh này. Vậy thì ta phải làm việc đó như thế nào?

1. Xác định nguyên nhân

Không chỉ riêng trong việc tìm cách ứng phó với căn bệnh này, mà trong tất cả mọi vấn đề đều như vậy. Trước khi bắt tay vào tìm ra hướng giải quyết thì ta phải hiểu được nguyên nhân và xác định cặn kẽ cội nguồn gây ra vấn đề.
Hãy xác định điều gì khiến bạn căng thẳng và để ý phản ứng của bạn. Chẳng hạn, bạn nên để ý lúc đó mình suy nghĩ, cảm thấy, hành động thế nào, và có thể ghi lại những thông tin ấy. Khi hiểu rõ phản ứng của mình trước sự căng thẳng, bạn sẽ dễ đối phó hơn. Ngoài ra cũng hãy tìm cách loại bỏ những điều gây căng thẳng khỏi đời sống bạn. Nếu không thể làm thế, hãy cố gắng giảm bớt những điều ấy, có lẽ bằng cách sắp xếp lại công việc và thời gian.
Nói về lí thuyết thì dễ nhưng lúc làm mới là khó, vậy bây giờ chúng ta hãy thử thực hành từ những điều nhỏ nhặt nhất nhé. Đó chính là hãy thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của bạn, khi bạn căng thẳng trước một tình huống nào đó mà người khác lại không. Có thể đó là do cảm nhận của mình. Hãy thử ba đề nghị sau:
Đừng vội cho rằng người khác có ý xấu. Chẳng hạn, có một người chen ngang khi bạn đang xếp hàng. Nếu cho rằng người đó không biết điều thì bạn sẽ bực bội. Sao không nghĩ là người đó hẳn có lý do riêng? Có khi nghĩ như vậy lại đúng!
Nhìn mặt tích cực. Nếu phải chờ lâu ở phòng khám bệnh hoặc sân bay, bạn sẽ thấy bớt căng thẳng khi dùng thời gian đó để đọc sách báo, xem thư điện tử hoặc hoàn tất những việc chưa kịp làm.
Nhìn xa hơn. Hãy tự hỏi: “Ngày mai hay tuần sau, mình có còn quan tâm đến việc đó không?”. Hãy phân biệt đâu là vấn đề nhỏ và tạm thời, đâu là vấn đề quan trọng hơn.

2. Đừng trì hoãn

Nhìn đề mục thì chắc hẳn các bạn cũng biết mình sắp nói gì, thậm chí nếu mình không liệt kê nó ra thì có lẽ bản thân mọi người cũng tự nhận biết được đây rõ ràng là thành phần chiếm tỉ trọng rất lớn trong việc hình thành nên Căng thẳng mãn tính. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao chúng ta luôn trì hoãn? Một câu hỏi muôn thuở và nói thẳng ra là câu trả lời luôn nằm ngay trong đầu chúng ta nhưng dường như ta lại lờ nó đi và tiếp tục trì hoãn.
Mình có đọc qua một series nói về nguyên nhân tại sao chúng ta lại thích trì hoãn, series khá đầy đủ và gần gũi nên mình sẽ trích dẫn ra ở đây để tránh tạo thêm dung lượng quá lớn cho bài viết này:
Tâm sự về bản thân thì mình tự tin khẳng định bản thân cũng nằm trong số những người trì hoãn, thậm chí nó còn trở thành một căn bệnh "nan y" đối với mình. Nó thật sự là một trở ngại rất lớn đối với mình, nó giống như một con quỷ chuyên đi cám dỗ vậy, mình biết nó ở đó nhưng lại không đủ sức chống trọi và thậm chí từng có giai đoạn mình còn có ý định thỏa hiệp với nó. Nhưng do nhiều yếu tố và tác động khác nhau mà mình đã kịp thời nhận ra và hiện tại mình cũng đang trong giai đoạn "cai nghiện" hehe.

3. Đừng lo xa!

"Đừng lo xa!" có lẽ là câu nói phù hợp nhất lúc này. Bởi lẽ mỗi ngày trôi qua ta cũng đã trải qua đủ những lo toan, muộn phiền không lớn thì nhỏ rồi. Nếu có ai nói rằng ngày hôm đó họ chẳng có chuyện gì buồn thì có lẽ là nói dối hoặc lúc đó họ chỉ đang quá "yêu đời" để bận tâm đến điều nhỏ nhặt đó. Khi bạn nghĩ quá nhiều, bạn đang ép bộ não của mình phải phân tích và giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc, đôi khi những thứ bạn nghĩ tới còn lâu mới xảy ra hoặc chỉ là do bạn phỏng đoán rồi tự suy diễn.
Vậy nên lời khuyên của mình ở đây chỉ là hãy cứ lo cho những thứ trước mắt đã rồi hẳn nghĩ đến những thứ xa hơn. Cuộc đời vốn dĩ là sự trải nghiệm vậy nên hãy cứ tận hưởng và làm nó từng bước một rồi cũng sẽ có ngày bạn đạt được thứ mình muốn.

4. Đừng kì vọng quá nhiều

Một vấn đề tuy nhỏ nên đôi khi mọi người thường không chú ý đến nó nhưng sức ảnh hưởng của nó lại vô cùng lớn. Đôi khi bạn rất mong chờ một điều gì đó từ bản thân hay người khác, nhưng đến khi kết quả không như mong muốn thì bạn cảm thấy hụt hẫng và trở nên chán nản. Việc đó nếu không được chú ý và thay đổi mà cứ lặp đi lặp lại nhiều lần thì dần dà bạn sẽ trở nên mất niềm tin vào cuộc sống và luôn cảm thấy căng thẳng đối với những mục đích, định hướng sau này. Không những thế, khi ta quá kì vọng vào bản thân hoặc người khác thì cũng vô tình đặt lên vai mình hoặc họ một áp lực vô hình, mà áp lực thì lại nảy sinh căng thẳng.
Thế nên hãy khiêm tốn, có mong đợi hợp lý, nhận biết giới hạn của chính mình và người khác. Làm thế, cả bạn lẫn người khác sẽ bớt căng thẳng, có khi còn gặt hái kết quả tốt hơn. Ngoài ra, cũng nên biết hài hước. Khi sự việc không suôn sẻ, một nụ cười sẽ xua tan căng thẳng và giúp bạn lên tinh thần.

5. Chăm lo cho bản thân

Sau khi chăm lo cho tinh thần thì cũng đừng quên lo cho sức khỏe nữa, nếu trong đầu bạn đang tràn đầy những ý tưởng hoặc định hướng mới mà cơ thể lại đang trong giai đoạn "hết pin" thì cũng không làm được việc gì ra hồn đâu. Thế nên hãy rèn luyện những thói quen tốt cho sức khỏe. Việc tập thể dục làm cho tinh thần sảng khoái và giúp cơ thể tăng khả năng chống chọi với căng thẳng. Bạn nên ăn thực phẩm bổ dưỡng, tránh bỏ bữa và nghỉ ngơi đầy đủ.
Và tất nhiên là cũng nên hạn chế những cách giải khuây có hại như hút thuốc, dùng ma túy hoặc lạm dụng rượu bia. Về lâu về dài, những thứ đó gây thêm căng thẳng vì sẽ cướp đi sức khỏe và làm hao tốn hết tiền bạc mà bạn bỏ công sức mới kiếm được.
Lời khuyên cuối cùng, hãy đi khám nếu bắt đầu cảm thấy căng thẳng quá mức. Tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn không có nghĩa là bạn thừa nhận mình thất bại, nếu bạn lo lắng về việc đó có nghĩa là bạn bỏ qua đề mục thứ ba của mình rồi.

Lời kết

Lời cuối cùng, thật sự thì những điều mình muốn gửi gắm đều đã nói ở trên hết rồi nên là chỉ muốn nhắn nhủ đến mọi người hãy biết quan tâm đến bản thân hơn, nhất là về đời sống tinh thần và sau đó là sức khỏe. Dạo này những vụ tự sát do trầm cảm và căng thẳng xảy ra khá thường xuyên nên bản thân mình cảm thấy rất lo lắng về tình hình xã hội hiện tại nói chung và giới trẻ nói riên. Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng gì thế nhưng nếu ta có một tinh thần đủ lạc quan thì mọi chuyện đều có thể vượt qua được thôi, đừng vì một giây phút quá tiêu cực mà bỏ lỡ cả tương lai tốt đẹp sau này.
Bài viết được mình tham khảo từ nhiều nguồn nhưng chủ yếu từ trang Nhân chứng Giê-hô-va: