Ờm, thực ra chả có con mèo thực sự nào ở đây cả, mà chỉ có mình thôi. 


I am a cat lover.. | K-Drama Amino

Chắc cái vấn đề này mọi người đã nghe nhan nhản trên mạng xã hội, trên các kênh thông tin và thậm chí có khi còn tranh luận, cãi lộn hay mạt sát nhau trên đủ các trang đó. Bài viết này không phải là một bài viết hô hào, kêu gọi hay hô khẩu hiệu, cũng chả ủng hộ hoàn toàn cho bên nào mà chỉ đơn giản nói ra góc nhìn của mình thôi.
how I look when I wanna say something so bad but don't wanna get ...

Quay lại những năm tháng của những thế kỷ trước, chúng ta đều biết, đều được nghe kể hàng tá các câu chuyện bất công cho phụ nữ, rằng phụ nữ không có được nhiều quyền bình đẳng như bây giờ, ví dụ như những định kiến rằng phụ nữ thì phải ở nhà học cách làm vợ, làm mẹ và không cần phải đi học, cũng không cần làm việc gì ở ngoài xã hội mà đó là việc của người đàn ông, họ không được làm chủ cơ thể của mình, hoặc sinh ra phải lấy người mà cha mẹ họ chọn lựa, thậm chí phụ nữ còn bị đánh giá năng lực một cách thiếu công bằng, rằng họ dù làm tốt cũng không đáng được tin tưởng đơn giản chỉ vì họ là phụ nữ,...
Với những điều thiếu công bằng ấy mình cũng không hề ngạc nhiên là phụ nữ lại đứng lên đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ đâu!
Với bản thân mình, chủ nghĩa nữ quyền không có nghĩa là phụ nữ là trên hết và đàn ông không ra gì. Không hề như vậy, với mình thì chủ nghĩa này chỉ đơn giản là sự đấu tranh để hai giới có sự bình đẳng tương đương nhau, có sự tôn trọng tương đương nhau, không phải để phụ nữ có nhiều quyền hơn đàn ông hay vì là phụ nữ phải được hưởng nhiều đặc quyền hơn mà chỉ đơn giản tất cả đều là con người mà, nên việc chúng ta nhận sự bình đẳng như nhau cũng là chuyện bình thường thôi đúng không?
Việc mình lớn lên ở một nền văn hoá Á Đông, chứng kiến những bất công xảy ra xung quanh mình cũng tự làm mình đặt câu hỏi không biết bao nhiêu lần là tại sao phụ nữ lại phải chịu đựng hết? Mình đã chứng kiến không biết bao nhiêu nhà, rằng đẻ con trai mới gọi là biết cách đẻ, việc nhà là của phụ nữ, kể cả đàn ông và phụ nữ đều đi làm 8 tiếng một ngày như nhau, về nhà thì phụ nữ vẫn phải lo toan gánh vác hết vì đó được nghiễm nhiên coi là việc của họ, và đàn ông không việc gì phải mảy may để ý cả. Rồi việc sếp nữ bị ghét hơn vì họ yêu cầu công việc phải hoàn thành tốt và tìm các cách để hoàn thành công việc đó một cách tốt nhất thì bị gọi là người phụ nữ quá tham vọng, trong khi người sếp nam cũng làm y hệt thì nói rằng anh ý là một người làm việc có trách nhiệm và chuyên nghiệp. Rồi đến việc phụ nữ giận dữ thì bị gọi là ghê gớm, đanh đá, "như thế thì chó nó yêu" còn người đàn ông giận lên thì là do anh ý phải chịu nhiều áp lực hơn và phải im lặng nhịn đi thì mọi chuyện mới êm ấm,...
Nghe quen không nhỉ?! Mình có thể ngồi kể cả ngày về những điều bất công này trong xã hội nhưng mục đích của bài viết không phải để lên án bên nào đúng bên nào sai, mà chỉ muốn đặt câu hỏi là liệu cả hai bên có thể cố gắng thông cảm và cân bằng được không nhỉ?

What a Beautiful World, If All Genders Are Equal by bbambbm - issuu

Đàn ông cũng phải chịu nhiều áp lực giống phụ nữ mà, áp lực kiếm tiền, áp lực gánh vác gia đình, áp lực người đàn ông mạnh mẽ, áp lực không được giải toả những cảm xúc sâu kín trong lòng,... Vậy tại sao hai bên lại không thể chia sẻ cho nhau nhỉ? Có khi nào chính những định kiến áp đặt lên phụ nữ cũng vô hình chung tác động và thêm những áp lực trên vai những người đàn ông không?
Ví dụ như phái nữ được gọi là phái yếu, nên họ được quyền biểu lộ các cảm xúc khác nhau, được quyền khóc, cười, được quyền buồn bã, nhạy cảm,... vô hình chung làm phía đàn ông không được thể hiện cảm xúc thật của mình: không được buồn bã, không được khóc, không được quá nhạy cảm,.. vì như thế gọi là yếu đuối, như thế không đáng mặt là đàn ông,...
Ví dụ như chúng ta chỉ tập trung bảo vệ những bé gái vì dễ bị tấn công và xâm hại hơn mà chúng ta lại bỏ quên rằng những bé trai ngoài kia cũng là đối tượng có thể bị xâm hại. Hoặc chúng ta có thể xem những phóng sự người đi đường sẵn sàng bảo vệ những cô gái bị đàn ông sử dụng vũ lực nhưng ở tình huống ngược lại thì những người đàn ông lại bị mặc kệ khi bị người khác đánh. Mình không nói việc bảo vệ phụ nữ là sai, mình chỉ muốn nói là cả hai phái đều là con người mà, chúng ta đều cần một sự bảo vệ chứ.
Hoặc như trẻ con sinh ra đã có màu cho chúng, rằng "blue's for boys, pink's for girls" (màu xanh là cho con trai, màu hồng là cho con gái) và nếu như một bé trai thích màu hồng thì nó là không bình thường hoặc không nam tính? Ờmmm, đấy chỉ là một màu sắc trên cả bảng màu thôi mà, đừng phân biệt với cả màu sắc nữa chứ?!
Chúng ta nghiễm nhiên coi nhẹ phái nữ mà từ đó vô tình đặt lên vai những người đàn ông bao trách nhiệm to lớn, chính chúng ta cũng gắn mác cho họ là phái mạnh, là không được yếu đuối, là phải biết tự đứng lên bảo vệ bản thân mà không nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh? Mình không nói rằng đàn ông là phải yếu đuối đi một chút hay gì, mà chỉ đơn giản là con người, thì ai chả có lúc này lúc kia, ai chả có lúc cần sự chia sẻ, giúp đỡ, ai chả có lúc yếu đuối, vậy thì việc thể hiện cảm xúc của con người, dù ở bất cứ giới tính nào thì cũng là một việc hoàn toàn bình thường của con người thôi mà nhỉ?
We are ALL human beings. – Marzyy Lovee

Mình chả hô hào giới tính nào thì hơn cả, và mình cũng chả viết bài kêu gọi điều gì cho giới nào. Mình luôn luôn thắc mắc tại sao mọi người lại phải đặt ra quá nhiều quy tắc, định kiến rồi bao thứ để mà suy nghĩ rồi phân biệt nhau nhỉ. Tại sao thế giới mọi người không nghĩ đơn giản đi một chút: mình là con người, việc có là ai, giới tính gì, màu da gì, béo hay gầy, cao hay thấp, nhiều tóc hay ít tóc, kỳ lạ hay không kỳ lạ thì vẫn chỉ là con người thôi mà, có gì quá khác biệt đâu? Đấy ngay cả việc mình là một con mèo mà mình vẫn có thể viết bài lên tiếng được đấy thôi. Làm con người phức tạp thế, yêu thương nhau thêm chút cũng vui mà. Nhỉ? :)
Weirdo Cat.