Khi xã hội phát triển, các kiến thức cũ liên tục bị đào thải. Khái niệm chu kỳ bán rã của tri thức (haft-life of knowledge) vay mượn từ chu kỳ bán rã phóng xạ, được nhắc đến lần đầu tiên bởi Fritz Machlup năm 1962, để mô tả khoảng thời gian mà một nửa lượng kiến thức hiện hành bị thay thế.
Biểu đồ dưới đây [1] mô tả chu kỳ mất giá trị của các kiến thức. Các kiến thức cơ bản có chu kỳ bán rã cao hơn các kiến thức chuyên môn. Một số ngành đặc thù như IT có chu kỳ bán rã rất thấp.
Theo Charette, chu kỳ bán phân rã của bằng kỹ sư vào năm 1920 vào khoảng 35 năm, vào năm 1960 được rút ngắn còn khoảng một thập kỷ [2]. Hiện tại (2020), 60 năm sau, với sự bùng nổ của các hệ thống thông tin, chu kỳ này có thể còn được rút ngắn thêm nữa.
Học tập Thà học ngu mà làm ra tiền? (ảnh từ một bài viết đã đăng trên Spiderum)
Rất nhiều lần tôi đọc được các cuộc tranh luận về học giỏi có gắn với thành công không, học dốt có gắn với thành công không? Tại sao có các hot girl, ca sĩ dù không học hành nhiều (tạm cho điều này là đúng) nhưng vẫn thành công?
Theo tôi nhiều người trong chúng ta hiểu khái niệm học một cách rất hẹp, là học trong trường lớp. Tôi định nghĩa học tập là quá trình tìm kiếm cách đặt vấn đề, cách giải thích vấn đề và giải quyết vấn đề. Bạn có thể học tập để giao tiếp tốt hơn, để có chế độ ăn uống hợp lý hơn, hoặc để trở nên xinh đẹp và quyến rũ hơn, ăn mặc hợp gu hơn (đừng nghĩ điều này đơn giản).
Nói ngắn gọn, học tập giúp cho bạn có một cách đặt vấn đề đúng đắn hơn, một hệ thống giải thích vấn đề hợp lý hơn và một cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Những người thành công nhất tôi biết không nhất thiết là những người có bằng cấp cao nhất, điểm số xuất sắc nhất, mà là những người học hỏi không ngừng. Nhờ vậy, họ duy trì được lợi thế của họ trong công việc trước những thế hệ người lao động trẻ trung và có kiến thức mới mẻ hơn.
Điều này không chỉ đúng với cá nhân. Trong cơn bão “số hóa”, rất nhiều doanh nghiệp đã sụp đổ vì duy trì mô hình kinh doanh và các công nghệ lạc hậu. Trong số này có cả những tên tuổi vang bóng một thời như Nokia và Kodak.
Từ góc độ truyền bá tri thức, internet theo tôi là một trong những phát kiến vĩ đại của nhân loại sau khi Gutenberg phát minh ra phương pháp in sắp chữ vào thế kỷ 15. Trong một giới hạn nào đấy, việc tiếp cận kiến thức đã không còn là độc quyền của một nhóm người.
Tuy nhiên việc kiến thức được phổ biến rộng rãi hơn cũng làm đẩy nhanh quá trình mất giá trị của chúng. Với internet, chúng ta đều được tiếp cận được với một nguồn tri thức khổng lồ. Đây vừa là một điều may mắn, vừa là một áp lực không nhỏ.
Cho đến nay, sách vẫn là công cụ hiệu quả để lưu trữ thông tin và tiếp nhận thông tin. Tôi thấy rất nhiều người mua các cuốn sách bestseller về chỉ để chất đầy trong tủ hoặc đem ra…khoe kiến thức trên mạng. Họ không tiếp thu một cách có hệ thống như không liên kết kiến thức họ đọc được với các kiến thức cùng chủ đề trước đó và sau đó, không đặt chúng vào bối cảnh như thời điểm, môi trường và đối tượng độc giả, không tìm hiểu độ xác thực của chúng. Bạn sẽ chẳng thể nào rút ra được điều gì có ích cho bản thân, thậm chí từ một cuốn sách hay trừ khi bạn làm điều đó một cách có hệ thống Mô hình DKIW của tri thức (Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/DIKW_pyramid)
Mô hình kim tự tháp DKIW được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của các hệ thống thông tin điện tử, để nói lên tương quan giữa dữ liệu (data), thông tin (information), kiến thức (knowledge) và hiểu biết (wisdom). Các dữ liệu thuần túy sẽ được liên kết lại để trở thành thông tin, hiểu được các thông tin này sẽ tạo ra kiến thức và có thể ứng dụng các kiến thức này sẽ tạo ra hiểu biết [3].
Bộ não chúng ta vẫn không ngừng học tập mỗi khoảnh khắc (nạp vào dữ liệu mới), nhưng chúng ta cần xác thực được chúng, hệ thống hóa chúng và ứng dụng chúng để thực sự biến chúng thành tri thức của bản thân.
Tương lai của học tập
Có nhiều bằng chứng cho thấy kiến thức đang mất giá trị ngày càng nhanh hơn. Đến một ngày nào đó tôi nghĩ các chứng chỉ đào tạo dài hạn (như bằng đại học) sẽ dần được thay thế bởi các chứng chỉ đào tạo ngắn hạn. Đồng thời, lượng kiến thức chúng ta cần tiếp cận cũng tăng lên (các ứng dụng như Blinklist ra đời dựa trên nhu cầu này).
Song song với đó, kiến thức đến từ nhiều nguồn hơn: Không chỉ là các nhà xuất bản được cấp phép, hiện tại bất cứ ai cũng có thể trở thành một nguồn cung cấp kiến thức. Điều này có hai mặt: Một mặt, chúng ta có thể tự do tìm kiếm kiến thức mà không bị kiểm soát. Mặt khác, do không có sự kiểm soát, các thông tin rác cũng nhiều hơn. Hậu quả là chúng ta dễ đưa ra các quyết định sai lầm hơn
Ngày nay, trong các lĩnh vực có tốc độ mất giá trị nhanh như IT, đã có vô số các khóa học và chứng chỉ ngắn hạn và giá trị của tấm bằng đại học ngày càng giảm dần đi so với các kỹ năng thực tế. Rất nhiều chứng chỉ kiểu này thực sự có ích, nhưng mặt khác, đánh vào nhu cầu tìm hiểu kiến thức liên tục, rất nhiều kẻ mở ra các khóa học, trung tâm tư vấn để trục lợi.
Trong bối cảnh đó, phương pháp học tập của con người đang và sẽ thay đổi. Những năm qua, tiêu chí của việc học tập đang dịch chuyển từ đề cao việc đọc nhiều sách, cố gắng đạt điểm cao (học cái gì) đến đề cao kỹ năng chọn lọc, tìm kiếm thông tin, tư duy phản biện (học như thế nào).
Với thế hệ trẻ, điều này có hai hệ quả:
Đầu tiên, so với thế hệ 8x và đầu 9x, nhiều người thuộc thế hệ cuối 9x và 10x có vẻ tiếp cận được với nhiều nguồn tri thức phong phú hơn, có kỹ năng xã hội tốt hơn và đặt vấn đề mạnh dạn hơn (điểm này một bài viết gần đây trên Spiderum đã có nhắc tới: http://spiderum.com/bai-dang/8x-9x-se-bi-chet-bep-neu-khong-thay-doi-p10).
Mặt khác, nhiều người người thuộc thế hệ trẻ hiện tại cũng hoang mang hơn trước một lượng thông tin quá lớn và quá nhiều lựa chọn, không biết phải chọn con đường nào và nên học tập gì. Phải tự quyết định, họ cũng trở nên cô đơn và dễ bị tổn hại hơn. Đây là một vấn đề không dễ tìm ra đáp án.
Theo quan điểm của mình thì kiến thức có thể mất giá trị ngày càng nhanh nhưng kiến thức cốt lõi sẽ không mất giá trị. Việc xây dựng kiến thức nền tảng đòi hỏi sự đầu tư trong dài hạn chứ không xảy ra trong một sớm một chiều. Điều đó dẫn đến những chứng chỉ đào tạo dài hạn cho các ngành nghề như y tế, luật pháp,... sẽ không thể thay thế bởi các chứng chỉ ngắn hạn.
Bản thân mình đang làm trong ngành IT cũng thấy được ngành IT thay đổi nhanh như thế nào tuy nhiên những kiến thức căn bản của IT như nhị phân hay thuật toán sẽ không thể thay đổi sớm đến vậy.
Về mặt hệ quả, thế hệ sau tốt hơn thế hệ trước có nghĩa là thế hệ trước đã làm khá tốt vai trò người đi trước. Điều đó cũng có nghĩa, thế hệ đi trước, là những người có nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ là người hướng dẫn thế hệ trẻ khi có quá nhiều sự lựa chọn.
Các kiến thức cốt lõi sẽ mất giá trị trong thời gian dài hơn chứ không phải không mất giá trị. Vì thời gian này (cho đến nay) không nhỏ so với đời sống của con người nên chúng ta thấy không có nhiều thay đổi, nhưng nếu so sánh kiến thức phổ thông của hiện tại so với một thế kỷ trước, ta thấy có nhiều điều không còn có giá trị sử dụng nữa. Qua thời gian tốc độ mất giá trị của kiến thức đang ngày càng bị rút ngắn, mình nghĩ sự thay đổi này sẽ ngày càng trở nên rõ ràng và có tác động thực tế hơn. Tất nhiên chưa phải ngay hiện tại, nhưng một ngày nào đó trong tương lai.
Nếu nói riêng trong lĩnh vực IT thì tấm bằng đại học vẫn còn nhiều giá trị, nhưng so với thế hệ của mình vai trò của nó đã giảm đi nhiều rồi .
tùy ngành nhé , ví dụ như điện hay cơ khí , kiến thức cốt lõi là Cơ lý thuyết , lý bán dẫn , sức bền thì cho dù có 50 hay 100 năm nữa thì nó sẽ vẫn ko thay đổi
bạn thử trả lời cho mình kiến thức vật lý, hóa học, toán học cách đây 100 năm những phần nào bị đào thải? kiến thức không hề bị đào thải mà nó được bổ sung và phát triển , giờ bạn biết 5 học lên 10 dễ hơn hay từ 0 học lên 10 dễ hơn
- Đây cũng là một điều mình còn hơi thắc mắc trong bài viết này. Mình hoàn toàn đồng ý với việc ta luôn nên giữ một tâm thế sẵn sàng đón nhận có chọn lọc những kiến thức mới. Nhưng có những kiến thức gần như là vẫn đúng mãi với thời gian ( ít nhất đến hiện tại là qua hàng ngàn năm ), lấy ví dụ đơn giản là định lí Py-ta-go trong hình học và còn những kiến thức cơ bản trong nhiều ngành khác nữa.
=> Từ đó cá nhân mình có một thắc mắc là :
* Nếu có những kiến thức không bị thay đổi theo thời gian ( kiến thức gốc ) thì nó khác gì so với những kiến thức bị thay đổi theo thời gian ?
-> Từ góc nhìn còn những thiếu sót mình thấy :
+ Có các kiến thức không bị thay đổi theo thời gian và đó thường là kiến thức gắn với tự nhiên gắn với quy luật vận hành sẵn có của vũ trụ mà đúng hơn là con người chỉ phát hiện và tiếp nhận chứ không phát minh ra chúng. Đó thường là dạng kiến thức sơ khai mà ta được học ở trường lớp ( mà từ cái gốc cơ bản này con người phát minh, sáng tạo ra những điều khác dựa trên đó )
* Tất nhiên những cái phát hiện đó phải được kiểm chứng, chứng minh, phản biện, xác nhận để đạt mức tuyệt đối chính xác. (Dù có là kiến thức gắn với tự nhiên, vũ trụ thì trái đất cũng không thể là 1 mặt phẳng)
+ Đối với các kiến thức bị " bán rã " theo thời gian thường là các kiến thức liên quan đến xã hội, yếu tố con người đóng góp chủ chốt. Với sự phát triển liên tục của nhân loại thì dần dà những thứ mà chính chúng ta tạo ra không còn phù hợp với cái mới và bị thay thế là điều dễ hiểu.
++ Và còn một điều đáng để tâm là trong cái thay đổi đó thì cũng có những cái thay đổi nhanh hơn và những cái thay đổi chậm hơn và nếu không có một số liệu và một góc nhìn rộng sẽ khó mà nhận ra điều này.
~ Nhìn chung mình vẫn đồng tình với việc ta cần phải được dạy được học cách để liên tục tiếp thu, chọn lọc cái mới cái phù hợp và cũng cần được cung cấp cái kiến thức nền tảng ( gốc ) cho 1 sự khởi đầu.
Mình cũng đang học IT luôn, mình thấy lượng kiến thức cần học là rất nhiều và với mức hiểu biết của mình thì thấy các công nghệ mới càng ngày càng nhiều dẫn đến việc phải học tập liên tục để đổi mới, điều đó cũng đôi phần làm mình thấy khá là hard.
Khoảng 2015-2017 mình tạm thời bỏ IT để tập trung nghiên cứu vài cái khác, lúc quay lại mình thực sự bị sốc luôn (ES8 trong khi mình còn chưa tìm hiểu ES6, react v.v.).
Đúng là đôi lúc cảm thấy ngộp thở vì không theo kịp sự thay đổi .
Sắp vào học Khoa học máy tính mà đọc xong hoang mang quá :v. Cho em hỏi là máy tính lượng tử ra đời có ảnh hưởng đến ngành khoa học máy tính ko ạ ? Khoa học dữ liệu có bền vũng hơn không ạ ? Em đang phân vân giữa 2 ngành này .
Chào bạn, hướng nghiệp không phải chuyên môn của mình và mình cũng không sống ở Việt Nam nên không dám tư vấn cho bạn nên chọn ngành nào.
Máy tính lượng tử sẽ làm thay đổi một trong các nền tảng của khoa học máy tính là hệ đếm nhị phân và sẽ làm thay đổi các thuật toán cơ bản. Nhưng ngày mà máy tính lượng tử trở nên phổ biến, thay thế phần lớn các máy tính cũ (giá thành giảm đến mức có thể sinh lời, kể cả với các công ty vừa và nhỏ) theo mình còn rất xa, ít nhất là không ở trong thế hệ của bọn mình. .
Khoa học dữ liệu đã đi qua một chặng đường dài và vẫn không ngừng phát triển. Chừng nào con người còn có nhu cầu xử lý thông tin thì khoa học dữ liệu vẫn còn phát triển.
Khoa học máy tính cũng không đáng sợ như vậy nếu bạn nắm vững nền tảng là tư duy thuật toán và học hỏi không ngừng.
Chúc bạn nhiều may mắn trong lựa chọn nghề nghiệp.
Khoa học Dữ liệu (DS) theo quan điểm của mình thì nó vẫn sữ phát triển lâu dài cho đến khi con người chẳng còn sử dụng đến công nghệ, khi mà mọi phân tích đều được tính toán trên máy tính thì khi đó DS vẫn đang còn rất nhiều ứng dụng. Và DS hiện tại đang rất hot, mình nghĩ tương lai thì nó cũng thế. Còn về ngành học DS theo một anh từ VNG nói thì ngành này cần phải học thêm để biết cách phân tích và nhìn dữ liệu, thường là sinh viên sau khi ra trường chưa có khả năng "nhìn" thấy thông tin từ dữ liệu. Anyway, đây là một hướng hot, nhưng không dễ để làm. Cần học ML và cần nhiều kiến thức về toán, đại số tuyến tính và xác suất thông kế.
Nếu nói riêng trong lĩnh vực IT thì tấm bằng đại học vẫn còn nhiều giá trị, nhưng so với thế hệ của mình vai trò của nó đã giảm đi nhiều rồi
Đúng là đôi lúc cảm thấy ngộp thở vì không theo kịp sự thay đổi
Cho em hỏi là máy tính lượng tử ra đời có ảnh hưởng đến ngành khoa học máy tính ko ạ ? Khoa học dữ liệu có bền vũng hơn không ạ ? Em đang phân vân giữa 2 ngành này .