NÓI TIẾNG VIỆT CHÊM TIẾNG ANH - VÔ TÌNH HAY CỐ Ý?
Trước khi đọc tiếp, mình xin nhắc nhở nhẹ là bài viết mang tính chất giải trí và làm rõ một số vấn đề không nhằm mục đích câu like...
Trước khi đọc tiếp, mình xin nhắc nhở nhẹ là bài viết mang tính chất giải trí và làm rõ một số vấn đề không nhằm mục đích câu like ahihi tại nó cũng hơi dài. Mình không dám tự nhận vốn hiểu biết tiếng Việt của mình giỏi, nhưng vì là người Việt nên lúc nào mình cũng muốn viết đúng chính tả trước đã. Và đừng bắt bẻ tôi, vì tôi viết tiếng Việt chêm tiếng Anh vào đấy :))))))
Tối nay vô tình mình xem được một clip nói về việc chêm tiếng Anh vào tiếng Việt, à mà khoan, tiêu đề của clip là “Bạn có nói tiếng Anh chêm tiếng Việt?” Sai nghĩa đúng không các bạn? Chúng ta đang đề cập đến tiếng Việt, cho nên “tiếng Anh” sẽ trở thành thành phần phụ trong cụm vị ngữ đó nhưng tiêu đề thì ngược lại. Cho nên mình làm rõ tiêu đề và tóm tắt clip luôn nhé, đại loại là clip nói về sự hình thành và phát triển của tiếng Việt, từ đâu mà tiếng Việt chêm tiếng Anh trở nên phổ biến và cách để nói chuyện không chêm tiếng Anh vào nữa blah blah blah… Và đây mình xin được phép sửa lại chỗ bạn nói không đúng và chia sẻ quan điểm của mình cùng một (vài) người bạn.
Link clip:
Đầu tiên, bạn nói: "Tiếng Việt mới trở thành ngôn ngữ chính thức của VN kể từ năm 1945, sau khi Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trước thời kỳ năm 1945, tiếng Pháp mới là ngôn ngữ chính thức của người Việt..." Rồi, từ từ nè, người Việt đã nói tiếng Việt từ khi có tiếng nói rồi, hổng lẽ trước năm 1945 ông bà mình nói tiếng Pháp? Và làm gì có tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức? Tháng 3 năm 1945, chính quyền vua Bảo Đại đã đưa “tiếng Việt" vào dạy trong nhà trường và là ngôn ngữ hành chính chính thức. Ở đây kiến thức sai hoàn toàn, có thể bạn bị nhầm lẫn giữa tiếng nói và chữ viết chăng? Mình không biết bạn lấy dẫn chứng từ đâu ra nhưng kiến thức như trên thì bị lỗi đấy ạ, gặp người nghiên cứu văn học hay nghiên cứu tiếng Việt là người ta chỉnh liền đấy.
Thứ hai, như bạn nói: “Thời đại toàn cầu hoá con người kết nối với các thiết bị điện tử vô tình có thể bị đồng hoá một dân tộc…” Quan điểm của mình thế này: “đánh mất bản sắc dân tộc" và “đồng hoá" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cái được gọi là “đồng hoá" có nghĩa là, một chủ đích của một cá nhân, tổ chức nào đó để loại trừ cái riêng để biến thành cái chung, đồng nhất với họ. Đơn giản dễ hiểu nhất đó chính là làm chúng ta mất đi phong tục tập quán của mình. Còn “đánh mất bản sắc dân tộc" có nghĩa là mất đi cái riêng của dân tộc, là khi việc ứng dụng biểu tượng văn hóa xảy ra nhiều bất cập, rất nhiều biểu tượng văn hóa bị sai lệch, bị bóp méo, pha trộn quá đà khi ứng dụng vào đời sống đương đại. Sau khi mình giải thích theo quan điểm của mình, có phải là rất khác nhau không? Và quá trình “đồng hoá" sẽ chẳng bao giờ có thể “vô tình" xảy ra được, vì nó là một quá trình có mục đích rõ ràng, làm thay đổi chính trị, văn hoá, xã hội một cách có chủ đích nhằm phục vụ bên hưởng lợi, đơn giản thằng nào mạnh hơn thì thằng đó có quyền.
Và bàn tiếp về vấn đề “Nói tiếng Việt chêm tiếng Anh", mình chỉ muốn nói thế này: Less is more ~ Ít là nhiều - Cái gì nhiều cũng không tốt. Bản thân vấn đề này đã có rất nhiều quan điểm trái chiều. Một số các khái niệm hay đồ vật đó được phát minh ở nước ngoài hay có ở nước ngoài trước khi du nhập sang Việt Nam cơ bản cũng phiên âm từ tiếng nước ngoài mà thành. Cũng chính ngay cả tiếng Việt cũng được du nhập sang các nước khác như phở (pho), bánh mì (banh mi)... Tuy vậy sử dụng tiếng Anh lẫn vào trong tiếng Việt trong những ngữ cảnh bình thường mà tiếng Việt thừa sức diễn tả có thể gây ra những hậu quả không ngờ. Điều này thì mình hoàn toàn đồng ý. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bạn bè của mình đi du học không phải là ít, thậm chí có đi du học hay không thì tình trạng nói tiếng Việt chêm tiếng Anh cũng xảy ra như cơm bữa, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi lạm dụng nó cả vì thế chúng tôi mới chơi với nhau lol =)))) Nói thế nào nhỉ. Hãy lấy dẫn chứng là anh bạn Đinh Nguyễn của tôi, người từng làm mưa làm gió trong cộng đồng RDVN: “... Tôi sẽ cố gắng không làm như vậy, kiểu chêm Anh và Việt khi viết một post dài và tử tế. Còn chêm vào khi đối thoại thì càng ít vì xí hổ chứ tôi phát âm kém lắm. Còn bạn bè tôi thì chêm thường xuyên, mấy đứa đi du học ấy. Nếu bọn nó chêm thì thỉnh thoảng tôi cũng đu theo, kiểu nhiều khi mình nói mấy thứ gay gay kiểu "yêu mày" mà không phải người yêu mình ấy, thì nói tiếng Anh cho nó giảm nhẹ mức độ. Cái này tôi thấy thậm chí cả nước ngoài thời xưa cũng bị á. Nhiều ông trong truyện của Dos hay Turgenev các thứ cũng đều thỉnh thoảng chêm Pháp hoặc Anh vào. Nói như vậy không có nghĩa là bảo như thế là đúng, mà nó là một hiện tượng phổ biến. Tóm lại, bản thân tôi cố gắng tránh, nhưng tôi không thấy sao về việc mọi người sử dụng nó cả, trừ khi lạm dụng kiểu every sentence cũng use thì thật sự very irritated đó.” Mình cũng có quen một ông bạn IELTS 8.5 và đang đi dạy tiếng Anh, nhưng chẳng bao giờ ổng nói tiếng Anh với mình cả, trừ một số ít từ lúc ổng hỏi kiểu “ờ tiếng Việt nói sao” hoặc là ổng sẽ đưa ánh mắt nhờ mình trợ giúp và rất ÍT KHI xảy ra trường hợp như vậy. Và nếu tôi gặp mấy đứa nói 1 câu tiếng Việt chêm thêm 2 câu tiếng Anh thì bạn biết rồi đấy, tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với nó nữa.
Bản thân mình cũng không thể tránh khỏi việc chêm tiếng Anh vào tiếng Việt, vì đôi khi có những từ ngữ chuyên ngành tiếng Anh mà bạn chẳng biết tiếng Việt nói thế nào cho chính xác đâu bạn ơi… Mình tiếp xúc với rất nhiều người nước ngoài, bắt buộc ngôn ngữ mình dùng phải là tiếng Anh. Đôi khi quay qua con bạn người Việt đang đứng cạnh mình nói một tràng tiếng Anh luôn vì bạn ơi do quán tính… tôi không cần biết bạn là ai, nhưng tôi biết bạn sẽ hiểu những gì tôi nói khi tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình. Và thậm chí, khi mình nói chuyện hoặc nhắn tin với người nước ngoài, có nhiều lúc mình kết thúc câu nói bằng từ “nhé" vì mình thấy tiếng Việt dễ thương vl í =)))) Và khi đó mình cảm nhận được họ cũng sẽ thấy vui vì mình đã gián tiếp dạy tiếng Việt cho họ, cho họ biết được trạng thái của mình lúc đó với một kết thúc cuộc trò chuyện khá là vui vẻ giữa hai bên. Đấy, chỉ thế thôi. Mình rất hiểu lúc bạn vô tình nói những câu tiếng Việt nhưng không tránh khỏi nói những từ tiếng Anh; vì đó chỉ là “vô tình" nói một, hai từ; như một đứa bé vô tình bị giật mình bởi một tiếng động lớn rồi oà khóc, còn đỡ hơn là đứa bé đập vỡ bình hoa rồi đổ lỗi cho cơn gió. Đứa nào nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" thì ra đây tao giảng luôn cho một thể. Mình ghét ai nói câu đó vl, đơn giản là bạn chẳng hiểu cái quái gì về tiếng Việt nên mới nói thế đấy, muốn hiểu được thì hãy bắt đầu lại bằng việc viết cho đúng chính tả, thế nhé!
Đọc thêm ở đây:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất