CÀNG KỲ LUẬT, CÀNG TỰ DO
“Kỷ luật” - “Tự do”. Đã bao giờ bạn nghĩ giữa hai từ dường như đối lập nhau hoàn toàn về ý nghĩa này thực chất lại liên quan chặt chẽ và bổ sung cho nhau?
“Kỷ luật” - “Tự do”. Đã bao giờ bạn nghĩ giữa hai từ dường như đối lập nhau hoàn toàn về ý nghĩa này thực chất lại liên quan chặt chẽ và bổ sung cho nhau? Cho dù một bên đại diện cho tính tập thể, những quy luật, nguyên tắc và khuôn khổ. Còn một bên đại diện cho tính cá nhân, không rào cản hay giới hạn.
Theo như Erich Fromm (1900 - 1980) - nhà tâm lý học, triết học và xã hội học người Mỹ gốc Đức, “tự do” được phân chia làm 2 loại: tự do tích cực và tự do tiêu cực. Tự do tích cực là khả năng làm chủ ý chí để tự do thể hiện bản thân theo cách mình muốn. Ngược lại, tự do tiêu cực lại là phương pháp tìm cách thoát khỏi ràng buộc, rào cản, hay những sự kiềm chế từ bên ngoài đối với hành động của cá nhân. Đa số chúng ta thường cho rằng tự do nói chung rõ ràng là tốt, nhưng theo Fromm, trong khi tự do tích cực là cảm giác tuyệt vời thì tự do tiêu cực thường đi kèm với lo lắng, bất an và trầm cảm.
Tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ đề cập về tự do tích cực - sự tự do đích thực, cũng như mối quan hệ giữa kỉ luật và tự do và trả lời cho câu hỏi “tại sao kỷ luật lại chính là con đường dễ dàng nhất để đến tự do?”
MỐI QUAN HỆ GIỮA KỶ LUẬT VÀ TỰ DO:
Ví dụ: Nếu bạn muốn có tự do tài chính, có một khoản tiết kiệm khi cần, hoặc có một số vốn để kinh doanh. Vậy bạn buộc phải xây dựng kỷ luật và kiểm soát nguồn tài chính của mình, phân chia mức chi - tiêu sao cho hợp lý và phải từ bỏ việc mua sắm theo sở thích nhất thời. Tương tự, nếu như bạn muốn nhiều thời gian tự do cho bản thân hơn, bạn cũng phải kiểm soát việc phân bổ thời gian hiệu quả hơn, bạn phải tự kỷ luật bản thân để không tốn thời gian sao nhãng trong 8 tiếng làm việc, dậy đúng giờ, hoàn thành mọi việc đúng deadline…
Vì vậy, kỷ luật luôn song hành cùng tự do trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Càng muốn có tự do, bạn lại càng phải kỷ luật. Có thể nói mối quan hệ này chính xác như hai mặt của một tờ tiền, nếu thiếu một mặt, tờ tiền này hoàn toàn vô giá trị.
KỶ LUẬT LÀ CON ĐƯỜNG DỄ DÀNG NHẤT ĐỂ ĐẾN VỚI TỰ DO:
1. Kỷ luật giúp rèn luyện ý chí để chủ động xây dựng cuộc sống:
Cũng giống với ví dụ bên trên, nếu bạn mong muốn trở thành một cây viết tự do, không cách nào khác ngoài việc bạn phải tự đặt mình vào khuôn khổ: học, đọc và viết hằng ngày, kiểm soát bản thân để không bỏ cuộc dù bất cứ lý do nào đi nữa. Càng xây dựng kỷ luật chặt chẽ, bạn sẽ càng dễ dàng tìm ra hướng đi đúng, tìm ra sai lầm cũng như sửa chữa sai lầm. Theo đó, biểu hiện của sự tiến bộ cũng sẽ ngày càng rõ rệt, bạn sẽ biết được bài viết nào hay, bài nào dở, sửa ở đâu, cách tư duy, cách viết hiệu qủa,… Từ đó càng có thêm động lực để xây dựng sự nghiệp viết, hoặc xa hơn là cuộc sống theo cách bạn mong ước.
Vậy chuyện gì có thể xảy đến nếu không có kỷ luật chặt chẽ? Con người sẽ không tránh khỏi xu hướng hỗn hoạn, sai lầm nối tiếp sai lầm, nản lòng kèm cảm giác mất niềm tin vào bản thân cũng như tội lỗi vì không đạt được mục tiêu.
2. Tự do trong kỷ luật - Tự do đích thực:
Kỷ luật chính là lá chắn an toàn cho những ham muốn nhất thời. Dường như con người chính là sinh vật được lập trình sẵn với sự tham lam và ham muốn nhiều hơn nhu cầu thực tế.
Ngẫm mà xem, khi nhu cầu không còn xoay quanh việc ăn no - ngủ kĩ hay ăn ngon - mặc đẹp. Con người sẽ bắt đầu nảy sinh lòng tham muốn thưởng thức của ngon vật lạ, lòng tham với tiền tài, danh vọng… Nếu không có sự kiểm soát, kỷ luật bản thân, sẽ rất khó để không đẩy mình vào những con đường tội lỗi hoặc vi phạm các quy tắc đạo đức, nhân sinh như tham nhũng, săn bắt động vật quý hiếm, lộng quyền, ngoại tình,… Như việc bạn đang di chuyển trên một con đường lơn, không biển cấm tốc độ, không biển cấm rẽ hay phương tiện, bạn được tự do phóng như một mũi tên. Vậy bạn có đảm bảo sẽ không đâm vào bất cứ ai? Và cũng không ai đâm vào bạn? Nếu rủi ro xảy ra? Bạn có sẵn sàng đối mặt và gánh trách nhiệm?
Vì vậy, kỷ luật là chìa khoá không chỉ mở ra tự do đích thực về mặt vật chất, mà còn tự do về mặt tinh tầm, tâm trí. Không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn mang đến lợi ích cho cộng đồng.
Tuy nhiên, kỷ luật đích thực với bản thân không bảo những luật lệ hay quy tắc khắt khe không thể thay đổi được. Kỷ luật phải tự chính bản thân bạn nhìn nhận, mong muốn mới nên được sinh ra. Kỷ luật là phương pháp giúp bạn tốt lên chứ không phải chiếc gông khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức hay đau khổ với nó.
Nếu bạn không thoải mái với việc dậy từ 4h00 sáng để thiền 30 phút, bạn hoàn toàn có thể chia nhỏ thành 2 phút thiền buổi trưa và 10 phút buổi sáng. Dù bạn không thể ăn uống theo lượng kalo phân chia để giảm cân như các phương pháp mọi người vẫn đề cập, thì bạn hoàn toàn có thể lắng nghe cơ thể mình đầu tiên. Hôm nay khẩu phần ăn chỉ bằng một nửa thường ngày, nếu lỡ miệng ăn một chiếc kem thì hôm sau buộc phải tập gấp đôi. Miễn là bạn giữ vững mục tiêu và kiên trì với nó. Đó cũng là một cách xây dựng kỷ luật.
Vậy nên, kỷ luật không hoàn toàn khó khăn và nặng nề như đa số mọi người vẫn lầm tưởng. Kỷ luật dễ dàng bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất và phù hợp nhất với bản thân. Nên đừng sợ hãi nó và luôn nhớ rằng: càng kỷ luật, càng tự do.
Nguồn tham khảo: “Escape from Freedom “ (Enrich Fromm,1994)
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất