Bạn nước đến chân mới nhảy? Ngày mai thi nhưng hôm nay bạn dành cả ngày lướt Facebook? Deadline càng đè đầu thì bạn lại càng chăm chú xem Youtube? Thế thì bài viết này dành cho bạn!
Tính trì hoãn (procrastination) là một nết xấu khó bỏ của rất rất nhiều người (trong đó có mình :)) ). Tuy nhiên, trên hành trình xây dựng tính tự giác, kỷ luật cho bản thân, mình đúc rút được một số bài học đáng gía mà có thể sẽ rất có ích cho bạn.
Trên thực tế, nếu bạn muốn đạt được bất cứ thành tựu nào đối với cuộc sống bên ngoài, thì trước hết bạn phải làm chủ được bản thân - có kỷ cương đối với chính mình. Và đây thực sự là cả-một-hành-trình, tưởng dễ mà cũng không dễ tí nào.
Với mình, hành trình phát triển khả năng tự làm chủ bản thân, xây dựng nếp kỷ luật, đối với mình là một hành trình dài, không theo một đường thẳng cố định, như trong tưởng tượng: 
T(time): thời gian; D (discipline): kỷ cượng/ tự giác - Mình tưởng khả năng tự giác của mình sẽ phát triển như này
Nhưng thực chất, như bất kỳ kỹ năng nào khác trong đời, hành trình phát triển khả năng tự chủ, kỷ luật bản thân của mình tăng tiến như này: 
Trông chán nhỉ :)) Phong độ lên xuống thất thường...

Đọc thêm:

Ừ đấy, không có gì hoàn hảo, là một đường thẳng tắp. Mình từng vật lộn, từng tự trách cứ bản thân tại sao không thể sống kỷ luật hơn, tại sao cứ trì hoãn.
Nhưng tự trách để làm gì? Thái độ tự trách, với mình, không giúp giải quyết được vấn đề. Nên thay vì tốn thời gian tự trách, thì mình có vài tips về rèn luyện kỷ cương cho bản thân, mà mình muốn chia sẻ cho bạn: 

1. Just do it:

Mình phải nói thật, tip này nghe thì dễ, cơ mà khó bỏ xừ! Ví dụ bản thân mình 10' trước khi viết bài này, mình đang lướt Youtube. Cám dỗ này đến cám dỗ khác ngay trước mắt, tâm trí mình lại gào thét: "Ê, xem 1 vid nữa tao sẽ viết bài"- xem xong lại "nốt video này thôi tao sẽ viết bài!!!". Tâm trí mình như một đứa con nít, gào thét với mẹ nó: "con lườiii", tìm đủ mọi lý do thoái thác.
Ơ hay? Thế sao mình vẫn viết được bài.
Người mẹ ra tay ("người mẹ" ở đây ẩn dụ cho lý trí kỷ luật bên trong mình). Bà mẹ đã làm gì? Đơn giản thôi, dụ đứa trẻ: "Ừ con, cứ thử viết 1 dòng thôi xem sao, chứ m xem tiếp đến bao giờ m mới xong bài!". Tức là người mẹ dùng 2 phương pháp: vừa nhẹ nhàng khuyên bảo, vừa cứng rắn ép buộc đứa con "thử viết 1 dòng".
Với bản thân mình cũng thế. Để kéo bản thân khỏi những "cám dỗ" ngay trước mắt, mình dụ bản thân: "M mở Blog lên viết đi, 1 dòng thôi, vui lắm. Chứ m định chờ đến lúc nào?". Vừa nhẹ nhàng khuyên bảo, đưa ra phương pháp dễ thực hiện, lại vừa cứng rắn - cho phần "con" lười biếng của mình biết hậu quả của việc chây ì, thế là mình cun cút nhảy vào viết bài ngay :D 
=> Tip cho bạn khi sử dụng phương pháp "Just do it": 
  1. Nhắc bản thân những tác hại của việc chây ì => Tạo nỗi lo cho phần "con"
  2. Và ngay lập tức, đưa ra "phương pháp siêu đơn giản" để giải quyết nỗi lo này. Có rất nhiều ví dụ cho phương pháp siêu đơn giản, như: chỉ cần 2 phút (mình chỉ cần viết bài 2 phút thôi rồi mình sẽ nghỉ); chỉ cần đọc 1 trang (mình đọc nốt 1 trang mình sẽ nghỉ), chạy 5 phút (mình chỉ cần xách giày chạy 5 phút rồi mình sẽ nghỉ), v.v.
Ý nghĩa của phương pháp siêu đơn giản là để đánh lừa bộ não chây ì của bạn rằng công việc nhanh gọn, chả mất tí công sức nào. Để khi bạn bắt tay vào làm, vào flow rồi, não bạn nhận ra: "ờ, dễ thật chứ chả đùa!". Vì khi bạn bắt được nhịp, thì 2 phút sẽ thành 20 phút, 1 trang sẽ thành 10 trang, chạy 5 phút thành chạy 50 phút, v.v. 
Đơn giản thế thôi. Đâu phải xoắn ~

2. Nhẹ nhàng với bản thân thôi!!! 

Một vấn đề khác mình nhận ra khi "cố" tạo kỷ luật cho bản thân, là mình càng "ép" bản thân phải làm một việc gì, thì mình sẽ không làm, càng chây ì. Cơ mà nếu mình để bản thân tự nhiên, cảm thấy "Ờ, nên làm", thì mọi thứ lại như nước chảy mây trôi, đâu lại vào đấy.
Gần đây, mình học về Đạo giáo, thấm thía ý nghĩa của Đạo, thì mình chợt hiểu lý do tại sao càng "cố" lại càng không được. Khi mình "cố" làm gì đó, mình đang không tuân theo dòng chảy tự nhiên, sự tự nhiên trong cơ thể mình. "Vật cực tất phản" - cơ thể khi bị "ép" phải làm gì sẽ tự sinh ra phản ứng đối kháng, dù là phản ứng trong tiềm thức, vô tri (unconsciously). 
Tưởng tượng xem, nếu bố mẹ "ép" bạn phải quét nhà, vừa ép vừa mắng nhiếc, thì bạn sẽ làm gì? Lại chả vứt chổi đình công, cãi lại bố mẹ rồi vùng vằng bỏ đi à :)) 
Cơ thể bạn cũng vậy, bộ não bạn cũng vậy, nếu bạn muốn làm gì, thì đừng "ép", đừng "mắng nhiếc", hãy nhẹ nhàng hơn với bản thân. Khi bạn tự ý thức một việc nào đó quan trọng, bạn sẽ chủ động làm một cách tự nhiên; hoặc chí ít khi bạn nhẹ nhàng với bản thân, thì cơ thể sẽ không sinh phản ứng phản kháng, đòi đình công. Giống như khi bố mẹ bạn muốn bạn quét nhà, bố mẹ bạn chỉ cần chỉ ra: "con quét nhà đi, không quét bây giờ luôn thì bẩn cả nhà, ăn cơm không ngon" - bạn tự nhận thức ra tầm quan trọng của vấn đề thì sẽ cầm chổi quét nhà nhẹ nhàng thôi ^^
=> Tip cho bạn: Muốn cải thiện bản thân, cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng với bản thân mình, không cần thúc ép. Bản thân bạn, cơ thể bạn hiểu rõ điều gì quan trọng, thì sẽ có xu hướng tự động làm thôi, chả cần ép (vì ép buộc thì xác định càng lười thôi).
Kết luận lại, để xây dựng tính kỷ luật cho bản thân, bạn hãy sử dụng "phương pháp siêu đơn giản" để giúp bản thân vào guồng làm việc, cùng với đó, nhẹ nhàng với bản thân, không ép buộc, thì phương pháp siêu đơn giản mới có ích, và trải nghiệm làm việc, học hành của bạn mới vui vẻ được (thay vì u ám mùi sám hối, tội lỗi ...).
Để thực hiện phương pháp trên, bạn có thể sử dụng phương thức của mình: chia bản thân làm 2 phần: phần con và phần mẹ (hoặc cha, tuỳ bạn nam hay nữ). Và rồi bạn có thể dạy phần "con" ương bướng, thiếu kỷ luật của mình vào guồng bằng tình yêu, sự quan tâm nhưng cũng kiên định của người làm cha mẹ. Nếu bạn không thích hình ảnh ẩn dụ này, bạn có thể coi "phần con" không chịu hợp tác như một người bạn, người đồng nghiệp,... Điều quan trọng là hãy đối xử với bản thân với thái độ tôn trọng, lắng nghe, không áp đặt, thì "phần con" của bạn mới chịu làm việc với bạn được. Thử áp dụng xem có được không nhé ;) 
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: https://mysticcatlady.wordpress.com

Đọc thêm: