Tôi có quá nhiều đồ. Người Mỹ hầu như ai cũng vậy. Thực tế, những người càng nghèo thì càng có nhiều đồ. Hiếm khi có ai quá nghèo đến nỗi không đủ khả năng đậu đầy ô tô cũ trước sân.

Xưa thì không phải như thế. Đồ đạc hồi đó khá là hiếm và có giá trị. Nếu tìm thì bạn vẫn có thể thấy bằng chứng về điều đó. Ví dụ, trong nhà tôi ở Cambridge, được xây dựng vào năm 1876, các phòng ngủ không có tủ lớn. Hồi đó, đồ dùng của người ta chỉ nhỏ vừa với tủ ngăn kéo. Thậm chí chỉ vài thập kỷ trước đây thôi cũng có ít đồ đạc lắm. Khi nhìn lại mấy tấm ảnh từ những năm 1970, tôi ngạc nhiên thấy nhà cửa trông thật là trống trải. Khi bé, tôi tự hào có đoàn xe đồ chơi khổng lồ, nhưng so với số lượng đồ chơi của mấy đứa cháu tôi bây giờ thì chỉ bằng cái móng tay. Hết thảy các thứ đồ chơi của tôi hồi đó bày ra chiếm khoảng một phần ba giường tôi nằm. Trong phòng cháu tôi, giường là chỗ trống duy nhất không có đồ chơi.


Đồ bây giờ rẻ hơn nhiều, nhưng thái độ của chúng ta không thay đổi tương ứng. Chúng ta quá xem trọng vật chất.


Đó là vấn đề lớn đối với tôi thời mà tôi vẫn chưa có tiền. Tôi cảm thấy mình nghèo, và xem mọi thứ có vẻ quý giá, vì vậy hầu như theo bản năng tôi tích lũy vật chất. Bạn bè thường bỏ lại mấy đồ lặt vặt khi họ chuyển nhà, hoặc tôi nhìn thấy cái gì đó trong thùng rác đêm khi đi xuống phố (coi chừng cái gì mà mình thấy cũng ‘rất tốt’ cả), hoặc tôi tìm thấy cái gì đó còn mới toanh ngoài chợ trời, chỉ một phần mười giá bán lẻ. Và thế là tôi tích trữ biết bao nhiêu thứ khác nữa.


Thực ra, những thứ miễn phí hoặc gần như miễn phí này không phải rẻ, bởi vì giá trị của nó còn ít hơn so với chi phí ta bỏ ra nữa. Hầu hết những thứ tôi gom về là vô giá trị, vì tôi không cần đến.


Vấn đề là hồi đó tôi không hiểu rằng giá trị của một món đồ mới mua không phải là chênh lệch giữa giá bán lẻ và tiền mình đã trả. Giá trị mà mình nhận được từ món đồ đó mới là đáng kể. Đồ linh tinh là một tài sản vô cùng khó bán. Trừ khi bạn có kế hoạch bán đi món đồ giá trị mà mình vừa mua được với giả rất rẻ, còn không thì nếu bạn đã định giữ món đồ đó lại, thì đắt rẻ có quan trọng đâu? Cách duy nhất ta có được giá trị của nó là sử dụng nó. Và nếu ta không có bất cứ nhu cầu sử dụng nó ngay bây giờ, thì có thể ta sẽ chẳng bao giờ dùng nó sau này đâu.


Các công ty bán đồ đã chi ra những khoản tiền rất lớn huấn luyện ta nghĩ rằng đồ họ bán vẫn còn giá trị. Thực ra thì hầu hết những món đó vô giá trị.


Thực tế những đồ vật ấy còn tệ hơn là vô giá trị nữa, bởi vì một khi ta đã tích lũy được một số vật chất nhất định, thì nó bắt đầu làm chủ ta chứ không phải là ngược lại đâu. Tôi biết một đôi vợ chồng không thể dọn về nghỉ hưu tại thị trấn mà họ thích vì không đủ khả năng mua nhà đủ lớn để chứa tất cả đồ đạc của họ đã trữ. Nhà của họ không phải của họ nữa, mà đồ đạc là chủ nhà.


Trừ khi bạn là người rất có óc tổ chức, còn không thì một ngôi nhà đầy đồ đạc chẳng thể nào rộng rãi, thoải mái được. Một căn phòng bừa bộn làm tiêu hao tinh thần ta, dễ hiểu thôi, bởi phòng nhiều đồ nghĩa là ta có ít chỗ ở. Nhưng còn nhiều điều quan trọng hơn. Tôi nghĩ con người không ngừng tiếp nhận môi trường xung quanh để xây dựng một mô hình tinh thần. Cảnh quan càng khó tiếp nhận, ta càng tiêu hao năng lượng để định hình cảnh quan xung quanh, từ đó không còn đủ năng lượng cho tư duy nữa. Một căn phòng bừa bộn chính xác là thứ làm ta mệt mỏi.

(Điều này giải thích tại sao sự bừa bộn dường như không làm phiền trẻ em nhiều như người lớn. Trẻ em ít tiếp nhận thông tin chi tiết hơn. Chúng xây dựng mô hình môi trường xung quanh thô hơn, nên tiêu thụ ít năng lượng hơn.)


Lần đầu tiên tôi nhận ra sự vô giá trị của đồ đạc là khi chuyển đến sống một năm ở Ý. Tất cả đồ đạc tôi cho vào một ba lô lớn. Những đồ còn lại tôi để trong căn gác bà chủ nhà của tôi tại Mỹ. Và bạn biết gì không? Trong suốt năm đó, tôi chỉ tiếc là không mang theo vài ba quyển sách. Đến cuối năm tôi còn không thể nhớ tôi đã để lại Mỹ thứ gì nữa.


Tuy nhiên khi trở về, tôi chả bỏ thứ gì trong căn gác ấy đi cả. Vứt cái điện thoại quay còn rất tốt này à? Mai mốt mình có thể cần đấy.


Giờ nghĩ lại, tôi thấy rất đau, không phải chỉ vì tôi đã bỏ công và không gian để chứa mấy thứ vô dụng này, mà còn vì tôi đã bỏ không biết bao nhiêu tiền để mua mấy thứ vớ vẩn về chất trong nhà.


Tại sao tôi lại tiêu hoang như thế? Bởi vì những người làm nghề bán đồ linh tinh đó thực sự rất giỏi. Một thanh niên 25 tuổi trí óc bình thường không thể chống cự lại các công ty đã bỏ ra nhiều năm tìm cách để khiến người ta bỏ tiền ra mua đồ. Những anh chị nhân viên bán hàng ấy làm cho trải nghiệm mua đồ thật dễ chịu, đến mức ta xem việc mua sắm trở thành một hoạt động giải trí thường kỳ.


Làm thế nào để ta tự bảo vệ mình khỏi những người này đây? Không phải dễ đâu. Tôi là người khá hoài nghi, thế mà vẫn bị họ dụ. Tôi ba mươi mấy tuổi rồi chứ bé bỏng gì nữa!


Cách duy nhất tôi thấy có tác dụng là trước khi mua gì đó, luôn tự hỏi mình: “Món này có làm cho đời mình tốt hơn đáng kể không?”


Một cô bạn của tôi tự chữa khỏi thói quen mua quần áo bằng cách tự hỏi mình trước khi mua rằng: “Mình sẽ mặc cái này thường xuyên không?” Nếu không thể thuyết phục bản thân rằng đồ mình định mua sẽ trở thành một trong rất ít đồ cô mặc thường xuyên, thì cô ấy sẽ không mua. Tôi nghĩ mua cái gì cũng vậy cả. Trước khi ta mua, hãy tự hỏi: liệu đây sẽ là đồ mình thường sử dụng không? Hoặc có phải mình thích nó chỉ vì nó đẹp không? Hoặc tệ hơn nữa, có phải mình muốn mua chỉ vì nó quá rẻ không?

Về phương diện này, món đồ tệ hại nhất có thể là thứ bạn không dám dùng nhiều bởi vì nó… quá tốt. Không gì biến bạn thành nô lệ tốt hơn những thứ dễ vỡ. Ví dụ, “đồ sứ tốt” mà nhiều nhà có, chất lượng vừa phải, vừa túi tiền dùng cũng vui, nhưng người ta phải đặc biệt cẩn thận để không lỡ tay làm vỡ.


Một cách khác chống lại việc đi gom đồ về là nghĩ đến tổng chi phí sở hữu. Giá mua chỉ là khởi đầu. Ta sẽ phải nghĩ về việc phải giữ, bảo trì món đồ đó trong nhiều năm, có lẽ là phần còn lại của cuộc đời. Mọi thứ ta sở hữu thường lấy đi năng lượng của ta. Cũng có vài thứ cho ta năng lượng. Đó là những thứ duy nhất đáng có

.

Bây giờ tôi thôi đi thu gom đồ rồi. Ngoại trừ sách-nhưng sách thì khác. Sách nó giống một chất lỏng hơn là đồ vật. Cũng chẳng bất tiện gì lắm khi có dăm bảy ngàn cuốn sách, trái lại nếu bạn sở hữu dăm bảy ngàn thứ đồ linh tinh, thì bạn thành người nổi tiếng trong vùng ngay. Trừ sách ra, bây giờ tôi chủ động tránh các thứ khác. Nếu tôi muốn chi tiền cho một trải nghiệm đặc biệt nào đó, tôi sẽ ưu tiên chọn dịch vụ chứ không phải hàng hoá.


Tôi không định tuyên bố là mình đã đạt được kĩ năng buông bỏ vật chất như những thiền sư. Tôi đang nói về một việc nhàm chán hơn: Thời nay không còn giống như thời trước: Đồ đạc trước đây rất quý giá, còn bây giờ thì không, nên đừng cố trữ đồ đạc trong nhà.


Ở các nước công nghiệp hóa, điều tương tự đã xảy ra với thực phẩm vào khoảng giữa thế kỷ 20. Vì thực phẩm rẻ hơn (hoặc vì chúng ta giàu hơn), nên con người ta bắt đầu gặp vấn đề với việc ăn quá nhiều, thay vì ăn quá ít. Vật chật cũng vậy thôi, với hầu hết mọi người, giàu cũng như nghèo, vật chất đã bắt đầu trở thành một gánh nặng.


Tin tốt là, nếu ta đang mang một gánh nặng mà không biết, cuộc sống của ta có thể tốt hơn ta nhận thấy và buông bỏ. Hãy tưởng tượng đi loanh quanh trong nhiều năm với mỗi cổ chân mang ba kí lô, sau đó đột nhiên gỡ bỏ hết ra xem!

SOURCE Paul Graham

Nguồn dịch: Ecoblader