Phần 4: Vấn đề về tuổi tác
Trả lời: Bruno Gilissen, Phi công

Độ tuổi tối thiểu để tham gia huấn luyện tại các trường bay thường là 18. Điều này không ngăn bạn bắt đầu hành trình bay lượn khi nhỏ tuổi hơn, ví dụ như tham gia vào câu lạc bộ dù lượn. Thỉnh thoảng quân đội cũng tổ chức các trại hè miễn phí, nơi bạn có thể dành thời gian đu dù lượn, vậy nên nếu thực sự khao khát được bắt đầu sớm, hãy thử tìm hiểu về các chương trình này ở nơi bạn sống. Mỗi nơi sẽ có các yêu cầu khác nhau về độ tuổi được tham gia và thẻ học sinh sinh viên, nhưng thông thường từ tuổi 16 bạn đã có thẻ học sinh, còn giấy phép chơi dù lượn có thể lấy từ tuổi 14. Nhưng điều này cũng không thực sự cần thiết để trở thành phi công tương lai đâu.

Nếu bắt đầu từ các chương trình huấn luyện của các hãng hàng không ở độ tuổi tối thiểu là 18, thì bạn có thể hoàn thành khóa học ở tuổi 20 (thậm chí 19) và gia nhập ngay vào hãng hàng không. Thực ra đó chính là những gì tôi đã làm, lái một con A321 mới tinh trước thềm sinh nhật tuồi 21. Vài quốc gia không cho phép bạn học bằng lái tàu bay vận tải (ATPL) cho đến khi đủ 21 tuổi, vậy nên bạn phải tìm hiểu kĩ điều này với Cục hàng không quốc gia. Tuy nhiên, các hãng hàng không tuyển dụng cơ phó chỉ cần có bằng lái tàu bay thương mại (CPL), bạn có thể làm cho hãng sau đó học bằng ATPL sau.

Thường thì ít ai hỏi về tuổi tối thiểu, người ta hay băn khoăn về độ tuổi tối đa.

Thỉnh thoảng có ai đó muốn trở thành phi công khi đã hơi “dừ” một tí (Ôi trời, tôi đang cảm thấy mình đã già rồi đây). Có thể anh ấy muốn làm phi công từ lâu rồi, nhưng khi còn trẻ anh ấy tạm gác ước mơ qua một bên, có thể vì cha mẹ hướng anh sang một ngành nghề khác, hoặc đơn giản là không đủ tiền để chi trả cho các khóa học đắt đỏ.

Bất kể vì lí do gì, các hãng hàng không sẽ chẳng bao giờ tuyển dụng một phi công 40 tuổi chưa có kinh nghiệm đang vật lộn với khủng hoảng tuổi trung niên cả. Tôi nói không có kinh nghiệm, nghĩa là không đạt được số giờ bay tối thiểu (300 giờ bay, vừa đủ điều kiện để lấy các chứng chỉ).

Phi công quân sự, phi công trực thăng, hoặc các loại khác không nằm trong danh sách này vì số giờ làm của họ gần như luôn được tính là kinh nghiệm theo cách nào đó. Làm sao mà các giờ làm việc “khác” được tính vào số giờ bay thì tùy thuộc vào từng nơi. Ví dụ lái máy bay quân sự được tính toàn bộ số giờ làm, trong khi lái trực thăng được tính một nửa.

Độ tuổi tối đa để bằng lái tàu bay vận tải có hiệu lực là 65. Điều đó có nghĩa là bạn buộc phải rời vị trí cơ trưởng của hãng hàng không khi đến độ tuổi này, vì lúc này thì bằng lái của bạn không còn hiệu lực nữa. Các hãng hàng không có thể - có thể! – đề nghị bạn xuống làm cơ phó, vì bạn vẫn còn tấm bằng lái tàu bay thương mại CPL, nhưng việc này không phổ biến lắm và tôi nghĩ đến tuổi đó thì hầu hết các phi công cũng không còn khao khát đi bay nữa. Hầu hết các cơ trưởng không muốn nghỉ hưu sẽ trở thành thầy hướng dẫn bay trong phòng giả lập.

Thông thường sẽ có một độ tuổi tối đa để tuyển dụng các phi công chưa có kinh nghiệm. Điều này tất nhiên phụ thuộc vào quy định của từng công ty, nhưng để đưa ra một con số, tôi cho rằng đâu đó từ 29 – 38 tuổi. Tất nhiên, thỉnh thoảng cũng có những trường hợp ngoại lệ, bạn có thể nằm trong số đó. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu như bạn muốn bắt đầu quá trình bay lượn từ con số 0 ở độ tuổi sau 32 (và hoàn thành khóa học ở tuổi 34), thì các lựa chọn của bạn sẽ cạn kiệt rất nhanh. Điều này không hoàn toàn bất khả thi, tôi cũng không khuyên bạn phải từ bỏ, nhưng bạn nên biết rằng lúc thể chất của bạn không còn như những người ở tuổi đôi mươi nữa.

Bạn phải có rất nhiều sự kiên trì và cả may mắn nữa. Viết thư, gửi mail, hoặc gọi trực tiếp tới các hãng hàng không và trình bày vấn đề của bạn và giải thích nó ngắn gọn. Điều này không những thể hiện sự quan tâm của bạn với phòng nhân sự (có thể giúp bạn có cơ hội đến vòng phỏng vấn) mà còn cho bạn biết mình có thể trông đợi điều gì.

Mặt khác, nếu bạn thực sự muốn đi bay, ngoài việc làm cho các hãng hàng không, còn có nhiều công việc khác trong ngành. Khi nào tích lũy đủ số giờ bay theo yêu cầu, bạn có thể chuyển sang làm cho hãng hàng không, lúc này bạn không còn là tay mơ nữa.

Tuổi tác là một vấn đề, bởi vì:
Bạn sẽ phải đầu tư nghiêm túc về thời gian, công sức và tiền bạc. Có thể bạn sẽ không kiếm lại được lợi nhuận tương đương với khoản đầu tư này như khi bạn còn trẻ.
Điều nữa là, cũng tùy từng quốc gia, phi công thường bắt đầu sự nghiệp với một mức lương bèo bọt. Điều này nghĩa là ngoài các khoản vay đắt đỏ, bạn sẽ mất một số tiền kha khá khi từ bỏ công việc cũ và xách đuýt đi bay lòng vòng để tích cóp từng giờ cho “công việc trong mơ”, đồng thời cũng phải đi làm trong cả những ngày nghỉ ít ỏi của mình.
Đến khi ngồi được một ghế trong hãng hàng không nơi mà bạn có đủ thâm niên để được trả hậu hĩnh và bắt đầu tận hưởng cuộc sống và/hoặc thăng quan tiến chức thì bạn đã già. Cùng lúc đó, người bạn đời và/hoặc con của bạn vẫn phải trưởng thành từng ngày và phát mệt với cuộc sống lông bông của bạn.
Cũng có thể, bạn phải chuyển đến một thành phố hoặc một đất nước khác để theo đuổi ước mơ, điều này ngày càng khó khăn khi có tuổi. Rời nhà ở tuổi 25 dễ dàng hơn rất nhiều vì khi đó bạn không có bất kì ràng buộc nào; sẽ khó khăn hơn khi bạn có nửa kia của mình và cô ấy cũng có công việc riêng, con cái thì phải đến trường với bạn bè chúng nó, và khoản thế chấp nhà cũng không thể bỏ lại được.

Các hãng hàng không cũng biết rằng càng lớn tuổi càng khó để học và rèn luyện những kĩ năng mới. Gần như tất cả mọi người đều có thể đi bay, miễn là có đủ thời gian để học, nhưng các hãng hàng không có giới hạn về thời gian và chi phí. Họ có một chương trình và thời gian biểu cụ thể cho từng bước và từng loại huấn luyện, nếu bạn chậm hiểu, có thể được tham gia 1 -2 khóa học thêm, nhưng nếu quá số đó bạn sẽ bị loại. Nếu phải chọn lựa giữa 2 ứng viên 25 tuổi và 35 tuổi, cả 2 đều chưa có kinh nghiệm, khả năng cao là họ sẽ chọn người trẻ hơn. Ứng viên đó cũng có thể gắn bó lâu dài hơn với hãng nếu trở thành cơ trưởng sau này, về lâu về dài còn giúp giảm chi phí đào tạo.

Tùy thuộc vào nền tảng văn hóa, một cơ phó 40 tuổi sẽ chẳng vui vẻ gì khi phải nghe lệnh của cơ trưởng 30 tuổi, nhưng nếu đổi ngược lại thì không thành vấn đề. Vài nền văn hóa rất nhạy cảm vế vấn đề tuổi tác và cũng dành một sự tôn trọng nhất định cho những người lớn tuổi hơn, vậy nên đây có thể là rào cản đối với bạn.

Xin hãy hiểu rằng những con số tôi đưa ra ở trên chỉ dựa vào những gì tôi thấy và trải qua sau nhiều năm, khi đi xin việc ở các hãng hàng không, và từ lời kể của vài đồng nghiệp. Tôi đang cố gắng thành thật nhất có thể, chứ không phải làm mọi người nản chí hay gì cả. Tóm lại thì tuổi tác phải phụ thuộc vào những yếu tố sau:
Độ tuổi nhất định để bắt đầu khóa huấn luyện.
Khóa huấn luyện của bạn sẽ kéo dài bao lâu: Khi bạn có tuổi, tốt hơn hết là cố gắng hoàn thành khóa huấn luyện càng sớm càng tốt.
Hãng hàng không mà bạn muốn ứng tuyển: tốt nhất là nên dò hỏi trước xem họ yêu cầu thế nào về độ tuổi.
Chu kỳ kinh tế: Các hãng hàng không hoạt động có quy trình, khi kinh tế chậm chạm, họ sẽ không tuyển dụng, khi nền kinh tế khởi sắc và phát triển, họ sẽ bị thiếu nhân lực và tăng giới hạn độ tuổi lên.

Tôi nên cho bạn biết một điều rằng một khi bạn đã đạt đủ 1500 giờ bay kể cả với động cơ phản lực hay động cơ tuốc tin cánh quạt trong một hãng hàng không, hay bất kì công việc nào trong hàng hàng không, lúc này tuổi tác không còn là vấn đề quá nghiêm trọng nữa trừ khi bạn quá 50 tuổi. Chỉ cần bạn có đủ kinh nghiệm, không cần phải lo về vấn đề tuổi tác.

Một chân làm việc cho hãng hàng không đôi khi khá khó để vào, nhưng một khi bạn đã vào được và có kinh nghiệm (và sức khỏe tốt) thì khi bạn muốn tìm hãng khác để làm cũng dễ hơn rất nhiều.

Nếu bạn muốn học khi đã đứng tuổi, nên biết rằng bạn sẽ bất lợi ở một thứ được đánh giá khá cao trong ngành, với tỉ lệ gần như tuyệt đối: thâm niên làm việc. Nói một cách đơn giản, nếu bạn bắt đầu ở một hãng hàng không lớn ở tuổi 40, có thể khoảng 48 – 50 tuổi bạn sẽ có một lịch làm việc thoải mái và các ngày nghỉ đầy đủ (với tư cách là cơ phó cấp cao), nhưng khi được thăng chức làm cơ trưởng, bạn sẽ lại là lính mới và phải thực hiện các chuyến bay quay đầu mà không ai muốn. Có thể bạn sẽ phải làm việc cả Giáng sinh và năm mới và tất cả các ngày nghỉ lễ khác trong vòng vài năm. Bạn sẽ thường thấy các phi công này không muốn nghe mấy mệnh lệnh nữa, vì nó sẽ phá hủy cuộc sống thoải mái của họ.

Bài sau sẽ nói nhiều hơn về thâm niên làm việc.
_________________
Link bài viết gốc: https://qr.ae/TczIzy