Tút… tút…Alo
Con đây, con phải ra Hà Nội rồi bố ạ
Sao đã đi sớm thế, bố bảo, mấy lọ thuốc nhỏ mắt bố mua sẵn cho mày để ở xe rồi đấy. À, với gói xúc xích bố treo sẵn đó rồi, mang lên ăn .
Vâng… con thấy rồi… tút...tút… Tôi cúp máy.
Mấy bữa xe hỏng cũng phải tự một tay bố mang đi sửa cho, có lẽ ông muốn tự mình mang đi cho yên tâm chứ cái thằng ngố kia có bao giờ để ý đến xe cộ đâu mà đòi sửa, sửa được cái này lại hỏng cái kia thì cũng tội. Ngộ nhỡ đang đi lại gặp tai nạn vì cái xe.

Bố tôi thương con, nhưng thương chỉ để trong lòng, thương đặt trong hành động, ông chẳng bao giờ nói thẳng hay bày tỏ tình cảm với tôi. Có lần tôi ra Hà Nội, ông muốn nhắc tôi đi học cẩn thận nhưng cũng phải bảo mẹ nhắc hộ. Tôi biết điều đó vì nghe mẹ kể.

Tôi và bố chẳng mấy khi tâm sự, có chăng chỉ là trên mâm cơm cả gia đình cùng nói chuyện, thi thoảng ông khuyên tôi những chuyện mà cái tuổi nửa mùa này tôi hay va chạm. Rằng ra ngoài phải sống sao cho phải phép. Có khi lại là cả một tràng dài “Ngày xưa tao…chúng mày bây giờ...”

Bố hay kể về việc ngày xưa nhà nghèo lắm, bố không được đi học nhiều, học xong phải tranh thủ đi mò cua. Rồi đến khi về chưa được cái gì vào bụng đã phải dắt con trâu ra đồng chăn nó ăn no mới được về không thì bị ông nội mắng. Mấy câu chuyện ấy tôi gần như thuộc làu, mà sao bố cứ kể đi kể lại hoài làm tôi đến chán. Mấy lúc đó tôi cũng chỉ ngồi nghe vậy thôi để an lòng bố chứ đầu óc lại để ở một nơi nào đó ngoài thành phố nhộn nhịp, chứ cũng đâu có để ý nỗi mệt nhọc, thiếu thốn của bố lúc bấy giờ.

Hai bố con cứ thế, có những chuyện muốn nói với con thì lại nói qua mẹ, tôi cũng vậy, nhiều khi tôi thấy mình và bố cứ ngồ ngộ.

Bố không cưng, không nhẹ nhàng hay chiều theo mọi sở thích của tôi, ông chỉ đứng lặng lẽ một bên, cho tôi những lời khuyên, nhưng tôi thường hay bỏ ngoài tai, hoặc phản ứng bằng những cuộc đấu khẩu long trời lở đất rồi kết thúc bằng sự im lặng trong bữa tối, những lúc như vậy tôi cố và nốt bát cơm cho xong rồi xin phép bỏ lên phòng.

Bố rất nóng tính nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ đánh con (Tôi chỉ nhớ duy nhất có một lần ông cho tôi một cái vào mặt cực đau hồi còn nhỏ, tôi chẳng nhớ lý do nữa). Mấy lúc ngang ngược, nghĩ lại đáng lẽ ra tôi phải bị ăn mấy cái bạt tai với cái tính nóng nảy của bố. Nhưng ông không làm vậy, đến giờ tôi vẫn chưa hiểu hết tại sao. Chắc có lẽ ngày xưa ông cũng giống tôi, ông hiểu hết cái tính bồng bột, mạnh bạo không cần lý do của của một thằng con trai mới lớn, cái tôi với nó đơn giản chỉ là được đứng trên người khác. Tôi hiểu ông đã vị tha, bỏ qua cho tôi đến thế nào.

Bố cực kỳ ghét mấy thằng ra đường trăm trổ, xỏ khuyên lại còn đầu xanh đầu đỏ, ông bảo đấy là cái bọn đua đòi, rồi hỏng người. Có lần, tôi ngỏ ý muốn nhuộm tóc, chẳng nói gì, ông lườm tôi một cái căng như chão, tôi thấy thế cũng biết đường mà im. Thấy vậy, mẹ đỡ lời: “Thôi, nhuộm làm gì, hại tóc hại đầu lắm” khiến bữa cơm được tiếp tục.

Ấy vậy mà tôi lại không nghe lời bố. Lần đó tôi về nhà với một cái đầu hơi bạc vì màu nhuộm phai, ngập ngừng trong bữa tối lạnh ngắt của cả gia đình, không ai nói gì. Tôi không lo bố sẽ mắng hay thậm chí là đánh đập vì đến giờ tôi không còn sợ đau nữa. Tôi lo bố lại phải suy nghĩ vì đứa con hay làm trái ý mình.

Kết thúc bữa cơm, bố nhìn tôi chằm chằm. “Mày già nhanh nhỉ, tóc bạc hơn cả bố rồi” Bố bảo. 
Câu nói nửa đùa nữa nghiêm túc khiến tôi an lòng, tôi chỉ biết cười gượng. Tôi hiểu đó lại là một lần bố tha thứ, bỏ qua cho tôi. Và hơn nữa, tôi hiểu điều đó là sự tôn trọng bố dành cho sự lựa chọn của tôi, tôi và bố đã hiểu nhau hơn.

Với người trẻ chúng ta, những suy nghĩ của bố mẹ là như thế, một phần thuộc về quá khứ, thật khó nắm bắt. Một vài thứ chúng ta coi đó là bình thường, chúng ta coi trọng cái tôi từ mong muốn được thể hiện mình, đến những thứ bên ngoài là đầu tóc hay cách ăn mặc.
Xã hội hiện đại, ta coi cái tôi là quyền riêng tư, là cuộc sống riêng, thì với bố mẹ tất cả những gì họ nghĩ chỉ là con cái, họ chỉ cần biết chúng ta làm gì và làm như thế có tốt cho chúng ta hay không, rằng họ chỉ cần biết chúng ta an toàn trong sự lựa chọn của chính mình, vậy thôi.