Xem nặn mụn có thể dạy bạn về Flow, Deep Work và ý nghĩa cuộc đời như thế nào?
Bạn mình đùa rằng, trên đời này có 2 loại người: những người cực kỳ thấy kinh khi xem nặn mụn (tắt ngay sau 10s) & những người có thể...
Bạn mình đùa rằng, trên đời này có 2 loại người: những người cực kỳ thấy kinh khi xem nặn mụn (tắt ngay sau 10s) & những người có thể dành cả ngày chủ nhật để xem vài chục Video chích mụn.
Mình cũng từng xem thử (cảm giác sướng khó tả thật), nhưng mục đích của bài này là muốn thử "triết học" về nặn mụn và thử tâm tư xem cuộc đời của bạn có thể khá lên ngay lập tức nhờ áp dụng những insights (tuệ) từ một thói quen ngày càng phổ biến (nhưng ít được thừa nhận) này.
Trong cuốn Flow, Csikszentmihalyi (có lẽ nhà tâm lý học có tên khó đọc nhất), nhận thấy ra một trạng thái "cực khoái" mà thỉnh thoảng 1 số người, thuộc đủ loại "cơ địa", được trải nghiệm, và họ coi đó là lúc họ thấy sung sướng nhất nhì trong đời.
Có thể bạn đã từng được trải nghiệm sự "trôi" này khi Deep Work, cảm giác đang phiêu, phê, mất ý thức về thời gian, cái tôi bị tan chảy vào trong công việc, đầu óc cực kỳ tập trung, nhưng lại không thấy đau, hay mệt...
Và sau 1 thời gian nghiên cứu thì ông nêu được 1 số tiêu chí, để từ đó, bạn có thể giúp đưa những công việc bạn đang làm buồn tẻ hàng ngày như đi làm, đi học, đọc sách, học IELTS... vào DÒNG CHẢY. ***
Mình tạm lấy ví dụ Nặn Mụn để phân tích cho dễ hiểu & dễ hình dung.
1. Thách thức vừa đủ
Đếm lá đa là 1 công việc buồn tẻ vì nó quá dễ, Đọc New Yorker cũng là 1 công việc buồn tẻ vì quá nhiều từ mới.
Có quá nhiều thử thách tất nhiên là sẽ gục, nhưng vấn đề mà mình gặp gần đây hơn của 9x là: chẳng có thách thức gì, đời quá bình yên, nên họ cảm thấy chán.
Không khủng hoảng, không áp lực, ý chí (và ý nghĩa) sống nó giống như cơ bụng, sau vài tháng thì nhũn & bèo nhèo hết lại.
"Without challenge, life had no meaning.” [Đó là lý do tại sao nhiều người có thể nghiện việc, vì cảm giác được thử thách bản thân còn sướng hơn cả là đi nghỉ ngơi hay an nhàn ngủ nghỉ].
Nặn mụn thì khá khớp vào khoảng này, vì nó không quá dễ, và cũng không quá khó. Có những cái mụn, phải xoay đủ các góc, phải chích, phải dùng nhíp, kẹp, thì lấy mới ra được, độ điêu luyện nhìn từ ngoài không khác mấy 1 bác sĩ phẫu thuật.
2. Sướng khi làm (không chỉ khi đạt được mục tiêu)
Thuật ngữ của vừa làm, vừa sướng là "Autotelic", theo gốc Hy Lạp, auto là self, telic là goal. Nghĩa là bạn làm vì bản thân quá trình đã thấy sướng râm ran rồi, chứ không chỉ vì phần sau đó.
Đi làm công sở phần lớn là làm vì phần thưởng (lương tinh tinh cuối tháng, chứ quá trình làm, từ ngày 1-29 hàng tháng, thì nhiều người rất ghét). Sex là 1 hoạt động Autotelic, vì phần lớn chúng ta sung sướng ngay trong quá trình, chứ không chỉ là phần thưởng (có em bé chẳng hạn hoặc đánh dấu tích vào To-do List hàng ngày: Đã XXX).
Bạn sẽ không/khó vào flow nếu từng giây, từng phút, bạn làm, bạn căm ghét nó, chửi thề nó, muốn thoát khỏi nó, thà trả ai đó tiền để làm nó hộ bạn.
Nặn mụn dĩ nhiên đáp ứng tiêu chí này, nếu không thì các Video đã không đủ Views để ăn tiền quảng cáo.
3. Có Mục tiêu rõ ràng & Feedback
Công việc chán nhất là chẳng biết mình phải làm gì (hoặc gặp phải ông sếp mù đường như bạn). Công việc chán không kém là không có Feedback trong hành động.
Hành vi sẽ chết yểu, nếu không có Feedback, có lẽ 1 quy tắc quan trọng nhất bạn nên ghi nhớ từ tâm lý học hành vi. Dù có nghiện selfie cỡ nào, mà 1,000 cái ảnh đều không một lượt like nào thì khả năng cao là sẽ không có Status thứ 1,001.
Chơi bóng đá là thứ có mục tiêu rõ ràng (sút bóng vào lưới), xem phim là thứ có mục tiêu rõ ràng [dù có thể vô thức] (Avengers phải giết được Thanos).
Lái xe là hoạt động có Feedback (nhấn ga thì tốc độ tăng lên), Vẽ tranh cũng có Feedback (Vẽ màu đỏ thì hiện ra màu đỏ), Chơi Game là thứ có quá nhiều Feedback (tiếng tung chưởng, hiệu ứng đồ hoạ, hệ thống điểm, level, badge...).
Vậy nên, muốn nhập vào "flow" để "lên đồng", hành vi của bạn nên có các Feedback liên tục & có mục tiêu cực kỳ rõ ràng.
[Nếu bảo con chó nhà bạn hãy sống có ước mơ đi & ngày mai hãy sống lành mạnh, nó nghĩ triệu năm cũng không ra, phải làm gì trong 5 phút tới, 10 ngày tới, 1 tháng tới].
Nặn mụn thì quá chuẩn. Ấn phát là ra nước các thể loại. Mục tiêu cũng quá là hiện hữu: khai quật được cái mụn đó.
4. Sự tập trung cao độ
Ngoài việc chiếu 1 chiếc bóng đèn Pixar vào tên mụn, giúp thu hẹp sự chú ý, thường người nặn mụn sẽ không thể vừa nặn, vừa để đầu óc lảng vảng: bụng mình đói quá, gọi gì về ăn nhỉ; nay nộp tiền mạng rồi mà quên chưa đóng; em ấy bảo đi tí mà mãi chưa về... nói chung là đầu óc trên mây. Cơ thể một nơi, mà tâm ở nơi khác.
Khi nhập mode "Deep work", mọi sự thừa thãi của cuộc sống sẽ tự dưng bị mờ đi (như khi bạn xoá phông), và mọi sự hỗn loạn phải dẹp hết để "chỉ còn mình ta với nồng nàn".
Lúc này cảm giác bản ngã sẽ tan ra, và bạn như bị nhập hồn vào việc bạn đang làm. Không phải bạn đang chơi nhạc, mà nhạc đang "chơi" bạn.
Tóm lại, bạn có thể lấy nặn mụn làm một tấm gương chuẩn mực để soi xét lại các mục tiêu của mình hay giúp mình đạt được Flow.
1. Mục tiêu siêu rõ ràng & có Feedback về hành vi của bạn liên tục.
2. Mục tiêu phải rất thử thách, không thể khiến bạn vô cảm vì quá dễ, cũng không được khiến bạn chán nản vì quá khó.
3. Bạn nên (phải) cảm thấy sung sướng, hạnh phúc, vui vẻ, thoả mãn khi làm việc đó, chứ không chỉ là sau đó.
4. Bạn phải tập trung thật cao độ, tránh mọi sao nhãng, như người gỡ bom, để mất ý thức về sự tồn tại của bản ngã & nhập hồn vào việc mình đang làm.
*** Csikszentmihalyi viết Flow là "một cảm giác những kỹ năng của một cá nhân vừa đủ để đối phó với các thách thức trong tầm tay, bao gọn trong một hệ thống hành động được định hướng theo mục tiêu, có các luật chơi rõ ràng, cung cấp các feedback cụ thể về việc một cá nhân đang thực hiện tốt tới đâu.
Sự tập trung mãnh liệt đến mức không còn sự chú tâm để suy nghĩ về bất cứ điều gì không liên quan, hoặc lo lắng về các vấn đề tầm phào. Ý thức về cái tôi biến mất, và cảm giác thời gian trở nên biến dạng.
Một hoạt động tạo ra những trải nghiệm như vậy gây sung sướng đến nỗi mọi người sẵn sàng làm điều đó vì giá trị của chính nó, mà không để tâm đến lợi ích nhận được sau này, ngay cả khi việc này rất khó khăn hoặc nguy hiểm."
Trích từ: Flow: The Psychology of Optimal Experience
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất